Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày

(Những bài suy niệm hằng ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật I Mùa Vọng (Lc 21,25-28.34-36)

Ngày Chúa Ngự Ðến

 

Vào năm 1987, người ta cho trình chiếu cuốn phim mang tựa đề: "After day", nghĩa là "ngày sau đó" kể lại nghịch cảnh của ít người dân trong thành phố lớn thuộc miền Bắc Hoa Kỳ còn sống sót sau một trận bom nguyên tử. Vụ nổ bom hạt nhân đã xảy ra vì cái điên loạn của con người khi quyết định dùng vũ khí hạt nhân để hủy diệt sự sống của mọi sinh vật, thuộc mọi đại lục trên thế giới. Ngày tận thế ấy kéo theo cảnh chết chóc, hoang tàn đổ nát, đau khổ và thất vọng của những người đang chờ đến lượt mình phải chết, vì bị nhiễm chất phóng xạ, bị thương tích và bị thiếu đồ ăn thức uống.

Trong cảnh đổ nát hoang tàn và chết chóc ấy, những người còn sống sót đã tàn sát nhau để tranh giành từng miếng bánh, từng chút bột, từng ngụm nước. Trong nháy mắt, thế giới văn minh của loài người biến khỏi mặt đất và con người phải đứng trước cảnh đổ nát với hai bàn tay trắng, bất lực và tuyệt vọng.

Anh chị em thân mến!

Các bài đọc trong Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay cũng nói với chúng ta về ngày tận thế, nhưng không phải là ngày tận thế bị chết chóc, buồn thương, mà là ngày tận thế khởi đầu cho một cuộc sống mới. Ðó là cuộc sống của tự do và của ơn cứu độ mà tiên tri Giêrêmia đã loan báo (Gr 34,14-16). Ðó là một đời sống vất vả, tiêu biểu cho nền thần học cứu thế của Kinh Thánh Cựu Ước. Ðiểm nòng cốt của nền thần học cứu thế là sự chờ đợi ngày Ðấng Thiên Sai, Ðấng Cứu Thế ngự đến, để thiết lập trời mới và đất mới trong thế giới loài người. Trong những "ngày đó" hay "thời đó", là kiểu nói các thánh dùng để diễn tả tiến trình thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại theo ý muốn và sự sắp xếp quan phòng của Ngài. Ðặc biệt là thời điểm và các biến cố của lịch sử Con Thiên Chúa.

Trong bối cảnh của "ngày đó" và "thời đó", tiên tri Giêrêmia có ý ám chỉ tình trạng thời lưu đày buồn thương của dân Do Thái và thảm cảnh phân rẽ của hai vương quốc Bắc Nam. Nhưng Thiên Chúa sẽ tập họp dân chúng thuộc hai vương quốc ấy lại với nhau, và cho họ được thoát kiếp sống nô lệ đày ải để trở về quê cha đất tổ.

Tuy nhiên, lời sấm trên đây của Thiên Chúa vượt xa khỏi khung cảnh lịch sử cụ thể của dân Do Thái. Bởi vì nó có thể được áp dụng vào cuộc sống của con người, thuộc mọi thời đại trên khắp thế giới. Một con người bị tội lỗi phân rẽ tâm lòng nó và sống kiếp đày ải xa rời Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người trong các thời điểm khác nhau, nhưng liên tục trong dòng lịch sử. Do đó, vấn đề là chúng ta có biết nhận ra thời điểm đó hay không?

Mầm mống của sự sống là tên mà truyền thống Kinh Thánh dùng để gọi Ðấng Cứu Thế. Trong sa mạc nóng bỏng khô cằn của loài người, trên thân cây khô héo khẳng khiu của dòng tộc David, Thiên Chúa khiến cho chồi lộc của niềm hy vọng, của ơn cứu độ tràn đầy tươi tốt. Tên gọi mầm giống sự công chính là một cách thế hành động của Thiên Chúa. Nếu tâm thức loài người thích phô trương, khoe khoang và chọn lựa cái vĩ đại to tát, thì Thiên Chúa lại ưa thích cách hành xử khiêm tốn, kín đáo, nghèo hèn, bé nhỏ. Ðó là hình ảnh Ðấng Cứu Thế tình thương được sinh ra từ lòng Trinh Nữ Maria. Chính Ngài là mầm giống của sự sống mới mà Thiên Chúa muốn tưới trồng vào mầm giống nhân loại. Mặc dầu nhân loại tội lỗi khô cằn hấp hối, nhưng qua mầm giống sự công chính là Ðấng Cứu Thế, Thiên Chúa không ngừng cống hiến nhựa sống thiên linh của Ngài cho con người. Ðấng Cứu Thế sẽ tái lập công bằng trong vương quốc của Ngài, trong đó Ngài sẽ được gọi là Thiên Chúa sự công chính của chúng ta.

