Về hiện trạng sinh hoạt tôn giáo
tại SUDAN

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Về hiện trạng sinh hoạt tôn giáo tại SUDAN.

Cha Gilles Poirier, nhà truyền giáo người Canada, bị trục xuất khỏi Sudan ngày mồng 7 tháng 8/1999 vừa qua. Chính phủ Sudan không cho biết lý do của vụ trục xuất này. Lúc 2:30 sáng thứ Bẩy mồng 7.08.99, Cha Gilles Poirier được cảnh sát đồng phục và thường phục dẫn ra phi trường để lấy máy bay từ thủ đô Khartum, ra khỏi nước, theo mệnh lệnh của Nhà Cầm quyền.

Ngày 15 tháng 8 năm ngoái (1998), Cha Gilles Poirier đưọc bổ nhiệm làm Cha Sở họ Các Thánh Tử Ðạo Uganda, ở thành phố Ellat Mayo, cách thủ đô chừng 20 cây số về phía nam. Ðột nhiên cha nhận được lệnh của Bộ Di Dân triệu tập để nhận lệnh trục xuất khỏi Sudan. Kể từ lúc nhâïn được lệnh này, Cha Gilles Poirier phải ra khỏi Sudan trong vòng hai tuần lễ. Các vụ can thiệp của Nhà Cầm Quyền Giáo Hội Công Giáo ở Khartum, cũng như của vị lãnh đạo Giáo Hội Tin Lành, của Bộ Trưởng Ngoại Giao Sudan và của Ðức Tổng Giám Mục Marco Dino Broggi, Sứ Thần Tòa Thánh tại Sudan và của Chính Phủ Canada... đều không được chấp nhận.

Cha Gillles Poirier nguời Canada sinh trong miền Ottawa ngày 14.05.1942. Sau khi học tại chủng viện Ottawa, Gilles Poirier xin vào tu trong Dòng các Cha Truyền Giáo ngoại quốc. Cha được phong chức Linh Mục ngày 15.06.1969. Sau đó, ngày 31.07.99 cũng năm này cha lên đường đi truyền giáo tại Argentina trong 16 năm. Năm 1990, cha đi Ai Cập học tiếng Ả Rập và ngày 3.06 năm 1992, Cha được sai đi Sudan để lãnh nhận chức vụ Cha Sở họ Các Thánh Tử Ðạo Uganda tại Ellat Mayo, từ nơi đây cha bị bắt giữ và bị trục xuất. Sudan là một quốc gia mênh mông tại miền đông Châu Phi, với diện tích 2 triệu rưởi cây số vuông và hơn 20 triệu dân cư, trong đó có khoảng 75% gốc Ả Rập, theo Hồi Giáo, cư ngụ hầu hết ở miền bắc; 16,7% theo các tôn giáo địa phương; 8% theo Kitô Giáo, trong số này có 5,6% thuộc Giáo Hội Công Giáo.

Sudan là một trong quốc gia Châu Phi phong phú về tài nguyên, nhất là dầu hỏa và các mỏ vàng, kim cương quí giá ở miền Nam. Từ hơn 16 năm nay Sudan sống trong nội chiến, như nhiều quốc gia Châu Phi khác, do những tranh chấp quyền lợi giữa các Xí Nghiệp ngoại quốc và các siêu cường kỹ nghệ. Trên thực tế miền Bắc do chính phủ Hồi Giáo kiểm soát chống lại miền Nam (đa số theo các tôn giáo địa phương và Kitô Giáo) do tổ chức kháng chiến có tên là "Lực Lượng Quân Ðội Giải Phóng Dân Tộc Sudan" (SPLA, Sudan People's Liberation Army), được đại diện bởi Phong Trào chính trị có tên gọi là: Phong Trào Giải Phóng Dân Tộc Sudan (SPLM, có nghĩa là: Sudan People Liberation Movement), do ông John Garang lãnh đạo.

