Giáo Hội Công Giáo tại Irak

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Giáo Hội Công Giáo tại Irak.

Trong những ngày trước lễ Giáng Sinh 1998, các phương tiện truyền thông ngày đêm nói đến và truyền đi các hình ảnh về vụ tấn cống của Hoa Kỳ và Anh Quốc tại Irak. Nhờ đó người ta được biết những tai hại về sinh mạng cũng như và tài sản gây nên cho dân tộc vô tội Irak, từ 8 năm nay sống trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, do chiến tranh và lệnh cấm vận. Ngoài những vụ tấn công ồ ạt và nạn đói khổ của người dân, không ai, hay rất ít người nói đến Giáo Hội Công Giáo tại Quốc Gia Hồi Giáo này và có lẽ cũng rất ít người biết rằng tại đây có một Giáo Hội Công Giáo tương đối đông đảo và phồn thịnh hơn cả, trong các nước thuộc khối Hồi Giáo ở miền Trung-Ðông. Nói đến Giáo Hội Công Giáo tại Irak, rất nhiều người ngạc nhiên: tại một Quốc Gia Hồi Giáo như Irak, Giáo Hội Công Giáo lại được hoàn toàn tự do hoạt động, trong khi đó thì giáo hội Công Giáo lại gặp rất nhiều khó khăn tại các quốc gia Hồi Giáo khác. Nhật Báo Công Giáo Ý Tương Lai (Avvenire), số ra ngày Chúa Nhật 20.12.98, quả quyết: Ðây là một tình trạng "ngoại thường" của Giáo Hội Công Giáo tại Irak.

Cũng theo Nhật Báo Công Giáo Ý Avvenire, các tín hữu Kitô (Chính Thống, Tin Lành, Công Giáo) tại Irak chiếm hơn 5% dân số; trong số những người Kitô, thì có hơn 620 ngàn tín hữu Công Giáo, đại đa số theo lễ nghi Caldeo. Ngoài ra còn có một số theo lễ nghi Armeno, Siriaco và Latino. Các tín hữu Công Giáo sống rải rắc trên toàn lãnh thổ quốc gia, được chia thành 17 giáo phận, dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của một vị Giáo Chủ, Ðức Raphael Bidawid, Giáo Chủ Babilonia, trụ sở tại thủ đô Bagdad và 14 Giám Mục - 99 giáo xứ , do 134 Linh Mục coi sóc, với sự cộng tác của 7 Tu Huynh và 333 Nữ Tu. Tại Irak có một chủng viện với 50 Chủng Sinh, do các Cha Dòng Ða Minh điều khiển.

Trong những ngày này, chủng viện đã bị trúng bom của Hoa Kỳ và Anh Quốc. Như vậy, những vụ tấn công này không phải chỉ nhằm các mục tiêu quân sự mà thôi. Trường học, bệnh viện và nhà ở của người dân ... cũng bị tàn phá. Nhật Báo L'Osservatore Romano, cơ quan bán chính thức của Tòa Thánh, số ra ngày Chúa Nhật 20.12.98, có nói đến hai bệnh viện bị trúng bom. Nhật Báo viết như sau: "Không thể đứng nhìn xem, trong khi các bệnh viện tại Irak bị trúng bom, thứ bom mà người ta gọi là "thông minh".

