Vài nét về cuộc gặp gỡ đại kết
và Sứ Ðiệp của các vị lãnh đạo
các Giáo Hội tại Thánh Ðịa

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nét về cuộc gặp gỡ đại kết và Sứ Ðiệp của các vị lãnh đạo các Giáo Hội tại Thánh Ðịa.

 Mặc dù còn hơn hai tuần lễ nữa, ÐTC mới khai mạc Năm Toàn Xá tại Roma, nhưng tại Thánh Ðịa, người ta có thể nói một cách tượng trưng rằng "Ðại Toàn Xá" đã khởi sự hôm mồng 4 tháng 12/1999 vừa qua, bằng một biến cố đại kết đặc biệt; Ðó là: Tất cả các Giáo Hội Kitô: Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành, đã cử hành chung với nhau biến cố kỷ niệm 2000 năm Mầu Nhiệm Cứu Chuộc tại Quảng Trường trước Ðền Thờ Giáng Sinh ở Bethlem. Các vị tham dự biến cố chung này tất cả là 12 vị giáo sĩ cấp cao: Giáo Chủ, Tổng Giám Mục và Giám Mục thuộc các lễ nghi khác nhau và Vị Canh Giữ Ðất Thánh thuộc Dòng Phanxicô anh em hèn mọn. Tất cả cùng cầu nguyện và cùng làm chứng trước thế giới về "căn cước chung, về sự hiệp thông trong hiện tại và ý chí muốn tiến đến sự hiệp thông hoàn toàn, theo mệnh lệnh của Chúa Kitô".

 Ủy ban liên giáo hội của các Giáo Hội ở Giêrusalem (JICC), được thành lập cách đây ba năm với mục đích chuẩn bị Ðại Toàn Xá, đã lựa chọn ngày mồng 04 tháng 12 năm 1999, để cử hành chung với nhau, ngõ hầu sau đó mỗi Giáo Hội có thể chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh tại các địa điểm riêng của mình.

 Một số Giáo Hội sẽ cần có một sự tổ chức chu đáo hơn, vì có sự hiện diện của các nhân vật tôn giáo của các Giáo Hội khác và của nhiều Chính Phủ tham dự. Thí dụ Giáo Hội Hy Lạp-Chính Thống, trong những ngày từ mồng 2 đến mồng 7 tháng Giêng năm 2000 đã mời Tổng Thống Boris Eltsin của Nga và Thủ Tướng Slobodan Milosevic của Serbia. Về Lễ Giáng sinh của Giáo Hội Armenia, từ 17 đến 18 tháng Giêng 2000, các vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Chính Thống nước này sẽ hành hương Bethlem. Rồi ngày 24 và 25 tháng 12/1999, Lễ Giáng Sinh theo lịch chung, chủ tịch Arafat của lãnh thổ Palestine đã mời nhiều vị quốc trưởng và thủ tướng các nước Công Giáo và Tin Lành đến Bethlem. Và tại đây, trong Ðêm lễ Giáng Sinh, Ðức Michel Sabbah, Giáo Chủ Công Giáo Giêrusalem sẽ cử hành thánh lễ trọng thể khai mạc Năm Ðại Toàn Xá, trong sự hiệp thông với ÐTC và cùng một lúc với Roma, bởi vì ngoài Roma ra, thì Thánh Ðịa được coi là một điểm rất quan trọng trong Năm Thánh của thế giới Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành. Sẽ có rất nhiều đoàn hành hương tuôn đến Thánh Ðịa, để kính viếng các nơi thánh của Mầu nhiệm Cứu Chuộc.

 Ðối với Chủ Tịch Arafat, Năm Thánh là cơ hội thuận tiện cho các cuộc gặp gỡ quốc tế, để thúc đẩy tiến trình hòa bình và để xúc tiến việc tuyên bố nền độc lập quốc gia Palestine. Vì thế, ông đã cho xây cất tại Bethlem một dinh thự lộng lẫy, có thể sẽ là Phủ Tổng Thống sau này. Theo các quan sát viên quốc tế, Ông có ý định tuyên bố trong Năm Thánh 2000 nền độc lập của quốc gia Palestine. Ông cũng muốn lợi dụng việc cử hành các lễ nghi tôn giáo trong dịp này để biến thành những lễ của quốc gia vào năm 2000, sau khi tuyên bố nền độc lập Palestine. Nhưng trước những chống đối của các vị lãnh đạo tôn giáo, Chủ Tịch Arafat trong lúc này chỉ giới hạn vào việc tham dự Lễ Nghi mừng Ánh Sáng mà thôi. Sau việc cử hành các lễ nghi đại kết, một số em nhỏ đem các cây nến đã được đốt lên từ Hang Ðá Bethlem, trao cho các Vị Giáo Chủ, Tổng Giám Mục, Giám Mục hiện diện, để các vị chuyển ánh sáng cho các nguời chung quanh. Trong lúc đó, Chủ Tịch Arafat đốt các cây nến của Cây Sinh Nhật, theo truyền thống được dựng tại Quảng Trường Bethlem. Sau đó, ông Thị Trưởng Bethlem, Ông Hanna Nasser, đọc điễn văn về "căn cước Kitô" của Thành này (nhưng thực sự đa số dân cư của Bethlem là tín hữu Hồi Giáo).

