Giáo Hội Công Giáo
vẫn còn đau khổ
tại các nước Trung Ðông Âu
và các nước Hồi Giáo

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Giáo Hội Công Giáo vẫn còn đau khổ tại các nước Trung Ðông Âu và các nước Hồi Giáo.

Cha Van Straaten, vị sáng lập Tổ Chức "Trợ Giúp các Giáo Hội đau khổ", trong cuộc Họp tại Rimini (đông bắc Ý) do Phong Trào "Hiệp Thông và Giải Phóng" tổ chức, đã dành cho nhật báo Công Giáo Ý "Tương Lai" số ra ngày 28.08.99, một bài phỏng vấn dài về Giáo Hội Công Giáo tại các nước Trung-Ðông Âu và các nước Hồi Giáo. Cha Van Straaten là người được cả thế giới Công Giáo biết đến vì những hành động từ thiện bác ái cha làm từ sau đệ nhị thế chiến đến nay. Sau đệ nhị thế chiến Cha tổ chức chiến dịch thu lượm mỡ heo, các thực phẩm, quần áo... để giúp các nạn nhân chiến cuộc tại các nước Châu Âu. Vì thế, người dân đặt tên cho Van Straaten là "Padrê-Lardô" (Ông cha mỡ heo). Sau chiến dịch này, Cha tổ chức chiến dịch khác: "Giúp các Giáo Hội đau khổ", nghĩa là các Giáo Hội bị bách hại dưới chế độ cộng sản, cũng gọi là Giáo Hội thầm lặng hay Giáo Hội Hang Toại Ðạo.

Sau khi Khối cộng sản Liên Xô bị sụp đổ, Cha lập chiến dịch khác: Chiến dịch giúp các Giáo Hội Công Giáo phục hưng và giúp các giáo hội Chính Thống trong việc đào tạo nhân sự. Giúp đỡ các Giáo Hội Chính Thống, cha nhằm mục đích này là làm cho các tín hữu Công Giáo và Chính Thống mỗi ngày mỗi hiểu nhau hơn và chung sống hòa bình, cộng tác để mở rộng nước Chúa, mỗi Giáo Hội trong lãnh vực riêng, không chiêu mộ tín hữu của nhau. Cha vẫn chủ trương thực hiện lời ÐTC Gioan Phaolô II: "Giáo Hội cần được thở bằng hai lá phổi: đông và tây".

Cha Van Straaten năm nay 86 tuổi, nhưng vẫn sáng suốt. Cha được mời tham dự cuộc Ðại Hội của Phong Trào Hiệp Thông và giải phóng, được tổ chức trong tuần lễ vừa qua tại Rimini. Sau đây là bài phỏng vấn Cha dành cho nhật báo "Tương Lai".

Hỏi - Bức tường Berlin đã làm cho Giáo Hội bên Ðông đau khổ nhiều, nay đã sụp đổ. Vậy Giáo Hội còn phải đau khổ tại các nước khác nữa không?

Ðáp: Tại bên Ðông sự đau khổ chưa hết. Tại các nước cựu cộng sản, chế độ đã tàn phá tinh thần người dân; nay cần sửa lại, nhưng không phải là công việc dễ dàng. Sự đau khổ lớn lao của Giáo Hội vẫn còn tại đây: hơn 70 nam không có việc huấn luyện và rao giảng Tin Mừng nào cả. Và những khó khăn cả cho xã hội nữa về kinh tế, văn hóa, bởi vì thiếu hẳn nền tảng Kitô. Một điều xem ra tương phản. Nhưng thực sự Giáo Hội cũng đau khổ tại bên Tây này, trong các gia đình bị những ý thức hệ tàn phá. Tôi nghĩ đến nạn phá thai. Vì thế, chúng tôi, đã quyết định dành nhiều sự lưu ý đến gia đình và trong năm 2000, chúng tôi sẽ phác họa một chương trình riêng, trong sự thỏa thuận và cộng tác với Hội Ðồng Tòa Thánh về Hôn Nhân và Gia Ðình.

