Vài nét về
Ðức Gioan XXIII, vị giáo hoàng nhân từ,
sẽ được tôn phong lên bậc Chân Phước
vào ngày 03 tháng 9 năm Thánh 2000

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nét về Ðức Gioan XXIII, vị giáo hoàng nhân từ, sẽ được tôn phong lên bậc Chân Phước vào ngày 03 tháng 9 năm Thánh 2000.

 Tuần báo Công Giáo có tên gọi là "Gia Ðình Kitô" của Ý, số ra ngày Chúa Nhật 12.12.99 loan báo rằng: Vào ngày 20.12.99 ÐTC sẽ chủ tọa Hội Ðồng Hồng Y, để chính thức công nhận và công bố Sắc Lệnh về các nhân đức anh hùng của Vị Ðầy Tớ Chúa: Ðức Gioan XXIII. Tuần báo viết thêm ngay rằng: Tin này chưa được chính thức công bố; nhưng việc tôn phong Ðức Gioan XXIII lên bậc Chân Phước là một biến cố nổi bật và mang nhiều ý nghĩa trong Năm Thánh 2000 sắp đến. Ðức Gioan XXIII, cũng như Cha Pio, rất được dân chúng mộ mến, cả lúc còn sống.

 Vì thế, liền sau khi Ngài qua đời, vào ngày 3 tháng 6 năm 1963, đại đa số Nghị Phụ đang tham dự khóa họp thứ hai của Công Ðồng Vaticano II, đã giơ tay xin Phong Chân Phước cho Ðức Gioan XXIII, thể theo một truyền thống đã có trong Giáo Hội Thời Trung Cổ, tức là truyền thống tôn vinh Chân Phước bằng việc biểu quyết công khai. Nhưng tiếp sau đó, Ðức Phaolô VI, vị kế nghiệp Ðức Gioan XXIII, đã không chấp thuận lời yêu cầu này và đã quyết định rằng: Tiến trình làm án phong Chân Phước cho Ðức Gioan XXIII sẽ theo các luật lệ của Bộ Phong Thánh.

 Và tiến trình kéo dài trong 30 năm qua, nay đến lúc kết thúc. Theo luật hiện hành của Bộ Phong Thánh, chỉ được khởi sự làm án phong Chân Phước, sau khi qua đời được 5 năm, bắt đầu từ cấp Giáo Phận. Kế đó, Tòa án Giáo Phận do Ðức Giám Mục điều hành sẽ chuyển lên Bộ Phong Thánh tất cả các hồ sơ đã thu lượm được. Trường hợp của Mẹ Têrêsa thành Calcutta là trường hợp hoàn toàn đặc biệt. Tiến trình làm án phong Chân Phước cho Mẹ được khởi sự chỉ sau gần hai năm qua đời. ÐTC đã miễn khỏi tuân giữ thời gian 5 năm, do luật ấn định, vì nhiều vị giám mục trên thế giới thỉnh cầu. Ngài chỉ miễn thời gian ấn định cho việc khởi sự làm án, chứ không chấp nhận phong Chân Phước theo lối đặc biệt bằng cuộc bỏ phiều công khai.

 Ðức Gioan XXIII, từ lúc còn sống, đã được tước hiệu: "Vị Giáo Hoàng hiền hậu, tốt lành". Thực như vậy. Và sự tốt lành, hiền hậu này là điểm cao nhất trong chứng tá đời sống của Ngài. Ngài làm cho mọi người cảm thấy tình thân thiện của Thiên Chúa. Ngài luôn luôn trung thành với Tinh Thần Phúc Âm: "Hãy chúc lành, đừng chúc dữ cho ai cả". Sự tốt lành, hiền hậu của Ðức Gioan 23 nói lên khuôn mặt nhân từ, thương xót của Giáo Hội. Cũng chính vì sự tốt lành, nhân hậu này, Ngài muốn Giáo Hội luôn luôn là "Thầy dạy và là Người Mẹ" giữa thế giới. Và cũng chính vì thế, Ðức Gioan 23 đã quyết định triệu tập Công Ðồng Vatican II, dù ngài biết rằng mình đã già cả. Ðây là một quyết định "táo bạo", vì tín nhiệm hoàn toàn nơi Thiên Chúa; hơn nữa, Ngài ý thức rằng việc Ngài làm không phải là việc riêng của Ngài, nhưng là việc của Thiên Chúa, do Chúa Thánh Thần thúc đẩy.

