Chủ tịch Hội đồng Giám mục Congo

tố giác chế độ tân thực dân kinh tế

 

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Congo tố giác chế độ tân thực dân kinh tế.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Kisangani (RVA News 20-11-2023) - Ðức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Cộng hòa dân chủ Congo, Marcel Utembi Tapa, tố giác chế độ tân thực dân kinh tế: các quặng mỏ quan trọng tại nước này bị nhiều nước khai thác để làm giàu, nhưng nhiều người dân Congo tiếp tục sống trong nghèo đói.

Ðức cha Tapa là Tổng giám mục Giáo phận Kisangani, ở miền đông bắc Congo. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng, hôm mùng 10 tháng Mười Một năm 2023, ngài cho biết Cộng hòa dân chủ Congo có nhiều khoáng sản chiến lược, trong số này có từ 60 đến 70% số dự trữ của thế giới về chất Cobalt, được dùng để chế tạo các bình điện của xe điện. "Các công ty liên quốc và những đồng lõa của họ làm tất cả những gì có thể để bóc lột đất nước chúng tôi với phí tổn thấp nhất đối với họ, nhưng dân chúng tại chỗ thì không được thụ hưởng. Lẽ ra với các tài nguyên ấy, dân Congo phải được giàu mạnh, nhưng trong thực tế, họ vẫn sống nghèo", đây thực là nền kinh tế tân thực dân.

Ðứng đầu xí nghiệp khai thác khoáng sản tại Cộng hòa dân chủ Congo là hãng Glencore, khai thác 29,900 tấn Cobalt và 306,000 tấn đồng. Công ty này liên hệ tới Bill Clinton, cựu Tổng thống Mỹ, và Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh.

Ðặc biệt, Ðức Tổng giám mục Tapa tố giác rằng những thiệt hại về môi trường do các công ty liên quốc gây ra thật là lớn lao và trầm trọng, do sự không tôn trọng các tiêu chuẩn có thể chấp nhận được.

"Ví dụ, khi từ máy bay nhìn xuống miền Kolwezi, nơi diễn ra sự khai thác các mỏ Cobalt một cách ồ ạt, người ta thấy đất đai bị những thương tích lớn, người ta thấy các nơi những hố to kinh khủng do sự khai thác vô trật tự các khoáng sản này. Tại miền Ðại Ðông, ở tỉnh Ituri, Tshopo, Bas-Uélé, và hai tỉnh Kivu bắc và nam, có những mỏ thủ công trong các rừng, người ta vứt đồ phế thải từ các quặng mỏ xuống các dòng nước. Các nước này đều bị ô nhiễm, người ta thấy rõ vì chúng đổi màu. Nước trở nên bùn. Vì thế dân chúng tại các làng ven sông không có những nguồn nước trong lành."

Ðức Tổng giám mục Tapa nêu một ví dụ khác: sông Kasai bị ô nhiễm từ nguồn vì hậu quả các hoạt động của các công ty khoáng sản, dường như là Trung Quốc. Họ hoạt động tại Angola láng giềng. Dòng sông hoàn toàn bị ô nhiễm, khiến cá bị chết. Những người dùng nước sông thấy những vết mụn lớn nổi lên ở da của họ.

Ðức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Congo cho biết có những người bảo vệ môi trường và nhân quyền đã đến Congo để tìm cách chống lại tình trạng trên đây, và ngài nói: "Sự phát triển công nghệ trong thế giới tân tiến có những âm hưởng trên Phi châu. Nhưng đồng thời những thiệt hại gây ra cho các rừng nhiệt đới của chúng tôi cũng có ảnh hưởng đối với phần còn lại của trái đất. Chúng ta sống trong một "ngôi làng lớn".

(Fides 10-11-2023)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page