Hội Nghị Quốc Tế
các Phong Trào Giáo Hội
(27-30/05/1998)

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật về cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và các Phong Trào Giáo Hội vào chiều thứ Bảy 30/05/98.

Cách đây hai năm (1996), trong buổi gặp gỡ giới lãnh đạo các Phong Trào Giáo Hội, ÐTC đã tỏ ý muốn trong Năm dành kính Chúa Thánh Thần (1998), một cuộc gặp gỡ giữa ngài và các phong trào được tổ chức tại Roma. Ý muốn của ÐTC đã được thực hiện một cách chu đáo và mang lại thành công ngoài sự tưởng tượng trong tuần qua, trước hết qua Hội Nghị Quốc Tế của 350 đại diện các phong trào, trong vòng ba ngày, từ thứ Tư 27/05/98 cho đến thứ Sáu 29/05/98.

Và như quý vị đã biết, trong dịp Hội Nghị Quốc Tế vừa qua, ÐTC gửi một sứ điệp cho các vị tham dự, trong đó ÐTC nói đến vai trò của các Phong Trào trong đời sống Giáo Hội, đến sự hòa đồng và hiệp thông của các Phong Trào với Hàng Giáo Phẩm. ÐTC cũng nhấn mạnh đến việc trung thành với Giáo Huấn và các truyền thống của Giáo Hội, đến sự phục tùng các vị chủ chăn Giáo Hội trung ương cũng như địa phương.

Sau Hội Nghị Quốc Tế, thì cuộc gặp gỡ vĩ đại giữa các phong trào và ÐTC đã diễn ra tại Quảng Trường Thánh Pherô, vào chiều thứ Bẩy 30/05/98, từ 17:30 đến 20 giờ, với sự tham dự của khoảng 300 ngàn người, phần đông là giới trẻ thuộc hơn 50 phong trào, đến từ 100 quốc gia khác nhau. Cuộc gặp gỡ đã được tổ chức với sự cộng tác giữa Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Giáo Dân và các Phong Trào, ngay từ lúc ÐTC tỏ ra ý muốn của ngài. Roma vẫn quen với các cuộc họp mặt quốc tế đông đảo, nhưng buổi gặp gỡ chiều thứ Bảy 30/05/98, là thực hiếm có. Quảng Trường thánh Phêrô không còn một chỗ trống. Quảng Trường Pio XII kế bên và Ðại Lộ Hòa Giải tiếp đó, cũng chật ních. Với những màn ảnh TV cỡ bự các nguời tham dự đã có thể theo dõi mọi diễn tiến.

Cuộc gặp gỡ chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu, trước khi ÐTC đến, là giai đoạn giới thiệu các Phong Trào, các Cộng Ðồng Giáo Hội. Sau cuộïc giới thiệu, có ca vũ do các đoàn thể trình bày bằng các thứ tiếng khác nhau. Trong các ca sĩ có Ông Kiko Arguello, người Tây Ban Nha, vị sáng lập Phong Trào Tân Dự Tòng, với cây đàn Guitare, đã trình bày bài hát do chính ông sáng tác: Cantad al Senor, pueblos todos... Hỡi các dân tộc hãy ca ngợi Chúa bằng những bài ca, vang dội niềm vui , bởi vì những sự kỳ diệu của Người thật vĩ đại".

Giai đoạn II là cuộc gặp gỡ thân mật với ÐTC vào lúc 17:30 đến 20 giờ. Trên chiếc xe Jeep trắng, ÐTC đi vòng cả Quảng Trường để chào và ban phép lành cho tất cả các đoàn thể hiện diện, với các mầu sắc sặc sỡõ của y phục, của các lá cờ của các quốc gia, và của mũ đội riêng để giúp phân biệt các phong trào và hội đoàn...Tất cả nói lên một Mùa Xuân đầy tươi đẹp của Giáo Hội đang tiến về Ngàn Năm Thứ ba với nhiều hứa hẹn do các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho các Phong trào Giáo Hội. Tất cả hoan hô: Viva il Papa - Juan Pablo: todo el mundo ti quiere! Vive le Pape!

