Ði tìm lại vết tích người Công Giáo Việt Nam

liên quan mật thiết với

lịch sử Giáo Hội Công giáo Thái Lan

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ði tìm lại vết tích người Công Giáo Việt Nam liên quan mật thiết với lịch sử Giáo Hội Công giáo Thái Lan.

Phái Ðoàn Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn tham dự Hội Nghị Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu về đề tài "Học thuyết xã hội Công giáo" tại Bangkok vào cuối tháng Giêng năm 2007 là dịp thuận tiện để chúng ta nhìn qua về những sự liên hệ mật thiết giữa Công giáo Thái Lan và Việt Nam.


Phái Ðoàn Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đi tìm lại vết tích người Công Giáo Việt Nam liên quan mật thiết với lịch sử Giáo Hội Công giáo Thái Lan.


Chính vì thế mà Ðức Hồng Y Tổng giáo phận Saigòn đã muốn đi theo vết tích của vị Giám mục tiên khởi miền Ðông Nam Á là Ðức Cha Lambedrt de La Motte, cũng chính là vị sáng lập Dòng Mến Thánh Giá tại 3 nước Ðông Dương để tìm hiểu về công cuộc truyền giáo của vị thừa sai tiền phong này.

Ðức Cha Lambert là Ðại Diện Tông Tòa cho miền Cochinchina đầu tiên, là Ðấng sáng lập Hội Thừa Sai Paris, và cũng là người thành lập Dòng Mến Thánh Giá trong vùng Viễn Ðông.

Theo sử liệu để lại: vào ngày 22.8.1662, Giám Mục Lambert de la Motte, Linh Mục Jean De Bourges, và Linh Mục Dedier đã tới thủ đô Ayutthaya dưới thời Vua Narai đại đế cai trị nước Siam (Xiêm la). Các vị là những Nhà Truyền Giáo tiên khởi của Hội Thừa Sai mới được thành lập là Missions Etrangères de Paris (M.E.P.). Cũng vào năm 1662 khi người Pháp tới Ayutthaya, văn kiện có ghi lại là họ được 10 linh mục người Bồ đào nha và 1 linh mục người Tây Ban Nha tiếp đón. Ðây là các linh mục đang phục vụ cho một Cộng đoàn Công giáo có khoảng 2,000 người Công giáo.

Rồi vào ngày 27.1.1664, Vị Ðại Diện Tông Tòa khác là Giám Mục Francois Pallu, cùng với Linh Mục Haingues, Linh Mục Brindeau và một trợ tá thừa sai giáo dân là ông De Chameson Foissy cũng đã tới Thái Lan.

Ðức Giám Mục Lambert và Ðức Giám Mục Pallu đều có cùng quan điểm là Thái Lan với chính sách khoan dung tôn giáo là một thích hợp và là căn cứ truyền giáo nền tảng để từ đó phát động tới các vùng khác như: Cochinchina (Nam Việt Nam), Tonkin (Bắc Việt Nam) và Trung Hoa.

Tòa Thánh Vatican với lời đề nghị của các giám mục nêu trên đã chấp thuận và ký sắc lệnh có tên là Speculatores (những trường hợp đặc thù) vào năm 1669 để bổ nhiệm vị giám mục tiên khởi cai quản việc Truyền giáo tại Thái lan. Vào ngày 13.9.1674, Linh Mục Laneau được bổ nhiệm làm Giám Mục và là Giám Quản Tông Tòa của Thái Lan và được hai Giám Mục Lambert và Pallu phong chức giám mục.

Vào năm 1665, Giám Mục Lambert đã thực thi được ý muốn của Công Ðồng Ayutthaya bằng cách cho lập Trường Học Tổng Quát "College General" ở Ayutthaya.

Năm 1669, bệnh xá đầu tiên được Giám mục Lambert cho thành lập và dưới sự giám sát của giám mục Laneau.

Phái đoàn Việt Nam trong dịp này đi thăm các di tích còn lại của cựu kinh đô Thái đó là thành Ayutthaya ngày nay đã đổ nát chỉ còn lại các tường thành, hào lũy và các tháp chùa đựng ngọc xá của các vị vua hay các sư ông.

