Hoạt động tông đồ

của Các Nữ Tu Dòng Mân Côi

thuộc Tỉnh Dòng Hoa Kỳ Tại Bangkok

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Trong chuyến thăm viếng Thái Lan vào cuối tháng Giêng năm 2007, nhân dịp đi tham dự Hội Nghị về "Lý thuyết Xã hội của Giáo Hội" được tổ chức tại Bangkok, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ rất lý thú với 4 nữ tu Dòng Ðức Mẹ Mân Côi đang dậy học tại đây và thêm 3 đệ tử Mân Côi người Việt mới sang tu học.


Trường Redeemer International ở Bangkok.


Không ngờ tại một vùng đất xa xôi tôi lại tình cờ gặp được Sr Ðinh Trí mà tôi đã quen biết, khi đó tôi du học tại New York, và Sr Trí theo học tại Philadelphia, Hoa Kỳ. Tôi không những chỉ gặp được Sơ Trí mà còn gặp được Sơ Bề trên Mộng Huyền, Sơ Mỹ Linh và Sơ Linh Ân khi đến thăm trường Trường Redeemer International School, một trường trung tiểu học dậy bằng Anh ngữ do Dòng Chúa Cứu Thế Hoa Kỳ điều hành tại Bangkok.

Thật là một bất ngờ, thứ nhất Trường Redeemer International ở Bangkok có trên 2,000 học sinh toàn tòng là Phật tử và đa số là con người giầu ở Thái Lan lại do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế người Hoa Kỳ điều hành, rồi trong số mấy trăm giáo chức dậy học ở đây hầu hết là ngoại quốc; điều bất ngờ thứ hai là có 4 nữ tu Dòng Mân Côi Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng được mời tới dậy học ở đây.

Nhân cơ hội này, tôi tìm hiểu và được biết rằng từ mấy năm nay Các Sơ Mân Côi đã ký hợp đồng cứ 2 năm một, để sang làm việc giúp cho Nhà Trường Redeemer, với mục đích là đáp ứng lời mời gọi của Dòng Chúa Cứu Thế tại Bangkok hầu thực thi sứ mạng và đặc sủng của Hội Dòng Mân Côi là giáo dục đức tin và rao giảng Tin Mừng.

Với mục đích cao cả đó, các nữ tu cho biết công tác tông đồ bao gồm:

1) Ðảm trách chương trình giáo lý và luân lý từ lớp 1-12, tại Trường Ruamrudee và Redeemer International School gồm có:

a. Chuẩn bị các lớp Xưng Tội Rước Lễ Lần Ðầu (lớp 2-3)

b. Chuẩn bị các lớp Thêm Sức (lớp 8)

c. Mở các khóa Tĩnh Tâm (lớp 4-12, chia thành 3 khoá trong một năm)

d. Tổ chức và tham dự các công tác xã hội (community services)

2) Ðáp ứng nhu cầu của cộng đoàn người Việt sống tại Bangkok: dậy giáo lý, phụ trách phụng vụ và thánh ca.

Trong khi thi hành sứ vụ tông đồ và truyền giáo như vậy các nữ tu cũng cho biết rằng vẫn còn những khó khăn chưa vượt thắng được. Ðó là:

a. Di chuyển khó khăn trong công việc tông đồ vì các em Việt ở rải rác nhiều nơi

b. Không có một nơi quy tụ nhất định cho Cộng Ðoàn Viêt Nam

c. Thời giờ eo hẹp

d. Thiếu nhân sự


Các Nữ tu và Ðệ tử Dòng Mân Côi ở Thái Lan.


Hiện nay theo sự tìm hiểu qua các vị đại diện và những người Việt đã sống lâu đời ở Thái Lan cho biết rằng, ước lượng tổng số người Việt Nam ở Bangkok cả lương và giáo có tới từ 5,000 tới 8,000 Việt kiều, trong số đó có chừng 700 người Công giáo Việt nam.

Mỗi tháng Cha Chalern người Thái biết nói tiếng Việt thường có tổ chức thánh lễ bằng tiếng Việt Nam cho người Việt ở Bangkok, có khi có tháng 2 lần, và số người tham dự vào khoảng 500 cho đến 600 người. Mới đây có 2 linh mục từ Việt Nam sang du học, đó là linh mục Hậu thuộc Dòng Chúa Cứu Thế từ Hà Nội và linh mục Nguyễn tiến Ðức thuộc Dòng Ða Minh từ Saigòn sang du học tại đây. Các Cha cũng tới đồng tế thánh lễ và giúp ban các phép bí tích cho anh chị em Công giáo.