Trong Kinh Thánh, "sự công chính" đồng nghĩa với "ơn cứu độ toàn vẹn" mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Nó bao gồm mọi chiều kích cuộc sống của con người, từ chính trị, kinh tế cho đến xã hội và tôn giáo. Ðạo thật là con đường sự sống dẫn đến ơn cứu độ và tạo dựng hạnh phúc trọn vẹn cho con người, đồng thời cũng là con đường dẫn đến trời mới đất mới. Do đó, thời điểm của Thiên Chúa, ngày mà Thiên Chúa đến trong tâm hồn và cuộc sống con người không phải là ngày tận diệt, nhưng là ngày giải phóng. Bởi vì nó khai mào cho một cuộc sống mới, cuộc sống theo tinh thần của con cái Thiên Chúa.

Qua giọng văn và các hình ảnh biểu tượng của nền văn chương Khải Huyền, chương 21, Phúc Âm thánh Luca ghi lại lời Chúa Giêsu kêu mời chúng ta biết tỉnh thức nhận ra các dấu chỉ của thời kỳ cứu độ ấy. Niềm tin vào ơn cứu độ giúp chúng ta hiên ngang ngẩng đầu lên và sống tươi vui tin tưởng giữa những gian lao thử thách và khổ đau của cuộc đời. Vì thế, những biến động và tai ương, cho dù có kinh thiên động địa đến đâu đi nữa cũng đều là các dấu chỉ kêu mời chúng ta hồi tâm suy nghĩ và hoán cải tâm hồn, chứ không được khiếp sợ, tê liệt, khép kín và chán nản thất vọng.

Tước hiệu "Con Người" Kinh Thánh dùng để diễn tả hành động của Chúa Giêsu Cứu Thế trong tư cách là vị quan án tối cao hành xử mọi loài mọi vật trong thời cánh chung. Quả thực, Chúa Giêsu đã đến trong giòng lịch sử của nhân loại qua biến cố Nhập Thể, qua cuộc rao truyền sự sống cứu độ, cuộc khổ nạn và cái chết cùng sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Chúa Giêsu tiếp tục đến qua Lời Ngài, qua tin vui ơn cứu độ được Giáo Hội rao giảng Tin Mừng và Chúa Giêsu sẽ trở lại trong ngày lịch sử cứu độ thành toàn viên mãn.

Muốn nhận ra sự hiện diện và bước chân theo Ngài, chúng ta phải biết tỉnh thức và cầu nguyện, nghĩa là sống và hành xử theo tinh thần Kitô, luôn để cho ánh sáng Tin Mừng cứu độ chiếu soi đời mình, đặc biệt trong những lúc phải bước đi trong đoạn đường hầm, đen tối của cuộc đời này. Chính thái độ tỉnh thức và cầu nguyện ấy sẽ giúp chúng ta không nặng nề ngủ quên trong cuộc sống của thế giới duy vật hoặc hưởng thụ. Ðồng thời còn giúp tâm hồn chúng ta không bị thế giới vật chất cầm chân và nhận chìm trước lời mời gọi của cuộc sống mới thiên linh mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta qua Chúa Giêsu là một mầm giống cần được vun trồng, chăm bón với hơi ấm của con tim và ánh sáng của lòng hy vọng.

Trong chương III thư I gởi tín hữu Thessalônica, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy một bí quyết giúp duy trì và vun trồng mầm giống sự sống thiên linh ấy một cách hữu hiệu, đó là thái độ căn bản sống đẹp lòng Thiên Chúa. Sống đẹp lòng Thiên Chúa chứ không phải sống đẹp lòng người ta, dù người ta ấy có là ai đi chăng nữa. Nhưng phải là gì để làm đẹp lòng Thiên Chúa đây? Phải lớn lên, phải trưởng thành, phải sung mãn trong tình yêu thương tha nhân. Thiên Chúa vui sướng hạnh phúc khi thấy chúng ta trưởng thành và lớn lên trong tình yêu thương ấy, tình yêu thương mà Ngài đã trao ban cho chúng ta qua chính con người của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế.

Ngoài ra, mỗi người chúng ta cần phải luôn luôn đón chờ Chúa Giêsu đến trong tâm hồn và trong cuộc đời bằng cách sống thánh thiện và kiên vững chờ đợi Chúa đến. Bởi vì sống thánh thiện tức là sống yêu thương trọn vẹn. Các thánh là những người biết noi gương Chúa Giêsu sống yêu thương trọn vẹn. Càng biết yêu thương tha nhân với một tình yêu vô vị lợi, thì càng trở nên giống Chúa Giêsu bấy nhiêu. Càng giống Thiên Chúa bấy nhiêu. Ðó là điều đẹp lòng Thiên Chúa và làm cho Ngài vui sướng hạnh phúc nhất.

Thế giới và xã hội loài người gặp nhiều khổ đau, vì con người không biết yêu thương nhau, hay không yêu thương nhau theo tinh thần Tin Mừng của Chúa mà Ngài mời gọi. Như vậy, cách thức đón chờ Chúa Giêsu hữu hiệu nhất là hãy bắt đầu yêu thương nhau. Bởi vì đó là bí quyết vun trồng mầm giống sự sống thần linh và xây dựng trời mới đất mới cách cụ thể và hữu hiệu nhất.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page