Ðầu tiên chúng tôi đi thăm thí điểm truyền giáo đầu tiên của Thái Lan, đó là thửa đất mà các người Công giáo Bồ Ðào Nha đã tới đây buôn bán và sinh hoạt từ khoảng năm 1560. Trong khuân viên đổ nát còn thấy lại khu sinh sống và cư trú của người Bồ, đặc biệt nhất là khu nghĩa trang của ngưòi Bồ mà mới đây khi kahi quật lên còn lại những bộ xương. Các nhà khảo cổ Bồ Ðào Nha mới đây đã khai quật và biến nơi này thành một bảo tàng viện. Chính nơi đây cũng có một nhà nguyện có tên là nguyện đường Thánh Phêrô và Dominicô dành cho các người Công giáo Bồ và Trung Hoa nguyên thủy.

Sau đó, chúng tôi cũng đã tới thăm nhà thờ Thánh Giuse tại thủ đô Ayutthaya. Nơi đây chính là khu đất đầu tiên mà Vua Narai tặng cho các vị thừa sai để dùng cho việc truyền giáo. Khu đất này nằm ngay bên bờ sông đối diện với hoàng cung là khu vực đẹp và tiện nghi và tốt nhất khi đó. Lúc đầu nơi này được gọi là "Trại Thánh Giuse - St. Joseph Camp". Vào năm 1666 một ngôi nhà thờ gỗ được xây cất tại đây và đặt tên là Nhà thờ Thánh Giuse. Nhà thờ đầu tiên của Thái Lan.

Vào năm 1685 nhà thờ được trùng tu lại với kiểu Tây phương làm bằng hồ và gạch và phải 10 năm sau mới hoàn thành tức là năm 1695 dưới thời Vua Petracha.

Khi quân Miến Ðiện xâm chiếm thành Ayutthaya, người Thái dùng nhà thờ này làm nơi đồn trú và làm từ đó chống quân Miến Ðiện. Ngày 23.3.1767 quân đội Miến đã đánh bại quân Thái và đốt phá nhà thờ, cướp hết đồ thánh trong nhà thờ thánh Giuse.

Dưới thời Vua Rattaqnakosin, Ðức Cha Jean Baptist Pallegoix, giám quản của Thái Lan đã xin phép cho xây lại ngôi thánh đường, và vì có sự giao hảo tốt với Vua Rama IV nên Vua cho phép được xây cất lại. Việc xây cất khởi sự vào năm 1847 do Linh mục Albert trông coi và đốc công. Nhà thờ mới được hoàn thành và trở thành nôi khai sinh của Giáo hội Thái, vì chính tại nơi đây có mộ được chôn cất trong thánh đường của 2 vị giám mục rất quan trọng khai sinh công cuộc truyền giáo Thái lan là Ðức Cha Lambert và Ðức Cha Laneau.

Ngoài ra tại nghĩa trang đằng sau nhà thờ còn có mộ của 8 vị Giám mục giám quản Thái Lan và một của 30 vị thừa sai được chôn cất nơi đây.

Dưới thời Vua Rama V, Ðức Cha Vey làm giám quản Thái Lan (1875-1909) vì vị trí quan trọng của nhà thờ Thánh Giuse, nên một lần nữa Giám Mục Vey xin cho xây lại nhà thờ để biểu trưng được tính cách quan trọng của cứ điểm truyền giáo ti6n khởi này. Năm 1888 công việc khởi công dưới sự điều hành của Cha Perreau và do kiến trúc sư người Ý là ông Joachim Grassi vẽ kiểu. Công trình kiến trúc hoàn thành và vào và ngày 17.4.1891 Ðức Cha Vey đã long trọng khánh thành nhà thờ mới.

Cho đến nay đã hơn 100 năm ngôi nhà thờ vẫn lộng lẫy đứng thi gan tùng tuế nguyệt và soi mình dưới dòng sông, phản chiếu bên kia bờ là những đổ nát của kinh đô cũ Ayatthaya cuả Thái Lan.

