Cộng đoàn Công giáo tại Gaza

ngày càng lún sâu trong sầu khổ

 

Cộng đoàn Công giáo tại Gaza ngày càng lún sâu trong sầu khổ.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Gaza (RVA News 02-07-2025) - Giống như mọi người dân khác ở Gaza, cộng đoàn Công giáo duy nhất tại miền này ngày càng lún sâu trong thảm cảnh đau khổ.

Quân đội Israel tiếp tục hành quân tại giải đất này và kêu gọi dân chúng thuộc 17 khu vực ở miền bắc Gaza hãy di tản đi nơi khác.

Linh mục Gabriel Romanelli, thừa sai người Argentina, thuộc Dòng Ngôi Lời Nhập Thể, nói với Ðài Vatican rằng: "Tại Gaza, người dân thiếu thốn mọi sự. Ðiều chắc chắn là tình trạng nhân đạo ở đây trở nên không thể chịu nổi. Từ hơn 630 ngày nay, các thường dân tìm cách sống còn, mặc dù những cuộc dội bom của Israel và các cuộc đáp trả của Hamas. Chúa nhật, ngày 29 tháng Sáu năm 2025, quân đội Israel đã ra lệnh buộc dân chúng phải di tản như vừa nói, nhất là các khu vực ở cổ thành Gaza và khu phố Jalabiya.

500 tín hữu Công giáo và Chính thống sống trong khuôn viên nhà xứ Thánh Gia không nhận được lệnh phải ra đi, nhưng cha Romanelli nói: "Toàn thể dải Gaza là một bãi chiến trường, không có chỗ nào an toàn hơn chỗ kia". Những cuộc dội bom pháo kích liên tục, kể cả gần nhà thờ, gây chấn thương cho cộng đoàn vốn đã có những thành phần của mình bị thiệt mạng từ đầu chiến tranh này".

Từ cuối tháng Năm năm 2025, Israel đã loan báo ngưng phong tỏa miền Gaza và cho đưa đồ cứu trợ nhân đạo qua một tổ chức gây nhiều tranh luận, do Israel và Mỹ kiểm soát. Cha Romanelli phẫn nộ nói: "Ðó không phải là giải pháp, tại thành phố Gaza có hơn một triệu dân, nhưng không có một trung tâm phân phát nào. Trung tâm gần nhất là ở miền nam Gaza, ở trong thành phố".

500 người tị nạn trong khuôn viên giáo xứ sống bằng đồ dự trữ trước khi Gaza bị phong tỏa hồi đầu tháng Ba năm nay: nhưng mỗi ngày tình hình trở nên khó khăn hơn, vì không có đồ cứu trợ mới được đưa tới. Hơn nữa, các đồ này chỉ đến ở mức độ nhỏ giọt nếu có, và không có một sự tổ chức chung, nhiều khi bị dân chúng đói ăn làm liều, lấy trộm. Cha sở nói: "Nếu không có một hệ thống hữu hiệu, thì người ta theo luật của kẻ mạnh nhất, người nào có thể đi tìm viện trợ thì gặp nguy hiểm cho sinh mạng của mình". Hàng chục người Palestine đã bị thiệt mạng khi đến tìm kiếm trợ giúp như thế.

Trong cuộc phỏng vấn, cha Romanelli cũng nói đến tình trạng lạm phát vô giới hạn: 250 Euro một ký cà phê, vốn là một đồ quan trọng đối với văn hóa ở Gaza này, 15 Euro một ký cà chua, 75 Euro một ký đường.

Trời ở đây nóng nực 40 độ, và sự ẩm thấp làm cho tình trạng 500 người dân trong khu vực giáo xứ trở nên ngột ngạt, thêm vào đó là nạn cúp internet và điện thoại, có khi năm ngày liền bị cắt.

Trong bối cảnh trên đây, cha sở Romanelli cho biết giáo xứ tiếp tục đời sống cầu nguyện và cố gắng phục vụ các bệnh nhân, người bị thương, người già yếu, và tạo những sinh hoạt cho các trẻ em.

(Vatican News 30-6-2025)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page