Người Công giáo Việt Nam tại Thái Lan tạm được chia làm 3 thành phần:

- Thành phần thứ nhất là những người Việt hoặc con cái họ đã ở đây lâu đời này chỉ còn một số ít nói được dăm ba câu tiếng Việt.

- Thành phần thứ hai là các người Việt sau thế chiến thứ II vào sau năm 1945 đã di cư sang đây.

- và sau cùng là số bạn trẻ chừng mấy ngàn người Công Nhân Việt Nam mới qua đây từ 4 năm trở lại đây thôi.

Tình trạng bi đất nhất là số các bạn trẻ công nhân sang đây trong những năm vừa qua không có giấy tờ cư trú hay giấy cho phép làm việc chính thức, nên luôn luôn sống trong lo âu và bất ổn, nếu bị cảnh sát bắt sẽ bị đuổi về Việt Nam bất cứ lúc nào. Ða số các bạn trẻ làm nghề may hoặc các thủ công trong nhà cho các người chủ Thái Lan. Cuộc sống của các bạn trẻ thật vất vả về đủ mọi mặt, và những em mới sang lại không biết ngôn ngữ Thái nên càng khó khăn hơn.

Do vậy các bạn trẻ rất cần sự nâng đỡ về mặt xã hội, bạn bè kết thân hội họp và sự hướng dẫn về tinh thần.

Cha Nguyễn tiến Ðức tóm tắt về nhu cầu của các bạn trẻ như sau:

1/ Các em như mất hướng vì không có người hướng dẫn, nhất là về vấn đề tâm linh;

2/ Ðời sống xã hội và nhu cầu giao tiếp, nhu cầu tình cảm thật thiếu thốn, không có cơ hội để sinh hoạt và tìm hiểu nhau;

3/ Cần tạo phương tiện và hoàn cảnh để cuộc sống tôn giáo và cộc sống xã hội cho các em được ổn định;

4/ Giúp can thiệp để cho tình trạng di trú của các em được hợp pháp và tình trạng sinh sống được bảo đảm.


Tu viện Mân Côi ở Bangkok.


Ðược hỏi về những ước mong cho việc tông đồ giữa người Việt ở Thái Lan là gì? Sơ Mộng Huyền cho biết như sau:

- Trước tiên là cần có một linh mục Việt Nam được chỉ định để lo công tác mục vụ cho người Việt nam.

- Thứ đến cần có một nơi thờ phượng như một nhà thờ ổn định cho việc dâng thánh lễ Chúa Nhật và sinh hoạt chung

- Sau cùng, làm thế nào để Giáo quyền địa phương công nhận và giúp đỡ Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam ở Bangkok và ở Thái Lan.

Tuy dù phải đối diện với những khó khăn nêu trên, nhưng sự hiện diện của các Nữ tu Mân Côi tại Bangkok cũng đã có những ảnh hưởng rất tích cực và sâu xa. Mội ngày ít nhất là 7 phút đồng hồ, các nữ tu tới các lớp học và nói truyện và trình bầy về căn bản đạo Công Giáo và mang sứ điệp của Chúa Giêsu đến với tất cả 2,000 các em học sinh Phật tử tại trường Redeemer International. Ðó là những hạt giống của Tin Mừng đang được gieo vào lòng các em để chờ ngày trổ bông kết trái trong tương lai.

Năm vừa qua, các nữ tu đã thành công đưa được 3 em gia nhập Ðạo Chúa.

Giữa một thế giới xa lạ, sự hiện diện của các nữ tu và sắc áo Dòng của các nữ tu đã mạnh mẽ nói lên ý thức truyền giáo sâu xa và nhất là sự dấn than can trường của mỗi nữ tu đã hy sinh phục vụ trong một môi trường rất khác lạ hầu như toàn tòng là Phật giáo ở Thái Lan. "Ôi đẹp thay những bước chân di rao truyền Chân Lý".

 

LM Trần Công Nghị

(VietCatholicNews 05/02/2007)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Homepage