Bất kỳ ai làm thương tổn một trẻ em
thì phải trả lẽ trước mặt Chúa
Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Bất kỳ ai làm thương tổn một trẻ em thì phải trả lẽ trước mặt Chúa.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 09-01-2025) - Sáng thứ Tư, ngày 08 tháng Giêng năm 2025, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng sáu ngàn tín hữu, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.
Như thường lệ, sau khi bắt đầu với dấu thánh giá và lời chào phụng vụ, mọi người đã lắng nghe một đoạn Kinh thánh, bằng chín ngôn ngữ, trích từ Tin mừng theo thánh Luca (18,15-17):
"Họ cũng dẫn các trẻ nhỏ đến để Ngài chạm đến, nhưng khi thấy như vậy, các môn đệ khiển trách họ. Bấy giờ, Chúa Giêsu gọi các môn đệ đến và nói: "Hãy để các trẻ em đến gần Thầy và đừng cản trở họ; thực vậy, Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Quả thực, Thầy bảo các con: ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em đón nhận, thì sẽ không được vào Nước Chúa".
Bài Huấn giáo
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha nói về đề tài: "Những người được Chúa Cha yêu thương nhất".
Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào các em bé quí mến!
Tôi muốn dành bài giáo lý hôm nay và bài tới đây để đề cập đến vấn đề các trẻ em, trong bối cảnh thích hợp của Mùa Giáng sinh. Ðặc biệt, chúng ta sẽ suy tư về tai ương trẻ em phải lao động. Thực vậy, ngày nay chúng ta biết hướng nhìn về hỏa tinh hoặc thế giới tiềm thể, nhưng chúng ta lại khó nhìn tận mắt một trẻ em bị bỏ ngoài lề, bị bóc lột và lạm dụng. Thời đại sáng chế ra trí tuệ nhân tạo và dự phóng cuộc sống đa hành tinh vẫn chưa chấm dứt với tai ương trẻ thơ bị hạ nhục, bóc lột, làm tử vong.
Giáo huấn của Kinh thánh
Trước tiên, chúng ta hãy tự hỏi: đâu là sứ điệp của Kinh thánh dành cho chúng ta về các trẻ em? Thật là lạ khi nhận thấy từ được dùng nhiều trong Cựu ước, sau danh thánh Jahweh (hơn 6.800 lần), chính là từ "ben", nghĩa là "con", được dùng đến gần năm ngàn lần. "Này đây gia sản của Chúa là các con cái (ben), hoa trái của lòng mẹ là một phần thưởng" (Tv 127,3). Con cái là một hồng ân của Thiên Chúa. Rất tiếc là hồng ân này không luôn luôn được tôn trọng. Chính Kinh thánh dẫn đưa chúng ta trên những con đường lịch sử nơi vang dội những bài ca vui mừng, nhưng cũng vang lên những tiếng kêu thét của các nạn nhân. Ví dụ, trong sách Ai Ca, chúng ta đọc thấy: "Lưỡi của trẻ thơ còn hơi sữa gắn với hàm cứu vì khát; các trẻ em xin bánh nhưng không có ai bẻ bánh cho chúng" (4,4); và ngôn sứ Naum, nhắc nhớ những gì đã xảy ra tại các cổ thành Tebe và Ninive, đã viết rằng: "Các trẻ em bị cán nát ở các ngã tư mọi đường phố (3,10). Chúng ta hãy nghĩ đến bao nhiêu trẻ em ngày nay đang chết vì đói và kiệt lực, hoặc bị bom đạn làm tan xác.
Bão tố bạo lực của Hêrôđê cũng bộc phát ngay trên Hài Nhi Giêsu sơ sinh, tạo nên cuộc tàn sát các trẻ em ở Bethlehem. Một thảm kịch đen tối tái diễn dưới những hình thức khác trong lịch sử. Này đây, đối với Chúa Giêsu và song thân Ngài, ác mộng biến thành những người tị nạn sang nước xa lạ, như cũng đang xảy ra cho bao nhiêu người ngày nay (Xc Mt 2,13-18).
Sau cơn bão tố, Chúa Giêsu lớn lên trong một làng không bao giờ được nhắc đến trong Cựu ước, đó là làng Nazareth; Người học nghề thợ mộc của thánh Giuse, cha nuôi (Xc Mc 6,3; Mt 13,55). Thế là "Hài Nhi tăng trưởng và vững mạnh, đầy khôn ngoan và ân phúc của Thiên Chúa ở trên Người" (Lc 2.40).
