Vài nét về
Cha Pio Năm Dấu Thánh
sắp được phong Chân Phước

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nét về Cha Pio Năm Dấu Thánh sắp được phong Chân Phước.

Trong buổi tiếp kiến dành cho các Bề Trên Dòng Cappucins năm 1971, ba năm sau khi cha Piô qua đời, Ðức Phaolô VI (1963-1978) đã nói như sau: "Anh em hãy xem: Cha Piô lừng danh như thế nào? Biết bao người trên thế giới tụ họp chung quanh ngài? Mà tại sao vậy? Phải chăng ngài là một nhà triết học nổi tiếng? Phải chăng ngài là một người khôn ngoan? Phải chăng ngài có những phương tiện truyền thông hùng mạnh? Không. Hoàn toàn không phải vậy. Chỉ vì ngài dâng thánh lễ một cách khiêm tốn, sốt sắng, ngài giải tội từ sáng đến chiều, ngài là người được chọn để được in dấu thánh Chúa. Và không dễ nói lên điều này: Ngài là một người cầu nguyện và một người của đau khổ.

Chúa Nhật tới đây, mùng 2.05.99, tức 31 năm sau khi qua đời, Cha Pio được tôn phong lên bậc Chân Phước. Một lễ Phong Chân Phước chưa hề có trong lịch sử Giáo Hội xét về số người tham dự. Theo dự tính có tới hàng triệu người tụ họp trong những địa điểm sau đây: Quảng Trường Thánh Phêrô và suốt đại lộ Hòa Giải tiếp liền với quảng trường --- Quảng Trường Thánh Gioan Lateranô, nằm trước Ðền Thờ Thánh Gioan Latêranô, Roma, và Quảng Trường tại thị xã San Giovanni Rotondo, nơi Cha Piô hoạt động tông đồ và qua đời. Cả hai Quảng Trường San Giovanni Latêranô ở Roma, và Quảng Trường tại Thị Xã San Giovanni Rotondô, đều được tiếp vận với Quảng Trường Thánh Phêrô ở Roma, với những màn ảnh Truyền Hình thật to, dành cho những người không thể đến tham dự thánh lễ tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

Vài nét tiểu sử của Cha Piô.

Cha Pio sinh ngày 23.05.1887 tại Pietrelcina, thuôïc Tổng Giáo Phận Benevento, miền nam nước Ý. Ðược rửa tội ngày hôm sau và nhận tên thánh là Francesco. Francesco qua một thời thơ ấu và thiếu niên trong một môi trường bình thản, đơn sơ của vùng thôn quê: gia đình, nhà thờ, đồng ruộng và sau đó trường học. Năm 12 tuổi, Francesco lãnh bí tích Thêm Sức và rước lễ lần đầu.

Ngày 6.01.1903, lúc 16 tuổi, Francesco xin vào nhà tập các Cha Dòng Cappucins tại Morcone. Ngày 22 cũng tháng 5, Francesco mặc áo Dòng Phanxico và đổi tên là Pio. Qua những năm nhà tập, Thầy Pio được tuyên khấn tạm, và ngày 27 tháng Giêng năm 1907, Thầy được khấn trọn. Thụ phong Linh Mục ngày 10 tháng 8 năm 1910 tại Benevento. Vì sức khỏe yếu kém, Cha Pio được ở lại trong nhà Dòng cho tới năm 1916. Tháng 9 cũng 1916, Cha được sai đến hoạt động tông đồ tại San Giovanni Rotondo và ở lại đây cho tới lúc qua đời, trong vòng 52 năm trời (1916-1968). Năm 1918, các tín hữu nhận thấy những vết thương của Cuộc Tử Nạn Chúa và những đặc sủng khác nơi Cha Pio. Và các vết thương chân tay, tự nhiên biến mất, không để lại một vết tích nào, ngay sau khi cha qua đời. Một hiện tượng lạ lùng và gây nhiều ngạc nhiên.

Luôn luôn được thiêu đốt bởi lửa yêu mến đối với Chúa, với tha nhân, Cha Pio sống đầy đủ ơn gọi Linh Mục, mỗi ngày mỗi trọn vẹn hơn, để góp phần vào công việc cứu chuộc con người. Ngài thi hành sứ mệnh cứu chuộc nhân loại bằng ba phương thế sau đây: qua việc linh hướng để giúp các linh hồn nên thánh - qua bí tích hòa giải để đưa các người tội lỗi về với Chúa - và qua việc cử hành thánh lễ, để sống kết hợp với Chúa Giêsu hy sinh trên thánh giá. Các tiùn hữu tham dự, cảm thấy thánh lễ là tột điểm và là sự hoàn hảo của con đường tu đức của Cha Piô. Thánh lễ nhiều lúc kéo dài từng hai, ba tiếng đồng hồ.