 Quyết định triệu tập Công Ðồng là một hành động can đảm và nhìn xa thấy rộng. Lúc đó, Ngài đã dám dùng danh từ mới "cập nhật hóa" (aggiornamento), một danh từ gây nên sợ hãi, nếu không phải là "cách mạng" đối với nhiều nhân vật quan trọng trong Giáo Triều Roma lúc đó. Trong diễn văn khai mạc Công Ðồng Vaticanô II, vào ngày 11.10.1962, Ðức Gioan XXIII tuyên bố: Trong giờ phút hiện tại lịch sử này Chúa Quan phòng đang dẫn đưa chúng ta đến một trật tự mới trong các mối quan hệ con người; và các mối quan hệ này, qua công việc của con người và hơn nữa qua chính sự mong đợi của họ, được thực hiện hướng về sự hoàn tất các chương trình cao cả hơn và không dự tính trước được; và mọi sự, cả những nghịch cảnh của loài người, được an bài cho ích lợi lớn hơn của Giáo Hội". Sự bình thản tâm hồn nơi Ðức Gioan 23 phát xuất bởi sự tín nhiệm hoàn toàn nơi Chúa, đúng như khẩu hiệu Giám Mục của Ngài: "Vâng Lời và Bình An" (Obedientia et Pax). Triều Giáo Hoàng ngắn ngủi của Ngài, từ năm 1958- đến năm 1963, với sức mạnh khác thường của sự hiền hậu, của sự tốt lành, của sự bình thản... đã làm cho các tín hữu cảm thấy mình là "Dân Chúa, là anh chị em với nhau và con cái của một Cha chung trên trời, người Cha tốt lành, thương xót tất cả mọi con cái, người lành cũng như nguời dữ". Và đây là con đường của Khoa Giáo Hội Học (Ecclesiologia) của Công Ðồng Vatican II: Giáo Hội hiệp nhất, Giáo Hội hiệp thông. Chính vì muốn đẩy mạnh "Giáo Hội hiệp nhất, Giáo Hội hiệp thông", Ngài đã thiết lập Hội Ðồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu và trao trách nhiệm này cho Ðức Hồng Y Augustin Bea làm chủ tịch.

 Và trong chính ngày Lễ Thánh Phaolô trở lại, ngày 25 tháng Giêng năm 1959, sau khi cử hành Thánh Lễ tại Ðền Thờ Thánh Phaolô ngoài Thành, ngài tuyên bố trước sự ngạc nhiên của các Hồng Y và thế giới, về việc triệu tập Công Ðồng Chung Vatican II: một Công Ðồng được tập trung vào Phụng Vụ, vào Lời Chúa, vào tình liên đới với các niềm an vui, các đau khổ, các lo lắng của con nguời thời đại, tập trung vào tình thương và sự tha thứ đối với các anh chị em đã tách lìa ra khỏi giáo hội; và khỏi "những người anh cả" Do Thái. Công đồng là gia tài quí báu và phong phú, mà Ðức Gioan XXIII, với nụ cuời, với tín nhiệm, với phú thác, với phép lành của Ngài, đã để lại cho Giáo Hội. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, Ðức Gioan Phaolô đệ nhị, trong Tông Hiến "Ngàn Năm thứ ba đang đến" nói về việc chuẩn bị Ðại Toàn Xá của Năm 2000, đã quả quyết: "Công Ðồng Vatican II là một biến cố Quan Phòng của Thiên Chúa, qua biến cố này, Giáo Hội đã khởi sự việc chuẩn bị cho Ðại Toàn Xá của Ngàn Năm mới". Ðức Gioan Phaolô II giải thích: "Một Công Ðồng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, nhưng cũng được mở ra cho thế giới và cho những kinh nghiệm gây xáo trộn của thế kỷ XX này, một thế kỷ bị tàn phá bởi đệ nhất và đệ nhị thế chiến, bởi kinh nghiệm đau đớn của các trại tập trung và của những vụ tàn sát ghê tởm".

 Tuần báo "Gia Ðình Công Giáo" kết luận rằng: Việc Phong Chân Phước cho Ðức Gioan XXIII sẽ là một đại lễõ cho các tín hữu và cho cả những người xa đức tin, cách riêng cho các người thiện chí, những người mà Ðức Gioan XXIII đã muốn gửi đến Thông Ðiệp thời danh "Hòa Bình Trên Thế Giới" (Pacem in terris), được ký nhận vào ngày 11 tháng 4 năm 1963, hai tháng trước khi ngài qua đời.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page