Thủ Tướng Chính Phủ Ý
viếng thăm chính thức Vatican

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Thủ Tướng Chính Phủ Ý viếng thăm chính thức Vatican.

Vatican - 08.01.99 - Lúc 11 giờ sáng thứ Sáu, mồng 08 tháng Giêng 1999, ÐTC tiếp Ông Massimo D’Alema, thủ tướng chính phủ Cộng Hòa Ý, đến viếng thăm chính thức. Cùng đi với Thủ Tướng có phu nhân, hai người con và phái đoàn chính phủ. Sau cuộc gặp gỡ riêng giữa ÐTC và Thủ Tướng, tiếp đến lễ nghi trao đổi quà tặng giữa ÐTC và Thủ Tướng. Ðây là chuyến viếng thăm chính thức. Thủ Tướng được đón tiếp với tất cả nghi lễ dành cho một vị cầm đầu chính phủ. Tại sân San Damaso, Thủ Tướng được Ðoàn Vêï Sĩ đón chào và Ban Nhạc cử bài quốc thiều Cộng Hòa Ý và Vatican. Chuyến viếng thăm được đài truyền hình Quốc Gia Ý truyền trực tiếp. Ðây là lần thứ năm, một thủ tướng chính phủ Ý đến viếng thăm chính thức Vatican, trong 20 năm Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II.

Trước đây ngài đã tiếp chính thức Thủ Tướng Bettino Craxi (Ðảng Xã Hội), Ciriaco De Mita (Ðảng Thiên Chúa Giáo), Giuliano Amato Ðảng Xã Hội), Romano Prodi (lãnh đạo Phong Trào Ulivo). Ngoài ra, ÐTC còn tiếp không chính thức nhiều vị thủ tướng khác của Ý: các Ông Francesco Cossiga (Ðảng Thiên Chúa Giáo), Giovanni Spadolini (Ðảng Cộng Hòa), Giovanni Goria (Ðảng Thiên Chúa Giáo), Carlo Arzeglio Ciampi (không đảng phái) , Silvio Berlusconi (lãnh tụ Forza Italia) và Lamberto Dini (hồi đó không thuộc đảng phái).

Bất cứ thuộc Ðảng Phái nào, các thủ tướng chính phủ Ý đều đến viếng thăm ÐTC. Ai cũng nhận thấy rằng: Uy tín tinh thần của ÐTC tại Ý và trên thế giới không thể bỏ qua được. Thủ Tướng Massimo D’Alema, trước đây lãnh đạo Ðảng Cộng Sản. Sau khi chế độ cộng sản Trung-Ðông Âu sụp đổ, Ông biến Ðảng Cộng Sản thành Ðảng Dân Chủ thiên tả (Democrazia di sinistra). Ông đã được Tổng Thống Ý chỉ định lập chính phủ từ hơn hai tháng này, sau khi chính phủ Prodi bị đổ. Sau cuộc gặp gỡ ÐTC, Thủ Tướng Ý đến viếng thăm Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh.


Tường thuật chi tiết buổi tiếp kiến của ÐTC với Thủ Tướng Chính Phủ Ý viếng thăm chính thức Vatican

Tường thuật chi tiết buổi tiếp kiến của ÐTC với Thủ Tướng Chính Phủ Ý viếng thăm chính thức Vatican.

Vatican - 08.01.99 - Lúc 11 giờ sáng thứ Sáu, mùng 08 tháng Giêng 1999, Ðoàn xe của Thủ Tướng Chính Phủ Cộng Hòa Ý và Phái Ðoàn vượt qua biên giới Ý tiến vào Thành Phố Quốc Gia Vatican. Tới sân San Damaso, Thủ Tướng được Ðức Giám Mục James Harvey, Bộ Trưởng Phủ Giáo Hoàng và nhiều giáo sĩ và nhân viên Phủ Giáo Hoàng đón chào. Sau bài quốc ca Ý và Vatican, Bộ Trưởng Phủ Giáo Hoàng hướng dẫn Thủ Tướng và đoàn tùy tùng đến gặp ÐTC.

