Sứ Ðiệp của ÐTC
gởi cho các Linh Mục tham dự viên
Tuần Tĩnh Tâm Quốc Tế tại Thánh Ðịa
(22-27 tháng 6 năm 1999)

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Sứ Ðiệp của ÐTC gởi cho các Linh Mục tham dự viên Tuần Tĩnh Tâm Quốc Tế tại Thánh Ðịa (22-27 tháng 6 năm 1999).

Anh em Linh Mục rất thân mến,
Với lòng quý mến sâu xa và niềm vui sống động, cha ngỏ lời với anh em đang tham dự vào cuộc Gặp Gỡ Quốc Tế lần thứ IV, tại thánh địa, để chuẩn bị cho biến cố Ðại Toàn Xá của Năm 2000.

Chúng ta đang bước vào trong ngàn năm mới, ngàn năm thứ ba tính từ biến cố nhập thể của Ngôi Lời. Có rất nhiều thách thức đang xuất hiện ở chân trời, nhưng nhờ tin tưởng vào đấng đã chiến thắng thế gian và đã bảo đảm là sẽ hiện diện với chúng ta cho đến tận cùng thời gian (x. Mt 28,19-20), chúng ta không có lý do gì để lo sợ trước những điều không biết trong tương lai. Ðúng hơn, chúng ta hãy sợ vì không làm chứng cho Chúa Kitô được như thời gian và hoản cảnh đòi hỏi.

Vấn nạn duy nhất mà chúng ta cần phải lo lắng là về sự trung thành, một sự trung thành cần được canh tân mỗi ngày, để sống trung thành với thực thể của mình, bởi vì thực thể ấy là sự thật: sự thật về hữu thể, mà từ đó phát xuất sự thật về hành động, sự thật của tác vu mục vu.

2. Như vào thời các tông đồ xưa, Chúa Giêsu đứng trước mặt chúng ta và hỏi rằng: "Người ta nói Thầy là ai?". Ngày hôm nay có nhiều câu trả lời không rõ ràng. Những câu trả lời thường đi đến việc nhìn xem --- ít ra trong thực hành --- nhìn xem Chúa Kitô như một người được soi sáng, như một vị thầy luân lý đầy khôn ngoan, như kẻ yêu thương con người đáng mến.

Thực thể của Chúa Giêsu không phải là một vấn đề như bao vấn đề khác: nhưng đây là câu hỏi căn bản, bởi vì toàn bộ cái nhìn tổng quát về con người, về xã hội, lịch sử, đời sống, sự chết, và những gì bên kia cái chết, đều tùy thuộc vào câu trả lời cho câu hỏi căn bản nầy.

Ðối với giáo hội cũng như đối với chúng ta, tất cả đứng vững hay tất cả sụp đổ, khi nói về tương quan với Ðức Tin vào Chúa Giêsu thành Nazareth. Và Chúa Giêsu giờ đây tra hỏi chúng ta: "Anh em nói Thầy là ai?" Chúng ta biết rõ câu trả lời mà Simon Phêrô đã thưa tại miền Cesarê Philiphê, nhân danh tất cả mọi đồ đệ rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." Tông đồ Phêrô lúc đó đã trả lời như thế, và ngài tiếp tục trả lời như vậy qua các thế kỷ, qua những kẻ kế vị Ngài. Ngày hôm nay Ngài trả lời như vậy, từ Roma, nhân danh tất cả anh em: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Ðâu là thực thể của Chúa Kitô; và thực thể nầy là căn bản cho thực thể của chúng ta.

3. Anh em Linh Mục rất thân mến, anh em được biến đổi tận nơi hữu thể để trở nên giống như Chúa Kitô Linh Mục, Ðấng là Thủ lãnh và là Chủ Chăn; Nhờ đó mà người ta thật sự có thể nói, cùng với trọn cả Thánh Truyền rằng; mọi Linh Mục là "alter Christus" một Chúa Kitô khác. Trên thực thể nầy của anh em, được xây dựng một đường lối hành xử phát xuất từ đó.

Chúa Kitô đã hết sức ao ước chia sẽ với con người chức tư tế duy nhất của Người. Vì thế, khi Chúa ngồi vào bàn trong Bửa Tiệc Ly, Chúa đã nói với các tông đồ như sau: "Thầy đã hết sức ao ước ăn lễ Vượt Qua nầy với anh em, trước khi bước vào cuộc khổ nạn". Sau đó, Chúa cầm lấy Bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các tông đồ mà phán: "Ðây là Mình Thầy được trao nộp cho anh em; anh em hãy làm việc nầy để nhớ đến Thầy." (Lc 22,15-19). Trên môi miệng của Chúa, những lời trên có ý nghĩa rằng Chúa trao ban quyền hành, cùng với bổn phận, để lặp lại và làm cho hiện diện biến cố nơi Nhà Tiệc Ly, cho mọi thời đại lịch sử.

