Vài Nhận Ðịnh
về tình hình Phi Châu hiện nay

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài Nhận Ðịnh về tình hình Phi Châu hiện nay.

Phi Châu, chiến tranh vô tận. Phi Châu một lục địa có con số cao hơn cả về đói khát, di tản, tị nạn, nghèo khổ, mù chữ và về chứng bệnh AIDS. Nhiều nước Phi châu, từ nhiều năm nay, nhất là từ năm 1989 đến nay, không bao giờ được sống trong hòa bình. Trong năm 1998, có năm vụ chiến tranh bùng nổ trên cả thế giới, thì ba vụ tại Phi Châu. Ngoài ra có tới 12 vụ xung đột lớn bé khác xẩy ra từ mấy năm trước, vẫn tiếp tục và gia tăng mức độ. Tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo (cựu Zaire) từ hai năm nay chiến tranh giữa những lực lượng của chủ mới của ông Laurent Kabila và những lực lượng của chế độ củ của ông Mobutu, được Uganda và Rwanda ủng hộ, đang chiến đấu để giữ quyền và chiếm lại quyền. Chín quốc gia Châu Phi liên lụy vào chiến tranh này. Nạn nhân mỗi ngày mỗi gia tăng, tàn phá mỗi ngày mỗi khủng khiếp. Những cuộc hòa đàm, để đi đến đình chiến, đã thất bại. Tại Sierra Leone, một quốc gia nhỏ bé nằm về phía Tây Lục Ðịa, chiến tranh trở lại trước Lễ Giáng Sinh. Lực lượng hòa bình của các quốc gia Phi Châu miền Tây (Ecomog) đánh bật phiến quân. Ai cũng tưởng được sống trong hòa bình. Nhưng tháng 12/1998 vừa qua, phiến quân trở lại tấn công và chỉ trong ít tuần lễ, họ đã tiến vào thủ đô Freetown. Trong những ngày này cuộc chiến xem ra giảm mức độ, vì phiến quân đơn phương tuyên bố đình chiến. Phiến quân hiện còn bắt giữ một số nhà truyền giáo ngoại quốc, trong đó có Ðức Cha Joseph Henry Ganda, Tổng Giám Mục giáo phận Freetown.

Tại Angola, một quốc gia mênh mông, trong 20 năm nội chiến, số nạn nhân lên tới một triệu rưởi. Trong cả nước có tới 10 triệu trái mìn được rải rắc khắp nơi. Tính trung bình: mỗi trẻ em Angola bị 5 trái mìn đe dọa. Năm 1994, hai phe tranh chấp: phe Unita, tức Liên Hiệp Quốc Gia tranh đấu độc lập hoàn toàn cho Angola, chiếm và kiểm soát miến Bắc, và phe chính phủ do ông José Eduardo dos Santos, lãnh đạo, nhờ trung gian của nhiều chính phủ, cách riêng của Bồ Ðào Nha, (hai phe) đã đi đến thỏa ước hòa bình. Nhưng cách đây hai tháng, Chính phủ tấn công miền Bắc của Unita. Lực lượng Unita phản công. Số nguời chết lên tới từng ngàn. Dù sống chết, nhất định lực lượng Unita phải kiểm soát các mỏ kim cương và dầu hỏa miền này để có tiền mua sắm vũ khí. Lời kêu gọi và lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc không được đếm xỉa.

Ngoài các lò lửa này, còn có một số lò lửa khác tại Phi Châu từ lâu vẫn tiếp tục bùng cháy: Congo Brazaville, Burundi, Rwanda, Uganda, Guinea-Bissau, miền Ethiopie-Eritrea, những vụ sát hại hằng ngày tại Algérie, chiến tranh giữa hai miền Bắc-Nam Sudan ...