Hỏi - Việc giúp đỡ để xây dựng lại các cộng đồng Kitô bên Ðông, thường bị coi như việc chiêu mộ tín hữu. Việc này có gây nên những khó khăn với các tín hữu Chính Thống?

Ðáp - Thực sự có như vậy. Khi các người Công Giáo muốn làm một công việc nào đó luôn luôn bị nhìn với nhiều nghi ngờ. Và đây là một khó khăn lịch sử. Trong quá khứ cũng vậy. Các người Công Giáo cũng phạm những lỗi lầm và các người Chính Thống không quên. Cần phải bắt đầu lại, bằng việc giúp đỡ và tỏ ra những dấu hiệu cho thấy chúng ta không muốn "Latinh hóa" Giáo Hội Chính Thống đâu. Bởi vì đây là một Giáo Hội chị em và cùng với các Linh Mục, Giáo Hội này là thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Không có những tranh giành giữa chúng ta và các tín hữu Chính Thống. Và cùng với ÐTC, chúng ta phải làm sao để Giáo Hội của Chúa Kitô thở bằng hai lá phổi. Cùng với ÐTC chúng ta phải xin tha thứ về những lầm lỗi mà chúng ta đã làm. Việc xin tha thứ và chấp nhận tha thứ, cả hai bên đều phải có.

Hỏi - Việc đối thọai với các người Chính Thống được dựa trên những nền tảng nào?

Ðáp - Việc hiệp nhất với Giáo Hội Chính Thống là một con đường dài, cần phải đi với tất cả đức ái, trong sự tôn trọng các truyền thống phụng vụ và văn hóa từ trăm năm của Giáo Hội này.

Việc hòa đồng không phải là vấn đề tín lý, nhưng là việc gặp lại nhau trong tình thương yêu. Nếu có chân lý về tín lý, cần phải học hỏi, nghiên cứu và vì thế, công việc của chúng tôi là dành cho việc huấn luyện hàng giáo sĩ Chính Thống và hàng giáo sĩ Công Giáo, để hai bên hiểu nhau. Việc gặp gỡ nhau đòi sự huấn luyện; sự huấn luyện này tại Nga, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, vẫn chưa được bắt đầu. Việc huấn luyện sẽ giúp hàng giáo sĩ Chính Thống hiểu các người Công Giáo. Ðàng khác cũng phải chuẩn bị nhân sự Công Giáo đến làm việc tại Nga. Khi có sự hiểu biết nhau rồi, có thể nhìn về sự hiệp nhất. Vấn đề thuộc về tình cảm, về xúc động và về lịch sử, trong đó tiếng nói của biểu hiệu rất quan trọng. Nhưng tình yêu thương, sau cùng, sẽ thuyết phục, sẽ thắng.

Hỏi - Trong các quốc gia này có Rumani. Vậy sau chuyến viếng thăm mới đây của ÐTC, có những cởi mở nào về đối thoại?

Ðáp - Có một cái gì đó đã thay đổi, nhưng không có nghĩa là các khó khăn đã giải quyết xong. Vẫn còn lại vấn đề các nhà thờ của các Giáo Hôïi Hy Lạp-Công Giáo (thuộc lễ nghi Bizantin) bị cộng sản đóng cửa hoặc nhường lại cho Giáo Hội Chính Thống. Ngày nay, tuy được tự do rồi, các người Chính Thống vẫn không muốn trả lại. Sự đau khổ của các Giám Mục và của các Giáo Hội này, xét về một khía cạnh, vẫn tiếp tục, như trong thời chế độ cộng sản vậy. Họ không có tiếng nói, nhưng trong những năm đó, tôi đã cố gắng làm cho tiếng kêu van của họ tới bên Tây này. Khi tôi lén lút vào được xứ sở của Ceaucescu, tôi đã trở về với những thư nhỏ của các Giám Mục trao lén cho tôi, để chuyển lên ÐTC. Các vị tử đạo này nài xin Roma đừng quá nhượng bộ người cộng sản. Các ngài kể lại những tù đầy của các ngài, trong đó các ngài vẫn trung thành với Giáo Hội. Cần phải lưu ý đến những hy sinh này của các ngài.

