Mối quan hệ ngoại giao
giữa Iran và Tòa Thánh

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Mối quan hệ ngoại giao giữa Iran và Tòa Thánh.

Như đã loan tin, sáng thứ Năm 11.03.99, ÐTC tiếp Tổng Thống Iran: Ông Mohammad Khatami và đoàn tùy tùng. Ðây là lần thứ nhất, kể từ lúc lãnh tụ Hồi giáo Alì Khamenei từ Pháp trở về Iran vào năm 1979 để thành lập quốc gia Hồi Giáo, thì mới có vị nguyên thủ của Quốc Gia Hồi Giáo Iran, đến viếng thăm Vatican; và cũng là lần thứ nhất một vĩ lãnh đạo Quốc Gia Hồi Giáo Iran viếng thăm Châu Âu, sau cuộc cách mạng của lãnh tụ Khamenei.

Trong các đề tài chính yếu của cuộc thảo luận, có việc đối thoại giữa các tín hữu Kitô và Hồi Giáo, vì hiện nay Iran đang giữ chức vụ chủ tịch của các quốc gia Hồi Giáo trong tổ chức được gọi là "Tổ chức Hội Nghị Hồi Giáo" (Organisation Conférence Islamique), một tổ chức bao gồm 55 quốc gia Hồi Giáo trên thế giới. Nhiều người ngạc nhiên: mối quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Iran, trải qua những năm cách mạng của Lãnh Tụ Khamenei, một tín đồ Hồi Giáo quá khích biến Iran thành một quốc gia Hồi Giáo, (mối quan hệ đó) vẫn tồn tại, dù giữa nhiều khó khăn. Trước đây, Iran đã trục xuất tất cả các linh mục, các Nam Nữ Tu Sĩ Công Giáo ngoại quốc (tổng số 144 vị trên 159 vị hoạt động tại Iran), đóng cửa và tịch thu các trường học, các nhà thương do các Tu Sĩ Dòng Lazaristes và Salésiens thiết lập. Ðây là một vi phạm thỏa ước giữa Teheran và Tòa Thánh. Năm 1985, Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, lúc đó là chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, đã được chính phủ Hồi Giáo Iran mời viếng thăm Teheran. Nhưng những lời tuyên bố thận trọng của Ðức Hồng Y về chiến tranh Irak-Iran đã cản trở ngài không trao sứ điệp của ÐTC cho Lãnh Tụ Ali Khamenei. Phần Tổng Thống Khamenei, thì Ông cho công bố một sứ điệp ca tụng cuộc tranh đấu của Chúa Giêsu chống lại các người đàn áp.

Trong buổi tiếp kiến ông Mohammad Masjed Jamei, tân Ðại sứ Iran cạnh Tòa Thánh, đến trình thư ủy nhiệm, vào tháng 6 năm 1991, ÐTC Gioan Phaolô II khẳng định rằng: Tuân theo tiếng lương tâm và các giới răn của tôn giáo riêng mình, các tín hữu, cho dù có những quan điểm khác về nhiều vấn đề, vẫn có thể cùng nhau hoạt động để đối phó với các vấn đề khẩn cấp đang đè nặng trên gia đình nhân loại. Năm sau, đại diện Tòa Thánh, Cha Thomas Michel, Dòng Tên, tại Teheran, đã gặp ông Mohammad Ali Abtahi, thứ trưởng Bộ Văn hóa Hồi Giáo, và chính Tổng Thống Rafsanjani (vị tiền nhiệm của Tổng Thống Mohammad Khatami) cầu chúc rằng: Với sự giúp đỡ của Ðức Giáo Hoàng, có thể tái lập một sự cộng tác hữu hiệu giữa tín hữu Hồi Giáo và Kitô Giáo. Năm 1994, Vatican đã vận động ngoại giao để cản trở việc xử tử ông Mehdi Dibaj, một công dân Iran trở lại Kitô Giáo. Rồi năm 1997, trong buổi tiếp kiến Tân Ðại Sứ Iran cạnh Tòa Thánh, ông Mohammad Hadi Abd Khoda, ÐTC ước mong giữa Vatican và Teheran có sự cộng tác càng ngày nhiều hơn trong việc bênh vực các quyền căn bản của con người, trước hết quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm. Cũng trong dịp này, Ðức Gioan Phaolô II còn nhấn mạnh rằng: Hãy để cho những truyền thống Hồi Giáo sâu xa và lòng sùng đạo của dân tộc Iran và các vị lãnh đạo nước này, trở nên lý do cho niềm hy vọng có nền tảng về một sự cởi mở mỗi ngày một hơn với cộng đồng quốc tế.

Trong bài phỏng vấn dành cho Ðài Vatican hôm thứ Tư 10.03.99, Ðức Tổng Giám Mục Romeo Panciroli, sứ thần Tòa Thánh tại Iran, nhận xét rằng: Cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Tổng Thống Khatami có một sự quan trọng rất lớn lao, bởi vì diễn ra giữa hai quyền bính tối cao trên thế giới trên cấp bậc tôn giáo. ÐTC lãnh đạo khối Công Giáo gồm một tỉ tín hữu và Tổng Thống Khatami hiện đang giữ chức vụ Chủ Tịch của Tổ Chức Hội Nghị Hồi Giáo, quy tụ 55 quốc gia Hồi Giáo trên thế giới. Ðức Tổng Giám Mục nói tiếp như sau: Trong quá khứ đã có những sáng kiến về đối thoại liên tôn và các sáng kiến khác hiện đang thực hiện, nhằm cổ võ sự hiểu biết nhau giữa hai tôn giáo độc thần lớn trên thế giới. Ngài ước mong rằng: những cuộc tiếp xúc thực sự có tính cách xây dựng trên mối quan hệ giữa hai bên và đáp ứng với những vấn đề cốt yếu cụ thể, lưu ý đến những thực tại của các nhóm thiều số tại Iran, để những quyết định không phải là những trang giấy trắng mực đen, những chữõ chết. Ðức Sứ Thần cho biết thêm: Tại Iran người dân lưu ý rất nhiều đến cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Tổng Thống Khatami, bởi vì cuộc gặp gỡ này có thể đánh dấu một bước tiến mới: đem lại ý nghĩa tôn giáo cho thế giới; đem lại hiểu biết về tầm quan trọng của yếu tố tôn giáo và những thăng trầm của nhân loại; và cuối cùng, tái xác nhận nguyên tắc chung của tự do tôn giáo mà ÐTC mới đây đã gọi là "trung tâm của các quyền con người".


Back to Radio Veritas Asia Home Page