Tòa Ân Giải Tối Cao và Cách Thức Họat Ðộng
Trong Việc Xử Lý
Các Vấn Ðề Thuộc Thẩm Quyền Của Mình
Tòa Ân Giải Tối Cao và Cách Thức Họat Ðộng Trong Việc Xử Lý Các Vấn Ðề Thuộc Thẩm Quyền Của Mình.
Giám mục Krzysztof Nykiel
(WHÐ 30-12-2024) - Ðây là bài tham luận của Ðức Giám mục Krzysztof Nykiel, Phó Chánh án Toà Ân giải Tối cao, trong Khoá học về toà trong do Toà Ân giải Tối cao tổ chức từ ngày 4 đến 8 tháng 3 năm 2024.
Dẫn nhập
Quý Linh mục, Phó tế và các chủng sinh sắp được chịu chức thân mến!
Mục đích của bài trình bày này là giới thiệu cho quý vị về Toà Ân giải Tối cao, cách thức hoạt động của Toà này khi giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, đặc biệt tập trung vào sự cần thiết, sự thuận tiện và phương pháp khi tìm đến Toà Ân giải Tối cao. Thẩm quyền của Toà này bao trùm tất cả những gì liên quan đến toà trong, bao gồm cả toà trong bí tích và toà trong không bí tích, tuỳ thuộc vào việc xử lý trong bối cảnh Bí tích Hoà giải hay trong quá trình linh hướng.
Toà Ân giải Tối cao là Toà án đầu tiên trong các Toà án Tông Toà, với thẩm quyền chỉ giới hạn ở toà trong, tức là lĩnh vực nội tâm liên quan đến mối tương quan giữa Thiên Chúa và người tín hữu. Ðây là cơ quan duy nhất và phổ quát của Ðức Giáo hoàng trong các vấn đề liên quan đến Toà trong. Toà này là một Toà án của ân sủng và lòng thương xót.
Như Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã định nghĩa, Toà Ân giải Tối cao là "Toà án của lòng thương xót", nơi mà người ta tìm đến để nhận được phương dược không thể thiếu cho linh hồn mình, đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa![1]. Là Toà án của lòng thương xót với thẩm quyền trong phạm vi Toà trong, Toà Ân giải Tối cao đóng vai trò tiên phong trong việc phục vụ các Linh mục giải tội và hối nhân.
Toà này không đảm nhận các chức năng tư pháp thuộc toà ngoài như Toà Thượng thẩm Tông Toà hoặc Toà Rota Rôma. Trong số các cơ quan của Giáo triều Rôma, đây là cơ quan duy nhất thực hiện trực tiếp một hoạt động không mang tính hành chính. Thông thường, Toà Ân giải Tối cao thực thi quyền tài phán mang tính ân sủng. Thẩm quyền đặc thù của toà, vì thế, bao gồm tất cả những gì liên quan đến toà trong.
1. Khái niệm về toà trong
Toà trong là toàn bộ các mối tương quan giữa tín hữu và Thiên Chúa, trong đó Hội Thánh đóng vai trò trung gian không phải để trực tiếp điều chỉnh các hệ quả xã hội của các mối tương quan này, mà là để đảm bảo lợi ích siêu nhiên của tín hữu, hướng đến tình bạn với Thiên Chúa, nghĩa là đạt được trạng thái ân sủng và cuối cùng là sự sống đời đời.[2] Rõ ràng, trật tự ngay thẳng giữa linh hồn và Thiên Chúa, được phục hồi qua sự trung gian của Hội Thánh, cũng có những ảnh hưởng đến đời sống xã hội của tín hữu.
Bí tích Hoà giải, là nơi đặc ân và là phương tiện tuyệt vời nhất của toà trong, minh họa rất rõ cho các khái niệm này: trước hết, bí tích này hoà giải linh hồn với Thiên Chúa, đồng thời hoà giải tín hữu với Hội Thánh, loại bỏ vết thương (vulnus) mà tội lỗi đã gây ra cho sự hiệp thông trong Hội Thánh. Ngoài toà trong bí tích, còn có toà trong không bí tích, thể hiện qua việc tín hữu bày tỏ lương tâm của mình với Hội Thánh, ngoài phạm vi của Bí tích Hoà giải nhưng vẫn giữ bí mật. Ví dụ điển hình là linh hướng, được thực hiện qua các hành vi riêng biệt và tách rời khỏi Bí tích Hoà giải, hoặc việc tu sĩ bày tỏ lương tâm của mình với Bề trên, hoặc tín hữu yêu cầu tư vấn hay báo cáo các sự kiện nghiêm trọng với các Bề trên Hội Thánh, với cam kết giữ bí mật lẫn nhau.
Các đặc điểm chính của toà trong:
a) Sáng kiến từ phía tín hữu: Nơi toà trong, quyền tài phán được quy định bởi Giáo luật như một mô hình của quyền tài phán tự nguyện, không mang tính tranh tụng; do đó, chỉ tín hữu liên quan mới có thể kích hoạt quyền tài phán của Toà trong, vì chỉ họ mới có khả năng bày tỏ sự thật về những sự việc đã xảy ra.
b) Tính chất pháp lý bí mật: Hành động mà tín hữu yêu cầu thẩm quyền thực hiện là một hành động của quyền tài phán bí mật, dựa trên bản chất kín đáo của các sự việc liên quan cũng như cách thức mà quyền tài phán được kích hoạt một cách kín đáo bởi người liên quan. Cần khẳng định rằng đây là hình thức quyền tài phán duy nhất, hoạt động hiệu quả nhưng không công khai, và không phải là hai loại quyền tài phán khác nhau, như Bộ Giáo luật năm 1917[3] từng cho đề cập.
c) Tính chất pháp lý tha thứ: Quyền tài phán nơi toà trong mang bản chất tha thứ. Sự tha thứ là phán quyết duy nhất có thể được ban hành. Không thể áp đặt các hành vi pháp lý mang tính cưỡng chế chỉ ở toà trong; mọi mệnh lệnh của thẩm quyền mang tính quyền tài phán đều thuộc toà ngoài, do đó có thể là đối tượng của kháng nghị hành chính. Việc thực thi quyền tài phán nơi toà trong không phải là một "lựa chọn" của thẩm quyền Hội Thánh để lách các quy tắc được thiết lập trong việc thực thi quyền cai quản, chẳng hạn áp đặt một mệnh lệnh theo cách bí mật. Ngược lại, nguyên tắc là: việc thực hiện quyền tài phán Hội Thánh thông qua toà trong được kích hoạt bởi tín hữu khi họ tự nguyện tìm đến thẩm quyền của Hội Thánh.
