Ðức Trinh Nữ là "người lữ hành hy vọng"

 

Bài huấn giáo của Ðức Thánh cha cho thứ Tư, ngày 05 tháng Ba năm 2025: Ðức Trinh Nữ là "người lữ hành hy vọng".

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 05-03-2025) - Thứ Tư, ngày 05 tháng Ba năm 2025, Ðức Thánh cha Phanxicô tiếp tục không thể tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, vì ngài còn đang được điều trị ở Bệnh viện Gemelli. Nhưng văn bản bài huấn giáo Ðức Thánh cha đã cho soạn trước cho buổi tiếp kiến này vẫn được Phòng Báo chí Tòa Thánh phổ biến.

Bài này tiếp tục loạt bài về "Năm Thánh 2025": "Chúa Giêsu Kitô niềm hy vọng của chúng ta". Thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Bài thứ tám này có tựa đề: "Hỡi con, sao con lại làm cho thầy mẹ như vậy?" (Lc 2,49). Tìm thấy Chúa Giêsu trong Ðền thánh".

Bài này đi từ trích đoạn Tin mừng theo thánh Luca, đoạn 2 từ câu 46 đến 50: "Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền thánh, đang ngồi giữa các thầy dậy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt và Mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với thầy mẹ như vậy? Con thấy không, Thầy con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!". Người đáp: "Sao thầy mẹ lại tìm con? Thầy mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói".

Mở đầu bài huấn giáo, Ðức Thánh cha viết:

"Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý cuối cùng này dành cho thời thơ ấu của Chúa Giêsu, chúng ta đi từ giai thoại trong đó, khi lên 12 tuổi, Chúa Giêsu ở lại trong Ðền thờ mà không cho cha mẹ biết. Ông bà lo lắng tìm con và chỉ thấy con ba ngày sau đó. Trình thuật này kể lại cuộc đối thoại rất hay giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu, giúp chúng ta suy tư về hành trình của Mẹ Chúa Giêsu, một hành trình chắc chắn là không dễ dàng. Thực vậy, Mẹ Maria đã hoàn tất một hành trình thiêng liêng, qua đó Mẹ tiến triển trong sự hiểu biết về mầu nhiệm của Con.

Chúng ta hãy nghĩ lại những giai đoạn khác nhau trong con đường này. Khi mới thụ thai, Mẹ Maria đã đi thăm bà Elizabeth và lưu lại đó ba tháng, cho đến khi bà chị sinh hạ hài nhi Gioan. Rồi khi có thai đến tháng thứ chín, vì cuộc kiểm tra dân số, Mẹ Maria cùng với thánh Giuse đến Bethlehem, tại đây Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu. Bốn mươi ngày sau đó, ông bà đi Jerusalem để dâng con; và rồi mỗi năm, họ trở lại hành hương tại Ðền thánh. Nhưng khi Chúa Giêsu còn bé bỏng, ông bà tị nạn sang Ai Cập để tránh vua Hêrôđê, và chỉ sau khi nhà vua chết, ông bà mới đến định cư tại Nazareth. Khi Chúa Giêsu trở thành người lớn, bắt đầu sứ vụ, thì Mẹ Maria hiện diện và giữ vai chính ở tiệc cưới Cana; rồi đi theo con "từ xa xa", cho đến hành trình cuối cùng lên Jerusalem, tới cuộc khổ nạn và cái chết. Sau khi Chúa sống lại, Mẹ Maria ở lại Jerusalem, như Mẹ của các môn đệ, nâng đỡ đức tin của họ trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống.

Trong tất cả hành trình này, Ðức Trinh Nữ là "người lữ hành hy vọng" theo nghĩa mạnh là Mẹ trở thành "người con của Con mình", là môn đệ đầu tiên của Con. Mẹ Maria mang vào thế giới Chúa Giêsu, Niềm Hy vọng của nhân loại: Mẹ đã nuôi dưỡng, làm tăng trưởng, và đi theo con, để cho mình được Lời Chúa nào nặn trước tiên. Trong đó - như Ðức Giáo hoàng Biển Ðức 16 đã nói, - Mẹ Maria thực sự ở nhà của mình, đi ra và trở lại một cách tự nhiên. Mẹ nói và suy nghĩ với Lời Chúa (...). Qua đó cho thấy rằng những tư tưởng của Mẹ phù hợp với những tư tưởng của Thiên Chúa, ý muốn của Mẹ là một ý muốn cùng với Thiên Chúa. Vì được Lời Chúa thấm nhuần, Mẹ có thể trở thành Mẹ của Lời nhập thể" (Thông điệp Deus caritas est, 41). Kinh nghiệm về sự lạc mất Chúa Giêsu 12 tuổi, trong cuộc hành hương hằng năm lên Jerusalem, làm cho Mẹ Maria kinh hãi đến độ trở thành người phát ngôn của thánh Giuse trong việc trách con: "Con ơi, sao con làm cho Thầy Mẹ như vậy? Này Thầy và Mẹ lo lắng tìm con" (Lc 2.48). Mẹ Maria và thánh Giuse đã cảm thấy nỗi đau đớn của cha mẹ bị lạc mất con: cả hai tin rằng Chúa Giêsu ở trong đoàn các thân nhân lữ hành, nhưng không thấy con suốt cả ngày, họ bắt đầu cuộc tìm kiếm và trở lại Ðền thánh. Tại đây, ông bà khám phá thấy Người mà dưới mắt họ cho đến thời gian trước đó chỉ là một em bé cần được bảo vệ, nay đột nhiên lớn hẳn, có khả năng can dự vào những cuộc thảo luận về Kinh thánh, đối chiếu với các nhà thông luật.

Trước sự khiển trách của Mẹ, Chúa Giêsu đáp lại bằng một sự đơn sơ gây ngạc nhiên: "Tại sao Thầy Mẹ tìm con? Thầy Mẹ không biết rằng con phải lo việc của Cha con sao?" (Lc 2,49). Mẹ Maria và thánh Giuse không hiểu: mầu nhiệm Thiên Chúa làm người vượt quá sự hiểu biết của họ. Cha mẹ muốn bảo vệ người con rất quý giá dưới đôi cánh tình thương của họ; trái lại, Chúa Giêsu muốn sống ơn gọi làm con của Chúa Cha mà Người phụng sự và sống chìm đắm trong Lời của Ngài.

Những trình thuật của thánh Luca về thời thơ ấu kết thúc như thế, với những lời cuối cùng của Mẹ Maria, nhắc nhớ thân phận làm cha của thánh Giuse đối với Chúa Giêsu, và với những lời đầu tiên của Chúa Giêsu, nhìn nhận tình phụ tử ấy có nguồn gốc tư tình phụ tử của Cha của Người trên trời, mà Người nhìn nhận quyền tối thượng hiển nhiên.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, như Mẹ Maria và thánh Giuse đầy hy vọng, cả chúng ta cũng đặt mình đi theo các vết của Chúa, không để cho mình bị cầm hãm trong những khuôn khổ của chúng ta và để cho mình được tìm thấy không phải ở một nơi, nhưng trong câu trả lời yêu thương đối với tình phụ tử dịu dàng của Chúa, câu trả lời yêu thương là cuộc sống con thảo".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page