Không có đức công bằng

thì cũng chẳng có hòa bình

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Không có đức công bằng thì cũng chẳng có hòa bình.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 04-04-2024) - Sáng thứ Tư, ngày 03 tháng Tư năm 2024, đã có hơn 15,000 tín hữu đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Ðức Thánh cha Phanxicô.

Trước 9 giờ, Ðức Thánh cha đã tiến ra Quảng trường, đi xe mui trần qua các lối đi để chào thăm mọi người, trước khi mở đầu buổi tiếp kiến với phần lắng nghe Lời Chúa, qua một đoạn trích từ sách Châm Ngôn (21,3.7.21):

"Thực thi điều công minh chính trực thì đẹp lòng Chúa hơn là dâng hy lễ. Bạo hành của kẻ ác sẽ cuốn phăng kẻ ác, vì chúng không chịu thực thi công bằng. Người theo đuổi công chính và nhân nghĩa, sẽ được sống lâu và vinh dự".

Trong bài giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các nết xấu và các nhân đức. Bài thứ mười bốn này có tựa đề là: Ðức công bằng.

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ðức công bằng là gì?

Nhân đức thứ hai trong các nhân đức trụ là đức công bằng. Ðó là một nhân đức xã hội tuyệt hảo. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo định nghĩa nhân đức này: là "một nhân đức luân lý hệ tại ý chí liên lỉ và kiên quyết trả lại cho Thiên Chúa và tha nhân điều thuộc về họ" (n.1807). Thông thường, khi nói đến đức công bằng, người ta cũng trưng dẫn khẩu hiệu: "unicuique suum", trả cho mỗi người điều thuộc về họ". Ðó là nhân đức thuộc về luật, nhắm điều hành một cách công chính những tương quan giữa con người với nhau.

Nhân đức này được tượng trưng bằng cán cân, vì nhắm "quân bình điểm số giữa con người, nhất là khi những điểm ấy có nguy cơ bị bóp méo vì sự mất quân bình nào đó. Mục đích của nhân đức này là trong xã hội, mỗi người được đối xử theo phẩm giá của họ. Nhưng các bậc tôn sư xưa kia đã dạy rằng để đạt tới điều đó, cũng cần những lối cư xử đạo đức khác, như lòng từ nhân, tôn trọng, biết ơn, dễ mến, lương thiện: đó là những đức tính góp phần để con người có thể sống chung tốt đẹp với nhau.

Tầm quan trọng của đức công bằng

Tất cả đều hiểu rằng đức công bằng là điều rất quan trọng đối với sự sống chung hòa bình trong xã hội: một thế giới không có luật lệ sẽ là một thế giới không thể sống trong đó, nó giống như một khu rừng hoang vu. Không có công bằng, thì cũng chẳng có hòa bình. Thực vậy, nếu công bằng không được tôn trọng, thì người ta chấp nhận sự đồi bại kẻ mạnh đè nén kẻ yếu.

Ðặc tính của công bằng

Nhưng công bằng là một nhân đức hành động trong những việc lớn cũng như việc nhỏ: nó không chỉ liên hệ tới các tòa án, nhưng cả luân lý đạo đức nổi bật trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nó ấn định những tương quan chân thành: thực hiện giới luật Tin mừng, theo đó Kitô hữu phải là người: "có thì nói có, không thì nói không, phần thêm vào là từ ma quỷ" (Mt 5,37). Chân lý nửa vời, những lời nói lắt léo muốn lường gạt người khác, chúng không phải là những thái độ phù hợp với công bằng. Người công bằng thì ngay chính, đơn giản và thẳng thắn, không đeo mặt nạ, trình diện như thực chất của mình, luôn nói thật. Trên môi miệng, họ có lời "cám ơn" vì ý thức rằng dù chúng ta có cố gắng quảng đại đến đâu đi nữa, chúng ta vẫn mắc nợ đối với tha nhân. Nếu chúng ta yêu thương, đó cũng vì chúng ta được yêu mến trước.

Những mô tả về công bằng

Trong truyền thống, ta có thể tìm thấy rất nhiều mô tả về con người công bằng. Chúng ta hãy xem vài ví dụ. Người công bằng tôn trọng luật pháp và tuân giữ nó, biết rằng chúng là một hàng rào bảo vệ những người yếu thế khỏi những đè nén của những kẻ cường quyền. Người công bằng không chỉ chú ý đến thiện ích cá nhân, nhưng cũng muốn thiện ích của toàn thể xã hội. Vì vậy, họ không chiều theo cám dỗ chỉ nghĩ đến mình và chăm sóc việc của mình, dù chúng hợp pháp đến đâu đi nữa, như thể đó là điều duy nhất hiện hữu trong trần thế. Ðức công bằng cho thấy rõ - và đặt trong tâm hồn sự đòi hỏi - rằng không thể có một thiện ích đích thực cho tôi, nếu đó cũng không phải là thiện ích của tất cả mọi người.