Ðến năm 2003 Ðức Hồng Y Michael Kibunchu cho phép tân trang lại thánh đường và một lần nữa khánh thành vào ngày 20.3.2004 qui tụ tất cả hàng giáo phẩm Thái Lan và giáo dân về đây để ôn lại quá trình truyền giáo của mình.

Ðể thưởng thức và có được kinh nghiệm đi lại khi xưa các nhà truyền giáo như thế nào, một linh mục ngưòi Thái địa phương và Nữ Tu Tổng Quyền Dòng Nữ La Salle đã đề nghị dùng cơm trưa trên thuyền đồng thời chiêm ngắm những lâu đài, những chùa chiền trên hai bên bờ sông.

Thực vậy chúng tôi đã có một buổi du ngoạn rất ý nghĩa, trời nóng bức nhưng đi trên sông gió mát, được thưởng thức đố ăn Thái thuần túy, lại được ngắm các công trình kỳ quan xây cất cổ xưa như đền đài, các chùa chiền, cung điện và nhà nghỉ mát của Nữ Hoàng của Thái Lan. Thật là thú vị.

Thái Lan có đến 27,000 ngôi Chùa nên không lạ gì hai bên bờ sông có vô số biết bao nhiêu là Chùa. Chùa nào cũng tráng lệ và đẹp mắt. Chúng tôi dừng lại thăm quan và kính viếng vài ngôi Chùa, đặc biệt ngôi Chùa rất vĩ đại và nguyên thủy của người gốc Trung Hoa.

Sau trưa chúng tôi đi thăm địa điểm du lịch và cỡi voi và nhất là đến trại huấn luyện các con voi để cho chúng thuần thục. Nơi huấn luyện voi chúng tôi sửng sốt và thú vị vì tại đó có đến 5 đàn bà người Úc châu tự nguyện sang đây để học về cách thuần thục voi. Họ sinh sống ở đây vài tháng như người Thái và tỏ ra rất thích thú về kinh nghiệm này.

Ngoài thủ đô Ayutthaya, các thừa sai còn rao giảng Tin Mừng tại các vùng khác như Phitsanulok, Lopburi, Samkhok và Bangkok.


Phái Ðoàn Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đi tìm lại vết tích người Công Giáo Việt Nam liên quan mật thiết với lịch sử Giáo Hội Công giáo Thái Lan.


Chiều đến, trên đường về Bangkok, chúng tôi ghé lại một nhà thờ tại Samren. Khi nghe tin có Ðức Hồng Y tới thăm, một số người đã chạy vội đến gác chuông và kéo chuông vang dội. Chúng tôi gặp được chừng 20 người đang có mặt tại nhà thờ. Một số các cụ già trên 70 tuổi còn nói được ít tiếng Việt, đặc biệt có 2 bạn trẻ chừng trên 30 tuổi cũng nói được tiếng Việt. Bạn trẻ này là một huynh trưởng Hướng Ðạo nói rằng anh đã từng qua Việt Nam 3 lần và một lần đã đưa một phái đoàn sang hành hương Việt Nam kính viếng Ðức Mẹ La Vang.

Vào trong nhà thờ có sẵn một tượng Ðức Mẹ La Vang, và anh chị em xin Ðức Hồng Y làm phép tượng này cho họ.

Ðây là một xứ Ðạo còn có đông người Việt Nam nhất, khoảng chừng trên 100 người.

 

Lược qua về sự có mặt của người Công giáo Việt Nam tại Thái Lan qua các thời đại:

Người Công giáo Việt Nam đã có mặt tại Thái lan ngay từ buổi sơ khai của Giáo hội địa phương. Lịch sử kể lại rằng: Vào năm 1674 đã có khoảng 600 người Thái gia nhập đạo Công giáo. Cũng chính trong năm này mà Nhà thờ Ðức Mẹ Trinh Vương ở Samsen trong hạt Bangkok được xây dựng. Các người Công giáo thuộc các quốc tịch khác như người Bồ đào nha, người Việt Nam và người Nhật sinh sống ở đây trở nên nhiều hơn. Thực tế ra, các nhà truyền giáo đã hoạt động lâu dài tại thủ đô Ayutthaya, nhưng cho tới khi thủ đô bị thất thủ vào năm 1767, kết quả của việc truyền giáo của họ rất là khiêm tốn.

