Kết thúc lễ nghi mừng kỷ niệm
450 năm Thánh Phanxicô Xaviê
rao giảng Tin Mừng tại Nhật Bản

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Kết thúc lễ nghi mừng kỷ niệm 450 năm Thánh Phanxicô Xaviê rao giảng Tin Mừng tại Nhật Bản.

 Tin Nhật Bản: Ngày mồng 3 tháng 12 vừa qua, Lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê, Quan Thầy các xứ truyền giáo, là ngày kết thúc Năm "Thánh Phanxicô Xaviê", được khai mạc ngày 15 tháng 8 năm 1998 tại Nhật Bản, để mừng kỷ niệm 450 năm Thánh Phanxicô đến truyền giáo tại đây. Ngày mồng 3 tháng 12 hằng năm, cũng là ngày truyền giáo của các linh mục, do Hiệp Hội Giáo Hoàng truyền giáo (Pontificia Unione Missionaria) (Pum) cổ võ. Hội này được thành lập do sáng kiến của Cha Phaolô Manna năm 1918 và là Hiệp Hội sau cùng, theo thứ tự được thành lập, thuộc nhóm các Hội Truyền Giáo trực thuộc Bộ Truyền Giáo, và có mục đích nhậy cảm hóa trách nhiệm truyền giáo của các vị chủ chăn. Ngày truyền giáo linh mục chỉ có thể đặt một cách ý nghĩa hơn cả vào chính ngày lễ phụng vụ kính Thánh Phanxicô Xaviê, Quan Thầy của các xứ truyền giáo, và là một linh mục gương mẫu nổi bật hơn cả của công việc truyền giáo trong Giáo Hội.

 Trong lúc theo học tại Ðại Học Sorbone ở Paris, sau khi đã khám phá ra Chúa Giêsu Kitô, Thánh Phanxicô Xavie đã cùng với Thánh Inhaxio đệ Loyola vị sáng lập Dòng Tên (Compagnie de Jésus), khấn hứa hiến tất cả cuộc đời để làm cho mọi người biết đến và yêu mến Người. Thánh Phanxicô Xavie đã được sai đem Tin Mừng cho các dân tộc tại những miền đầy khó khăn và nguy hiểm như: Ấn Ðộ, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản và sau cùng, trước khi chết, ngài đã muốn đến cả Trung Quốc mênh mông để đem Tin mừng cho dân tộc này; nhưng Thánh Nhân đã qua đời năm 1552, thọ 46 tuổi, tại đảo San-cian của Trung Quốc. Trước đó, vào năm 1544 từ Ấn Ðộ, Thánh Phanxicô viết cho các Bạn ở Roma rằng: Rất nhiều lần tôi bị xúc động bởi tử tưởng này là được trở về Ðại Học Paris, để nói lên với mọi người, nhất là các bạn học ở Sorbone, những nguời có nhiều sự thông thái hơn, mà lại không muốn làm cho sự thông thái này sinh ích lợi. Nơi tôi đang làm việc truyền giáo có biết bao người trở lại tin kính Chúa Kitô và nhiều lúc cánh tay tôi rã rời không còn sức làm phép rửa tội cho họ được nữa và không còn sức để đọc lên nhiều lần Kinh Tin Kính và các giới răn Chúa bằng tiếng nói của người dân này. Do các bút tích của Thánh Phanxicô để lại, chúng ta thấy rõ ràng những nhân đức mà ngài coi là rất cần thiết cho các nhà truyền giáo. Nhân đức thứ nhất là KHIÊM NHƯỜNG. Các nhân đức khác phát xuất từ nhân đức nền tảng này, như: sự phó thác tín nhiệm nơi Thiên Chúa. Ngài nói: "Nếu Thiên Chúa, mặc cho những bất lực của tôi và còn tệ hơn nữa, mặc cho những tội lỗi của tôi, đã chọn tôi với một hành động đặc biệt, để làm tông đồ của Người, để rao giảng Tin Mừng cho dân Ấn Ðộ, thì sao tôi lại không đáp lại tình thương riêng của Người, với tất cả lòng quảng đại của tôi? Lòng quảng đại này được biểu lộ bằng việc cầu nguyện liên lỉ, bằng tinh thần hy sinh không tiếc sức, không tính toán. Một nhân đức khác được Thánh Phanxicô nêu lên trong các bút tích của ngài là "SỰ PHỤC TÙNG" thánh ý Chúa, được biểu lộ qua quyền bính hợp pháp. Ngoài ra, nhà truyền giáo, nếu muốn được nghe theo, còn phải là người dễ thương, người thông cảm, nguời nhẫn nại. Thánh Nhân yêu cầu các nhà truyền giáo chuẩn bị, để có khả năng về khoa học, về sinh ngữ; nhưng ngài không loại trừ những vị, tuy không có nền văn hóa cao, nhưng biết hy sinh và giầu có về nhân đức. Ngài nói: "Ðây là những người đầy tình yêu mến đối với Chúa Giêsu, đây là những người tìm được sự an ủi và sức mạnh của trong Thánh lễ và Thánh Thể mà thôi".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page