Giáo Hội Công Giáo
vẫn tiếp tục bị bách hại
tại Trung Quốc

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục bị bách hại tại Trung Quốc.

Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc, ông Ziang Zemin, đã tới Roma chiều Chúa Nhật 21.03.99, để viếng thăm Cộng Hòa Ý trong 4 ngày. Nhân chuyến viếng thăm này, báo chí nói nhiều đến một cuộc gặp gỡ với Vatican. Nhưng cách đây ít ngày, được giới báo chí phỏng vấn, Phát Ngôn Viên Tòa Thánh, Tiến Sĩ Navarro Valls, tuyên bố: "Trong chương trình, chúng tôi không thấy có ghi gì cả". Nhật Báo Công Giáo Ý Tương Lai (Avvenire), số ra ngày 20.03.99, cũng xác nhận như vậy: "Không có một cuộc gặp gỡ nào với Ðức Gioan Phaolô II". Bình luận về những lời tuyên bố trên đây, Cha Politi, nhà truyền giáo thuộc hội PIME (Pontificio Istituto Missioni Estere: Hội Giáo Hoàng truyền giáo Ngoại Quốc) trụ sở ở Milano, bắc nước Ý, đã sống tại Trung Quốc trong nhiều năm và thành thạo các vấn đề của quốc gia mênh mông này, hiện là giám đốc Nguyệt San "Thế giới và việc truyền giáo" (Mondo e Missione) đã tuyên bố: "Trung Quốc không thể hành động khác được. Bắc Kinh vẫn luôn luôn từ chối việc tiếp xúc chính thức với Vatican. Bắc kinh luôn luôn chủ trương quyền hành chính trị quyết định đường lối cứng rắn trong vấn đề tín ngưỡng. Vì thế Bắc Kinh coi vấn đề tôn giáo là vấn đề chính trị và nhìn Giáo Hội như "một quyền thống trị ngoại quốc" trên các tín hữu người Trung Quốc. Cũng vì cái nhìn sai lầm này về sứ mệnh của Giáo Hội, các Nhà Cầm Quyền chính trị thường bách hại Giáo Hội, không những tại Trung Quốc hiện nay, nhưng còn tại nhiều quốc gia khác, ngay từ lúc Giáo Hội được thành lập vào các thế kỷ đầu, như tại Ðế Quốc Roma, và tiếp tục sau này trong các thời kỳ khác nhau, cho đến hôm nay, như đã xảy ra tại Nhật Bản, tại Ðại Hàn, vân vân...

Một lý do khác được Bắc Kinh đưa ra từ lâu: Tòa Thánh phải đoạn tuyệt ngoại giao với Ðài Loan. Lý do này không có nền tảng vững chắc . Bắc Kinh thừa hiểu rằng: từ năm 1972, Tòa Thánh không gởi tới Ðài Loan một vị Sứ Thần nào nữa, nhưng chỉ để lại một vị giám chức xử lý thường vụ, để có thể đi đến việc tiếp xúc dễ dàng hơn với Bắc Kinh. Theo Cha Politi, lý do chính khiến Trung Quốc không thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh trong lúc này, là vì tại Trung Quốc hiện có nhiều chủng tộc, tôn giáo khác nhau, nhất là Khối Hồi Giáo và Phật Giáo tại Tây Tạng, một quốc gia đã bị Trung Quốc xâm chiếm từ nhiều năm nay và khoảng một triệïu trong số bẩy triệu dân cư bị tiêu diệt. Chủ Tịch Ziang Zemin không thể tiếp xúc với Ðức Gioan Phaolô II mà không đối thoại với Ðức Dalai Lama, vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị của Tây Tạng, hiện đang tị nạn chính trị tại Ấn Ðộ, cũng không thể bỏ qua Vua Arabie Saudite, quốc gia bảo hộ Hồi Giáo. Tại Tây Tạng và Khối Hồi Giáo luôn luôn có những vụ nổi loạn. Người Công Giáo không nổi loạn, nhưng họ vẫn bị coi là một đe dọa như các tôn giáo khác. Cuộc bách hại các tín hữu Kitô vẫn tiếp tục với mức độ nhiều ít khác nhau, tùy từng địa phương. Sở dĩ các Giám Mục trung thành với Tòa Thánh bị bách hại ít hơn trước đây, không phải vì chế độ có sự cởi mở với Giáo Hội Công Giáo "hầm trú", nhưng vì các Giám Mục này đã già yếu, từ 80 đến 90 tuổi và vì hầu hết các vị đã bị giam tù trong nhiều năm rồi.

