Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày

(Những bài suy niệm hằng ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật IV Mùa Chay (Lc 15,1-3.11-32)

Người Con Hoang Ðàng

 

Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa, đó là câu chuyện danh họa Leonard da Vinci đi tìm người mẫu để họa lại khuôn mặt của Giuđa, kẻ phản bội Chúa. Khi vẽ bức tranh "Bữa Tiệc Ly" trong nhà cơm của tu viện "Ðức Mẹ Ban Ơn" tại thành phố Malina, phía Bắc nước Italia, ông vẽ rất chậm vì không tìm ra các người mẫu thích hợp. Một hôm, ông gặp trong công viên Casellor một thanh niên tên là Fx. Baldisteny có gương mặt bầu dục tuyệt đẹp, với vầng trán an hòa và quí phái, đôi mắt sâu và trong suốt, tóc vàng hoe có gợn sóng. Leonardo da Vinci liền mời chàng trai tuấn tú ấy đến ngồi làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu.

Vài năm sau, bức họa vẫn chưa xong, Leonard da Vinci ngày đêm gãi đầu bứt tai, vì không sao tìm ra được một người có gương mặt dữ dằn làm mẫu để vẽ hình Giuđa, kẻ phản bội đã nộp Chúa. Tình cờ vào một buổi chiều nọ, khi bước vào một quán ăn, Leonard da Vinci trông thấy một người đàn ông có gương mặt xấu xí dữ dằn đang nhìn các người khách đánh cá ngựa, hắn chửi thề luôn miệng. Leonard da Vinci vui mừng vì đã tìm thấy một người đàn ông đang cần. Ông gọi hắn ra một góc và đề nghị nếu hắn nhận làm mẫu cho ông vẽ thì sẽ được thưởng nhiều tiền. Gã đàn ông nhận lời và đã cùng với họa sĩ Leonard da Vinci vào trong tu viện "Ðức Bà Ban Ơn".

Trong lúc Leonard da Vinci chăm chú nhìn gương mặt gã với vầng trán buồn, đôi mắt dữ tợn, tóc tai dựng đứng và chợt nhớ đến một kỷ niệm, thì ông nghe một tiếng nấc nghẹn ngào.

Ông hỏi hắn:

- Có chuyện gì vậy? Bác cảm thấy người không khỏe hay sao?

Gã đàn ông trả lời:

- Không! Tôi khóc vì căm hận cuộc đời tàn tạ hư đốn của tôi.

Leonard da Vinci lại hỏi:

- Thế nghĩa là sao?

Gã đàn ông trả lời:

- Thưa thầy, chắc thầy còn nhớ cách đây ba năm tôi cũng ngồi ghế này làm mẫu cho thầy vẽ hình Chúa Giêsu... Gã đàn ông nhìn bức tranh gần hoàn thành trên tường, thở dài và nói tiếp: "Tôi thật là một tên khốn nạn. Ðam mê và tội lỗi đã biến tôi ra thân tàn ma dại như thế này".

Anh chị em thân mến!

Mẩu chuyện trên giúp chúng ta cảm nhận thấm thía ý nghĩa dụ ngôn "Người Con Hoang Ðàng" của Chúa Nhật IV Mùa Chay. Dụ ngôn "Người Con Hoang Ðàng" trong Tin Mừng thánh Luca là một trong những dụ ngôn hay cảm động nhất, chứng minh được tài giảng dạy của Chúa Giêsu.

Có ba nhân tố giúp chúng ta hiểu dụ ngôn một cách sâu đậm hơn:

Thứ nhất là động từ "lẩm bẩm". Trong ngôn ngữ của Kinh Thánh, "lẩm bẩm" là động từ diễn tả thái độ của dân Do thái chống đối, khước từ ơn cứu rỗi của Ngài. Ðó là động từ chúng ta thường gặp trong sách Xuất Hành, Dân Số, Ðệ Nhị Luật, đề cập đến 40 năm dân Israel lang thang trong sa mạc mà thường xuyên nổi loạn chống lại Thiên Chúa và phản đối các ơn của Ngài.