d) Sự chắc chắn pháp lý và vấn đề bằng chứng: Hành vi quyền tài phán của toà trong có hiệu lực pháp lý và không cần phải lặp lại nơi toà ngoài. Tuy nhiên, vì là một hành vi bí mật, nó đặt ra vấn đề về sự chắc chắn pháp lý và tính công khai, liên quan chủ yếu đến khía cạnh chứng minh. Do đó, để ngăn chặn khả năng công khai hoá sau này của một vấn đề đã được giải quyết ở toà trong (không bí tích), kinh nghiệm pháp lý đã củng cố các hình thức kín đáo và ẩn danh để có thể chứng nhận bên ngoài, nếu cần thiết, các miễn chuẩn phù hợp,# như được đề cập trong điều 1082 của Bộ Giáo luật 1983.[4]
e) Sự không liên thông giữa toà ngoài và toà trong: Nguyên tắc không liên thông giữa hai toà là một nguyên tắc chung của Giáo luật, nhằm bảo đảm tự do và phẩm giá của con người. Tuy nhiên, nguyên tắc này có một số ngoại lệ. Một vụ việc đã được khởi tố tại toà ngoài không bao giờ có thể được chuyển sang toà trong, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định tại điều 64 của Bộ Giáo luật 1983. Ngược lại, các vấn đề thuộc toà trong đôi khi có thể được chuyển ra toà ngoài, ví dụ như khi cần chứng minh một miễn chuẩn, hoặc khi thẩm quyền Hội Thánh, vì lợi ích của tín hữu, thấy cần thiết để ngăn chặn gương xấu và công khai tuyên bố một tình huống cụ thể thuộc toà trong (như việc đình chỉ một giáo sĩ hoặc rút phép thông công đối với một người,#).
2. Thẩm quyền của Bộ
Cần lưu ý rằng thẩm quyền của Toà Ân giải Tối cao, được mô tả trong Tông hiến Pastor Bonus do Thánh Gioan Phaolô II ban hành năm 1988, không có sự thay đổi đáng kể nào trong Tông hiến mới Praedicate Evangelium, được Ðức Giáo hoàng Phanxicô ban hành ngày 19 tháng 3 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 5 tháng 6 cùng năm.
Trong Praedicate Evangelium, thẩm quyền của Toà Ân giải Tối cao được nêu rõ trong các điều 190-193.
Ðiều 190, khoản 1 viết: "Toà Ân giải Tối cao có thẩm quyền đối với tất cả những gì liên quan đến toà trong và các Ân xá, là những biểu hiện của lòng thương xót Chúa."
Khoản 2: "Toà này được điều hành bởi Chánh án, với sự hỗ trợ của Phó Chánh án và một số nhân viên khác."
Ở toà trong, cả bí tích lẫn không bí tích, Toà Ân giải Tối cao ban hành sự tha bổng khỏi các hình phạt (vạ), các miễn chuẩn, thay thế, hợp thức hoá, ân xá và các ân huệ khác (Praedicate Evangelium, điều 191). Ðồng thời, toà xem xét và giải quyết các trường hợp liên quan đến lương tâm được trình lên.
Thuật ngữ "trường hợp lương tâm" bao hàm một loạt các vấn đề khó xác định cụ thể. Trong phạm vi rộng lớn này, Toà Ân giải Tối cao, với thẩm quyền của Giáo hoàng, giải quyết các trường hợp cụ thể, trong khi việc giải quyết các vấn đề mang tính phổ quát (sub specie universalitatis) thuộc về Bộ Giáo lý Ðức tin (đặc biệt khi liên quan đến các vấn đề có tính chất giáo lý).
Toà Ân giải Tối cao không đóng vai trò như một giáo sư Thần học Luân lý hay Giáo luật, nhưng trong việc giải đáp các trường hợp cụ thể, Toà vẫn cung cấp các hướng dẫn và chỉ dẫn có thẩm quyền. Do đó, các câu trả lời của toà có giá trị thẩm quyền - tuỳ trường hợp, mang tính quy định hoặc giải thoát - chỉ áp dụng cho các trường hợp cụ thể và hoàn cảnh thực tế được trình lên toà, chứ không phải cho các trường hợp khác. Tuy nhiên, rõ ràng là các hướng dẫn giáo lý và kỷ luật bao gồm trong các giải pháp được đưa ra có thể được Linh mục trình bày đơn thỉnh sử dụng như một tiêu chí thận trọng trong các bối cảnh rộng hơn. Trong mọi trường hợp, không được phép tiết lộ các câu trả lời này.
Ðiều 192 của Tông hiến Praedicate Evangelium quy định:
Khoản 1: Toà Ân giải Tối cao đảm bảo rằng tại các Ðại Vương cung Thánh đường[5] ở Rôma có đủ số lượng các Linh mục giải tội, được trao các năng quyền thích hợp.
Khoản 2: Toà giám sát việc đào tạo đúng đắn các Linh mục giải tội được bổ nhiệm tại các Ðại Vương cung Thánh đường và những Linh mục được bổ nhiệm ở nơi khác.
Như đã đề cập, về cơ bản không có thay đổi so với văn bản của Pastor Bonus, ngoại trừ việc bổ sung trách nhiệm giám sát việc đào tạo đúng đắn các Linh mục giải tội không chỉ tại các Ðại Vương cung Thánh đường ở Rôma mà cả ở những nơi khác.
Cuối cùng, theo điều 193 của Tông hiến này, Toà Ân giải Tối cao cũng chịu trách nhiệm về việc ban hành và sử dụng các Ân xá, nhưng vẫn bảo lưu thẩm quyền của Bộ Giáo lý Ðức tin trong việc xem xét mọi vấn đề liên quan đến giáo lý và Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích trong lĩnh vực nghi lễ.
3. Các hình phạt dành riêng cho Tông Toà
Trong Bộ Giáo luật 1983, có đề cập đến năm tội bị xử phạt bằng hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) dành riêng cho Tông Toà.
3.1. Sự xúc phạm đến các Thánh Thể (x. điều 1382 CIC/83)
Ðây là một tội rất nghiêm trọng, trực tiếp xúc phạm đến Thiên Chúa. Tội này bao gồm việc chiếm giữ cách bất hợp pháp Bánh và Rượu đã được thánh hiến nhằm mục đích phạm thánh.
Có nhiều lý do có thể dẫn đến sự xúc phạm này: đôi khi là do lòng thù ghét Thiên Chúa, đôi khi vì trả thù, mê tín, hoặc thậm chí vì những mục đích đồi bại. Hành vi xúc phạm này có thể được thực hiện cá nhân hoặc trước sự hiện diện của người khác. Thậm chí, không ít trường hợp các Thánh Thể bị xúc phạm trong các nghi thức thờ cúng ma quỷ.
Ðể phạm tội xúc phạm đến các Thánh Thể, người vi phạm phải có ý định xúc phạm thực sự (animus profanandi), tức là một ý hướng phạm thánh đích thực.
Ðiều 1382 (x. điều 1442 của Bộ Giáo luật của các Giáo Hội Ðông Phương, quy định hình phạt vạ tuyệt thông lớn (scomunica maggiore), và nếu là giáo sĩ, có thể bị các hình phạt khác, kể cả bãi nhiệm) quy định rằng bất kỳ ai ném bỏ, mang đi hoặc giữ các Thánh Thể đã được thánh hiến vì mục đích phạm thánh, sẽ tự động (ipso facto) chịu vạ tuyệt thông tiền kết.
