Huấn Ðức của ÐTC
dịp tiếp kiến chung
sáng thứ Tư 26/08/98
Sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài điểm đáng chú ý trong bài Huấn Ðức của ÐTC dịp tiếp kiến chung sáng thứ Tư 26/08/98, tại Roma.

"Lịch sử cứu rỗi là lịch sử việc Thiên Chúa từ từ thông ban chính mình cho con người; sự thông ban chính mình nầy đạt đến chóp đỉnh của nó trong Chúa Giêsu Kitô. Trong Ngôi Lời nhập thể làm người, Thiên Chúa Cha muốn làm cho tất cả mọi người được chia sẻ chính sự sống của Ngài; Thiên Chúa muốn thông truyền chính mình, một cách vĩnh viễn quyết định. Sự thông truyền chính mình như vừa nói được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, mối giây yêu thương giữa sự đời đời và thời gian, giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và lịch sử. Nếu Thiên Chúa, trong Thánh Thần của Người, mở rộng chính mình cho con người, thì từ phía mình, con người được tạo dựng như là chủ thể có khả năng tiếp nhận sự tự thông ban của Thiên Chúa. Như truyền thống suy tư Kitô cho biết, con người là chủ thể "capax Dei", có khả năng đón nhận Thiên Chúa; có khả năng biết Thiên Chúa và tiếp nhận hồng ân mà Ngài ban là chính mình Ngài. Thật vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người có khả năng sống mối tương quan liên ngôi vị với Thiên Chúa, và có khả năng đáp lại, bằng sự vâng phục đầy mộ mến yêu thương, (đáp lại) mối tương quan giao ước mà Ðấng Tạo Hóa đề ra cho con người."

"Nếu Thiên Chúa, qua Chúa Thánh Thần, thông ban chính mình cho con người, thì con người luôn luôn được mời gọi hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa với trọn cả hữu thể mình. Và đó là ơn gọi sâu xa nhất của con người. Và Chúa Thánh Thần luôn thôi thúc con người làm như vậy; qua việc soi sáng cho trí khôn và nâng đỡ cho ý chí con người, Chúa Thánh Thần dẫn đưa con người vào trong mầu nhiệm làm con Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô và mời gọi con người sống mầu nhiệm làm con Thiên Chúa một cách đầy đủ, phù hợp với ơn gọi lãnh nhận. Tất cả những cố gắng quảng đại và chân thành của trí khôn và của sự tự do nơi con người, trong dòng thời gian qua các thế kỷ, để tiến gần đến mầu nhiệm khôn tả và siêu việt của Thiên Chúa, (tất cả những cố gắng đó) đều do Chúa Thánh Thần khơi dậy".

Ðây có thể nói là vai trò của Chúa Thánh Thần làm cho con người càng ngày càng được tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa. ÐTC nhắc lại một cách tổng quát điều đã được thực hiện trong lịch sử cựu ước, giữa GiaVê Thiên Chúa và dân Israel. Chúa Thánh Thần giúp con người gặp gỡ Thiên Chúa và sống hiệp thông với ngài. Ðến thời điểm của Chúa Giêsu Kitô, và nơi Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có được một kiểu mẫu trọn hảo cho cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật, qua việc Ngài mạc khải Mầu Nhiệm Thiên Chúa Cha và mạc khải mầu nhiệm Tình yêu Thương của Thiên Chúa cho con người, thì ngài cũng mạc khải trọn vẹn con người cho con người, vừa làm cho con người biết về ơn gọi cao cả của mình" (Vui Mừng và Hy Vọng, số 22). Và Chúa Giêsu chu toàn công cuộc mạc khải nầy với trọn cả đời sống Ngài (trên trần gian). Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu luôn được hướng đến việc hoàn tất thánh ý Thiên Chúa Cha, và trên thập giá Chúa dâng hiến vĩnh viễn chính mình cho Thiên Chúa Cha (x. DT 9,14). Qua biến cố Vượt Qua, Chúa Kitô dạy cho chúng ta biết tại sao "con người, một tạo vật duy nhất trên mặt đất nầy được Thiên Chúa muốn tạo dựng cho chính mình, (tại sao con người đó) không thể nào gặp lại chính mình một cách trọn đầy, nếu không nhờ qua việc chân thành cho đi chính mình" (Vui Mừng và Hy Vọng số 24). Chính Chúa Thánh Thần, được Chúa Giêsu thông ban trọn vẹn cho Giáo Hội, lo liệu sao cho con người, nhờ gặp lại chính mình trong Chúa Kitô, thì được gặp lại chính mình một cách tốt đẹp hơn qua việc chân thành cho đi chính mình".

"Sự Thật đời đời về con người được Chúa Giêsu Kitô mạc khải cho chúng ta; sự thật nầy ngày hôm nay trong thời đại chúng ta có tính cách thời sự đặc biệt. Mặc dù có những mâu thuẩn hết sức trầm trọng, thế giới ngày nay đang trải qua giai đoạn của việc "xã hội hóa" mạnh mẽ (Vui Mừng và Hy Vọng số 6), hoặc trên bình diện những tương quan giữa các ngôi vị bên trong những cộng đoàn khác nhau, hoặc trên bình diện những tương quan giữa các dân tộc, các chủng tộc, các xã hội và những nền văn hóa khác nhau. Trong trọn cả diễn tiến đi đến sự hiệp thông và hiệp nhất nầy, các có tác động của Chúa Thánh Thần, cả để vượt qua những trở ngại và những nguy hiễm đang vây lấy con đường tiến của nhân loại."

"Trong viễn tượng của năm hai ngàn kể từ khi Chúa Kitô sinh ra, thì cần phải làm sao ngõ hầu mỗi ngày mỗi có đông người hơn có thể gặp lại được chính mình hoàn toàn….. nhờ qua việc chân thành cho đi chính mình"… "Ước chi dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Ðấng An Ủi, được thực hiện trong thời đại chúng ta diễn tiến trưởng thành hóa trong nhân tính, trong đời sống cá nhân cũng như trong sinh hoạt cộng đoàn; hướng về mục tiêu trưởng thành hóa nầy, Chúa Giêsu, khi Ngài cầu nguyện xin Thiên Chúa Cha ban cho "tất cả được nên một, như Cha và Con là một" (Gn 17,21-22), thì Chúa đã gợi ra cho chúng ta nhìn thấy có một sự giống nhau nào đó giữa sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa và sự hiệp nhất của những con cái Thiên Chúa trong sự thật và trong tình thương bác ái" (TÐ Dominum et Vivificantem, số 59).


Back to Radio Veritas Asia Home Page