"Lẩm bẩm" cũng là động từ diễn tả thái độ của con người tội lỗi, bé nhỏ, tối tăm u muội trong bụi tro, nhưng lại yêu sách, muốn chỉ vẽ cho Thiên Chúa biết phải hành xử như thế nào và phải làm gì để cứu rỗi nhân loại. Ðây cũng là thái độ mà người biệt phái và luật sĩ hành xử đối với Chúa Giêsu. Cũng giống như cha ông họ ngày xưa. Họ lẩm bẩm chỉ trích Chúa Giêsu giao du, nói chuyện và ăn uống với những người thu thuế và bọn tội lỗi, đĩ điếm.

Khi kể cho họ nghe dụ ngôn "Người Con Hoang Ðàng", Chúa Giêsu muốn dạy cho người ta biết rằng: "Thiên Chúa không suy tư và hành động như vậy". Trước lời phản kháng của người con cả muốn cha mình đập cho thằng em hư đốn một trận nhừ tử nên thân, rồi tống cổ nó ra khỏi nhà. Người cha hiền từ trả lời: "Em con đã hư mất mà nay lại tìm thấy".

Ðộng từ "hư mất" là nhân tố thứ hai giúp chúng ta hiểu rõ sứ điệp của dụ ngôn. Trong Phúc Âm, từ "hư mất" không có nghĩa luân lý như chúng ta thường hiểu trong ngôn ngữ ngày nay. Từ "hư mất" ở đây có nghĩa là hoàn toàn thất bại trong ơn gọi làm người và lam con cái Thiên Chúa của mình. Nó ám chỉ thái độ khước từ sự trở về trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa Tạo Hóa. trở về với lòng bàn tay của Ðấng đã nhào nặn nên con người. Nhưng Thiên Chúa, Ðấng đã sáng tạo nên con người, cốt để cho con người được sống tràn đầy hạnh phúc, Ngài không thể ngồi yên để nhìn thấy sự thất bại hoàn toàn đó của con người.

Ðây là một lý do khác khiến Chúa Giêsu kể cho mọi người nghe trong dụ ngôn "Người Con Hoang Ðàng". Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng ơn cứu độ mà Thiên Chúa muốn ban cho con người là một sự kiện, một thực tại cụ thể. Con người được tiếp nhận ơn cứu độ trong vòng tay yêu thương ấp ủ của Thiên Chúa.

Nhân tố thứ ba giúp chúng ta hiểu rõ dụ ngôn một cách sâu xa. Ðó là sự hiện diện của người anh cả trong câu chuyện. Kiểu cách suy tư và hành xử của người anh cả diễn tả kiểu sống của tất cả những ai không hiểu và không chấp nhận thái độ hành xử của Thiên Chúa. Người anh cả tưởng rằng: Thiên Chúa chỉ có nhiệm vụ thưởng người có công, phạt kẻ có tội. Người anh cả đã không hiểu rằng: Thiên Chúa không thể đứng yên nhìn cảnh con người bị hư mất, phải thất bại trong ơn gọi làm người do chính Ngài tạo dựng nên, gìn giữ, yêu thương quí mến, nâng niu trong lòng bàn tay nhân hiền của Ngài. Ðể cứu rỗi loài người khỏi hư mất, khỏi thất bại trong ơn gọi cao cả ấy, Thiên Chúa đã nhập thể làm người, làm anh, làm cha, làm mẹ để đem người con trở về trong vòng tay yêu thương của Ngài.

Khi rộng mở vòng tay ôm lấy đứa con hoang đàng vào lòng là Thiên Chúa canh tân niềm vui tạo dựng, y như khi Ngài nâng niu con người trong vòng bàn tay thánh thiện quyền năng của Ngài trong thời sáng tạo. Con người xinh đẹp vẹn toàn ấy đã hư mất mà nay lại trở về cùng Cha. Chính vì thế, nên phải mở tiệc mừng con nay đã đoàn tụ cùng Cha.

