Người Công Giáo tại Châu Á
phải biết giáo huấn
của các tôn giáo khác

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Theo một chức sắc của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, người Công Giáo tại Châu Á phải biết giáo huấn của các tôn giáo khác.

Tin PATTAYA, Thái Lan (UCAN 13-07-99) -- Chủ Tịch Văn Phòng về các vấn đề Liên Tôn của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) đã nói trong phiên khai mạc một khóa học Liên Tôn của FABC rằng người Công Giáo ở Châu Á phải học hỏi về các tôn giáo của đồng bào Á Châu và Giáo Huấn của Giáo Hội về các tôn giáo khác.

Ðức Giám Mục John Bosco Manat Chuabsamai, giáo phận Ratchaburi, Thái Lan, đã phát biểu ngày 8-07-99 với khoảng 90 đại biểu thuộc mười quốc gia: "Ngoài việc biết về tín ngưỡng và tập quán của anh chị em thuộc các tôn giáo khác, điều cũng quan trọng là chúng ta cần biết Giáo Huấn của chính Giáo Hội chúng ta về các tôn giáo khác."

Ðức cha Manat, chủ tịch Văn Phòng Ðại Kết và Liên Tôn (OEIA) của FABC nói: "Chúng ta cần nghiên cứu kỹ giáo huấn này vì nó giúp chúng ta có một thái độ tích cực hơn đối với các tôn giáo khác."

Văn phòng Ðại Kết và Liên Tôn tổ chức khóa huấn luyện thứ hai về vấn đề Liên Tôn (FIRA II), từ ngày 8-13 tháng 7/1999 tại trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế ở Pattaya, cách Bangkok khoảng 150 km về phía đông nam. Theo vị Giám Mục Thái Lan, Kitô hữu sống ở Châu Á đa tôn giáo, chỉ biết tôn giáo của mình mà thôi và hoàn toàn không biết gì về các tôn giáo khác của đại đa số người dân Á Châu là chưa đủ. Ngài giải thích: "Ðiều quan trọng là chúng ta mở rộng kiến thức của chúng ta về những người thuộc các tôn giáo khác, nhất là về niềm tin và lối sống đạo của họ. Ðây là một cách tỏ lòng kính trọng chân thành và sâu sắc đối với những người dân Á Châu khác." Ngài nêu Thái Lan như một ví dụ vì ở nước này toàn thể Kitô hữu chiếm chưa tới 1% trong số 60 triệu người dân. Ngài nói: "Nếu Kitô hữu chúng ta cứ tiếp tục sống đạo biệt lập với 99% tín đồ các tôn giáo khác, thì đó là điều chưa hợp lý, bởi vì dấu chỉ rõ rệt nhất của một người có tinh thần siêu nhiên thật sự là ở nơi khả năng yêu thương của người ấy." Ngài khẳng định: "Vì thế, trong sứ mạng truyền giáo của chúng ta với tư cách la người Kitô tại Châu Á, ưu tiên lớn nhất của chúng ta là phải làm chứng cho sức mạnh yêu thương này." Tuy nhiên, để người Công Giáo có thể yêu thương thật sự người của các tôn giáo khác, thì trước tiên phải biết về họ trước đã. Ðức cha Manat nói: "Ðây là lẽ thường căn bản." Theo vị chủ tịch Văn Phòng Ðại Kết và Liên Tôn, bất cứ ai cho rằng mình yêu thương người khác thì chắc chắn sẽ khổ công tìm hiểu thêm về người đó - mối quan tâm, gia đình, món ăn ưa thích, sở thích, hệ thống giá trị, niềm tin tôn giáo và nhiều điều khác nữa. Ngài nói: "Chính nhờ biết rõ hơn, mà chúng ta có nhiều khả năng yêu mến hơn." Trong phần kết luận, ngài yêu cầu mỗi tham dự viên hãy quyết định "truyền giáo cho ít nhất 10 hoặc 20 Kitô hữu khác, để có nhiều người hơn hiểu rằng yêu thương và kính trọng các tôn giáo khác của Châu Á phải là mệnh lệnh của người môn đệ Chúa Kitô ở Châu Á ngày nay." Khóa học Liên Tôn lần thứ I vào tháng 9-1998 tại Ipoh, Malaixia, cũng do Văn phòng Ðại Kết và Liên Tôn của FABC tổ chức, với sự tham dự của 70 đại biểu đến từ 9 quốc gia.


Back to Radio Veritas Asia Home Page