Cuộc họp báo của Ðức Thánh cha

trên máy bay từ Mông Cổ về Roma

 

Cuộc họp báo của Ðức Thánh cha trên máy bay từ Mông Cổ về Roma.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Roma (RVA News 06-09-2023) - Trên chuyến bay từ Mông Cổ về Roma, chiều ngày 04 tháng Chín năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã trả lời nhiều câu hỏi của giới báo chí cùng đi: từ tương quan giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, giữa Tòa Thánh và Việt Nam, cho đến những lời tuyên bố mới đây của ngài với giới trẻ Công giáo Nga gây phẫn nộ trong dư luận tại Ucraina, vấn đề Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sắp tới và những e dè của một số thành phần Giáo hội đối với công nghị "đồng hành" này.

Tòa Thánh và Trung Quốc

Nữ ký giả của hãng tin Tây Ban Nha EFE nhận xét rằng Ðức Giáo hoàng kêu gọi các tín hữu Công giáo Trung Quốc hãy là những tín hữu Kitô tốt và là công dân tốt, nhưng đàng khác nhà cầm quyền Bắc Kinh không cho phép các giám mục và tín hữu đến Mông Cổ để gặp Ðức Giáo hoàng. Ðâu là tương quan giữa Tòa Thánh với Trung Quốc hiện nay? Và tin nói Ðức Hồng y Zuppi, Ðặc phái viên của Ðức Thánh cha sẽ đi Bắc Kinh là thế nào?

Ðức Thánh cha cho biết "sứ vụ của Ðức Hồng y Zuppi là một sứ vụ hòa bình do ngài ủy thác. Ðức Hồng y Zuppi là một người chuyên đối thoại và có một nhãn giới hoàn vũ, đã có kinh nghiệm tìm kiếm hòa bình tại Mozambique. Vì thế, tôi gửi ngài đi. Tương quan với Trung Quốc rất tôn trọng nhau. Bản thân tôi vẫn rất ngưỡng mộ dân tộc Trung Hoa, những con kênh rất mở rộng. Về vấn đề bổ nhiệm giám mục tại Trung Quốc, có một ủy ban giữa Tòa Thánh và Chính phủ Trung Quốc làm việc với nhau từ lâu nay, rồi có một số linh mục Công giáo hoặc nhà trí thức Công giáo được mời tới các đại học Trung Quốc để giảng dạy. Tôi tin rằng chúng ta phải tiến triển trên bình diện tôn giáo để hiểu nhau hơn và để các công dân Trung Quốc không nghĩ rằng Giáo hội không chấp nhận văn hóa và các giá trị của họ và không nghĩ họ phải lệ thuộc một thế lực nước ngoài. Ủy ban do Ðức Hồng y Parolin chủ tọa thi hành tốt công tác thân hữu và về phía Trung Quốc, các quan hệ cũng đang ở trên một con đường tốt".

Phản ứng về lời Ðức Thánh cha với giới trẻ Công giáo tại Nga

Về những lời nhắn nhủ của Ðức Thánh cha với các bạn trẻ Công giáo Nga, liên quan đến Ðại mẫu quốc Nga, đến gia sản của những nhân vật, như Phêrô Ðại đế và Nữ hoàng Nga Catarina II, gây nhiều tranh luận và làm cho người Ucraina phẫn nộ. Ký giả hãng tin Ansa của Ý hỏi Ðức Thánh cha lý do tại sao tuyên bố như thế? Ðức Giáo hoàng nghĩ gì về các đế quốc, đặc biệt là đế quốc Nga?

Trong câu trả lời, Ðức Thánh cha nhắc lại bối cảnh những lời tuyên bố ấy là cuộc đối thoại với người trẻ Nga và trong cuộc đối thoại đó, ngài nhắc nhở những người trẻ hãy đảm trách gia sản của mình, như ngài vẫn thường làm ở các nơi. Ðức Thánh cha xác quyết rằng gia sản văn hóa của Nga rất tốt. "Bạn hãy nghĩ đến văn chương, âm nhạc, đến văn hào Nga Dostoievski. Có những năm đen tối tại Nga, nhưng gia sản vẫn còn đó. Tiếp đến, bạn nói về chế độ đế quốc, tôi không nghĩ đến chủ nghĩa đế quốc khi nói đến những điều vừa nói. Tôi nói về văn hóa, sự thông truyền văn hóa chứ không hề nói về đế quốc, không bao giờ. Cần phải phân biệt giữa văn hóa của một dân tộc và những ý thức hệ nảy sinh sau đó nơi một triết gia hay một nhà chính trị của dân tộc ấy. Tôi nói điều đó cho tất cả mọi người, kể cả đối với Giáo hội".

Thượng Hội đồng Giám mục

Về Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng Mười năm 2023, ký giả Ðài truyền hình KTO của Công giáo ở Pháp hỏi Ðức Thánh cha làm sao để tránh sự cực đoan hóa ý thức hệ, và các tham dự viên có thể nói và chia sẻ công khai điều họ sống hay không, để chúng con có thế đồng hành với họ? Hay là tất cả sẽ diễn ra trong vòng bí mật?

Trong câu trả lời, Ðức Thánh cha cho biết trong Thượng Hội đồng không có chỗ cho ý thức hệ, nhưng là một cuộc đối thoại giữa các tín hữu đã chịu phép rửa, về đời sống Giáo hội, đối thoại với thế giới, về những vấn đề liên quan đến nhân loại ngày nay.

Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng Thượng Hội đồng không phải là một nghị viện và nếu không có tinh thần cầu nguyện, thì không có sự đồng hành hoặc hiệp hành.

Thông tin tại Thượng Hội đồng

Về vấn đề thông tin, ngài cho biết có một ủy ban thông tin do ông Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông làm Chủ tịch, sẽ cung cấp các thông cáo báo chí về những diễn tiến của Thượng Hội đồng. "Trong Công nghị này, lòng đạo đức và trung thành của những người phát biểu phải được bảo tồn, và vì thế có Ủy ban thông tin. Ủy ban này cần phải tôn trọng những phát biểu của mỗi đại biểu và cập nhật thông tin về Công nghị để xây dựng Giáo hội, chứ không phải là những chuyện phiếm".

Như vậy có nghĩa là không có đại diện báo chí nào ở Hội trường của Thượng Hội đồng, với khoảng 420 tham dự viên. Nhưng họ được thông tin qua các ban báo chí. Ðiều này vốn có trong các Thượng Hội đồng Giám mục trước đây, và chính các nghị phụ và dự thính viên tóm tắt bài phát biểu của mình để phổ biến cho báo chí.

Những vấn đề nóng bỏng

Ký giả hãng tin Công giáo Mỹ CNA nhận xét rằng: Tài liệu làm việc hướng dẫn các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng đề nghị những phân định về các vấn đề "nóng", kể cả việc truyền chức phó tế cho phụ nữ, độc thân linh mục, và tìm đến những người đồng tính luyến ái, đổi giống, lưỡng tính, v.v. Vì thế, mới đây có cuốn sách được Ðức Hồng y Raymond Burke, người Mỹ, nguyên Chủ tịch Tối cao Pháp viện của Tòa Thánh bày tỏ dè dặt đối với Thượng Hội đồng này. Trong câu trả lời, Ðức Thánh cha nhận xét rằng căn cội của những ý tưởng như thế về tính đồng hành (sinodalità) luôn thấy trong các "ý thức hệ" và chính những ý thức hệ chia rẽ các tín hữu.

(Vatican News, CNA 4-9-2023)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page