Ðoàn tùy tùng của Thủ Tướng gồm 14 người, trong đó có phu nhân thủ tướng và hai người con: cô Giulia 12 tuổi và cậu Francesco 8 tuổi. Khi ÐTC gặp riêng thủ tướng, thì đoàn tùy tùng chờ đợi nơi Phòng Tiếp Tân kế bên Thư Viện của ÐTC. Thủ Tướng được ÐTC đón chào ở cửa Thư Viện. Ngài bắt tay thân mật chào Thủ Tướng và mời vào Thư Viện. Tại đây, ÐTC và Thủ Tướng nói chuyện riêng trong 25 phút. Sau cuộc gặp gỡ riêng, ÐTC gặp phu nhân Thủ Tướng và hai người con. Tiếp theo, các nhân viên thuộc đoàn tùy tùng. Sau khi chào thăm và tặng quà riêng cho gia đình và đoàn tùy tùng của Thủ Tướng, tiếp đến lễ nghi trao tặng quà giữa ÐTC và Thủ Tướng. ÐTC tặng Thủ Tướng bứùc ảnh bằng đồng có hình hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô. Thủ Tướng tặng lại ÐTC một Bình Chứa Mình Thánh bằng bạc, sản phẩm tiểu công nghệ Pháp, từ thế kỷ 17. Trước khi từ giã, Phái đoàn chụp hình chung với ÐTC. Chào từ giả Thủ Tướng, Gia Ðình và Phái Ðoàn, ÐTC cảm ơn ba lần: Cảm ơn Thủ Tướng, gia đình và phái doàn đã viếng thăm, cảm ơn chính phủ Ý, cảm ơn dân tộc Ý, và cầu chúc Năm Mới bình an, thịnh vượng.

Sau đó, Thủ Tướng và phái đoàn xuống lầu dưới, để viếng thăm Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh. Chuyến viếng thăm kết thúc vào lúc 12:30. Tại sân San Damaso, một lần nữa Ban Nhạc của Phủ Giáo Hoàng cử bài quốc ca Ý và Vatican. Sau đó Thủ Tướng từ giã Ðức Giám Mục James Harvey và phái đoàn Vatican, lên xe trở về Phủ Thủ Tướng (Palazzo Chigi).

Sau đây là thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh được phổ biến sau buổi tiếp kiến:

"Sáng nay, thứ Sáu mồng 8 tháng Giêng 1999, ÐTC Gioan Phaolô II đã tiếp Ông Massimo D’Alema, Thủ Tướng Chính Phủ, với đoàn tùy tùng. Sau cuộc gặp gỡ với ÐTC, Thủ Tướng đã viếng thăm Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh.

1 - Ðề tài của cuộc thảo luận là những đề tài có tính cách quan trọng liên hệ đến đời sống quốc gia và quốc tế trong lúc này.

2 - Tiếp sau đó, một số khía cạnh riêng biệt liên hệ đến những chờ đợi chính đáng và nền tảng: những chờ đợi được người Công Giáo Ý quan tâm cách riêng. Tức là việc công nhận sự bình đẳng và sự giúp đỡ các trường không phải là trường Nhà Nước - rồi một đường lối chính trị hiệu nghiệm hơn về gia đình và việc dấn thân đem đến cho các thế hệ trẻ những viễn tượng cụ thể về công ăn việc làm. Về điểm này, Thủ Tướng đã trình bày những biện pháp đã được Chính Phủ chấp nhận cho từng vấn đề, và Thủ Tướng còn nói lên sự lưu ý riêng của Ông nữa.

3 - Sau đó, hai bên duyệt lại những vấn đề khác nhau giữa Nhà Nước và Giáo Hội. Về phía mình, Tòa Thánh hài lòng về dấn thân của Chính Phủ Ý, để hoàn thiện trong những tháng tới đây một số điều khoản của hòa ước, cách riêng về việc bảo vệ gia tài văn hóa của Giáo Hội và về việc giúp đỡ thiêng liêng cho các nhân viên thuộc lực lượng cảnh sát Nhà Nước. Tòa Thánh cũng bày tỏ sự hài lòng về việc cộng tác chặt chẽ giữa hai bên trong việc chuẩn bị Ðại Toàn Xá của Năm 2000.

4 - Tòa Thánh ước mong Ủy Ban hỗn hợp giữa hai bên mới được thành lập để đối phó với những biến cố mới đây, có thể hoạt động sớm hết sức và đưa ra những chỉ thị rõ ràng, để bảo đảm việc áp dụng cụ thể các luật lệ liên hệ đến việc thi hành Thừa Tác Vụ của các Giám Mục và, nói chung, các mối quan hệ giữa Nhà Nước và Giáo Hội, trong đó "mỗi bên được độc lập và có thẩm quyền hoàn toàn" (khoản 1 của thỏa ước đã được duyệt lại năm 1984).

5 - Trên lãnh vực quốc tế, hai bên nhấn mạnh cách riêng đến sự đồng quan điểm giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Ý về vấn đề hòa bình trong các miền bị thử thách nhiều bởi những tranh chấp vũ trang tại Châu Phi, Trung Ðông và Balcan.