Mới đây, đứng trước nạn đói đe dọa 2 triệu rưởi dân cư, chính phủ của Tổng Thống Omar Hassan al-Bashir, đơn phương tuyên bố đình chiến trong hai tháng kể từ ngày mồng 5 tháng 8/1999 vừa qua. Ðài phát thanh Sudan giải thích về thái độ hiếu hòa của chính phủ: "Vì những khổ cực của người dân trong các miền có chiến tranh và để tạo diều kiện cho người dân miền nam có thể lãnh nhận các viện trợ nhân đạo và đồng thời cũng để xúc tiến việc tìm giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài từ nhiều năm nay", không phân thắng bại cho phe nào cả, trái lại chỉ gây nên chết chóc, đói khỏ và tàn phá. Phe Kháng chiến miền Nam, tháng trước đây cũng tuyên bố đình chiến trong ba tháng và cuộc đình chiến có giá trị tại 70% lãnh thổ miền nam. Nhưng chính phủ trung ương Khartum coi cuộc đình chiến của SPLA hoàn toàn có tính cách "tuyên truyền". Nhưng nay xem ra chính phủ Khartum đã đổi thái độ. Trả đũa, Phe kháng chiến SPLA lập tức bác bỏ đề nghị đình chiến trong 2 tháng của chính phủ và coi đây là một "lừa bịp" dư luận quần chúng trong và ngoài nước. Trong tuần vừa qua, Hội Nghị tại Nairobi, thủ đô Kenya, dưới sự bảo trợ của các quốc gia miền đông Châu Phi, hai phe tranh chấp đã có những bước tiến và những bước lùi. Bước tiến: hai bên thỏa thuận thành lập một văn phòng thường trực tại Nairobi, để tiếp tục các cuộc thảo luận; bước lùi: chính phủ Khartum từ chối việc lan rộng cuộc đình chiến "vì lý do viện trợ nhân đạo" trong tỉnh Bahrt el-Ghazal, thuộc miền Ðông-Nam, bị nạn hạn hán trong năm vừa qua. Về phía Giáo Hội, chính phủ Hồi Giáo Khartoum, từ nhiều năm nay vẫn tiếp tục bài trừ Kitô Giáo khỏi miền Bắc, bằng cách gây khó khăn mỗi ngày mỗi thêm cho các tổ chức bác ái liên kết với Giáo Hội Công Giáo - các trường Công Giáo bị chiếm hoặc bị phá hủy; hiện nay còn hai Linh Mục đang bị giam tù tại thủ đô. Một nhóm Hồi Giáo quá khích đã tấn công một cộïng đồng Công Giáo họp nhau để cử hành Thánh Lễ tại giáo xứ Dorushab. Nhiều lần Nhà Cầm Quyền Giáo Hội đã yêu cầu chính phủ can thiệp, nhưng cho tới lúc này không có biện pháp nào để ngăn ngừa các vụ bạo động về phia người Hồi Giáo cuồng tín. Ðứng trước những khó khăn về kinh tế và chính trị trong nước cũng như trên trường quốc tế, đã nhiều lần chính phủ Hồi Giáo Khartoum tuyên bố: Việc chia đôi đất nước (miền Bắc và miền Nam) được sống trong hòa bình là giải pháp tốt hơn việc đi đến thống nhất bằng chiến tranh. Tháng Hai 1999 vừa qua, Tổng Thống Omar Hassan al-Bashir, lần thứ nhất, tuyên bố: Ông không loại trừ việc dành quyền tự trị cho miền Nam và có thể cả độc lập nữa. Ðây là một bước tiến quan trọng. Nhưng lời tuyên bố này không được phe đối lập tin tưởng là thành thực, cũng như các lời tuyên bố về đình chiến. Thực sự chiến tranh tại Sudan không phải là chiến tranh giữa miền Bắc (Hồi Giáo) và miền Nam (tôn giáo địa phương và Kitô Giáo). Chiến tranh này xét tận gốc rễ là chiến tranh kinh tế và xã hội, phát xuất bởi việc tước lột đất đai canh các của người dân nghèo về phía một nhóm địa chủ giầu có, quyền thế tại thủ dô Khartum; chiến tranh này phát xuất bởi việc kiểm soát dầu hỏa và các khoáng sản của Sudan. Do đó, chiến tranh Sudan là những vi phạm liên lỉ các quyền căn bản của con người. Bao lâu không giải quyết chiến tranh tại Sudan, nạn đói khổ vẫn đè nặng mỗi ngày mỗi thêm mãi trên người dân. Theo chương trình Thực Phẩm của Tổ Chúc FAO (PAM) của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở ở Roma: thì tại thành phố Wau mà thôi, thì số người bị nạn đói đe dọa trong lúc này lên tới 2 triệu rưởi. Các phương tiện truyền thông xã hội hầu như quên hẳn nạn đói khổ và chiến tranh tại nhiều nước Châu Phi: Tại Sudan, tại Etiopia-Eritrea, tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo (cự Zaire) tại các nước miền các Hồ Lớn... Các Giám Mục đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ nạn đói và kêu gọi các siêu cường hãy cung cấp thực phẩm, thay cho các loại vũ khí giết người. Nhưng lời kêu gọi của các ngài như tiếng vang trong sa mạc. Chiến tranh vẫn tiếp diễn, người dân vô tội vẫn là nạn nhân của đói khổ, của di tản, của tàn phá, của chết chóc...


Back to Radio Veritas Asia Home Page