"Dom Helder Camara"
vị Linh Mục và Giám Mục
hiến cả cuộc đời cho người nghèo khổ
tại Brazil

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

"Dom Helder Camara", vị Linh Mục và Giám Mục hiến cả cuộc đời cho người nghèo khổ tại Brazil.

Nhiều đài phát thanh, truyền hình và báo chí quốc tế, cách riêng báo chí Công Giáo, đã dành nhiều bài, nhiều trang về Ðức Cha Helder Camara, cựu Tổng Giám Mục giáo phận Olinda và Recife bên Brazil, qua đời đêm thứ Sáu 27.08.99, trong một căn phòng nhỏ hẹp kế bên nhà thờ tại Frontieras das Recife, thọ 90 tuổi. Tuy là Tổng Giám Mục, nhưng các bạn hữu và người dân của ngài vẫn gọi một cách thân tình "Cha Helder, Dom Helder Camara".

Helder Camara sinh tại Fortaleza, trong bang Cearà, bên Brazil, ngày 7.02.1909, con của một công chức coi thư viện và của một nữ giáo viên tiểu học. Hai ông bà có 12 người con, nhưng 5 bị chết trong thời kỳ dịch tễ dữ dội xẩy ra năm 1905 trong cả nước Brazil. Năm 1923, Helder Camara vào học tại chủng viện giáo phận Fortaleza và thụ phong linh mục lúc mới 22 tuổi, với phép chuẩn của Tòa Thánh. Vị linh mục trẻ trung này trở nên người bênh vực bất khuất của các quyền con người, cách riêng các người nghèo khổ. Năm 1931, Cha Helder Camara thành lập "Ðạo binh các thợ thuyền tại Cearà", một tổ chức vừa giống như một nghiệp đoàn vừa như là một hợp tác xã của anh chị em thợ thuyền. Hai năm sau Cha thành lập nghiệp đoàn các phụ nữ công nhân. Năm 1935, Cha được đặt làm Giám Ðốc về giáo dục trong Bang Fortaleza.

Tuy vẫn tiếp tục chăm sóc mục vụ cho các cộng đồng cơ bản, do cha thành lập, nhưng không theo chủ nghĩa Mác Xít như một số linh mục tại Brazil hay Nicaragua hoặc tại vài nước Mỹ Châu Latinh hồi đó. Các vị này chủ trương tranh đấu giai cấp giữa người giầu và nguời nghèo, theo Thuyết Mác Xít;... Phằn Cha Helder Camara thì không theo chủ trương của lý thuyết Marxít; Cha đã tuyên bố như sau: "Tôi không cần đến Thuyết Mác Xít, tôi đã có Phúc Âm của Chúa Giêsu". Con đường tranh đấu của ngài là con đường của hòa bình và của tình yêu thương, không phải con đường của bạo hành, con đường của thù ghét giữa các giai cấp xã hội.

Ngài chủ trương phải trả lại phẩm giá cho những người bị tước lột. Cuộc tranh đấu của ngài không bao giờ nhằm mục tiêu chính trị, như Linh Mục Ernesto Cardenal tại Nicaragua hoặc như Linh Mục Leonardo Boff, người đồng hương của ngài tại Brazil.

Cha Helder Camara là một trong các người sáng lập CELAM, tức Liên Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh; rồi ngài cũng là một trong các vị sáng lập Hội Ðồng Giám Mục Brazil, và là vị Tổng Thư Ký đầu tiên của tổ chức này. Trong chức vụ, cũng như những năm trước đó, Cha Helder Camara vẫn theo một đường lối: dành quyền ưu tiên cho các người nghèo và luôn luôn tranh đấu cho các quyền và phẩm giá con người.

Ðức Hồng Y Evaristo Arns, cựu Tổng Giám Mục São Paulo (Brazil) nói về Cha Helder Camara như sau: "Dom Helder muốn tranh đấu chiếm lại những quyền mà tại Châu Âu thuộc về những thời cách mạng kỹ nghệï, nhưng tại Brazil này là đặc quyền của một số rất ít người". Ðó là những quyền thành lập nghiệïp đoàn, có Ðồng Lương tối thiểu để sống. Tại Brazil của năm 2000, có khoảng 5 triệu người làm việc không lương, chỉ được một túp lều che mưa nắng và một đĩa súp mỗi ngày. 12 triệu tiền lương mỗi tháng khoảng 70 Mỹ kim. Hơn 3 triệu trẻ em làm việc trong tình trạng nô lệ.