Như thế, nhờ qua anh em, những Linh Mục, Chúa Kitô luôn luôn hiện diện trong giáo hội một cách bí tích (x. PV số 7). Anh em hành động "nhân danh Chúa Kitô và như thể Chúa Kitô" (x. Lumen Gentium, 28). Chính anh em là những người có uy tín rao giảng Tin Mừng. Chúa Kitô nói qua anh em: như thế có thể nói "Chúa Kitô rao giảng Chúa Kitô". Thử hỏi ai dâng hy tế Thánh Thể? Thưa chính là anh em, nhưng không phải chỉ một mình anh em: nhờ qua anh em, chính chúa Kitô hành động; "chính Người, sau khi đã dâng hiến một lần trên thập giá, thì giờ dây dâng chính mình qua tác vụ của các Linh Mục" (CÐ Trento, sess. XXII, 17 sett. 1562....) Thử hỏi ai trao ban lời tha tội trong bí tích giải tội? Thưa chính là anh em những Linh Mục, nhưng không phải chỉ một mình anh em, mà là chính Chúa Kitô tha thứ giữa anh em. Anh em là những người "quản lý những mầu nhiệm của Thiên Chúa" (1 Co 4,1).

Nhờ việc phong Chức Thánh, theo nghĩa việc phong chức nầy tác động biến đổi hữu thể, anh em là những chứng nhân của Chúa Kitô để phục vụ cho Lời Chúa và các bí tích; đồng thời, anh em là lời chứng đích thật của Chúa Kitô, Vị Linh Mục duy nhất. Lúc thụ phong chức thánh, anh em đã lãnh nhận một thực thể mới để hiện hữu. Anh em đươic ghi dấu bởi ấn tích tư tế, một dấu chỉ thiêng liêng thật sự, không thể xoá bỏ; Ấn Tích đó không tách rời anh em ra khỏi nhân loại; ngược lại, đặt anh em vào trung tâm của nhân loại, để anh em có thể dấn thân phục vụ nhân loại. Thật vậy, ấn tích linh mục đưa anh em vào trong chức tư tế của Chúa Kitô, Ðấng là "chìa khóa, là trung tâm, là cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại" (gs 10), là đấng khởi đầu và là cuối cùng (alpha et omêga) của những thực tại hữu hình và vô hình.

4. Anh em rất thân mến, làm sao nước ân sũng cứu rỗi có thể chảy đến tất cả các thế hệ, nếu không có anh em? Ý thức về tính cách không thể thay thế được của anh em trong giáo hội và trong thế giới phát sinh từ sự rõ ràng và xác tín chắc chắc về thực thể của anh em.

Nhờ qua anh em, Ðấng chăn chiên nhân lành tiếp tục giảng dạy, thánh hóa, hướng dẫn, yêu thương tất cả mọi dân nước, mọi nền văn hóa, mọi đại lục và mọi thời đại. Vì thế, chỉ một mình anh em mới mang lấy danh hiệu "chủ chăn", và, bởi vì không có ơn cứu rỗi nếu không có Chúa Kitô và rằng Chúa Kitô phải được rao giảng cho đến tận cùng trái đất, nên không thể nào bước qua ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba mà không đặt việc mục vụ ơn gọi lên hàng ưu tiên. Nếu thế giới không thể nào không cần đến Chúa Kitô, thì thế giới cũng không thể nào không cần đến những Linh Mục của Chúa.

Anh em Linh Mục thân mến, từ đất nước của Ngôi Lời Nhập Thể, từ vùng đất đã được Người đi qua, và thở lấy không khí Người đã thở, được chiếu sáng bởi mặt trời đã soi chiếu những bước đường Người đã đi, anh em hãy công bố cho mọi người biết Chúa Giêsu thành Nazareth là ai, anh em hãy nói rằng chỉ trong Người mới thực hiện được sự thành toàn cho cho con người, chỉ trong Người mới có tiến bộ thật sự, chỉ trong Người mới có đầy đủ công bằng và hòa bình, chỉ trong Người mới có niềm vui không bóng tối, chỉ trong Người mới có chủ nghĩa nhân bản đích thực và trọn đầy, một nhân bản được nên trọn hướng đến sự cứu rỗi đời đời.