 Một tin rất đáng vui mừng là sứ điệp chung của 12 vị giáo sĩ cấp cao cho công bố trong dịp cầu nguyện đại kết này, nói đến sự hiệp nhất hoàn toàn trong tương lai. Nhật báo "Tương Lai" xuất bản tại Italia, số ra ngày 8.12.1999 đã viết như sau: "Tại Thánh Ðịa, Giáo Hội hãy trở lại hiệp nhất" và gọi sứ điệp của các vị lãnh đạo các Giáo Hội hiện diện tại Thánh Ðịa trong những ngày này là "một sứ điệp rất quan trọng", mà các ngài muốn gửi cho các tín hữu Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành trên cả thế giới, trong dịp khai mạc Ðại Toàn Xá và bước vào Ngàn Năm thứ ba của lịch sử cứu chuộc. Sau khi đồng thanh kêu gọi phải có một Nội Qui riêng cho Thành thánh Giêrusalem, các Vị lãnh Ðạo các Giáo Hội viết với những lời thành thực và tha thiết như sau: "Hôm nay đây giữa chúng tôi, vì đức tin nơi cũng một Chúa Giêsu Kitô, có sự hiệp thông thực, cho dù chưa hoàn toàn. Chúng tôi ước mong trở nên, và ước mong một ngày nào đó, chúng tôi thực sự là một thân thể trong Ðức Kitô, với cùng một nhà của Thiên Chúa, một đền thờ duy nhất, một sự hiệp thông duy nhất với Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta và cùng một Giáo hội, mà chúng ta cùng tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: "Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền".

 Sứ điệp viết tiếp: "Chúng tôi thành thực thú nhận rằng: trong cuộc hành hương tại Thánh Ðịa, chúng tôi đã không giữ sự hiệp nhất của tinh thần, cùng với giây liên kết hòa bình; chúng tôi thú nhận rằng chúng tôi đã không hoàn toàn tuân theo lời cầu nguyện của Chúa Cứu Thế trong bữa tối sau cùng: "Ước Chi Họ Trở Nên Một" (Ut unum sint). Mỗi người đã theo con đường riêng của mình, như thể Chúa Giêsu bị phân chia. Chúng tôi coi nhau như người xa lạ, thậm chí có lúc là thù địch nữa. Chúng tôi không muốn cứ bị giam giữ trong những sai lầm của chúng tôi và của tội lỗi chúng tôi trong quá khứ. Chúng tôi không muốn cứ dừng lại ở những biến cố hay những quá khứ cay đắng kia, để tự bênh vực mình hay để chỉ trích anh chị em mình. Hôm nay đây chúng tôi xin Chúa đổ tràn xuống trên chúng tôi lòng thương xót và lòng nhân từ của Người và ban cho chúng tôi ơn biết đọc lại lịch sử quá khứ và ban cho chúng tôi trong đời sống hiện tại của chúng tôi nhiều tình yêu thương và sự hiệp nhất hơn".

 Ngoài vấn đề hiệp nhất, hiệp thông, các vị lãnh đạo các Giáo Hội còn nhắc đến vần đề xã hội. Các ngài viết như sau: "Chúng ta được mời gọi sống sứ mạng của chúng ta trong một xã hội Ả Rập, Kitô và Hồi Giáo. Tại Thánh Ðịa, cách riêng tại Israel, nơi các người Do Thái Kitô, Do Thái Hồi Giáo, Do Thái theo giáo phái Hồi Giáo Druse, tất cả không phân biệt đều được mời gọi chung sống với nhau. Ðây là thánh ý Chúa. Ơn gọi của chúng ta là ơn gọi trở nên tín hữu Kitô ở chỗ này không phải ở nơi nào khác trên thế giới".

 Liên quan đến vấn đề hòa bình, sứ điệp của các vị lãnh đạo các Giáo hội nhắc lại rằng: tình hình hiện tại còn là tình hình của tranh chấp, của bất ổn chung về chính trị, kinh tế và xã hội, với tất cả những gì còn là bất công, giới hạn tự do di chuyển, đàn áp, tham nhũng ... Các ngài mời gọi các tín hữu và xã hội tiến đến hòa giải; và sự hòa giải này phải được xây dựng trên công bình, trên bình đẳng về các quyền lợi và bổn phận, trên sự tôn trọng phẩm giá con người của mỗi một con người và mỗi một dân tộc. Sau cùng về Thành Thánh Giêrusalem: trung tâm của tranh chấp và của hòa bình. Hai dân tộc của Thành Thánh (Do Thái và Palestine) và các tín hữu của ba tôn giáo (Do Thái, Kitô và Hồi Giáo) phải được hưởng cùng một chủ quyền, cùng một quyền lợi và một bổn phận như nhau. Thành Thánh phải có một qui chế riêng biệt để bảo đảm sự thánh thiêng và các quyền lịch sử của các Giáo Hội và các tín hữu hiện sống tại đây hoặc kính viếng như các người hành hương".

 Sau cuộc gặp gỡ kéo dài ba tiếng đồng hồ, các vị lãnh đạo các Giáo Hội đã cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha, như một hàng động đóng dấu ấn đặc biệt vào sự dấn thân tiến đến hiệp nhất như Chúa Giêsu đã muốn. Ước gì Ðại Toàn Xá dẫn đưa các môn đệ Chúa đến việc sám hối tội lỗi của quá khứ, chống lại sự hiệp nhất. Ước gì các môn đệ Chúa cùng nhau hoạt động để giờ hiệp nhất hạnh phúc kia, trong đó tất cả mọi người có thể đồng thanh cầu xin Cha trên trời, chóng được thực hiện.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page