Sánh với các Giáo Hội tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, Giáo Hội tại Irak là một giáo hội bé nhỏ; nhưng sánh với các Giáo Hội Công Giáo tại các nước công nhận Hồi Giáo là tôn giáo của Nhà Nước, thì Giáo Hội tại Irak lại là một Giáo Hội đông đảo và có uy tín. Ðức Giáo Chủ Raphael Bidawit đệ nhất, được Nhà Cầm Quyền Irak coi là một người đối thoại quan trọng và uy tín. Ngoài ra cũng cần nhấn mạnh sự kiện này: các tín hữu Công Giáo tại Irak được hưởng tự do hoạt động, khác hẳn thái độ của các nước Hồi Giáo khác đối với tín hữu Công Giáo, thí dụ như Arập - Saudit. Nhờ quyền tự do, Giáo Hội tại Irak tổ chức phụng tự, các hội đoàn, nhất là cổ võ tình liên đới. Tình liên đới này nhằm hai hướng đi: Trong những năm khó khăn do lệnh cấm vận và những hậu quả chiến tranh, Hội Caritas Irak đã giúp đỡ được 30 ngàn gia đình, trong số này có 10 ngàn gia đình Hồi Giáo. Ðáp lại, Hội Bán Nguyệt, (tương đương với Hội Hồng Thập Tự tại các nước không Hồi Giáo) cũng tỏ tình liên đới như vậy với các tín hữu Công Giáo. Ngoài ra còn có các tổ chức không chính phủ theo tinh thần Kitô Giáo cũng đến làm việc tại đây. Trái lại, tại các quốc gia Hồi Giáo, các tổ chức này không phép được hoạt động. Tại Irak các tổ chức theo tinh thần Kitô không hoạt động cho các tín hữu Kitô mà thôi, nhưng cho mọi người dân, không phân biệt tôn giáo.

Tại Irak còn có các Phong Trào, Hội Ðoàn Giáo Hội có tính cách quốc tế hoạt động, như Focolari ở miền Nam, Hội Aibi tại Bagdad và Bassora; Emergency hoạt động cho người dân Curdi, 80% theo Hồi Giáo. Hội Caritas Internationalis, Tổ Chức Giúp Giáo Hội Ðau Khổ của Cha Van Streeten và ba tổ chức không chính phủ có tính cách quốc tế: Care của Australia, Oxfam của Anh và Aid của Pháp cho nhi đồng cũng hiện diện tại Iralk. Một sự kiện đáng chú ý: tại Bassora (miền Nam Irak) trong nhà của mục sư Anh Giáo có ba gia đình trú ngụ: một Công Giáo, một Tin Lành, một Hồi Giáo. Trong 20 triệu dân cư Irak, chỉ có 0,5% theo Anh Giáo và Tin Lành Luther.

Những vụ tấn công của Hoa Kỳ và Anh Quốc gây nên lo lắng này: sự thù ghét thế giới Tây Phương. Sự thù ghét này cũng có thể trở nên sự thù ghét đối với Giáo Hội Công Giáo. Một phần tử quá khích nào đó có thể liệng bom, hay đốt phá một nhà thờ, một tòa giám mục, một giáo xứ, một tu viện, một trường học Công Giáo ... Tại Bagdad, Giáo Hội có Phân Khoa đại học về Thần Học, ít tháng nay được liên kết với Ðại Học Giáo Hoàng Urbaniana ở Roma. Dù sao, sự thù ghét cá nhân không thể coi là sự thù ghét của toàn dân Irak và Nhà Cầm Quyền nước này. Irak có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh và trong chiến tranh cách 8 năm, cũng như chiến tranh lần này, ÐTC luôn luôn lên án những vụ sát hại các người vô tội và Tòa Thánh đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm vận trừng phạt Irak.

Nhật Báo L’Osservatore Romano số ra ngày Chúa Nhật 20.12.98, viết về vụ tấn công Irak như sau: "Ngày nay cần những bước tiến và những cử chỉ cụ thể, để giải quyết cơn khủng hoảng Irak, ngoài việc tấn công quân sự của Hoa Kỳ và Anh Quốc. Nhật Báo kết thúc bằng việc trích thuật lại lời Ðức Gioan Phaolô II viết trong Sứ Ðiệp Hòa bình 1999 như sau: "Lúc này đây là thời giờ của các nhà chính trị can đảm: các vị này cần có sự táo bạo tiếp tục các cuộc đàm phán, cả khi tình hình xem ra làm cho cuộc đàm phán không thể tiến được nữa". Trong giờ đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20.12.98, ÐTC nói: "Chiến tranh đã không là và sẽ không bao giờ là phương tiện tương xứng để giải quyết các vấn đề tranh chấp".


Back to Radio Veritas Asia Home Page