Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp
của Ðức Hồng Y Agostino Casaroli
vừa qua đời ngày 9/06/1998

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Ðức Hồng Y Agostino Casaroli vừa qua đời.

Sau ít ngày điều trị tại bệnh viện Colombus, kế bên bệnh viện bách khoa Gemelli, Ðức Hồng Y Agostino Casaroli, cựu quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã qua đời trong đêm mồng 8 sáng mồng 9 tháng 6 năm 1998, hưởng thọ 84 tuổi.

Ðức Hồng Y Casaroli sinh tại một xã nhỏ trong tỉnh Piacenza, miền bắc nước Ý năm 1914. Năm 1937, sau khi thụ phong linh mục, Cha Casaroli vào Trường Ngoại giao Tòa Thánh. Trong suốt cuộc đời sau đó phục vụ Giáo Hội trong ngành ngoại giao, Ðức Hồng Y Agostino Casaroli đã trải qua nhiều loại hoạt động khác nhau: Thời danh hơn cả là các chuyến viếng thăm tại các quốc gia Ðông Âu lúc còn dưới chế độ cộng sản, lúc mà các danh từ Glasnost và Perestrojka (đổi mới) vẫn chưa được nói đến.

Vì Ðức Hồng Y Casaroli được biết đến nhiều trên trường quốc tế, nên tin về cái chết của Ngài đã gây tiếng vang trên cả thế giới. Từ Vatican đến Nước Ý, trong Giáo Hội cũng như trong giới chính trị, ngoại giao, từ Trung Ðông Âu đến Trung Quốc, từ Ðiện Cẩm Linh đến các nước Mỹ Châu... Tất cả đều biết đến đường lối chính trị ngoại giao khôn khéo của Ðức Hồng Y mà người ta vẫn gọi là là "Ostpolitik", Ðối Thoại với Ðông Âu cộng sản.

Thực sự đường lối này chính thức khởi sự thời Ðức Phaolô VI, và người thi hành đắc lực vẫn luôn luôn là Ðức Casaroli, lúc đó giữ chức vụ Ngoại Trưởng Tòa Thánh. Có thể nói Ðức Hồng Y Casaroli là người hiểu chế độ cộng sản hơn nhiều người khác. Ngài bắt đầu sứ mệnh ngoại giao chính thức vào những năm 1960 bằng việc ký những thỏa ước (modus vivendi) với chế độ cộng sản Hungari, Yougoslavie, Tiệp Khắc, Liên Xô, Ba Lan và Cộng Hòa Dân Chủ Ðức. Ðức Hồng Y còn là người đưa ra sáng kiến về cuộc gặp gỡ giữa các nước tự do và cộng sản Châu Âu tại Helsinki, thủ đô Phần Lan. Chính tại đây năm 1975, Hội nghị về An Ninh và Cộng Tác giữa các nước Châu Âu (gồm cả các nước cộng sản) đã được thành lập.

Ðức HồngY Casaroli giữ chức vụ Quốc Vụ Khanh trong 11 năm dưới thời Ðức Gioan Phaolô II. Năm 1984, ngài đã cùng với thủ tướng Cộng Hòa Ý ký bản Hòa Ước giữa Vatican và Italia, đã được duyệt lại và thích nghi. Ngài lãnh đạo Phái Ðoàn Tòa Thánh đến New York mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Liên Hiệp Quốc. Năm 1985, ngài đi Moscowa mừng kỷ niệm một ngàn năm nước Nga lãnh nhận Tin Mừng và chính trong dịp này ngài gặp Ông Gorbaciov, lúc đó là Tổng thư ký Ðảng cộng sản Liên xô, người đóng vai trò chủ chốt của bước quặt lịch sử tiến đến việc sụp đổ của chế độ cộng sản Ðông Âu.

Ðài Vatican trong buổi phát thanh thứ ba 9.06.98 đã nhận định như sau: Với cái chết của Ðức Hồng Y Agostino Casaroli, Tòa Thánh mất đi một trong các hình ảnh lỗi lạc và uy tín hơn cả của cuối thế kỷ 20 này. Một trong các người thi hành sâu sắc hơn cả đường lối ngoại giao Tòa Thánh và là người tiên phong không biết mỏi mệt của Tòa Thánh đối thoại với các chế độ cộïng sản Ðông Âu".

Ðức Hồng Y Achille Silvestrini, người cộng tác chặt chẽ với Ðức Hồng Y Casaroli tại Phủ Quốc Vụ Khanh, đã tuyên bố: "Ðức Hồng Y Casaroli là một trong các nhà ngoại giao lớn nhất, lỗi lạc nhất mà Tòa Thánh đã có. Ngài xuất thân từ trường của Ðức Hồng Y Domenico Tardini, nhưng có lẽ ngài còn vượt qua cả Thầy mình nữa, nhất là trong công việc ngoại giao, nghiên cứu. Ngài đã có một sự tế nhị khác thường... Tôi có thể nói Ðức Hồng Y Casaroli là con nguời của tế nhị. Trong mọi tình hình, cả những tình khó khăn nhất, gay go nhất, trong đó con người như thể bị giam cầm, bị nhốt trong chiếc xe thiết giáp của những ý thức hệ và của những thành kiến, Ðức Hồng Y Casaroli vẫn tin tưởng rằng còn có thể đi vào tâm hồn của họ được, rằng mỗi một, người đến một lúc nào đó, sẽ có thể hiểu được đâu là lẽ phải, đâu là sự thật. Ðây chính là bí quyết của việc đối thoại được Ðức Hồng Y Casaroli thực hành. Ðối thoại để đi vào trong tâm hồn của người mình gặp.