Bước lên khán đài, ÐTC giơ tay chào tất cả các đoàn thể từ Quảng Trường Thánh Phêrô cho tới cuối Ðại Lộ Hòa Giải. Một tràng pháo tay dài đáp lại và như để cảm ơn Người Cha, tuổi cao, với trách nhiệm nặng nề trên vai, nhưng không ngại khó, không sợ vất vả cực nhọc trong 20 năm trong chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ, đã triệu tập cuộc gặp gỡ ý nghĩa này trong dịp Lễ Chúa Thánh Thần và trong Năm dành cho Người.

Bốn vị đại diện các Phong Trào lớn hơn cả trình bày trước ÐTC và anh chị em, về đoàn thể của mình. Cô Chiara Lubich, người phụ nữ Ý, sáng lập Phong trào Tổ Ấm (Focolare) - Ông Kiko Arguello , người Tây Ban Nha, trình bày về Phong Trào Tân Dự Tòng do ông sáng lập - và ông Jean Varnier, người Pháp, nói về việc tông đồ đối các người nghèo khổ, về mục đích của Phong trào L'Arche, do ông sáng lập. Sau cùng Linh Mục Giussani, người Ý, nói về Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng, do ngài sáng lập tại Milano, trước hết dành cho các học sinh trung học và sinh viên đại học , nay trở thành Phong Trào có tính cách quốc tế và của nhiều giai cấp xã hội khác nhau.

Tiếp đến là diễn văn rất được chờ đợi của ÐTC. Trước hết ÐTC cảm ơn Ðức Hồng Y Francis James Stafford, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Giáo Dân vá các nhân viên cộng tác của ngài, trong việc tổ chức Ðại Hội và buổi gặp gỡ. ÐTC cảm ơn bốn vị đại diện các Phong Trào: Chiara Lubich, Kiko Arguello, Jean Varnier và linh mục Giussani về chứng tá của các vị này.

ÐTC sánh ví cuộc gặp gỡ xẩy ra tại trung tâm Giáo Hội hôm nay đây như Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem, nơi Ðức Maria và các môn đệ chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ở nhà Tiệc Ly, Mẹ Maria và các Tông Ðồ hợp nhau cầu nguyện. Ở đây chúng ta hợp nhau tuyên xưng đức tin. Biến có này chưa hề có trong lịch sử Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần là linh hồn của biến cố này.

ÐTC nói: "Ðây là ngày Thiên Chúa đã làm. Chúng ta hãy vui mừng" . Giáo Hội vui mừng vì Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội nhiều đặc sủng khác nhau. Nhưng làm sao để minh chứng và bảo đảm tính cách đích thực của đặc sủng? ÐTC trả lời: Ðiều nền tảng là mỗi một phong trào đặt mình dưới quyền thẩm định của Giáo Hội. Vì thế không một đặc sủng nào được miễn trừ khỏi việc tham khảo và sự phục tùng các Vị Chủ Chăn của Giáo Hội, như Công Ðồng Chung Vatican II đã dạy rõ ràng: "Việc phê phán về tính cách thuần túy của các phong trào và về việc thi hành đúng luật lệ, (việc phê phán đó) thuộc về những ai đứng đầu trong Giáo Hội; các vị này có nhiệm vụ "không được giập tắt Chúa Thánh Thần, nhưng cứu xét mọi sự và giữ lại những gì tốt lành" (LG, 12). Ðây là bảo đảm cần thiết và cho thấy rằng con đường đang theo đuổi, là đúng".

Trong phần sau cùng của diễn văn, ÐTC cầu nguyện cho các Phong Trào như sau: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy đổi mới mặt đất này! Xin hãy đến với bẩy ơn của Chúa! Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa sự sống, Thần Chân Lý, Chúa hiệp thông và Tình Yêu , xin hãy đến! Giáo Hội và thế giới cần đến Chúa. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và xin hãy làm cho các đặïc sủng mà Chúa đã ban cho, được trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành. Xin hãy ban sức mạnh mới và đà tiến truyền giáo cho các con cái Chúa tụ họp ở đây. Xin hãy mở rộng tâm hồn họ, xin hãy linh hoạt sự dấn thân Kitô của họ trong thế gian. Xin hãy làm cho họ trở nên những sứ giả can đảm của Tin Mừng, những chứng nhân của Chúa Kitô phục sinh, Ðấng Cứu Chuộc và Vị Cứu Thế của con người. Xin hãy củng cố tình yêu mến và lòng trung thành của họ với Giáo Hội!"