Vì đây là hình phạt dành riêng cho Tông Toà, nên chỉ có thể được giải hoặc tha bởi:
- Toà Ân giải Tối cao nơi toà trong.
- Bộ Giáo lý Ðức tin ở toà ngoài (Pastor Bonus, điều 52 và 118).
- Bất kỳ Linh mục nào trong trường hợp khẩn cấp (người phạm tội đang đối diện với cái chết) nơi toà trong bí tích, với điều kiện người hối nhân phải trình báo với thẩm quyền ngoài toà trong trường hợp hồi phục sức khỏe hoặc không còn nguy hiểm đến tính mạng.
3.2. Vi phạm trực tiếp ấn tín bí tích (x. điều 1386 CIC/83)
Hành vi vi phạm này bị xử phạt bằng hình phạt vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tông Toà. Trong trường hợp vi phạm gián tiếp, thì hình phạt hậu kết (ferendae sententiae) được áp dụng tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Ðây là tội chỉ có thể được thực hiện bởi một Linh mục khi đóng vai trò là Cha giải tội, ngay cả khi vì lý do chính đáng, ngài không ban phép giải tội bí tích. Do đó, chỉ có Linh mục giải tội mới có thể là chủ thể của ấn tín này.
Ðể có thể xảy ra vi phạm trực tiếp ấn tín bí tích, cần hai điều kiện cơ bản:
1) Linh mục giải tội cố ý tiết lộ một tội đã được nghe trong toà giải tội;
2) Linh mục tiết lộ danh tính của hối nhân đã xưng tội.
Hai yếu tố trên là điều kiện cần thiết để xác định tội vi phạm trực tiếp ấn tín bí tích.
Bộ Giáo luật của các Giáo Hội Ðông Phương (CCEO) cũng đề cập đến vi phạm trực tiếp ấn tín bí tích tại điều 1456. Tuy nhiên, luật này không áp dụng hình phạt tiền kết, mặc dù việc tha tội được quy định ở khoản 1 vẫn dành riêng cho Tông Toà. Theo điều 1456, khoản 1, CCEO, Linh mục giải tội vi phạm trực tiếp ấn tín bí tích bị xử phạt vạ tuyệt thông lớn, phù hợp với điều 728, khoản 1, mục 1 CCEO, quy định rằng việc giải tội cho hành vi này được dành riêng cho Tông Toà. Vì vậy, trong CCEO, vi phạm trực tiếp ấn tín bí tích được coi là 'tội dành riêng' cho Tông Toà.
Trong Tông thư dưới dạng Tự sắc Sacramentorum Sanctitatis Tutela (Bảo vệ sự thánh thiêng của các bí tích), điều 4, mục 5, tội này được xem là vi phạm nghiêm trọng đối với sự thánh thiện của Bí tích Hoà giải, và được dành riêng cho Bộ Giáo lý Ðức tin nếu thuộc toà ngoài.[6] Nơi toà trong, việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Toà Ân giải Tối cao.
Lý do áp dụng hình phạt vạ tuyệt thông là gì?
Mục đích của hình phạt này là để bảo vệ sự thánh thiêng của Bí tích Hoà giải, phương tiện duy nhất mà các tín hữu thường xuyên sử dụng để nhận lãnh ơn tha thứ tội lỗi. Nếu các tín hữu không có sự bảo đảm rằng nội dung các lời xưng tội của họ sẽ được giữ kín, có khả năng họ sẽ không đến với bí tích này.
Cần khẳng định rằng ấn tín bí tích là bất khả xâm phạm, không chấp nhận bất kỳ ngoại lệ hay miễn chuẩn nào. Ngay cả sau khi hối nhân qua đời, Cha giải tội vẫn không được tiết lộ nội dung lời xưng tội, và luôn phải tuân thủ việc giữ ấn tín bí tích trong mọi trường hợp.
3.3. Ban phép giải tội cho người đồng loã trong một tội phạm đến điều răn thứ sáu trong Mười Ðiều Răn (x. điều 1384 CIC/83)
Tội ban phép giải tội cho người đồng loã là một tội rất nghiêm trọng, thậm chí cực kỳ nghiêm trọng. Tội này có thể xảy ra khi một Linh mục, trong vai trò là Cha giải tội, "tha" tội cho một hối nhân về một tội chống lại đức khiết tịnh mà cả hai đã cùng phạm. Trong trường hợp này, thật ra, Cha giải tội không thể ban phép giải tội thành sự, ngoại trừ trong trường hợp nguy tử (x. điều 977 CIC/83).
Mức độ nghiêm trọng của tội này không chỉ nằm ở việc Linh mục đã phạm tội với hối nhân, mà còn ở việc ban một phép giải tội không thành sự. Trong tình huống này, Cha giải tội thiếu năng quyền cần thiết để tha tội loại này, vì đây là tội có liên quan trực tiếp đến chính ngài với tư cách là đồng loã.
Hành vi phạm tội này bao gồm tất cả các tội bên ngoài liên quan đến đức khiết tịnh được thực hiện với một người đồng loã, ngay cả khi tội đó xảy ra trước khi chịu chức Linh mục.
Hội Thánh, thông qua hình phạt vạ tuyệt thông, muốn bảo vệ sự thánh thiêng của Bí tích Hoà giải và tìm kiếm sự cải hoán thực sự của những người phạm lỗi. Nếu việc tha tội cho người đồng loã trong trường hợp này được coi là thành sự, thì tội lỗi có thể trở thành một thói quen.
Rõ ràng, để phạm tội này, Cha giải tội phải ý thức rằng mình đang tha tội cho một người đã phạm tội với mình. Nếu Cha giải tội không nhận ra hối nhân, thì tội này không xảy ra. Trường hợp đồng loã không xưng thú một tội phạm đến đức khiết tịnh đã phạm với Cha giải tội, vì tội đó đã được tha bởi một Cha giải tội khác, thì cũng không có tội phạm nào được thiết lập.
Nếu Cha giải tội không biết về hình phạt vạ tuyệt thông khi 'tha tội' cho đồng loã, sự thiếu hiểu biết này không miễn trừ ngài khỏi hình phạt. Những người được uỷ quyền thi hành thừa tác vụ giải tội phải biết các quy tắc Giáo luật liên quan đến bí tích này.
Theo điều 1457 CCEO, Linh mục ban phép giải tội cho đồng loã trong tội phạm đến đức khiết tịnh bị phạt vạ tuyệt thông lớn, phù hợp với điều 728, khoản 1, mục 2, quy định rằng việc tha tội này dành riêng cho Toà Thánh.
Thẩm quyền xét xử:
- Nơi toà ngoài (thuộc phạm vi công khai), trường hợp này thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo lý Ðức tin (x. SST, điều 4, mục 1).