Biến cố bách hại đạo tại Việt Nam vào thời Vua Tự Ðức và Minh Mạng cũng đã làm tằng số Công giáo tại Thái Lan một cách đáng kể. Lịch sử ghi lại rằng vào năm 1835 có chừng 1,500 Công giáo Việt Nam, chạy trống sang Thái Lan vì cuộc bách hại xẩy ra tại Việt Nam đã đến cư trú tại Samsen và được Vua Thái cho tị nạn và ban đất cho xây nhà thờ ở Bangkok.

Người Công giáo Việt đã lập nghiệp và sinh hoạt tại nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê ở Samsien, mà ngày nay trên nóc nhà thờ này còn có những hàng chữ Nho viết tại đây. Hiện tại con cháu và miêu duệ của những người Công giáo Việt đầu tiên hãy còn sống tại nơi này và còn duy trì được một số những truyền thống tôn giáo và văn hóa của người Việt từ thế kỷ 19. Tỉ dụ họ còn có nhà táng theo kiểu Việt Nam, một ít cụ già còn nói được tiếng Việt cổ xưa và một số những đồ thờ hãy còn được lưu trữ.

Vào năm 1989, người viết bài này có cơ hội tới thăm viếng và tiếp xúc với một số anh chị em giáo dân Thái gốc gác cha ông là người Việt, trong số đó một số cụ già còn nói được ít tiếng Việt thời xa xưa.

Qua lòng nhiệt thành của các giám mục và các vị thừa sai, Giáo hội Thái Lan phát triển đáng kể, nên Thánh Bộ Truyền Giáo nhận định rằng đã đến lúc chín mùi để thành lập Hàng Giáo Phẩm tại Thái Lan, ý kiến này được 2 vị Ðại Diện Khâm Sứ Tòa Thánh Thái Lan đó là Ðức cha John Gordon và Ðức cha Angelo Pedroni nhiệt liệt tán thưởng. Vì vậy vào ngày 18.12.1965 Ðức Thánh Cha đã thiết lập hai Tòa Tổng Giám Mục tại Thái Lan đó là Tòa Tổng Giám Mục Bangkok và Tòa Tổng Giám Mục Thare Nongseng và bổ nhiệm 2 tổng giám mục đầu tiên bản xứ người Thái Lan.

Cũng vào giai đoạn này có rất nhiều thay đổi xã hội và chính trị, đặc biệt tại thủ đô Bangkok. Hậu quả là Giáo Hội tại Thái cũng cảm thấy mình có trách nhiệm thêm hầu đáp những những nhu cầu mới đang nẩy sinh nhiều và trong nhiều lãnh vực khác nhau, đặc biệt trong lãnh vực an sinh và phát triển xã hội.

Các cuộc chiến tranh tại các quốc gia lân cận đã tạo nên thảm cảnh người di cư, do đó Giáo Hội tại Thái đã cộng tác rất nhiều trong việc giúp dân tị nạn đến từ các quốc gia Lào, Cam-bốt và nhất là Việt Nam sau biến cố 1975. Giáo hội Thái muốn giúp chính quyền Thái trong công tác cứu trợ di cư bằng cách đã thiết lập nên tổ chức có tên COERR (Văn Phòng Công giáo cho việc Cứu Trợ khẩn cấp Người Di Cư -- Catholic Office for Emergency Relief and Refugees). Những nỗ lực này nhằm bảo vệ những giá trị của đời sống và đương đầu với những khó khăn gây nên bởi làn sóng di cư tràn vào Thái.

 

LM Trần Công Nghị

(VietCatholicNews 24/01/2007)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Homepage