Ðức Thánh cha tiếp
Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
Ðức Thánh cha tiếp Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 10-01-2025) - Sáng thứ Năm, ngày 09 tháng Giêng năm 2025, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, nhân dịp Năm mới 2025. Trong dịp này, Ðức Thánh cha trình bày mối quan tâm và lập trường của Tòa Thánh trước những điểm nóng trên thế giới, đồng thời đề nghị những hướng đi để xây dựng hòa bình và xã hội.
Buổi tiếp kiến diễn ra tại Hội trường Phép lành, ở lầu trên phía cuối Ðền thờ thánh Phêrô, giống như những năm trước đây.
Hiện diện trong buổi tiếp kiến, lúc 10 giờ, có đại diện của 184 quốc gia và một số tổ chức quốc tế có tương quan với Tòa Thánh trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine. Ngoài ra, cũng có đại diện của Liên hiệp Âu châu và Hội Hiệp sĩ Malta. Trong số các vị hiện diện, có 92 vị đại sứ thường trú. Ngoài ra, các vị đại sứ khác từ các nhiệm sở ở Âu châu cũng đến Vatican trong dịp này.
Về phía Tòa Thánh, có Ðức Tổng giám mục Edgar Pena Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh và Ðức Tổng giám mục Ngoại trưởng Paul Gallagher, cùng với các vị phó tổng thư ký của mỗi phân bộ.
Mở đầu cuộc gặp gỡ, Ðại sứ Cộng hòa Cipro cạnh Tòa Thánh, ông George Paulides, Niên trưởng đoàn ngoại giao, đã đại diện mọi người chúc mừng Ðức Thánh cha nhân dịp đầu năm mới và nhắc đến những hoạt động của ngài đã mang lại những hướng đi cho cộng đồng các dân nước.
Diễn văn của Ðức Thánh cha
Trong diễn văn đáp từ, Ðức Thánh cha đã cám ơn Ðại sứ Niên trưởng và chào thăm cũng như chúc mừng các vị đại sứ, nhưng giọng nói còn bị khàn vì mới bị cảm. Ðức Thánh cha đã để một Ðức ông đọc thay bài diễn văn.
Nội dung diễn văn như sau:
Quý vị Ðại sứ quý mến,
"Trong những lời của ngôn sứ Isaia mà Chúa Giêsu áp dụng cho bản thân tại Hội đường Do thái ở Nazareth, vào đầu đời sống công khai của Ngài, theo trình thuật được tác giả Tin mừng Luca truyền lại cho chúng ta (4,16-21), chúng ta thấy tóm lược không những mầu nhiệm Giáng sinh mới cử hành, nhưng cả mầu nhiệm Năm Thánh chúng ta đang sống. Chúa Kitô đã đến "để mang Tin mừng cho những người lầm than, băng bó các vết thương tâm hồn bị tan vỡ, công bố tự do cho những người nô lệ, sự giải thoát cho các tù nhân, và công bố năm hồng ân của Chúa" (Is 61,1-2a).
Bầu không khí căng thẳng trên thế giới
"Ðáng tiếc là chúng ta bắt đầu năm nay trong khi thế giới đang bị xâu xé vì nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ, hơn kém được biết đến và cả việc tái xuất hiện những vụ khủng bố đáng kinh tởm, như mới xảy ra tại Magdeburg bên Ðức, và New Orleans ở Mỹ.
"Chúng ta cũng thấy rằng tại bao nhiêu nước ngày càng có những bối cảnh xã hội và chính trị bị căng thẳng vì những mâu thuẫn gia tăng. Chúng ta đứng trước các xã hội ngày càng bị phân cực, trong đó có âm ỉ một cảm thức chung sợ hãi và nghi kỵ đối với tha nhân và đối với tương lai. Ðiều đó trở nên trầm trọng vì tiếp tục có những tin giả được loan ra, không những xuyên tạc sự thật, nhưng còn bóp méo các lương tâm, tạo nên những nhận thức sai lầm về thực tại và tạo nên bầu không khí nghi kỵ, nuôi dưỡng oán ghét, làm thương tổn an ninh của cá nhân và cuộc sống chung dân sự cũng như sự ổn định của nhiều quốc gia. Chúng ta thấy cụ thể là những vụ tấn công khủng bố mà Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Slovakia và Tổng thống tân cử của Mỹ đã phải chịu.
Bầu không khí bất an ấy thúc đẩy dựng lên những hàng rào mới và vạch ra những biên cương mới, trong khi những biên cương khác, như biên cương từ hơn 50 năm chia cắt đảo Cipro và biên cương từ hơn 70 năm chia cắt bán đảo Triều Tiên vẫn đứng vững, chia cách các gia đình và phân chia các gia cư và thành thị. Các biên cương tân thời mệnh danh là những đường ranh xác định căn tính, nơi mà những khác biệt trở thành những động lực nghi kỵ, bất tín nhiệm và sợ hãi (...).
Trước tình trạng đó, Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "điều tôi cầu mong cho năm mới này là Năm Thánh có thể mang lại cho tất cả mọi người, dù là Kitô hữu hay không, một cơ hội để suy nghĩ lại những tương quan liên kết chúng ta, như những cá nhân và cộng đồng chính trị, để vượt thắng tiêu chuẩn đối nghịch, đụng độ và thay vào đó là theo đuổi tiêu chuẩn gặp gỡ; để thời kỳ chúng ta mong đợi, không thấy chúng ta lang thang tuyệt vọng, nhưng là những người lữ hành hy vọng, tức là những cá nhân và cộng đoàn tiến bước quyết tâm xây dựng một tương lai hòa bình".