- Ở toà trong (bí mật), trường hợp này do Toà Ân giải Tối cao xử lý.
Cần lưu ý rằng, đối với cả việc vi phạm ấn tín bí tích lẫn việc tha tội cho đồng loã, điều 729, mục 1 và 2 CCEO quy định rằng bất kỳ sự dành riêng nào về quyền tha tội đều không còn hiệu lực khi:
1) Hối nhân là một người bệnh không thể rời khỏi nhà.
2) Theo sự phán đoán thận trọng của Cha giải tội, không thể xin phép từ nhà chức trách có thẩm quyền để ban phép giải tội mà không gây phiền toái nghiêm trọng cho hối nhân hoặc không có nguy cơ vi phạm ấn tín bí tích.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng việc tha tội cho đồng loã, ngoại trừ trong trường hợp nguy tử, là không thành sự ngay cả đối với các tín hữu thuộc Giáo Hội Ðông Phương, theo điều 730 CCEO.
3.4. Hành hung thể lý đối với Ðức Giáo hoàng Rôma (x. điều 1370, khoản 1 CIC/83)
Việc phạm tội này bao gồm hành động sử dụng bạo lực thể lý với ý định xâm hại đến tính mạng hoặc sự toàn vẹn của Ðức Giáo hoàng Rôma. Ðiều 1370, khoản 1 CIC/83 (x. điều 1445 CCEO) quy định rằng: hành vi hành hung thể lý đối với Ðức Giáo hoàng Rôma là một tội nghiêm trọng và bị phạt vạ tuyệt thông tiền kết. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một loại tội hiếm khi xảy ra trong thời đại ngày nay.
3.5. Tấn phong Giám mục mà không có bổ nhiệm thư của Ðức Giáo hoàng (x. điều 1387, CIC/83)
Tội này xảy ra khi một tín hữu được lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh ở bậc Giám mục mà không có sự chuẩn y hợp pháp từ Ðức Giáo hoàng Rôma. Tội này chỉ có thể được thực hiện bởi một Giám mục Công Giáo khi ngài tấn phong một Giám mục khác mà không có uỷ nhiệm thư của Toà Thánh.
Việc tấn phong này thành sự nhưng bất hợp pháp. Luật quy định rằng cả người ban Bí tích Truyền chức thánh và người nhận chức thánh đều bị vạ tuyệt thông tiền kết. Việc tha vạ này thuộc thẩm quyền của Tông Toà:
- Trong trường hợp tội phạm mang tính kín đáo, thẩm quyền tha vạ thuộc về Toà Ân giải Tối cao.
- Nếu tội phạm mang tính công khai, thẩm quyền tha vạ thuộc về Bộ Giáo lý Ðức tin.
3.6. Cố tình truyền chức thánh cho phụ nữ (x. SST, điều 5, mục 1)
Gần đây, Giáo luật đã bổ sung một loại tội mới (không có trong Quyển VI của CIC/83), cũng bị phạt vạ tuyệt thông tiền kết và được dành riêng cho Tông Toà. Ðó là tội cố tình truyền chức thánh cho phụ nữ.
Hành động truyền chức thánh này là không thành sự, và cả người thực hiện hành động truyền chức lẫn người phụ nữ cố gắng lãnh nhận bí tích đều bị phạt.
Ðối với các tín hữu thuộc thẩm quyền của CCEO, nếu phạm tội này, họ sẽ bị phạt vạ tuyệt thông lớn (scomunica maggiore), như quy định trong điều 1443 CCEO. Việc tha vạ trong trường hợp này cũng thuộc thẩm quyền của Tông Toà (x. SST, điều 5, mục 2).
4. Các trường hợp bất hợp luật (Irregolarità)
Như đã biết, bất hợp luật là một cấm chỉ vĩnh viễn theo Giáo luật, ngăn cản việc hợp pháp nhận lãnh Bí tích Truyền chức thánh hoặc thực thi các chức thánh đã được lãnh nhận, trừ khi có sự miễn chuẩn từ cơ quan có thẩm quyền. Các trường hợp bất hợp luật có thể phát sinh từ việc phạm tội, tuy nhiên chúng không phải là các hình phạt Giáo luật.
Do đó, một tín hữu có thể được tha khỏi một tội đã phạm hoặc khỏi tất cả các tội lỗi của mình, nhưng vẫn trong tình trạng bất hợp luật cho đến khi được miễn chuẩn. Các quy định này nhằm bảo vệ sự kính trọng đối với phẩm giá của thừa tác vụ thánh. Vì bất hợp luật không có tính chất hình sự, việc không biết về chúng không miễn trừ chủ thể khỏi trách nhiệm (x. điều 1045 CIC/83).
Thẩm quyền miễn chuẩn
- Toà Ân giải Tối cao, nơi toà trong bí tích hoặc ngoài bí tích, có thể miễn chuẩn bất hợp luật để nhận lãnh các chức thánh và thực thi chúng khi nguyên nhân gây ra bất hợp luật không phải là sự kiện công khai (x. điều 1041, mục 4 và điều 1044, khoản 1, mục 3 CIC/83).
- Toà Thánh có thẩm quyền miễn chuẩn các trường hợp bất hợp luật dành riêng, đặc biệt những trường hợp phát sinh từ tội giết người hoặc phá thai thành sự (effectu secuto) (x. điều 1397, khoản 1-2 CIC/83 và điều 1450 CCEO).
- Những trường hợp bất hợp luật có nguồn gốc từ các sự kiện được đưa ra Toà án thuộc thẩm quyền của Tông Toà, nhưng không thuộc thẩm quyền của Toà Ân giải Tối cao nếu chúng thuộc toà ngoài (công khai).
Mặc dù không phải tất cả các trường hợp bất hợp luật đều được dành riêng cho Tông Toà, và trong nhiều trường hợp, Giám mục giáo phận có thẩm quyền miễn chuẩn, các tín hữu vẫn có thể tự do lựa chọn xin miễn chuẩn từ Toà Ân giải Tối cao nếu muốn.
Bất hợp luật trong việc thi hành chức thánh
Ðiều 1048 CIC/83 cho phép các thừa tác viên có chức thánh, trong trường hợp khẩn cấp, có thể thi hành chức vụ của mình dù bị bất hợp luật, nếu trường hợp bất hợp luật này kín đáo và có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc mất uy tín. Tuy nhiên, người bị bất hợp luật vẫn có nghĩa vụ sớm nhất có thể phải trình bày với một Linh mục giải tội, người này không được tiết lộ danh tính của hối nhân. Quy định này chỉ áp dụng cho việc thi hành chức thánh, không áp dụng cho việc nhận lãnh Bí tích Truyền chức thánh.