Sau buổi viếng thăm Vatican, trở về Phủ Thủ Tướng, Thủ Tướng D’Alema bình luận như sau với giới báo chí về cuộc gặp gỡ đầu tiên với Ðức Gioan Phaolô II:

"Cảm giác đầu tiên là cảm giác ở trong một mức độ rất cao của căng thẳng con người; nhưng sự căng thẳng được giải tỏa ngay, nhờ vào khả năng khác thường của ÐTC mở ra một tiếp xúc đầy tình nhân đạo với bất cứ ai đang đứng trước ngài".

Tuyên bố với đặc phái viên đài Vatican có mặt tại Phủ Thủ Tướng, Thủ Tướng nói: "Ðiều làm tôi xúc động hơn cả là, dù cảm động nhiều, khi ngồi trước ÐTC, là ngay lúc đó, ÐTC có khả năng khác thường làm cho tôi bình thản. Tôi có thể nói: đây là cảm giác đã làm tôi xúc động hơn cả và cảm giác này sẽ còn ghi sâu mãi nơi con người tôi."

Thực sự, trước đây, trong thời kỳ ông Massimo D’Alema lãnh đạo Ðảng Cộng Sản và sau đó Ðảng này biến thành Ðảng Dân Chủ thiên tả, báo chí đã có lần nói đến: có thể có cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Ông. Nhưng chưa bao giớ xẩy ra. Vừa lên làm Thủ Tướng được hơn hai tháng, Ông đã xin được viếng thăm chính thức ÐTC, như các vị tiền nhiệm của Ông. Ðây là lần thứ nhất Ông được Ðức Gioan Phaolô II tiếp trong Ðền Vatican trong tứ cách là Thủ Tướng Chính Phủ. Ông đã gặp ÐTC ngày 20.10.98 vừa qua, tại Phủ Tổng Thống, lúc vừa dược chỉ định lập chính phủ.

Từ phía Tòa Thánh, thì đây không phải là lần thứ nhất một Vị Giáo Hoàng tiếp đảng viện cộng sản hay cựu cộng sản . Ðức Gioan XXIII đã tiếp con rể ông Krusciov - Ðức Phaolô VI đã tiếp chủ tịch Nhà Nước Liên Xô, ông Podgony. Ðức Gioan Phaolô II đã tiếp chủ tịch Nhà Nước Ba Lan tướng Jaruzelski, chủ tịch Liên Xô Gorbaciov, lúc chế độ cộng sản chưa bị sụp đổ (02.12.1989). Sau khi chế độ sụp đổ, ngài còn tiếp nhiều nhân vật chính trị cựu cộng sản, như ông Ion Iliescu, chủ tịch Roumanie, đã lật đổ nhà độc tài Ceausescu - Ông Boris Eltsin (20.12.1991), ít ngày trước sự tan rã khối Liên Xô. Rồi ông Milan Kucan, chủ tịch Slovénie (hai lần tháng 9 năm 1992 và tháng 3 năm 1994) - Ông Algirdas Brasaukas, chủ tịch Lituanie (2.12.1994) - Ông Vladimir Meciar, thủ tướng chính phủ Slovak (tháng 4 năm 1995), ông Gyula Horn, thủ tướng chính phủ Hungari, (hai lần: 5.2.1996 và 20.6.1997). Nhưng mass-media lưu ý đặc biệt đến buổi tiếp kiến Ông Aleksander Kwasniewski, cựu cộng sản, Tổng Thống Ba Lan, người đã thắng ông Lech Walesa trong cuộc bẩu cử, cách đây hơn ba năm. Ông đã phải chờ đợi gần hai năm mới được tiếp kiến tại Vatican (7.4.1997). Tháng 10 năm vừa qua (1998), ông đã trở lại Vatican lần nữa, để cùng với dân tộc Ba Lan mừng kỷ niệm 20 năm Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II. Nhưng đặc biệt được dư luận thế giới lưu ý hơn cả là chuyến viếng thăm tháng 9 năm 1997 tại Vatican của Ðại Lãnh Tụ Ðảng Cộng Sản và Chủ Tịch Nhà Nước Cuba, Ông Fidel Castro. Với chuyến thăm này mở đường cho chuyến viếng thăm lịch sử của Ðức Gioan Phaolô II tại Cuba cuối tháng Giêng năm 1998. Chuyến viếng thăm này cũng mở đường cho các mối quan hệ mới giữa Giáo Hội và Nhà Nước, giữa Cuba (bị cô lập) và các nước Châu Mỹ Latinh và dần dần đi đến hòa giải giữa Dân Tộc Cuba và Hoa Kỳ.


Back to Radio Veritas Asia Home Page