Chúng ta không biết câu chuyện kết thúc ra sao? Không hiểu khi tha thứ, phục hồi phẩm giá cho người con thứ đã hư mất, người cha già có thành công trong việc thuyết phục người con cả vui vẻ vào nhà dự tiệc mừng em sống lại hay không? Nhưng chúng ta biết điều chắc chắn là đa số trong chúng ta đều có cùng một tâm thức và cung cách hành xử như người con cả. Chúng ta không bỏ Chúa đi hoang, nhưng lối hành xử của chúng ta không phản ảnh tinh thần Tin Mừng của Chúa, nghĩa là chúng ta cũng rất xa Chúa và như thế có khác nào chúng ta cũng hư mất.

Cũng giống như người con cả trong dụ ngôn, cho đến nay chúng ta chưa quyết định bỏ Chúa, nhưng chúng ta cũng chưa bao giờ nhất quyết bước vô nhà, sống với Chúa thực sự: "Con ơi, mọi sự của cha là của con". Chính lời nói đó của người cha già khiến anh con cả sợ hãi. Anh sợ hãi phải có một con tim, như con tim nhân hiền quảng đại vô bờ bến của người cha. Anh sợ hãi phải có một cái nhìn yêu thương đại đồng và tâm tình bao dung của cha. Anh sợ hãi phải sống mà không hề nuôi các tâm tình thù ghét, báo oán, gian ác trong lòng.

Cũng giống như người con cả của dụ ngôn, chúng ta sợ hãi phải trở nên giống Chúa hoàn toàn, phải chia sẻ mọi sự với Chúa và nên thánh như Cha. Do đó, chúng ta giữ đạo nhưng không sống đạo. Có thể chúng ta thường xuyên đi dự lễ ngày Chúa nhật hay cả ngày thường nữa, đọc kinh và lãnh nhận các bí tích, nhưng đạo không thấm vào lòng chúng ta. Ra khỏi nhà thờ, chúng ta ăn nói chua ngoa và hành xử gian dối, không hề biết Tin Mừng của Chúa, và đạo đó quả thật là đạo nhà thờ. Nhưng sống như thế là chúng ta khước từ chấp nhận mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Chúa, như thế là đi hoang rồi.

Trong chương II Cor 5,17-21 thánh Phaolô kêu gọi mọi người sống tình trạng ơn thánh mà Chúa Giêsu Kitô đã trao ban cho mọi người qua cái chết và sự Phục Sinh của Ngài, nghĩa là sống như một thụ tạo mới với một con tim mới và một tinh thần mới, như ngôn sứ Giêrêmia đã khẳng định trong chương 31 và ngôn sứ Ézékiel loan báo trong chương 36. Ơn hòa giải mà Thiên Chúa trao ban cho con người qua cái chết của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là ơn tha thứ và ơn cứu độ. Cuộc sống mới ấy trao ban trở lại cho con người mối liên hệ quân bình với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình, như trong thời tạo dựng trước khi loài người phạm tội bỏ Chúa đi hoang.

Tiên tri Giosuê đã nhắc lại cho dân Do thái biết lời hứa cứu độ thực hiện qua biến cố Thiên Chúa giải phóng họ khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập và dẫn đưa họ trở về đất hứa. Cuộc sống khổ nhục, buồn thương không tự do, không phẩm giá bên Ai Cập và những khổ nhọc của cuộc Xuất Hành xưa kia không còn nữa. Giờ đây, dân Do thái bước vào đất hứa và bắt đầu một cuộc sống mới, với các buổi lễ vui vẻ, với công việc phụng tự và các cơ cấu đánh dấu một khúc rẽ mới trong lịch sử của một dân tộc luôn được Thiên Chúa yêu thương che chở, và mời gọi họ tiến bước theo Ngài. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page