Ðức Thánh cha gặp gỡ các giám mục,

linh mục và tu sĩ tại Mông Cổ

 

Ðức Thánh cha gặp gỡ các giám mục, linh mục và tu sĩ tại Mông Cổ.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Ulanbator (RVA News 03-09-2023) - Lúc gần 4 giờ chiều, ngày 02 tháng Chín năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã đến nhà thờ chính tòa thánh Phêrô và Phaolô ở thủ đô Ulanbator, cách tòa Phủ doãn gần 4 cây số, để gặp gỡ các giám mục Á châu, cùng với các linh mục, tu sĩ nam nữ, địa phương và nước ngoài, cũng như các nhân viên mục vụ của Giáo hội.

Nhà thờ tọa lạc ở khu vực phía đông thủ đô, được kiến thiết năm 1996 do cha Wenceslao Padilla, người Philippines, thuộc Dòng Thừa sai Khiết Tâm Ðức Mẹ, quen gọi là các cha Dòng Scheut từ Bỉ. Thánh đường mới hiện nay được khởi công xây năm 2002, ít lâu sau khi Tòa Thánh thành lập Phủ doãn Tông tòa Ulanbator, bao trùm toàn lãnh thổ Mông Cổ. Thánh đường mới được Ðức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo thánh hiến, ngày 30 tháng Tám năm 2003, trước sự hiện diện của Ðức Tổng giám mục Giovanni Battista Morandi, Sứ thần Tòa Thánh. Ngày hôm sau, tại thánh đường này cha Padilla được tấn phong giám mục. Chương trình ban đầu dự kiến Ðức Thánh cha Gioan Phaolo II viếng thăm Mông Cổ và truyền chức giám mục cho cha Padilla, nhưng dự án này không thành tựu. Thánh đường có hình dáng như căn nhà truyền thống Ger của người Mông Cổ, và có thể chứa được 500 người.

Khi đến khu vực nhà thờ, Ðức Thánh cha đã lên một xe golf và được một phụ nữ Mông Cổ đón tiếp và dâng tặng ngài chén sữa có một giải khăn màu xanh dương.

Khi tiến vào trong thánh đường, Ðức Thánh cha đã gặp bà Tsetsege, phụ nữ cách đây 10 năm đã tìm thấy pho tượng Ðức Mẹ bằng gỗ trong bãi rác, và sau đó tượng được đặt trong nhà thờ chính tòa và tại đây Ðức Mẹ được gọi bằng danh hiệu "Ðức Mẹ Thiên Quốc". Ngày 08 tháng Mười Hai năm 2022, Ðức Hồng y Marengo đã thánh hiến Mông Cổ cho Ðức Mẹ.

Sau đó, Ðức Thánh cha đã ra bên ngoài đi một vòng quanh thánh đường để chào thăm, và chúc lành cho các tín hữu, các đại diện tám giáo xứ và một nhà nguyện hiện diện trên toàn quốc, rồi trở vào bên trong thánh đường bắt đầu cuộc gặp gỡ.

Mở đầu, Ðức cha José Luis Munmbiela Sierra, người Tây Ban Nha, Giám mục Giáo phận Nur Sultan thủ đô Kazashtan, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Á, gồm các nước Kazakistan, Kirgikistan, Tagikistan, Turmenistan và Uzbekistan, và Mông Cổ đã đại diện mọi người chào mừng Ðức Thánh cha và gọi sự hiện diện của ngài trong những ngày này tại Mông Cổ là một chứng tá sinh động và hân hoan chứng tỏ niềm hy vọng từ bao thế kỷ, giống như một cuộc thần khải đồng hành và khích lệ chúng con trong cuộc lữ hành như một Giáo hội thừa sai. Tại Á châu, chúng con biết thế nào là sống hy vọng. Và giờ đây chúng con cũng xác tín rằng "niềm hy vọng không làm thất vọng". (Rm 5,5)

Chứng từ

Cuộc gặp gỡ tiếp tục với chứng từ của một nữ tu, một linh mục và một nữ giáo dân:

Bắt đầu là nữ tu Salvia Mary Vandanakara, người Ấn Ðộ, thuộc Dòng Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta.

Chị cho biết trong các hoạt động của các nữ tu cũng có việc săn sóc các trẻ em khuyết tật, thể lý và tâm thần, giúp đỡ các bệnh nhân và người già bị gia đình họ bỏ rơi, đón tiếp những người vô gia cư, nâng đỡ những người không có gì để ăn, giúp các gia đình nghèo và những người ở ngoài lề xã hội. Chị nói: "Qua những việc bác ái ấy, chúng con tìm cách giúp họ hiểu rằng họ là những người quý giá trước mặt Chúa, và với ước muốn sâu xa phục hồi nhân phẩm và giá trị của họ".

Chị Salvia Mary kể rằng: "Con đến Mông Cổ năm 1998, khi Giáo hội tại đây vừa mới bắt đầu bén rễ. Khi tận tụy phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo, chúng con cũng cảm thấy chúng con phải sống giữa họ và cảm nghiệm một số những khó khăn mà họ gặp phải, như thiếu nước và các nhu yếu phẩm khác. Khí hậu cực kỳ lạnh lẽo. Bấy giờ chẳng có những cơ cấu thích hợp để các trẻ em làm bài tập, vì thế chúng con tổ chức chương trình sau những giờ học ở trường, với sự giúp đỡ của một số giáo viên Mông Cổ và sau đó chúng con giúp các em tái hội nhập vào các trường học bình thường, giúp các em hoàn tất việc học. Trong số những trẻ em chúng con giúp đỡ cũng có một thiếu niên nay là một linh mục, đó là cha Sanaza Peter quý mến của chúng con.