Với sự hiện diện của chính mình, anh em hãy nói lên cho mọi người biết ai là Vị Linh Mục trọn hảo, thực thể Người như thế nào; hãy chứng tỏ tính cách không thể thay thế đựợc của anh em, sự cần thiết phải thi hành hoàn toàn tác vụ Linh Mục của anh em bên trong Linh Mục đoàn hiệp nhất quanh vị Giám Mục. Anh em hãy dấn thân làm cho mọi người hiểu rằng, nếu vị trí vủa bí tích Thánh Thể là ở trung tâm của cộng đoàn, thì cũng thế, người Linh Mục cũng có chổ trung tâm, trong tương quan với bí tích Thánh Thể. Nơi đâu phải chịu thiếu vắng các Linh Mục, nhưng ở đó không thể đành chịu vậy, mà phải cầu khẩn tha thiết hơn, cầu nguyện riêng cá nhân cũng như trong cộng đoàn, với lòng thống hối ăn năn và với sự thánh thiện riêng biệt của các Linh Mục.

5. Anh em rất thân mến, trong việc chu toàn tác vụ của thánh Phêrô, Cha muốn cũng cố anh em trong đức tin vào thực thể Chúa Kitô cũng như tin vào thực thể của anh em như những "Chúa Kitô khác". Anh em hãy hãnh diện được cảm thấy mình là những người được kêu gọi, và anh em hãy sống khiêm tốn đặc biệt trước phẩm vị cao cả như vậy, trong ý thức về sự mỏng dòn của nhân loại.. Nhờ anh em là những Linh Mục, anh em, như những ngọn đèn, soi sáng cho ai đến gần; và như muối đất, anh em hãy mang đến mùi vị cho cuộc sống. Xin cám ơn vì tất cả những gì anh em đã làm, và nhất là vì thực thể anh em là. Với niềm cảm động sâu xa, cha muốn cám ơn tất cả những Linh Mục sống trung thành với thực thể riêng và sứ mạng của mình, nhưng đang phải chịu đau khổ trong những hoàn cảnh khác nhau. Xin cám ơn vì những cực nhọc của anh em, những lúc phải cố gắng đổ mồ hôi trán, xin cám ơn vì sức mạnh của anh em, vì những nuớc mắt anh em đã đổ ra, xin cám ơn vì nụ cười của anh em. Xin cảm tạ Thiên Chúa, vì anh em luôn có mặt sẵn sàng.

Và xin cám ơn tất cả anh em, những Linh Mục của hai ngàn năm qua; họ sống trung thành với thực thể và sứ mạng của mình cho đến chịu chết tử đạo; như là những hạt hương thơm, anh em được đốt tan trong ngọn lửa nồng nhiệt của tình thương bác ái mục vụ và giờ đây anh em là những kẻ cầu bàu cho chúng tôi trong Giáo Hội vinh hiển trên trời, một giáo hội không tì ố. Xin cám ơn vì những mẫu gương đáng phục.

Nhưng lời cám ơn của Cha được biến thành bài ca Tạ Ơn Thiên Chúa (Te Deum) vì hồng ân chức Linh Mục, và khuyến khích anh em hãy dấn thân nhiều hơn trong thế gian, nhưng thuộc về thế gian ít hơn, ngõ hầu anh em cho thấy mình luôn luôn mở rộng cho tất cả mọi người, với lòng hãnh diện khiêm tốn, cả với dấu chỉ bên ngoài cần có để cho biết thực thể anh em là ai: đây là dấu chỉ của việc phục vụ không ngừng, không tùy theo tuổi tác, bởi vì được khắc ghi trong chính hữu thể của anh em.

Với lòng quý mến, Cha xin trao phó từng anh em cho Ðức Nữ Ðồng Trinh, đấng đã đuợc ban cho chúng ta một cách đặc biệt như là Mẹ của Linh Mục đời đời. Cha xin đặt vào đôi tay Mẹ, lời khẩn xin khiêm tốn cho từng người trong anh em được kiên trì và biết dấn thân để lại cho những anh chị em chúng ta như phần gia tài, ít ra một người tiếp tục chức tư tế duy nhất đang sống động và tràn đầy yêu thưông trong chúng ta.

Cha xin ban Phép Lành cho anh em tất cả cùng với các linh hồn mà Chúa Kitô, Vị Linh Mục thượng phẩm và đời đời, đã trao phó cho anh em và sẽ còn đặt trên bước đường anh em.


Back to Radio Veritas Asia Home Page