Vào năm 1990, vì tuổi tác, Ðức Casaroli về hưu. Trong buổi lễ bàn giao chức vụ Quốc Vụ Khanh cho Ðức Hồng Y Angelo Sodano, ÐTC Gioan Phaolô II nói với Ðức Hồng Y Casaroli như sau: "Trong lúc này, tôi nghĩ đến sự giúp đỡ lớn lao mà Ðức Hồng Y đã để lại trong những năm vừa qua; trong những năm đó, Giáo Hội và thế giới đã biết những công việc có tầm mức rộng lớn như thế nào của Ðức Hồng Y. Tôi đã luôn luôn có thể tin vào sự giúp đỡ và các chỉ dẫn mà Ðức Hồng Y, vì lòng yêu mến thành thực đối với Chúa Kitô đã đem đến cho tôi, trong thái độ cộng tác thành thực, sáng suốt vàđầy mộ mến."

Thi hài của Ðức Cố Hồng Y Casaroli được đặt trong nhà thờ Thánh Stêphanô trong nội Thành Vatican. Lễ an táng sẽ được cử hành tại Ðền Thánh Phêrô sáng thứ Sáu 12/06/98, do ÐTC chủ sự.

Với cái chết của Ðức Hồng Y Casaroli, Hồng Y Ðoàn còn 160 vị, trong số này có 118 vị đuói 80 tuổi còn quyền bầu Giáo Hoàng, và 42 vị trên 80 tuổi. Ðứng đầu Hồng Y Ðoàn hiện nay, là Ðức Hồng Y Bernardin Gantin, Tổng Trưỏng Bộ Giám Mục.


ÐTC gửi điện tín chia buồn về cái chết của Ðức Hồng Y Agostino Casaroli

ÐTC gửi điện tín chia buồn về cái chết của Ðức Hồng Y Agostino Casaroli.

Vatican - 9.06.98 - Vừa được tin về cái chết của Ðức Hồng Y Agostino tại Bệnh Viện Colombus ở Roma, kế bên bệnh viện Gemelli, ÐTC gửi đến Ðức Hồng Y Bernardin Gantin, niên trưởng Hồng Y Ðoàn, một điện văn chia buồn. ÐTC viết : "Với sự cảm động sâu xa khi đuợc tin về cái chết của Ðức Hồng Y đáng kính Agostino Casaroli, tôi xin bày tỏ với Ðức Hồng Y và tất cả Hồng Y Ðoàn sự đau buồn sâu xa của tôi, trước việc qua đi của một người đã trung thành phục vụ Giáo Hội. Ðức Hồng Y đã giữ những chức vụ quan trọng; và trong thừa tác vụ linh mục và giám mục, ngài luôn luôn tỏ ra mình là chứng nhân của Phúc Âm, là linh mục của đức tin sâu xa và có lòng đạo sốt sắng, và là người biết rõ các vấn đề của nhân loại và của các biến cố lịch sử".

Ðiện văn viết tiếp: "Trong sứ mệnh phục vụ lâu dài tại Tòa Thánh, cách riêng như là người cộng tác chặt chẽ của chính tôi và trước đó của các vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi: Ðầy Tớ Chúa Gioan XXIII, Phaolo VI và Ðức Gioan Phaolô đệ nhất, Ðức Hồng Y Casaroli còn tỏ ra là một người xây dựng hăng say các quan hệ hòa bình giữa cá nhân và các quốc gia, bằng việc thực hiện với sự nhậy cảm ngoại giao những bước rất can đảm và ý nghĩa, cách riêng để làm cho tình hình Giáo Hội tại miền Ðông Âu được tốt hơn; tất cả được thúc đẩy bởi "sensus Ecclesiae" (tinh thần yêu mến Giáo Hội cách sâu xa) đồng thời cũng bởi "sensus hominis" (lòng yêu mến nhân loại) tậïn tình. Ðiện văn kết thúc: "Tôi cảm tạ Chúa về những sự lành ngài đã làm trong những năm làm việc hữu ích và không biết mỏi mệt; và khi dâng lên Chúa lời cầu nguyện sốt sắng để xin Chúa đón nhận Ðức Hồng Y vào hưởng niềm vui đời đời mà Chúa hứa ban cho các đầy tớ tốt lànhvà quảng đại của Người, tôi xin gửi tới Ðức Hồng Y, các Ðức Hồng Y khác và tất cả những ai chia sẻ sự đau đớn về việc qua đi của Ðức Hồng Y Casaroli, phép lành Tòa Thánh, dấu hiệu của việc tham dự sâu xa của tôi vào cái tang chung này". Ký tên : Gioan Phaolô II, giáo hoàng.


Back to Radio Veritas Asia Home Page