Chưa hết, tại nhiều nước Phi Châu, tuy không có chiến tranh, nhưng tình hình căng thẳng: như tại Nam Phi, Maroc, tại miền Casamanche của Senégal, Nigeria và Cameroun đang tranh chấp để kiểm soát bán đảo Bakassi, tại Tchad, Somalia, nơi đây thỏa ước hòa binh chỉ là tấm giấy lộn. Người ta đặt câu hỏi: Tại sao có những vụ tranh chấp này và không bao giờ chấm dứt? Rất nhiều lý do, nhưng lý do chính là lý do lịch sử . Thành phố Âu Châu liên kết chặt chẽ với số phận Phi Châu là thành phố Berlin. Tại đây năm 1878, trong một Hội Nghị quốc tế, Phi Châu được chia phần cho các siêu cường. Từ đó số phận long đong của Phi Châu kéo dài trong suốt một thế kỷ và cho tới lúc này.

Các nước thuộc địa khai thác tài sản của Phi Châu: vàng, bạc, gỗ quí, kim cương, dầu hỏa, cao su, cà phê... làm giầu cho mình, gây cảnh nghèo khổ và nô lệ cho người dân địa phương. Khi chế độ thuộc địa chấm dứt, Phi Châu không được chuẩn bị. Cấp lãnh đạo hoàn toàn lệ thuộc vào hai khối chống đối nhau: Cộng Sản do Liên Xô lãnh đạo và Tư Bản do Hoa Kỳ cầm đầu. Các chế độ độc tài Phi Châu được phe này, phe kia ủng hộ, bất lực, tham nhũng, đàn áp. Phe này lật phe kia. Chủng tộc này chống chủng tộc khác. Năm 1990, bức tường Berlin sụp đổ, chiến tranh lạnh giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản cũng sụp đổ theo. Các vụ tranh chấp vũ trang bùng nổ giữa các chủng tộc, giữa các phe nhóm, được siêu cường này, siêu cường khác ngấm ngầm thúc đẩy và giúp đỡ, với mục đích bảo vệ quyền lợi kinh tế của họ nơi những mỏ kim cương và dầu hỏa (như tại Angola, Sierra-Leone, Cộng Hòa Dân Chủ Congo).

Ðứng trước tình hình bi thảm này, chỉ có Giáo Hội Công Giáo tìm mọi cách để đem đến cho dân tộc Phi Châu một sứ điệp hy vọng, giúp đỡ, giáo huấn, thăng tiến con người, bênh vực phẩm giá và các quyền căn bản của con người, nhiều lần đã phải trả bằng giá máu. Nhiều nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống cho người dân miền này. Trong những ngày vừa qua, một số nhà truyền giáo bị bắt cóc, ba nữ tu bị sát hại tại Sierra Leone. Biết bao nhà truyền giáo: giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ , chủng sinh và giáo dân đã bị sát hại tại Burundi, Rwanda lúc chiến tranh bùng nổ tháng tư năm 1994 giữa hai chủng tộc Tutsi và Hutu. Tại hai quốc gia này, hiện nay tiếng súng yên lặng, nhưng tình hình vẫn đe dọa. Trong buổi tiếp kiến Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh ngày 11 tháng Giêng 1999 vừa qua, ÐTC đã nói đến tình hình bi đát tại Phi Châu và ngài xin các nhà ngoại giao hãy hoạt động để đem lại hòa bình cho Lục Ðịa này. Theo Viện Sưu Tầm về Hòa Bình tại Stockolm, thì chiến tranh không thể chấm dứt được, nếu thế giới vẫn tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí. Trong năm 1997, thế giới chi phí cho vũ khí tới 25 tỉ Mỹ kim. Năm trước chỉ có 22 tỉ rưỡi. Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất và buôn bán vũ khí nhiều nhất. Năm 1997, Hoa Kỳ thu được 10 tỉ 850 triệu Mỹ kim. Sau Hoa Kỳ, đến Nga: 3 tỉ 446 triệu, rồi đến Pháp: 3 tỉ 343 triệu Mỹ kim.

Thế giới hô hào hòa bình, nhưng thế giới vẫn tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí, dụng cụ giết người. Thế giới sẽ không bao giờ có hòa bình. Dĩ nhiên hòa bình không có nghĩa là tiếng súng yên lặng. Hòa bình phát xuất từ tâm hồn mỗi người, nhất là từ tâm hồn các vị nắm vận mệnh các dân tộc. Ðức Gioan Phaolô II nói: "Muốn có hòa bình, phải tôn trọng công lý, phải tôn trọng các quyền con người".


Back to Radio Veritas Asia Home Page