Trường hợp Linh mục tham gia vào việc phá thai
Nếu một Linh mục tham gia vào hành động phá thai dẫn đến cái chết của thai nhi, ngoài việc bị vạ tuyệt thông tiền kết (scomunica latae sententiae) vì tội trọng này, Linh mục đó còn mắc phải bất hợp luật trong việc thực thi các chức thánh. Ðể được tha khỏi hình phạt này, Linh mục phải xưng tội với một Linh mục có năng quyền giải tội trong các trường hợp phá thai. Từ Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót (năm 2016), Ðức Thánh Cha Phanxicô đã mở rộng năng quyền này cho tất cả các Linh mục trên thế giới. Trước đây, năng quyền này chỉ thuộc về các vị như:
- Kinh sĩ giải tội,
- Cha giải tội được chỉ định bởi giáo phận,
- Các Linh mục thuộc các dòng hành khất có đặc quyền này.
5. Sự cần thiết và lợi ích của việc xin giải quyết từ Toà Ân giải Tối cao
Tất cả các tội được đề cập ở trên đều là những tội rất nặng nề, và vì lý do này, Giáo luật đã quy định những hình phạt Giáo luật nghiêm khắc nhất đối với chúng. Hình phạt nghiêm trọng nhất trong Giáo luật là vạ tuyệt thông (excommunication), bởi nó ngăn cấm người bị phạt nhận lãnh hoặc cử hành các bí tích. Thẩm quyền giải quyết ở toà trong các trường hợp được nêu là Toà Ân giải Tối cao. Toà án này, với thẩm quyền Tông Toà, ban ơn tha thứ trong những trường hợp này.
Tuy nhiên, nếu một trong những tội này trở thành công khai, nó sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo lý Ðức tin.
Vạ (censura) được xem là hình phạt mang tính chữa lành hay còn gọi là dược hình (pene medicinali), nhằm mục đích sửa đổi thái độ ngoan cố (contumacia), tức là sự bất tuân lặp lại đối với thẩm quyền và quyết định của Hội Thánh. Mục tiêu chính của các hình phạt này là giúp người phạm tội hối cải. Vì vậy, chúng không được áp dụng trong một thời gian cố định, cũng như không thể để việc tha thứ phụ thuộc hoàn toàn vào sự tuỳ ý của thẩm quyền. Khi sự ngoan cố chấm dứt, việc tha hình phạt không thể bị từ chối, bởi tín hữu có quyền được giải thoát khỏi hình phạt (x. điều 1358, khoản 1 CIC/83).
Ai có thể tha vạ tuyệt thông?
Chỉ có thẩm quyền được Hội Thánh uỷ quyền hoặc người được trao quyền mới có thể tha vạ tuyệt thông. Ðối với các trường hợp vạ tuyệt thông dành riêng cho Tông Toà, thẩm quyền giải quyết là Toà Ân giải Tối cao, nếu trường hợp này là bí mật và chưa bị tuyên bố ở toà ngoài. Khi một hình phạt đã được tuyên bố công khai, Toà Ân giải Tối cao không thể can thiệp, và tín hữu phải xin tha hình phạt từ cơ quan có thẩm quyền thích hợp.
Hành động của Linh mục giải tội
Khi một tín hữu rơi vào tình trạng bị vạ dành riêng cho Tông Toà, Linh mục giải tội có hai lựa chọn:
1) Hướng dẫn quy trình thông thường:
- Khả năng đầu tiên (thông thường) là giải thích cho hối nhân về tình trạng Giáo luật (status cononico) của họ, hướng dẫn họ về nghĩa vụ phải nộp đơn xin để được tha vạ. Hối nhân có thể tự mình đệ đơn lên Toà Ân giải Tối cao, nhưng tốt hơn là chính Cha giải tội sẵn lòng và đệ đơn thay. Trong trường hợp này, Cha giải tội cần hẹn hối nhân một buổi gặp hoặc thỏa thuận một địa chỉ, nếu hối nhân không thể quay lại trực tiếp, nơi có thể thông báo quyết định từ Toà Ân giải Tối cao.
- Trong đơn xin - được nộp một cách kín đáo và không đề cập danh tính - cần trình bày rõ ràng các sự việc đã xảy ra và yêu cầu sự cho phép để tha vạ cho hối nhân, cũng như những hướng dẫn về việc áp đặt việc đền tội cho hối nhân. Khi nhận được hồi đáp từ Toà Ân giải Tối cao, hối nhân quay lại với Cha giải tội sẽ được giải vạ và tha tội, đồng thời được hướng dẫn về việc đền tội thích hợp.
2) Tha vạ khẩn cấp:
- Khả năng thứ hai gọi là "giải tội trong trường hợp khẩn cấp," điều này, theo một cách nào đó, thuận lợi hơn cho hối nhân có thiện chí, vì họ có thể bắt đầu lãnh nhận các bí tích ngay lập tức. Khả năng này được áp dụng khi thật sự khó khăn cho tín hữu phải ở trong tình trạng tội trọng trong một thời gian dài mà không thể lãnh nhận các bí tích, trong khi chờ Cha giải tội xin phép để giải vạ, và họ thực sự ăn năn về tội lỗi đã phạm. Trong trường hợp này, Cha giải tội, theo quy định của điều 1357 CIC/83, có thể giải vạ và tha tội cho tín hữu, đồng thời yêu cầu họ quay lại sau vài tuần, vào một ngày thuận tiện cho cả hai, để nhận sự hướng dẫn về việc đền tội.
- Trong trường hợp này, Cha giải tội có bổn phận phải trình báo sự việc lên Toà Ân giải Tối cao trong vòng 30 ngày, đồng thời xin phê chuẩn việc giải tội đã ban và hướng dẫn về việc đền tội. Toà Ân Giải Tối Cảo sẽ xem xét trường hợp, phê chuẩn việc giải tội, đưa ra một số hướng dẫn liên quan và áp đặt việc đền tội.
Trường hợp Linh mục bị vạ
Về các vạ mà các thừa tác viên có chức thánh mắc phải, cần lưu ý điều 1335 CIC/83, theo đó có thể thi hành thừa tác vụ, mặc dù đang chịu vạ, khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của một tín hữu đang lâm nguy đến tính mạng. Ðiều khoản này cũng cho phép thi hành thừa tác vụ ngay cả ngoài trường hợp nguy tử, khi vạ tuyệt thông tiền kết chưa được tuyên bố.
6. Cách thức xin giải quyết từ Toà Ân giải Tối cao
6.1. Tha vạ tuyệt thông
Ðơn xin giải quyết là một lá thư trong đó Linh mục giải tội, không đề cập tên của hối nhân và mọi chi tiết có thể nhận dạng được, yêu cầu Toà Ân giải Tối cao cấp phép tha vạ cho hối nhân đã ăn năn, hoặc yêu cầu phê duyệt sự tha vạ đã được ban cho hối nhân, dựa trên điều 1357 của CIC/83. Trong lá thư này, Linh mục giải tội phải trình bày khách quan các sự kiện xảy ra, một cách ngắn gọn, nhưng cần đề cập đầy đủ các tình huống liên quan đến tội phạm, bao gồm cả các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ (tuổi tác, tình trạng sức khỏe,...).