Năm 1952, Cha Helder Camara được bổ nhiệm làm Giám Mục Rio de Janeiro. Sau 10 năm hòa bình, tiếp đến chế độ độc tài quân sự, thời kỳ đen tối của Brazil. Sau khi Tổng Thống João Goulart, bị lật đổ năm 1964, chế độ quân đội lưu ý đặc biệt đến vị Giám Mục trẻ trung và hoạt động không bao giờ lùi bước này, dù bị đe dọa. Ðức Cha Camara lúc đó huy động dư luận trong và ngoài nước về tình hình bi đát của Brazil, đến độ nhiều quốc gia dân chủ thế giới hết sức cảm phục vị Giám Mục can đảm này. Trong khoảng 30 năm trước khi qua đời, ngài đã nhận được nhiều bằng Tiến Sĩ danh dự (Honoris causa), trong đó có đại học Sorbonne (ở Paris của Pháp) và Haward (của Hoa Kỳ): Hai đại học nổi tiếng trên thế giới, và khoảng 40 giải thưởng quốc tế. Tất cả chỉ có mục đích thưởng công Dom Helder Camara về những tranh đấu theo tinh thần Phúc Âm, để xây dựng hòa bình, công lý, tình liên đới và huynh đệ giữa nhân loại. Trong những năm từ 1970 đến 1973, nhiều lần ngài được đề nghị lãnh giải thưởng Nobel về Hòa Bình, để thưởng công những dấn thân liên lỉ trong việc bênh vực các người nghèo bị bóc lột, các người bị bách hại dưới chế độ độc tài quân phiệt. Sau khi chế độ độc tài quân phiệt sụp đổ, Ðức Cha Helder Camara tung ra chiến dịch hòa giải và tha thứ. Ngài luôn luôn nhắc lại ràng: "Không có tha thứ, không thể có hòa bình, không có hòa bình, chúng ta không thể lấy lại được những năm đã qua đi".

Dom Helder "người anh em trong các người nghèo khổ hơn cả" đã nói lên lời sau đây đáng chúng ta suy tư nhiều: "Sống GIỮA người nghèo, không khó khăn; ngày nay nhiều người giầu đang sống giữa người nghèo, nhưng không cảm thương người nghèo và giúp đỡ người nghèo; trái lại còn bóc lột, khai thác người nghèo. Nhưng sống NHƯ người nghèo (bất cứ ở đâu), đây là điều khó khăn, nhất trong thời đại ta, thời đại chạy theo tiền bạc, quyền bính, danh vọng...". Dom Helder không những đã sống GIỮA người nghèo khổ, nhưng còn sống NHƯ người nghèo: các người nghèo tại Cearà, Perambuco, Rio grande, tại những miền cực khổ của miền bắc Brazil, mà người ta gọi là miền Chiapas của Brazil (giống miền Chiapas của Mexico).

Trước khi qua đời, Dom Helder Camara đã đặt câu hỏi như sau: Tại sao lại không lợi dụng việc sắp đến của Ngàn Năm mới để huy dộng thế giới chống nạn đói khổ? Nạn đói là thù địch duy nhất của chúng ta. Trong 90 năm của cuộc đời, một cuộc đời dài, Dom Helder dành 68 năm trong chức Linh Mục và Giám Mục để chiến đấu nạn đói khổ, cảnh nghèo nàn tại một quốc gia giầu có, trong đó tài sản ở trong tay 5% người dân mà thôi. Ðức Cha Helder Camara đã có lần nói như sau: "Làm sao chúng ta có thể yêu thương tha nhân trong khi để họ chết đói? Lề luật Thiên Chúa dạy: Yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Ai yêu thương tha nhân tức là đã giữ trọn lề luật. Ai không biết yêu thương, tức là cũng không biết yêu mến Thiên Chúa".

Trong những ngày này, từng trăm ngàn người, nam, nữ, lớn bé, già trẻ, cách riêng các người nghèo khổ, các nguời bị bách hại, bị bóc lột, bị khai thác tuốn đến kính viếng và khóc thương vị chủ chăn suốt đời đã hy sinh tranh đấu cho quyền lợi và phẩm giá con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Dom Helder Camara qua đi trong khó nghèo, nhưng đã để lại cho Brazil, cho nhân loại một gia tài phong phú gồm tóm lại trong câu ý nghĩa này: "Nhiều lúc có những con người đè nặng trên anh chị em phải không? Anh chị em đừng vác họ trên vai. Anh chị em hãy mang họ trong trái tim của anh chị em".


Back to Radio Veritas Asia Home Page