ÐTC khuyên tất cả hướng về Mẹ Maria, Bạn cực sạch Chúa Thánh Thần và Mẹ Giáo hội, xin Mẹ giúp chúng ta học với Mẹ để biết thưa lại một cách ngoan ngoãn tiếng nói của Chúa Thánh Thần: Fiat, xin vâng! Rồi ÐTC lặp lại cho các Phong trào lời sai đi truyền giáo của Chúa Giêsu, như sau : "Hôm nay đây - từ Quảng Trường này, Chúa Kitô lặp lại với mỗi một người trong anh chị em: "Các con hãy ra đi khắp thế giới và các con hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật" (Mc 16,15). Chúa tín nhiệm nơi mỗi người trong anh chị em, Giáo hội tin cậy vào anh chị em. Và Chúa bảo đảm: Thầy đây ở với các con mọi ngày cho đến tận thế", (Mt 28,20).

Trước khi ra về, ÐTC chào thăm tất cả bằng các tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ðức. Buổi gặp gỡ kết thúc vào lúc 20 giờ tối thứ Bảy 30/05/98, với Phép Lành của ÐTC.


THỜI SỰ: Sứ Ðiệp của ÐTC cho Hội Nghị Quốc Tế của các Phong Trào Giáo Hội

THỜI SỰ: Sứ Ðiệp của ÐTC cho Hội Nghị Quốc Tế của các Phong Trào Giáo Hội.

Thứ Tư 27.05.98, ÐTC đã gởi một sứ điệp cho Hội Nghị Quốc Tế của các Phong trào Giáo Hội, được tổ chức trong ba ngày, tại Domus Pacis ở Roma với sự tham dự của 350 vị đại diện thuộc các Phong trào khác nhau.

Trong sứ điệp, trước hết ÐTC cảm ơn Hội Ðồng Tòa Thánh đã có công cổ võ và tổ chức Hội Nghị, trong Năm dành cho Chúa Thánh Thần (1998), theo như nguyện ước của ngài vào năm 1996, cách đây hai năm. ÐTC cảm ơn các Phong Trào đã hăng hái đáp lại lời kêu gọi của ngài và của Hội Ðồng Giáo Dân.

Nhắc lại các Hội Nghị quốc tế trước đây: năm 1981 tại Roma, năm 1987, tại Rocca di Papa và năm 1991 tại Bratislava, ÐTC cho biết rằng ngay từ đầu Triều Giáo Hoàng, ngài luôn luôn cổ võ các Phong Trào Giáo Dân, vì ngài biết sự quan trọng của các Phong Trào và những thành quả lớn lao do sự hiện diện và hoạt động của các Phong Trào trong đời sống Giáo Hội; ngài cũng thấy rõ sự sẵn sàng và những nghị lực phục vụ của các Phong Trào và Hội Ðoàn đối với Tòa Phêrô và các Giáo Hội địa phương.

ÐTC vui mừng vì sau một thời kỳ bắt đầu, nay các Phong trào đã tiến đến tuổi trưởng thành. Giữa một xã hội bị tục hóa mỗi ngày mỗi nhiều, các Phong trào được coi như một Mùa Xuân tươi đẹp mà Công Ðồng Vatican II đã loan báo trước đây. ÐTC tin chắc chắn rằng Mùa Xuân này là ơn Chúa Thần ban cho Giáo Hội.