Các Giám Mục trung thành với Roma, được hãng thông tấn Ansa phỏng vấn về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, đã tỏ vẻ bi quan. Ðức Cha Zeng Jingmu, 80 tuổi, bị tù 32 năm vì trung thành với Tòa Thánh, tin chắc rằng: Sẽ không thể có một sự thỏa hiệp giữa Bắc Kinh và Vatican được. Ðức Cha giải thích: Ðảng cộng sản Trung Quốc muốn kiểm soát tất cả. Không có gì thay đổi đối với chúng tôi, vẫn còn có những kiểm soát chặt chẽ". Ðức Giám Mục cho biết thêm như sau: Cha Louis Zuo Junhua, 32 tuổi, bị bắt giữ tháng 11 năm ngoái (1998) tại xã Hangpu, được trả tự do tuần vừa qua. Nhưng hai Linh Mục khác trong miền Zhejiang, đã bị bắt giam trong những ngày vừa qua. Ðức Cha Matthia Duan Yinmin, 92 tuổi, Giám Mục Wenxian, trong miền Sichuan, tuyên bố: Tình hình khá hơn trong ba năm vừa qua. Nhưng việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican là một vấn đề rất khó khăn. Cha Politi viết trong Mondo e Missione (nguyệt san của PIME) rằng: việc thay thế các Giám Mục già yếu là một vấn đề nan giải hiện nay. Trong miền Hebei, có 16 giáo phận; ba giáo phận không có Giám Mục; 10 giáo phận còn Giám Mục, nhưng trên 80 tuổi. Các Linh Mục có thể thay thế, mới có 35 tuổi, còn quá trẻ. Từ năm 1955 đến 1980 không có vụ phong chức nào cả. Ðàng khác, Nhà Cầm Quyền cộng sản chủ trương chia rẽ trong chính các Giáo Hội địa phương, gây tham vọng Giám Mục, tranh giành quyền bính giữa vị này, vị khác: Giám Mục cũng như Linh Mục ... gây bè phái trong giáo phận, dùng người trong giáo hội để chia rẽ, đả phá giáo hội.. Nhiều vị đã sa vào cạm bẩy này. Thế giới Tây phương yên lặng trước các vụ bách hại này, vì nhằm vào Trung Quốc, như một thị trường khổng lồ, cho dù Tây Phương biết rõ ràng rằng: Thị trường kinh tế Trung Quốc chỉ bằng một nửa thị trường nước Pháp mà thôi. Ðược hỏi: Trung Quốc có thể sụp đổ nhanh chóng như Liên Xô không, cha Politi nhận xét rằng: Không dễ dàng như Liên Xô, vì chủ tịch Jiang Zemin hiện nay thế lực mạnh hơn chủ tịch Mao Trạch Ðông. Ông vừa là chủ tịch Nhà Nước, vừa là Tổng Chỉ Huy Quân Ðội (rất quan trọng đối với một chế độ độc tài dựa trên lực lượng Công An và Quân Sự). Cha nói: Cái nguy hiểm mà Tây Phương phải suy tư nhiều là việc phân tán tại Trung Quốc. Nguy hiểm này không phải chỉ do Tây Tạng và Hồi Giáo mà thôi. Miền Sichuan (gồm 110 triệu dân cư, sào huyệt của các vụ nổi loạn), Miền Quảng Ðông luôn luôn cảm thấy mình bị khai thác; thêm vào đó nạn thất nghiệp trầm trọng; rồi Ðài Loan, một lực lượng hùng hậu về quân sự và kinh tế, lại được Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số quốc gia Tây Phương ủng hộ trực tiếp, hoặc gián tiếp, và sau cùng áp lực của các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Bắc Kinh vẫn ở trong thế cô lập. Một trong các mục tiêu của chuyến viếng thăm của Chủ Tịch Jian Zemin tại Ý, Thụy Sĩ, Áo Quốc... là nhằm thoát khỏi phần nào thế bị cô lập như hiện nay.


Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho phổ biến thông cáo về việc kêu gọi trả tự do cho hai Giám Mục Trung Quốc và về mối quan hệ Tòa Thánh-Trung Quốc

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho phổ biến thông cáo về việc kêu gọi trả tự do cho hai Giám Mục Trung Quốc và về mối quan hệ Tòa Thánh-Trung Quốc.

Vatican - 22.03.99 - Về những tin được đăng trên báo chí về lời kêu gọi của Tòa Thánh yêu cầu trả tự do cho Ðức Giám Mục giáo phận Baoding (Bảo Ðịnh) và vị phụ tá của ngài, Giám Ðốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho phổ biến thông cáo sau đây:

"Phủ Quốc Vụ Khanh cho tới lúc này đã không thực hiện một can thiệp nào liên quan đến việc trả tự do cho hai Giám Mục giáo phận Baoding. Việc phổ biến tin về sự can thiệp này là do sáng kiến riêng của Cha Bernardo Cervellera, và đã không được thỏa thuận với các vị trách nhiệm của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh". Thông cáo viết tiếp: "Về mối quan hệ với Trung Quốc, cuộc phỏng vấn của Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran trên tờ Người Ðưa Tin Chiều (Corriere della sera) số ra ngày thứ Hai: 22.03.99, trả lời cách thế giá cho điểm này. Ðã rõ, chỉ có Phủ Quốc Vụ Khanh mới có quyền nói lên cái ưa thích hay cái không ưa thích đối với Tòa Thánh. Vì thế những tư tưởng trình bày trong bản tin của hãng thông tấn Fides là những ý kiến riêng của Cha Cervellera và ngài chịu trách nhiệm những gì ngài phát biểu".


Back to Radio Veritas Asia Home Page