Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày

(Những bài suy niệm hằng ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Thứ Tư tuần II Mùa Phục Sinh (Ga 3,16-21)

Sự Sáng Ðã Ðến Thế Gian

 

Trong một tờ báo lưu hành nội bộ nói về thời sự mà ai được xem qua có lẽ cũng sẽ nhớ mãi. Ðoạn phim thuật lại tai nạn không lưu tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ vào năm 1982. Một máy bay vừa cất cánh khỏi phi đạo vài trăm thước bỗng nhiên đâm sầm xuống dòng sông Potamac. Sự việc xảy ra quá đột ngột khiến ống kính truyền hình cũng chẳng kịp thu lại diễn tiến này. Chỉ còn lại cho người xem thấy được đoạn cuối của sự việc lúc chiếc máy bay đang chìm dần xuống dòng sông. Một ít người may mắn thoát ra được khỏi máy bay. Giữa đám người đang cố vùng vẫy, ngoi ngóp tìm kiếm sự sống còn này nổi bật hẳn lên khuôn mặt của một người đàn ông với hàng ria mép rậm. Xem cách bơi thì chắc chắn ông không phải là người giỏi về bơi lội, thế mà ông cứ lẩn quẩn mãi ở chỗ xảy ra tai nạn, chẳng chịu bơi vào bờ. Chiếc trực thăng cấp cứu xà tới, và như thế vóc người to lớn của ông trở thành tâm điểm để người ta ném phao cấp cứu. Thế nhưng, mỗi lần chiếc phao tới thì ông lại đẩy sang cho người bên cạnh, sau ba lần nhường phao như vậy, ông bắt đầu đuối nhưng ông vẫn cố gắng và lần sau cùng thì người ông đã từ từ mất hút giữa dòng sông.

Anh chị em thân mến!

Hy sinh cho người thân yêu là một đòi hỏi thường tình của đức ái. Hy sinh cho người xa lạ là một điều đáng khâm phục trong yêu thương. Sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người khác được sống quả là một hình ảnh diễn tả tuyệt vời của tình yêu.

Mở đầu bài Tin Mừng, thánh Gioan đã khẳng định: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nổi đã ban Con Một Ngài. Nếu ai tin vào Con Một Ngài thì không phải hư mất, nhưng được cứu độ". Người Con đã cứu thoát thế gian bằng cách hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên Thập Giá là bộc lộ tận cùng của tình yêu.

Tuy nhiên, nếu Ngài chết đi mà không sống lại thì vẫn chưa diễn tả trọn vẹn khuôn mặt của Thiên Chúa trong tình yêu. Sự Phục Sinh của Ðức Kitô nói lên quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời tô điểm thêm ý nghĩa cái chết của Ngài.

Một Thiên Chúa quyền năng có thể cứu thế gian không cần phải làm người hoặc chết trên Thập Giá. Thế nhưng, Ngài đã chọn phương thế này vì muốn cho con người có cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Ngài theo cách thức loài người.

"Hy sinh vì người mình yêu". Khi cống hiến cho người cảm nghiệm được tình yêu Ngài, Thiên Chúa không muốn gì hơn là sự đáp trả. Tình yêu nào mà chẳng cần đáp trả, chính do thái độ đáp trả hay chối từ mà con người bị luật phạt hay không, vì Thiên Chúa không sai Con người đến để xử án thế gian nhưng nhờ Ngài mà được cứu rỗi. Ðức Kitô là mặt trời công chính, Ngài đến với hết mọi người, đặc biệt là những người đang bị vây hãm trong bóng tối tội lỗi. Ngài không kết án họ, nhưng luôn giang rộng đôi tay đón mời họ trở về.

Tội lỗi và yếu đuối là thân phận con người, nhưng nếu con người vẫn cứ ẩn mình trong tội lỗi, thích bóng tối hơn sự sáng, thì chắc chắn họ sẽ bị luật phạt. Biệt phái và luật sĩ bị Chúa Giêsu khiển trách nặng nề vì họ cố chấp trong sai lầm, không dám đối diện với ánh sáng, sợ rằng việc làm của mình sẽ bị phơi bày. Chúa Giêsu đã chỉ trích cho họ thấy khiếm khuyết nhưng họ vẫn cứng lòng. Thế nên, về sau, những lời chúc dữ "khốn cho các ngươi" được dành cho họ hoàn toàn.

Lạy Chúa, đối diện với sự thật, với ánh sáng có lẽ ai trong chúng con cũng ngại ngùng muốn lẩn trốn vì sợ các việc làm xấu xa của mình bị phơi bày. Xin cho chúng con nhớ rằng Chúa đến không để luật phạt, nhưng để cho chúng con được sống. Xin cho chúng con mạnh dạn tiến bước tới nguồn ánh sáng của Chúa để tâm hồn chúng con được thanh tẩy nên trong sáng vẹn tuyền. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page