Các Phong Trào khác nhau về hình thức, nhưng tất cả đều hướng về một mục tiêu, là tìm đào sâu mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Kitô và với anh chị em mình; là cùng sống và minh chứng sứ điệp Tin Mừng trong đời sống hằng ngày, trong các môi trường khác nhau; là cùng chung mở rộng Nước Chúa trên cả thế giới. Tất cả đều được thi hành trong trung thành với Giáo huấn và Truyền thống của Giáo hội. Mục đích của các Phong trào đuợc cụ thể hóa trong Hội Nghị này qua việc đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, qua tình huynh đệ liên đới và sự cộng tác chân thành và nhất là bằng cuộc gặp gỡ chiều thứ Bẩy 30/05/98,tại Quảng Trường Thánh Phêrô, giữa ÐTC và khoảng 200 ngàn đoàn viên của các Phong Trào khác nhau.

ÐTC nhắc đến sự hiện diện của một số nhân vật thuộc Giáo Triều, các Giám Mục, đại diện Hiệp Hội quốc tế các Bề Trên Tổng Quyền Nam, Nữ trong Ðại Hội... Sự hiện diện nầy nói lên sự hiệp thông chặt chẽ giữa Giáo Hội và các Phong Trào. ÐTC còn chào thăm các Ðại Diện của các Giáo Hội Kitô anh em đến tham dự Hội Nghị. Sự hiện diện rất ý nghĩa, và nói lên tính cách đại kết, mà Giáo Hội mong ước thực hiện trong lúc bước vào Ngàn Năm Thứ Ba của Kỷ Nguyên Kitô.

Các người tham dự Ðại Hội, một đàng, tìm đào sâu bản chất thần học và nhiệm vụ truyền giáo của các Phong Trào; đàng khác nhằm cổ võ việc xây dựng lẫn nhau, qua việc trao đổi kinh nghiệm, chứng tá và cộng tác. Mỗi một phong trào có đặc sủng riêng của mình và hoạt động trong nhiều hình thức, và phương pháp khác nhau, nhưng tất cả nhằm một mục tiêu: là sống trong sự hiệp nhất đức tin, đức cậy, đức mến, trong sự tùng phục Chúa Kitô và các Vị Chủ Chăn Giáo Hội do Chúa đặt, để bảo đảm kho tàng Ðức Tin, đảm bảo sự hiệp nhất và hiệp thông giáo hội. ÐTC giải thích thêm rằng: Hiệp nhất và hiệp thông đây không có nghĩa là đồng nhất, cũng không có nghĩa là phủ nhận tính cách khác biệt của các phong trào. Ngoài ra, tính cách đa hình thức không thể đồng nghĩa với "óc địa phương, sự chia li, phân tán". ÐTC nói: "Vì thế mỗi một thực tại của anh chị em cần phải được đánh giá theo sự đóng góp thực sự của anh chị em và của Phong Trào anh chị em vào đời sống Giáo Hội. Các Phong Trào có thể đem đến một sự đóng góp quí giá cho hoạt động của một Giáo Hội duy nhất, do Chúa thiết lập trên Phêrô, trong các tình hình khác nhau tại địa phương nhất là tại những miền trong đó việc thiết lập Giáo Hội, còn ở trong thời kỳ bắt đầu, hoặc trong hoàn cảnh gặp phải những khó khăn".

ÐTC còn nhấn mạnh thêm rằng: Ðã nhiều lần ngài nhấn mạnh rằng trong Giáo Hội không có sự tương phản hay đối lập nhau giữa chiều kích thể chế và chiều kích đặc sủng. ÐTC quả quyết rằng: "Cả hai cùng cần thiết cho việc thiết lập Giáo Hội của Thiên Chúa, vì cả hai cùng hoạt động để thực hiện mầu nhiệm Chúa Kitô và công việc cứu rỗi của Người trong thế gian".

Kết thúc sứ điệp, ÐTC nhấn mạnh rằng: "Tôi tin chắc những suy tư của tôi sẽ được đào sâu trong những ngày Ðại hội. Tôi theo dõi công việc của Ðại hội bằng lời cầu nguyện, để đem lại nhiều thành quả quí báu cho Giáo Hội và cho tất cả nhân loại. Trong khi chờ đợi cuộc gặp gỡ vào chiều thứ Bảy 30/05/98, ngày áp Lễ Hiện xuống, tôi tận tình ban phép lành đặc biệt cho anh chị em và cho tất cả những ai anh chị em đại diện cho."


Back to Radio Veritas Asia Home Page