Ðơn xin phải được viết dưới dạng thư từ. Gửi qua fax và email không phải là phương tiện phù hợp, vì đây là các vấn đề thường liên quan đến bí mật bí tích, và việc sử dụng thư bảo vệ tốt hơn tính bất khả xâm phạm của sigillum (ấn tín).
Ðơn xin có thể viết bằng bất kỳ ngôn ngữ thông dụng nào, nhưng để tạo thuận lợi cho công việc của nhân viên Toà Ân giải Tối cao và nhận được phản hồi nhanh hơn, nên sử dụng một trong các ngôn ngữ sau: tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Ðức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Ðào Nha, tiếng Ba Lan hoặc tiếng Latinh.
Ðể tránh việc Toà Ân giải Tối cao yêu cầu giải thích thêm, khi soạn thảo đơn xin, cần phải đề cập một số thông tin.
- Trong trường hợp tội phạm thánh Bí tích Thánh Thể (profanazione delle Sacre Specie), cần chỉ rõ: tuổi ước tính của hối nhân, tình trạng sức khỏe tâm lý của họ, khi nào họ đã phạm tội, phạm tội bao nhiêu lần và phạm tội như thế nào. Lý do thật sự đã thúc đẩy họ phạm thánh là gì và liệu tội phạm có xảy ra một mình hay với người khác, và liệu hối nhân có phạm tội dưới sự xúi giục của một giáo phái nào đó hay không. Cũng cần báo cáo nếu hối nhân đã hoàn toàn cắt đứt mọi liên lạc với giáo phái đó.
- Trong trường hợp tội phạm vi phạm trực tiếp ấn tín bí tích (sigillum sacramentale), cần thông báo: tuổi ước tính của hối nhân, khi nào tội phạm xảy ra, phạm tội bao nhiêu lần và trong hoàn cảnh nào. Liệu hành động đó có chủ ý hay chỉ là một hành động thiếu cẩn trọng. Có thiệt hại nào cho hối nhân không và liệu hối nhân có phải là một Linh mục giải tội vốn rất cẩn thận trong vấn đề này không.
- Trong trường hợp tội phạm tha tội cho đồng phạm trong tội vi phạm điều răn thứ sáu (assoluzione del complice da un peccato contro il sesto comandamento), cần báo cáo: tuổi ước tính của hối nhân và đồng phạm, giới tính và tình trạng của đồng phạm (độc thân, đã kết hôn, tu sĩ hay Linh mục). Ngoài ra, cần nêu rõ số lần "tha tội" đã diễn ra, lần cuối cùng khi nào, và liệu đã chấm dứt các quan hệ tội lỗi với đồng phạm chưa, cùng với việc hối nhân có sống một đời sống xứng đáng với chức vụ Linh mục không: tham dự Thánh Lễ hằng ngày, cầu nguyện trong giờ kinh phụng vụ, ...
Việc cung cấp những thông tin này trong đơn xin giúp đánh giá đầy đủ hơn trường hợp được nêu, hữu ích cho việc xác định hình phạt sẽ áp dụng cho hối nhân và xác định thời gian cấp phép thực thi thừa tác vụ Chức Thánh. Những yếu tố này giúp Toà Ân giải Tối cao đưa ra các chỉ dẫn thực sự hữu ích cho hối nhân đã được tha vạ.
Cách thức Linh mục giải tội thông báo kết quả từ Toà Ân giải Tối cao cho hối nhân đã được tha vạ
Cách thức thích hợp nhất là thông báo cho hối nhân trong một lần xưng tội sau đó. Vì vậy, Linh mục giải tội nên thống nhất với hối nhân một ngày giờ thuận tiện cho cả hai. Cần nhớ rằng hối nhân luôn có quyền không bị nhận diện và không bị nhìn thấy; vì vậy, cuộc gặp gỡ mới có thể diễn ra trong một toà giải tội có vách ngăn. Trong trường hợp này, Linh mục sẽ thông báo cho hối nhân nội dung trả lời của Toà Ân giải Tối cao và số hiệu hồ sơ, sau đó tiêu huỷ tài liệu này ngay khi có thể. Linh mục cũng nên khuyên hối nhân lưu giữ số hiệu hồ sơ phòng trường hợp cần xin lại sau. Khi đó, số hiệu này cần được ghi rõ trong đơn xin để Toà Ân giải Tối cao có thể nhận diện được vụ việc đã được xử lý trước đó.
6.2. Miễn chuẩn sự bất hợp luật
Toà Ân giải Tối cao có thể cấp phép miễn chuẩn sự bất hợp luật trong các trường hợp kín, không công khai. Như đã được nêu rõ trước đó, sự bất hợp luật ngăn cản việc nhận chức thánh hợp lệ hoặc việc thực thi chức thánh đã được nhận. Ðơn xin miễn chuẩn này được gửi qua thư mà Linh mục giải tội hoặc người linh hướng viết cho Toà Ân giải Tối cao thay mặt người xin. Trong yêu cầu này, cần bỏ qua tên và các thông tin có thể nhận diện người xin, đồng thời phải trình bày rõ ràng nguyên nhân dẫn đến sự bất hợp luật. Nếu là một ứng viên chuẩn bị nhận chức thánh, Linh mục giải tội hoặc người linh hướng không được quên đưa ra đánh giá về khả năng nhận phép bí tích của người đó. Nếu là người đã nhận chức thánh, cần phải đề cập đến việc sửa chữa của họ. Ðối với ứng viên chuẩn bị lãnh nhận chức thánh, yêu cầu miễn chuẩn thường được gửi không sớm hơn một năm trước ngày dự kiến truyền chức.
6.3. Sự nhượng bộ của ân huệ khác ở toà trong
Ở toà trong, cũng có thể xin giải quyết các tình huống khác, chẳng hạn như:
a) Miễn chuẩn hoặc thay thế các nghĩa vụ, cả cá nhân lẫn thực tế, phát sinh từ lời khấn, từ luật của Giáo luật, hoặc từ những cam kết đã được đảm nhận một cách cá nhân. Ví dụ, nghĩa vụ đọc Kinh Phụng Vụ, các lời khấn tư, các lời khấn công nhưng chỉ liên quan đến việc xác nhận và không liên quan đến miễn chuẩn, các nghĩa vụ tài chính đối với Hội Thánh. Hội Thánh có thể từ bỏ việc thực hiện một quyền lợi của mình, nhưng không thể miễn chuẩn một nghĩa vụ công bằng mà một tín hữu phải thực hiện đối với một bên thứ ba.
b) Xác nhận hiệu lực hoặc hợp thức hoá các hành vi vô hiệu nhưng có thể được hợp thức hoá, với điều kiện nguyên nhân của sự vô hiệu là kín đáo, ví dụ, hợp thức hoá các lời khấn dòng vô hiệu do những hoàn cảnh chỉ được biết bởi người có liên quan; hoặc hợp thức hoá tận căn một hôn nhân đã được cử hành không thành hiệu, khi vì những lý do chính đáng, điều này thuận lợi để thực hiện ở Toà trong: chẳng hạn, khi không muốn công khai việc hợp thức hoá một hôn nhân mà mọi người đều coi là hợp lệ; hoặc khi sự vô hiệu của hôn nhân chỉ được biết bởi một trong hai bên.
