Các vị lãnh đạo tôn giáo
nói rằng khủng hoảng kinh tế
là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với Thái Lan

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Các vị lãnh đạo tôn giáo nói rằng khủng hoảng kinh tế là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với Thái Lan.

Tin BANGKOK (UCAN 2/07/99) -- Tại một diễn đàn liên tôn mới đây, các vị lãnh đạo tôn giáo nhất trí rằng cuộc khủng hoảng kinh tế là lời cảnh báo để người dân Thái Lan suy nghĩ lại về những giá trị của mình và từ bỏ chủ nghĩa duy vật theo hướng tiêu thụ và tìm kiếm lợi nhuận cá nhân. Ðức Cha Michael Bunluen Mansap, Giáo Phận Ubon Ratchathani, phát biểu tại cuộc hội thảo tại Bangkok rằng nhân phẩm đôi khi bị giản lược thành một hàng hóa, còn con người chỉ đơn thuần là người sản xuất và người tiêu thụ trong hệ thống kinh tế đang thống trị.

Ðức Cha Mansap là chủ tịch Hội Ðồng Công Giáo Thái Lan về Phát Triển. Ngài nói với khoảng 100 đại biểu Phật Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo tham dự khóa hội thảo hai ngày hồi giữa tháng 5/1999 rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là lời cảnh báo của Thiên Chúa để dân của ngài phải ăn năn sám hối. Hội đồng này, Ủy Ban Công Lý Hòa Bình Công Giáo và một số tổ chức khác đã tham gia khóa hội thảo về chủ đề "Chiều kích tôn giáo và các vấn đề kinh tế" được tổ chức với sự hỗ trợ của Ðại Học Dhurakij Pundit. Ngài nêu câu hỏi với các đại biểu gồm giới học giả, viên chức chính phủ, thương nhân, tác viên tổ chức cộng đồng, giới báo chí và các dân làng từ nhiều miền đất nước đến: "Liệu chúng ta có thể vừa thờ phượng Thiên Chúa vừa tôn thờ đồng tiền được không?

Thượng Tọa Phaisal Wisalo, một tu sĩ Phật Giáo, phát biểu với các đại biểu rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đã gây tác hại cho nhiều người và những người sống cuộc đời họ với những giá trị sai lạc chính là nguyên nhân tàn phá xã hội này. Ngài nói thêm rằng các tín đồ tôn giáo phải đủ can đảm để thách thức những người coi vật chất và của cải là mục đích cao nhất trong cuộc đời, cho dù số người này có thể chiếm đa số trong xã hội.

Học Giả Hồi Giáo Chaiwat Sadha-anan khẳng định rằng Hồi Giáo coi cuộc đời là một thử thách và khủng hoảng kinh tế là cuộc trắc nghiệm con người để xem họ có sẵn sàng chia sẻ với người khác hay không.

Khamdeuang Pasi, một chuyên gia về phương pháp canh tác tự nhiên và là người đã thành lập một trường học của cộng đồng tại tỉnh Buriram ở miền đông bắc Thái Lan nói rằng con đường thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng là phải xây dựng các kinh tế tự lực dựa vào việc sử dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên địa phương. Ông nhận xét rằng canh tác luôn luôn cung cấp tài nguyên vô hạn cho con người tự nuôi sống mình, còn độc canh và nông sản hàng hóa đã khiến cho nông dân gần như bị chết đói. Ông cho rằng người dân Thái Lan đã từ bỏ lối sống dân gian dựa vào nguồn tài nguyên địa phương để quan tâm hơn tới việc kiếm tiền.

Mục Sư Chonee Odochao, thuộc một làng dân tộc Karen, so sánh nông nghiệp với cái giếng mà người ta thật sự sở hữu và so sánh phát triển công nghiệp với một cái giếng mà người ta đang tìm kiếm như một ảo vọng. Ngài cho rằng cách thức để phục hồi kinh tế là trở lại với các giá trị của cộng đồng và sự khôn ngoan của người dân, và rằng kín múc từ những giá trị tôn giáo chính là kín múc từ cái giếng đáng tin cậy nhất mà người ta có được.


Back to Radio Veritas Asia Home Page