Ðức Hồng y Quốc vụ khanh
chống áp đặt đơn phương
Ðức Hồng y Quốc vụ khanh chống áp đặt đơn phương.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 18-02-2025) - Ðức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cầu mong cuộc ngưng chiến tại Gaza trở thành trường kỳ, và tại Syria, cần theo đuổi con đường bao gồm mọi thành phần đất nước và sống chung hòa hợp, còn trong ngoại giao, cần dành ưu tiên cho đối thoại bao gồm, kiên nhẫn và kiến tạo tín nhiệm giữa các phe. Ðiều quan trọng là tin tưởng nơi sự đa phương và củng cố vai trò của các tổ chức quốc tế.
Ðức Hồng y Parolin bày tỏ lập trường trên đây của ngành ngoại giao Tòa Thánh, trong cuộc phỏng vấn dành cho báo "L'Eco di Bergamo", Tiếng vọng tỉnh Bergano, bắc Ý, số ra thứ Bảy, 15 tháng Hai năm 2025.
Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Hồng y đã đề cập đến cuộc ngưng chiến giữa Hamas và Israel, chiến tranh tại Ucraina, tình trạng Syria và sự hiện diện của các tín hữu Kitô ở Trung Ðông, hòa bình thế giới, và những vấn đề của thực tại ngày nay và Giáo hội, niềm hy vọng đang linh hoạt Năm Thánh.
Về cuộc đình chiến giữa Hamas và Israel, Ðức Hồng y Parolin cầu mong rằng cuộc đình chiến này sẽ kéo dài trường kỳ, để chấm dứt đau khổ của nhân dân Palestine tại dải đất này cũng như phần còn lại của Palestine. Ðức Hồng y nói: "Bây giờ cần mang lại những dấu chỉ hy vọng cho cả hai: cho người Israel cũng như Palestine.
Về tình hình Syria, cần hiểu xem nước này đang tiến theo chiều hướng nào và cần có sự đồng hành, tiến theo con đường bao gồm mọi thành phần dân chúng và sự sống chung hòa hợp. Ðức Hồng y Parolin cầu mong rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước láng giềng, giúp đỡ Syria được toàn vẹn lãnh thổ, cứu giúp nhân dân nước này đang sống trong nghèo đói mà chiến tranh đã tạo nên trong những năm dài chiến tranh".
Về vai trò các tín hữu Kitô trong thực trạng khó khăn về xã hội và chính trị ở Trung Ðông, Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhận định rằng họ không phải là một thiểu số, nhưng là một "thành phần" thiết yếu và không thể bỏ qua. Họ vốn luôn luôn góp phần vào sự tiến bộ của các quốc gia họ. Về Thánh địa, "mỗi Kitô hữu phải có thể đi đến đó mà không bị hạn chế, và không quên các nơi Thánh khác, như tại Ai Cập, Liban, Syria và Giordani.
Về chiến tranh Ucraina, theo Ðức Hồng y Parolin, lập trường của Tòa Thánh là "tất cả đều có thể góp phần vào hòa bình", nhưng không bao giờ có thể theo đuổi những giải pháp áp đặt đơn phương, với nguy cơ là chà đạp các quyền của toàn thể một dân tộc, chẳng vậy sẽ không bao giờ có thể có hòa bình công chính và lâu bền. Trong ngoại giao, cần có lối tiếp cận vượt thắng những đụng độ và tạo điều kiện cho đối thoại bao gồm, kiện nhẫn và kiến tạo sự tín nhiệm giữa các phe, và để được vậy, điều quan trọng là tin tưởng nơi sự đa phương, và củng cố vai trò của các tổ chức quốc tế. Nhưng để thực hiện hòa bình, cần có 'can đảm', như Ðức Thánh cha Phanxicô đã nói, cần công lý và tha thứ. Ðó là ba giá trị dường như đang vắng bóng hơn cả trong xã hội hiện nay".
(Vatican News 16-2-2025)