Về phương diện xã hội, Cha Pio dấn thân rất nhiều để làm giảm bớt những đau khổ, những cảnh cùng cực của nhiều gia đình, cách riêng ngài quyết định thành lập "Nhà nâng đỡ sự đau khổ" (Casa del Sollievo della sofferenza), tức bệnh viện San Giovanni Rotondo hiện nay. Công việc xây cất bệnh viện nầy được hoàn thành và được khánh thành ngày 5.05.1956. Ðây là một trong các bệnh viện lớn nhất và nổi tiếng nhất tại nước Ý, do Tòa Thánh quản trị. Về phương diện thiêng liêng, Cha Pio thành lập các nhóm cầu nguyện và được ngài gọi là "vườn gieo đức tin và tổ ấm tình yêu". Ðức Phaolô VI gọi các nhóm cầu nguyện này là: Phong trào lớn lao của những người cầu nguyện. Hiện nay trên cả thế giới có tới gần 3 ngàn nhóm cầu nguyện liên lỉ như vậy.

Từ nhỏ, sức khỏe của Cha Pio vốn yếu kém; nhất là về những năm sau cùng cuộc đời, sức khỏe bị suy giảm rất nhanh chóng. Sau nhiều đau khổ và hoạt động tông đồ, ngài qua đời ngày 23.09.1968, thọ 81 tuổi. Số người dự lễ an táng Cha Pio thật đông không thể tính được. Cha Pio đã lừng danh trên cả thế giới về sự thánh thiện ngay từ lúc còn sống: sự thánh thiện không phải là điều được phú bẩm có sẵn, nhưng được xây dựng do các nhân đức, tinh thần cầu nguyện, do hy sinh và việc hiến toàn thân cho Chúa, cho Giáo Hội, cho các linh hồn. Sau khi qua đời, sự thánh thiện và những phép lạ được nói đến mỗi ngày mỗi nhiều thêm mãi. Ðây là dấu chỉ cho biết rằng Thiên Chúa muốn muốn làm vinh danh Ðầy Tớ trung thành của Ngài trên thế giới này.

Ngày 29.09.1982, Tòa Thánh đã ban phép xúc tiến công việc làm án phong Thánh cho cha Piô. Trước hết, Tòa án Giáo Phận Manfredonia khởi sự công việc từ năm 1983, và hoàn tất năm 1990. Ngày 7.12.1990, tất cả các hồ sơ của Giáo Phận được chuyển về Bộ Phong Thánh ở Roma để cứu xét. Ngày 13.06.1997, Bộ Phong Thánh triệu tập phiên họp riêng các nhà thần học cố vấn của Bộ để tham khảo. Ngày 21.10 cũng năm 1997, Phiên họp thường lệ của các Hồng Y và Giám Mục được triệu tập để quyết định. Ngày 18.12 cũng 1997, với sự hiện diện của ÐTC, các Hồng Y và Giám Mục, và Bộ Phong Thánh, đã cho công bố Sắc Lệnh công nhận tính cách anh hùng các nhân đức của Cha Pio. Theo luật, để được tôn phong lên Bậc Chân Phước, cần có một phép lạ. Ban Cáo thỉnh của vụ làm án, đã trình lên Bộ Phong Thánh một sự kiện về việc được chữa lành lạ lùng do lời bầu cử của Ðầy Tớ Chúa, Cha Pio. Ngày 21.12.1998, việc được khỏi bệnh cách lạ lùng này được công nhận như phép lạ. Và lễ nghi phong Chân Phước được ấn định vào ngày 2.05 năm 1999. Khi vừa loan tin về việc phong Chân Phước cho Cha Pio, các chuông trên tháp các nhà thờ tại San Giovanni Rotondo đều vang lên chào mừng, biểu lộ niềm hân hoan và khoảng 70 ngàn người tụ họp, để tham dự thánh lễ tạ ơn do chính Ðức Giám Mục giáo phận chủ sự.


Back to Radio Veritas Asia Home Page