Ðể việc hợp thức hoá được ban, phải có ý muốn thật sự và hiện tại về hôn nhân, từ đó có thể suy đoán rằng các bên mong muốn tiếp tục sống chung với nhau. Cơ quan có thẩm quyền để ban hợp thức hoá tận căn hôn nhân thường là Giám mục giáo phận, nhưng vì những lý do chính đáng, cũng có thể trình lên Toà Ân giải Tối cao (xem điều 1161, khoản 1 CIC/83).
Yêu cầu hợp thức hoá có thể được trình bởi cả hai hoặc chỉ một bên, ngay cả khi bên kia không biết, với điều kiện phải có ý muốn hôn nhân thật sự và chắc chắn (xem điều 1164 CIC/83). Linh mục giải tội hoặc người linh hướng, khi trình bày yêu cầu này lên Toà Ân giải Tối cao, cần phải báo cáo: cách thức nhận biết sự vô hiệu của hôn nhân, nguyên nhân dẫn đến sự vô hiệu, lý do yêu cầu ban ân sủng này ở Toà trong, và liệu yêu cầu hợp thức hoá được đưa ra bởi một hoặc cả hai bên (trong trường hợp chỉ một bên, cần làm rõ liệu bên kia có biết về yêu cầu này hay không).
Cần lưu ý rằng việc hợp thức hoá không thể làm cho các trường hợp phát sinh từ sự vô hiệu của một bí tích trở nên hợp lệ, ngoại trừ trường hợp hôn nhân đã được đề cập.
Ngoài ra, trong các trường hợp kín đáo, có thể trình bày lên Toà Ân giải Tối cao để xin phán xét về tính hợp lệ hay không hợp lệ của Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh, bất kể nghi ngờ liên quan đến các điều kiện chủ quan (ý định, ý chí tự do) hay đến nghi thức bí tích (chất thể và mô thể), khi lý do dẫn đến vô hiệu hoặc nghi ngờ vô hiệu chỉ được biết bởi người chịu bí tích, thừa tác viên cử hành bí tích hoặc một người khác (ví dụ: một người chưởng nghi (cerimoniere) không thể tiết lộ các sự kiện, ít nhất là trong tình huống ngay lập tức (hinc et nunc), mà không gây ra gương xấu hoặc những bất tiện nghiêm trọng).
Trong các trường hợp này, có hai giải pháp khả thi: hoặc là câu trả lời làm rõ rằng các nghi ngờ là vô căn cứ, không có cơ sở; hoặc, nếu đó là những trường hợp chắc chắn vô hiệu hoặc nghi ngờ có cơ sở, thì cho phép lặp lại nghi thức bí tích, hoặc cách tuyệt đối (absolute) hoặc có điều kiện (sub conditione).
c) Miễn chuẩn, giảm bớt hoặc thay thế các nghĩa vụ về Thánh Lễ (x. điều 945-958 CIC/83 và 717 CCEO) áp đặt trên cá nhân, khi có thể gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của một người. Nếu nghĩa vụ này thuộc về các tổ chức pháp nhân (như các Toà Giám mục, Chủng viện, Dòng tu,...), cần nộp đơn lên Bộ Giáo sĩ. Vì vậy, một Linh mục không thể cử hành Thánh Lễ, dù là cá nhân hoặc nhờ người khác, theo các ý lễ đã được giao, có thể xin giảm bớt nghĩa vụ này qua Cha giải tội của mình. Khi làm đơn xin, Cha giải tội, không tiết lộ tên của Linh mục hối nhân, cần nêu rõ: số lượng Thánh Lễ chưa được cử hành, tuổi tác ước lượng của Linh mục, lý do vì sao Linh mục không thực hiện nghĩa vụ, và cách sử dụng các khoản tiền đã nhận cho những ý lễ này. Ngoài ra, cần cung cấp tình trạng sức khỏe của Linh mục và số lượng Thánh Lễ mà Linh mục có thể cử hành hoặc nhờ Linh mục khác đảm trách.
Toà Ân giải Tối cao, sau khi xem xét các thông tin nhận được, sẽ tiến hành giảm bớt số lượng Thánh Lễ chưa được Linh mục hối nhân cử hành, đồng thời áp đặt nghĩa vụ cử hành hoặc nhờ cử hành một số lượng Thánh Lễ ít hơn. Phần còn lại sẽ được bù đắp qua "kho tàng của Hội Thánh".
d) Xem xét các vấn đề thuộc lĩnh vực luân lý và pháp lý - Ðiều này liên quan đến các hoàn cảnh kín đáo và các sự kiện cá nhân cụ thể. Ví dụ: liệu một người nào đó có đủ điều kiện kết hôn hay không; liệu một phương pháp sinh học cụ thể có đơn thuần mang tính chất điều trị, hay là ngừa thai, hoặc phá thai; liệu một hành động cộng tác vào điều xấu có phải là trực tiếp hay gián tiếp, cần thiết hay không cần thiết,...
Cần nhấn mạnh rằng việc trình bày nơi toà trong là phương thức phù hợp cho các trường hợp cá nhân cụ thể và kín đáo. Khi các vấn đề liên quan đến các trường hợp công khai, yêu cầu phải được thực hiện nơi toà ngoài, cụ thể không gửi lên Toà Ân giải Tối cao mà đến các Bộ khác của Toà Thánh (ví dụ: Bộ Giáo lý Ðức tin; Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích; Bộ Văn bản Luật,...).
Một trường hợp điển hình khi việc trình bày ở toà trong là phù hợp đối với những nghi vấn thuộc loại này là khi các vấn đề được hối nhân đặt ra với Linh mục giải tội, nhưng do thiếu những người chuyên môn tại địa phương hoặc vì yêu cầu thận trọng để bảo đảm sự tôn trọng ấn tín bí tích, không thể đưa các câu hỏi này cho một người có thẩm quyền trong môi trường đó.
7. Việc xin ban Ân xá (Indulgenza)
Theo điều 193 của Tông hiến Praedicate Evangelium, Toà Ân giải Tối cao có thẩm quyền ban và quản lý việc sử dụng các Ân xá, đồng thời tôn trọng thẩm quyền của Bộ Giáo lý Ðức tin trong việc xem xét tất cả những gì liên quan đến giáo lý và Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích trong lĩnh vực nghi lễ. Tất cả các quy định liên quan đến kỷ luật Ân xá, các hành vi đạo đức và các lời cầu nguyện được Hội Thánh ban Ân xá được tập hợp trong Enchiridion Indulgentiarum, văn bản chính thức của Hội Thánh. Tài liệu này đã được xuất bản nhiều lần kể từ năm 1968 và được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau như: tiếng Ý, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Anh, Ðức, Hà Lan, Hàn Quốc, Ba Lan, Hungary, Slovakia, dưới sự đồng thuận của các Hội đồng Giám mục liên quan.