Ơn gọi của ngành ngoại giao
Ðàng khác, đứng trước đe dọa ngày càng cụ thể về một thế chiến, ơn gọi của ngành ngoại giao là tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại với tất cả mọi người, kể cả những người đối thoại bị coi là "gây khó chịu nhất" hoặc không được coi là hợp pháp để thương thuyết. Ðó là con đường duy nhất để phá vỡ những xiềng xích oán thù kìm hãm và để tháo gỡ những vũ khí ích kỷ, tự kiêu và cao ngạo của con người, vốn là căn cội của mọi ý chí chiến tranh tàn hại.
Thưa quý vị Ðại sứ,
"Dưới ánh sáng những nhận xét vắn tắt vừa nói, tôi muốn cùng quý vị sáng hôm nay phác họa một vài nét nổi bật của nền ngoại giao hy vọng, khởi hành từ những lời của ngôn sứ Isaia, mà tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành những người loan báo, để những đám mây dày đặc của chiến tranh có thể bị đánh tan nhờ một luồng gió hòa bình. Nói chung, tôi muốn nêu bật một số trách nhiệm mà mỗi vị lãnh đạo chính trị cần để ý khi thi hành trách nhiệm của mình, nhắm xây dựng công tích và sự phát triển con người toàn diện."
Mang Tin mừng cho những người lầm than
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Trong mỗi thời đại và mỗi nơi, con người luôn bị cám dỗ do ý tưởng có thể tự đủ cho mình, có thể tự mình trở thành người kiến tạo vận mệnh riêng. Mỗi khi ta để cho mình bị thống trị vì sự tự phụ như vây, thì ta bị các biến cố và hoàn cảnh bên ngoài chứng tỏ mình yếu đuối và bất lực, nghèo túng, bị những tai ương tinh thần và vật chất. Nói khác đi, khám phá mình lầm than và cần có người nào đó nâng ta dậy khỏi tình trạng lầm than của mình."
"Có nhiều thứ lầm than trong thời đại chúng ta. Chưa bao giờ như hiện nay nhân loại đang trải nghiệm phát triển, tiến bộ và giàu sang và có lẽ chưa bao giờ như hiện nay, người ta cô độc và lạc lõng, nhiều khi họ ưa thích có súc vật trong nhà hơn là có con cái. Có một nhu cầu cấp thiết nhận được một tin vui. Một tin mà trong nhãn giới Kitô giáo, Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta trong đêm Giáng sinh! Tuy nhiên, mỗi người - cả những người không tín ngưỡng - cũng có thể trở thành một người loan báo hy vọng và sự thật."
"Ðàng khác, con người có một sự khao khát bẩm sinh đối với sự thật. Vì thế, một nền ngoại giao hy vọng trước tiên là ngoại giao sự thật. Nơi nào thiếu liên hệ giữa thực tại, chân lý và kiến thức, thì nhân loại không có khả năng nói với nhau và hiểu nhau nữa, vì thiếu nền tảng của một ngôn ngữ chung, có căn cội nơi thực tại sự việc và vì thế mọi người có thể hiểu được.
"Nền ngoại giao hy vọng cũng là nền ngoại giao tha thứ, có khả năng trong một thời đại đầy xung đột, công khai hoặc ngấm ngầm, tái lập những tương quan bị thương tổn vì oán ghét và bạo lực, và vì thế, băng bó các vết thương tâm hồn bị tan vỡ của quá nhiều nạn nhân. Tôi cầu mong rằng năm 2025 này, toàn thể cộng đồng quốc tế nỗ lực chấm dứt chiến tranh, từ ba năm nay đang làm cho Ucraina rướm máu, và tạo nên vô số các nạn nhân, kể cả bao nhiêu thường dân. Có vài dấu hiệu đáng khích lệ đã xuất hiện ở chân trời, nhưng còn phải làm việc nhiều để kiến tạo những điều kiện hòa bình công chính và lâu bền để chữa lành những vết thương do sự xâm lăng gây ra.
Kêu gọi cụ thể
Trong phần kêu gọi cụ thể, Ðức Thánh cha nói rằng:
"Tôi lập lại lời kêu gọi ngừng chiến và trả do cho các con tin Israel tại Gaza, nơi mà tình trạng nhân đạo rất trầm trọng và đáng kinh tởm, và tôi kêu gọi để nhân dân Palestine nhận được tất cả những trợ giúp cần thiết. Tôi cầu mong rằng người Israel và Palestine có thể tái tạo những cây cầu đối thoại và tín nhiệm nhau, đi từ những điều nhỏ bé nhất, để các thế hệ tương lai có thể sống cạnh nhau trong hai quốc gia hòa bình và an ninh, và Jerusalem là thành phố gặp gỡ, trong đó các tín hữu Kitô, Do thái và Hồi giáo sống hòa hợp và tôn trọng nhau".
Ðức Thánh cha tố giác sự liên tục lan tràn các võ khí ngày càng tối tân và tàn phá, và như trong Tông sắc ấn định Năm Thánh đã nhắc tới. Trong đó, Ðức Thánh cha không quên kêu gọi thiết lập một ngân quỹ thế giới, với tiền chi phí quân sự để loại trừ nạn đói và giúp các nước nghèo nhất phát triển. Như vậy, dân cư các nước này không phải nại tới các giải pháp bạo lực hoặc lừa đảo, và không bị buộc lòng phải bỏ quê hương để tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn".
Ðức Thánh cha tha thiết kêu gọi mang lại hy vọng cho Syria và Liban, sau những năm chiến tranh, có thể tìm được con đường ổn định. Cộng đồng quốc tế cần giúp Syria trở thành một nơi mà mọi người dân có thể sống chung hòa bình, kể cả các tín hữu Kitô, làm sao để họ cảm thấy mình là những công dân trọn vẹn và tham gia vào công ích của đất nước"...
(Sala Stampa 9-1-2025)