Lối cư xử của người công bằng

Vì thế, người công bằng cảnh giác về thái độ của mình, để không làm hại những người khác: nếu sai lỗi, thì xin lỗi. Trong vài trường hợp, cần phải hy sinh một thiện ích bản thân để đặt nó cho cộng đoàn sử dụng. Họ muốn một xã hội có trật tự, trong đó chính con người tạo uy tín cho chức vụ chứ không phải ngược lại. Họ không thích những tiến cử và không buôn bán đặc ân, ưa chuộng trách nhiệm, nêu gương sống và thăng tiến sự tôn trọng luật pháp. Thực vậy, sự tôn trọng này chính là con đường công chính, là thuốc giải độc nạn tham nhũng: thật là quan trọng dường nào việc giáo dục con người, đặc biệt là người trẻ, về nền văn hóa tôn trọng luật pháp! Ðó là con đường phòng ngừa thứ ung thư tham nhũng và bài trừ nạn tội phạm.

Thêm vào đó, người công bằng tránh những lối cư xử độc hại, như vu khống, làm chứng gian, biển lận, cho vay ăn lãi "cắt cổ", trả lại những gì mình đã vay mượn, nhìn nhận lương bổng đúng đắn đối với các công nhân, tránh đưa ra những phán đoán nhẹ dạ về người khác, bảo vệ tiếng tăm và thanh danh của người khác.

Không có ai trong chúng ta không biết trong thế giới chúng ta, những người công bằng đông đảo hoặc hiếm hoi như những viên ngọc quý. Chắc chắn họ là những người thu hút ơn thánh và phúc lành trên bản thân, trên thế giới trong đó họ đang sống. Họ không phải là những người thua thiệt so với gian trá và xảo quyết, vì như Kinh thánh đã dạy, "ai tìm kiếm công bằng và yêu thương thì sẽ tìm được sự sống và vinh dự" (Pr 21,21). Những người công bằng không phải là những người lên mặt dạy đời, như thể là những người kiểm duyệt, nhưng là những người ngay thẳng "khát khao sự công chính" (Mt 5,6), những người mơ ước, gìn giữ trong tâm hồn ước muốn tình huynh đệ đại đồng. Tất cả chúng ta đều rất cần ước mơ ấy, nhất là xã hội ngày nay".

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài giáo lý trên đây là phần tóm tắt và chào thăm bằng các thứ tiếng, kèm theo những lời nhắn nhủ của Ðức Thánh cha.

Khi chào bằng tiếng Pháp, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các giáo xứ và các bạn trẻ đến từ nước này và nói rằng: "Trong tuần Phục sinh này, xin ánh sáng của Chúa Phục sinh soi chiếu chúng ta trong việc tìm kiếm công bằng, để xây dựng một thế giới huynh đệ."

Bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha chào thăm các tín hữu đến từ Thụy Ðiển, Malta, Hàn Quốc, Canada và Mỹ, đồng thời nói rằng: "Trong niềm vui của Chúa Kitô Phục sinh, tôi khẩn cầu xuống trên anh chị em và gia đình tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Khi chào thăm các tín hữu Công giáo Ba Lan, ngài nói: "Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót sắp tới (ngày 07 tháng Tư) nhắc nhớ chúng ta sứ điệp được thánh Faustina Kowalska thông truyền. Chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa, nhưng hãy kiên trì và tin tưởng phó thác cuộc sống chúng ta và thế giới cho Chúa, đặc biệt cầu xin Chúa ban hòa bình công chính cho những nước đang chịu đau thương vì chiến tranh. Tôi thành tâm chúc lành cho anh chị em.

Sau cùng bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chào các trẻ em thuộc Tổng giáo phận Milano, bắc Ý, đến Roma để hoàn tất hành trình huấn giáo qua sự tuyên xưng đức tin trên mộ các thánh tông đồ. Ðức Thánh cha nói: "Các con thân mến, các con hãy biết hăng say và quảng đại theo đặc điểm của tuổi trẻ, làm chứng về sự trung thành với Tin mừng".

Sau cùng, Ðức Thánh cha nhắc đến những người trẻ, các bệnh nhân, người cao tuổi và các đôi tân hôn. Ngài cầu chúc cho mỗi người đón nhận trong tâm hồn niềm vui và an ninh, những hồng ân của Chúa Kitô Phục sinh.

Buổi Tiếp kiến chung được kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page