Ngoài những Ân xá được ban trong Enchiridion Indulgentiarum, áp dụng cho toàn thể tín hữu, Toà Ân giải Tối cao còn ban Ân xá nhân dịp các sự kiện đặc biệt như:
- Một lễ kỷ niệm trọng thể (như năm thánh);
- Việc thành lập một Hội Thánh địa phương (ví dụ: kỷ niệm 25 năm, 50 năm hoặc 100 năm đầu tiên của một giáo phận) hoặc một Hội Dòng, Tu Ðoàn Tông Ðồ, một giáo xứ, một Ðền Thánh, một Tỉnh Dòng hoặc cộng đoàn Nhà Dòng, một hội đoàn đạo đức;
- Việc cung hiến một nơi thánh;
- Lễ làm phép cầu thang thánh hoặc cửa thánh;
- Lễ đội triều thiên cho tượng ảnh Ðức Trinh Nữ Maria;
- Một thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện và sám hối;
- Cuộc hành hương cộng đoàn;
- Ân xá Porziuncula hoặc lễ kính thánh quan thầy của các nhà thờ không phải giáo xứ;
- Dịp kỷ niệm ngày sinh trên trần thế hoặc ngày sinh trên thiên đàng của các vị Thánh Bảo Trợ nổi tiếng, ...
Toà Ân giải Tối cao luôn sẵn lòng trả lời mọi yêu cầu, theo đúng quy trình hiện hành, vì việc sử dụng ân xá theo sensus Ecclesiae (cảm thức của Hội Thánh) khuyến khích tín hữu nhiệt thành trong bác ái, từ đó giúp họ xứng đáng đón nhận các bí tích và thực hiện các công việc từ thiện và sám hối. Thêm vào đó, đó là một dấu hiệu đáng ngưỡng mộ của sự hiệp thông trong Hội Thánh.
Vì như đã nêu rõ trước đây, Toà Ân giải Tối cao có thẩm quyền duy nhất trong việc ban và quản lý việc sử dụng Ân xá, các yêu cầu cá nhân phải được gửi trực tiếp đến Toà Ân giải Tối cao, kể cả những yêu cầu từ các Giáo Hội Ðông Phương và các quốc gia truyền giáo: làm như vậy sẽ tránh hoặc giảm thiểu tối đa những sai sót hoặc việc hết hạn thời gian yêu cầu.
Hơn nữa, trước khi trình đơn yêu cầu, khi đơn không được gửi trực tiếp bởi Giám mục giáo phận hoặc Bề trên Dòng tu có thẩm quyền, thì nên xác minh rằng đã có thư giới thiệu cần thiết từ Giám mục địa phương. Toà Ân giải Tối cao, trong mọi trường hợp, hoan nghênh ý kiến của Ðại diện Toà Thánh về vấn đề này. Vì vậy, sẽ là hợp lý nếu các yêu cầu được gửi qua các Ðại diện Tông Toà. Các Giám mục cá nhân vẫn có thể tự do liên hệ trực tiếp với Toà Ân giải Tối cao hoặc xác nhận các yêu cầu đã được chuẩn bị bởi các tín hữu dưới quyền của mình.
Văn bản của Toà Ân giải Tối cao gồm hai phần: phần đầu, phần trình bày, ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung về mặt thiêng liêng và lịch sử, trang nghiêm và long trọng; và phần thứ hai, phần quyết định, tuỳ theo từng trường hợp sẽ giới hạn việc cấp Ân xá chỉ trong thời gian kỷ niệm hoặc trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ: trong vòng bảy năm), hoặc xác định thời gian Ân xá là vĩnh viễn. Các Ân xá được ban hoàn toàn miễn phí.
Kết luận
Trong phần trình bày này về phương thức hoạt động của Toà Ân giải Tối cao trong việc ban các Ân xá, miễn chuẩn, thay thế, hợp thức hoá, Ân xá và các ân sủng khác nơi Toà trong (theo Praedicate Evangelium, điều 191), chúng tôi đã cố gắng làm rõ hơn kinh nghiệm của Bộ này, Bộ lâu đời nhất trong Giáo triều Roma, trong sứ vụ của lòng thương xót, hy vọng rằng những gì được trình bày có thể hữu ích cho tất cả những ai đã và sẽ được giao phó sứ vụ giúp các tín hữu hối cải, và mong rằng, khi ghi nhớ những suy nghĩ này, họ sẽ không bao giờ bỏ qua Bí tích Sám hối, công cụ của Lòng Thương Xót Thiên Chúa và nguồn sống của sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.
Giám mục Krzysztof Nykiel
Phó Chánh án Toà Ân giải Tối cao
An bình, C.Ss.R., chuyển ngữ
từ: http://www.penitenzieria.va
Mọi đóng góp ý kiến liên quan đến bản dịch xin vui lòng gửi cho người dịch qua địa chỉ email: pauluscssr@gmail.com
(Cập nhật lúc 19g05 ngày 30/12/2024)
- - - - - - - - - - - - - - - -
[1] Ðức Thánh Cha Phanxicô, Discorso del Santo Padre ai partecipanti al XXVIII Corso sul foro interno organizzato dalla Penitenzieria Apostolica, 17 marzo 2017, https://www.vatican.va (truy cập ngày: 1.06.2023).
[2] Tham khảo thêm: De Paolis 1986, 387-390; D'Ostilio 1995, 109; Nykiel 2016, 185-189; Idem. 2015, 39-54; Idem. 2017, 153-157; Idem. 2023, 623-636.
[3] Codex Iuris Canonici Pii X Pontificis Maximi iussu digestus Benedicti Papae XV auctoritate promulgatus (27.05.1917), AAS 9 (1917), pars II, trang 1-593.
[4] Codex Iuris Canonici auctoritate Ioannis Pauli PP. II promulgatus (25.01.1983), AAS 75 (1983), pars II, trang 1-317 [viết tắt là CIC 83].
[5] Có 4 Ðại Vương Cung Thánh Ðường ở Rôma, đó là: 1) Ðại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô; 2) Ðại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Gioan Lateranô; 3) Ðại Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Cả; và 4) Ðại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phaolô ngoại thành (chú thích của người dịch).
[6] Các quy định đã được Thánh Gioan Phaolô II ban hành qua Tự Sắc Sacramentorum Sanctitatis Tutela (30/04/2001), AAS 93 (2001), trang 737-739 [viết tắt là: SST], và đã được sửa đổi nhiều lần, cuối cùng được Ðức Thánh Cha Phanxicô chỉnh sửa vào năm 2021 qua Rescriptum ex audientia SS.mi (11/10/2021), đăng trên L'Osservatore Romano (07/12/2021), trang 6.