Hỏi - Bây giờ có vấn đề Hồi Giáo. Vậy Cha đối phó như thế nào?

Ðáp - Có mấy quốc gia Hồi giáo hoàn toàn đóng kín đối với chúng tôi, như Arabie Saudite; tại đây các tín hữu Công Giáo không được biểu lộ một dấu hiệu nào về đức tin cả. Rồi tại Iran và Pakistan không có một nhóm nào thuần nhất. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, trái lại, hầu như không có sự hiện hiện Kitô Giáo nữa (Công Giáo rất ít, không đáng kể). Ðối với chúng tôi, việc tiếp xúc với tất cả là rất quan trọng, nhất là đối với việc huấn luyện Linh Mục. Nhưng lần này đây, tôi không có nhiều hy vọng, bởi vì Hồi Giáo vẫn gây gổ và là một nguy hiểm cho Giáo Hội Công Giáo. Cho tới lúc này tôi vẫn chưa thấy thể thức nào cần chấp nhận để tiếp xúc với Hồi Giáo, như chúng tôi đã làm với Chính Thống.

Hỏi - Nhưng Hồi Giáo, ngoài biên giới địa dư, tại bên Tây này, tại các nước chúng ta, cha nghĩ sao về sự hiện diện này?

Ðáp - Hồi Giáo là một đe đọa cho nền văn hóa Tây Phương, bởi vì sẽ làm giảm bớt đức tin Kitô. Tạo nên một sự bất quân bình; người dân, trong lý luận của chế độ Tư Bản, luôn luôn ít bị hấp dẫn bởi đức tin.

Ðàng khác, con số theo Hồi Giáo gia tăng. Công việc tái rao giảng Tin Mừng phải lưu ý hiện tượng này: Hồi Giáo có một ý nghĩa tuyệt đối về Thiên Chúa và đây là một thách đố cho Tây Phương.

Hỏi - Ngày nay các nhu cầu của Châu Mỹ Latinh cũng khẩn cấp.

Ðáp - Châu Mỹ Latinh là đặc biệt, bởi vì là miền đất của hy vọng cho Giáo Hội Công Giáo. Tại đây đang có một sự canh tân sâu rộng, không những về phía các Giám Mục và các Linh Mục mà thôi, nhưng cả người dân nữa trở nên những nhà truyền giáo trong chính xứ sở của họ. Ðây là một hiện tượng tại Châu Âu chúng ta không thể tưởng tượng được.

Hỏi - Cha có cảm thấy ÐTC luôn luôn gần gũi với công việc của Cha không?

Ðáp - Mồng 8 tháng giêng cách đây 2 năm, ngày sinh nhật của tôi, ÐTC cảm cúm, nhưng ngài đã muốn tiếp tôi. Ngài nhấn mạnh: "Mình cha Straaten thôi, không một người nào khác đi theo". ÐTC luôn luôn hài lòng về công việc của chúng tôi và tôi cũng vui mừng vì ngài hài lòng cả về tôi nữa. Ngài giúp đỡ tôi rất nhiều. Ngày đó ngài nhấn mạnh với tôi về sự hòa giải với Giáo Hội Chính Thống. Ngài nói: "Không ai được nghĩ rằng Vị Giáo Hoàng Roma muốn bổ nhiệm các Giám Mục Chính Thống. Ðây không phải là ý nghĩ của tôi, nhưng sự hòa giải của hai Giáo Hội; cả hai đều có, mỗi Giáo Hội, lịch sử của mình.


Back to Radio Veritas Asia Home Page