Trong đời sống công khai, Chúa Giêsu đi rao giảng qua các làng mạc cùng với các môn đệ. Một hôm, một vài bà mẹ đến gần Chúa và xin Ngài chúc lành cho con cái của họ; nhưng các môn đệ khiển trách các bà. Bấy giờ, Chúa Giêsu, phá vỡ truyền thống vốn coi trẻ em là một chủ thể thụ động, Ngài gọi các môn đệ đến và nói: "Hãy để các trẻ em đến gần Thầy và đừng cấm cản; thực vậy, Nước Thiên Chúa thuộc về những người giống như các em". Và Chúa long trọng nói thêm: "Thực, Thầy bảo các con: ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em đón nhận, thì sẽ không được vào Nước ấy" (Lc 18,16-17).
Trong một đoạn tương tự, Chúa Giêsu gọi một trẻ em đến và đặt giữa các môn đệ rồi nói: "Nếu các con không trở nên như chúng, thì các con sẽ không được vào Nước Trời" (Mt 18.3). Rồi Chúa cảnh giác: "Trái lại, ai gây nên gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ đang tin Thầy đây, thì chẳng thà cột khối đá vào cổ họ mà ném xuống biển thì hơn" (Mt 18,6).
Anh chị em thân mến, các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô không bao giờ được để cho các trẻ em bị lơ là hoặc ngược đãi, bị tước đoạt các quyền của chúng, không được yêu thương và bảo vệ. Các tín hữu Kitô phải quyết tâm phòng ngừa và mạnh mẽ lên án những bạo lực và lạm dụng trẻ vị thành niên".
Cả ngày nay, đặc biệt có quá nhiều trẻ em phải lao động. Nhưng một trẻ em không cười và không mơ ước, thì không thể biết làm nảy mầm các tài năng của mình. Ở các nơi trên thế giới, có những trẻ em bị bóc lột do một nền kinh tế không tôn trọng sự sống; một nền kinh tế làm như vậy là đốt cháy tiềm năng lớn hy vọng và yêu thương. Nhưng các trẻ em chiếm một chỗ đặc biệt trong con tim của Thiên Chúa và bất kỳ ai làm thương tổn một trẻ em, thì phải trả lẽ trước mặt Chúa.
Anh chị em thân mến, ai nhìn nhận mình là con cái Thiên Chúa và đặc biệt ai được sai đi mang Tin mừng cho những người khác, thì không thể dửng dưng lãnh đạm; không thể chấp nhận để cho các em nhỏ, thay vì được yêu thương và bảo vệ, thì bị tước đoạt mất tuổi thơ, các mơ ước, trở thành nạn nhân bị bóc lột và gạt ra ngoài lề.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa mở tâm trí chúng ta để săn sóc và dịu dàng, và mỗi trẻ em nam nữ trên thế giới có thể lớn lên trong tuổi tác, sự khôn ngoan và ân phúc (Xc Lc 2,52), nhận và trao ban tình thương.
Chào thăm và kêu gọi
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các độc viên đã tóm tắt bằng chín thứ tiếng bài huấn dụ của Ðức Thánh cha, kèm theo những lời chào thăm của ngài và những lời nhắn nhủ.
Ðức Thánh cha bắt đầu bằng tiếng Pháp và sau khi tóm lược bài huấn giáo, Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm các linh mục thuộc Giáo phận Limoges được Ðức cha Bozo, Giám mục bản quyền, hướng dẫn, đồng thời ngài nhắn nhủ rằng: "Chúng ta hãy cầu xin ơn tái khám phá chỗ đứng quan trọng của mỗi trẻ em trong tâm hồn của Thiên Chúa, làm sao để không đồng lõa với những vụ lạm dụng chống lại các em, nhưng mạnh mẽ lên án những vụ đó".
Khi chào các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng: Thánh Gioan Phaolô II vẫn khuyên nhủ xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống. Anh chị em hãy tiếp tục đón nhận lời kêu gọi này của Giáo hội như một nghĩa vụ ưu tiên. Hãy bảo vệ sự sống trong tình thương yêu, trong mọi giai đoạn phát triển: từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Hãy làm cho con cái tăng trưởng trong sự khôn ngoan và ân phúc".
Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chào thăm nhiều nhóm khác nhau. Sau cùng, Ðức Thánh cha nhắc đến các bạn trẻ, người già yếu và các đôi tân hôn. Ngài nói: "Trong những ngày này, sau lễ Hiển Linh, chúng ta tiếp tục suy niệm về sự tỏ mình của Chúa Kitô cho muôn dân. Giáo hội mời gọi mỗi tín hữu đã chịu phép rửa, sau khi thờ lạy vinh quang Thiên Chúa nơi Ngôi Lời nhập thể, hãy phản ánh ánh sáng của Chúa trong chính cuộc sống của mình".
Trước khi kết thúc, có đoàn xiếc Phi châu, với hai con voi lớn nhỏ, đã trình diễn trước Ðức Thánh cha và mọi người các điệu vũ và những màn giải trí khác, thu hút sự chú ý của cử tọa.