"Kinh nghiệm bé nhỏ này của con chẳng là gì so với những điều mà các thừa sai khác đã trải qua và những gì mà họ còn đương đầu để tiếp tục sứ vụ tại đất nước này.

Chị Salvia Mary nhận xét rằng "thửa đất Mông Cổ này thực là "chai đá" và nhiều khi dường như không để cái gì có thể thấm nhập. Không mang lại hoa trái dễ dàng. Chúng con có xu hướng nản chí và thất vọng, nhưng với ơn Chúa phù trợ và sự phù hộ của Mẹ Thiên Quốc, chúng con tiếp tục tiến bước không sợ hãi và do dự."

Tiếp lời nữ tu Salvia Mary, cha Peter Sanjaajav, người bản xứ Mông Cổ, mà chị vừa nói, nói rằng: "Thiên Chúa đã ban cho con nhiều cơ hội được tăng trưởng như một người Mông Cổ trên đất Mông Cổ, và Chúa cũng đã chọn con để góp phần vào ơn cứu độ dân tộc của con, vì hoa trái tình thương của Thiên Chúa đã bắt đầu từ lâu, nay đang chín mùi trong lúc này và con chắc chắn rằng cuộc viếng thăm của Ðức Thánh cha sẽ mang lại một mùa gặt phong phú."

Chứng từ thứ ba là của cô Rufina Chamingeral, một người Mông Cổ, nhân viên mục vụ.

Cô cho biết đã được rửa tội theo Công giáo khi còn là một sinh viên: "Hồi đó, cũng như nhiều người khác, con thích đến giáo xứ và hăng hái chia sẻ những lời giảng và giáo lý mà con đã nghe trước đó trong giáo xứ.

"Một hôm, con đến gặp ông cố ngoại của con. Suốt đêm con đã kể về cuộc đời của Chúa Giêsu, từ lúc Chúa sinh ra cho đến khi Ngài sống lại. Hãy tưởng tượng xem, một nữ sinh 19 tuổi, nói với thân phụ bà ngoại của mình! Ông cố ngoại của con bấy giờ gần 80 tuổi rồi.

Rồi sự hăng say ấy của con trở thành một trách nhiệm quan trọng. Nghĩa là đi Roma để học và trở về Mông Cổ để giúp Giáo hội chúng con tăng trưởng. Chính từ quyết định ấy mà cuộc sống hiện tại của con như một nhân viên mục vụ bắt đầu. Học biết về đạo Công giáo đối với con giống như học một ngôn ngữ mới là tiếng Công giáo. Con đang học ngôn ngữ này từ 14 năm nay rồi và còn tiếp tục học.

Cách đây một năm, Ðức Thánh cha đã bổ nhiệm Ðức giám mục Giorgio Marengo của chúng con làm Hồng y. Khi tin này xuất hiện trên mạng xã hội của chúng con, con thấy bao nhiêu bình luận chúc mừng. Nhưng Hồng y là ai? Giáo hội chúng con đang ở trong giai đoạn tiêu biểu của một em bé đang liên tục đặt những câu hỏi cho cha mẹ.

"Ở đây chúng con thường nghe từ các thừa sai nói rằng vai trò của các nhân viên mục vụ và các giáo lý viên rất quan trọng. Theo con, chúng con rất may mắn vì chúng con không có các sách giáo lý bằng tiếng Mông Cổ nhưng chúng con có nhiều thừa sai là những cuốn sách sống động.

Sau cùng, con muốn nhấn mạnh hiệu năng của Thượng Hội đồng và của sự đồng hành. Trong Thượng Hội đồng, các tín hữu chúng con, đặc biệt các nhân viên mục vụ, càng có thể hiểu rõ hơn bản chất đích thực của Giáo hội và họ có cái nhìn đầy đủ hơn về các giáo xứ của chúng con".

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ tiếp đó, Ðức Thánh cha đã định nghĩa ơn gọi thừa sai của Kitô hữu là xả thân vì Tin mừng, đặc biệt như những Kitô hữu sống tại Mông Cổ này. Ngài nhắc đến lịch sử lâu đời của đức tin tại đây, từ những kinh nghiệm trong Ngàn năm thứ I, với phong trào loan báo Tin mừng của truyền thống Siriac, được phổ biến dọc theo con đường tơ sợi, tiếp theo đó là sự dấn thân truyền giáo qua các sứ bộ ngoại giao hồi thế kỷ XII và cả sự quan tâm săn sóc của Tòa Thánh, qua việc bổ nhiệm vào khoảng năm 1310 cha Giovanni da Montecorvino làm giám mục đầu tiên của Giáo phận Khan Baliq. Ngài trở thành vị trách nhiệm một vùng bao la của thế giới, dưới triều đại Nhà Nguyên của Mông Cổ. Chính Ðức cha đã cung cấp bản dịch đầu tiên sách thánh vịnh và Tân ước bằng tiếng Mông Cổ.

Lịch sử hăng say đối với Tin mừng ấy được phục hồi một cách đặc biệt vào năm 1992 với các thừa sai đầu tiên thuộc Dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ, rồi có thêm các dòng khác, hàng giáo sĩ triều và các giáo dân thiện nguyện, trong số các vị ấy tôi muốn nhắc đến cha Stephano Kim Thành Hiền (Kim Seong Hyeon) [Tổng đại diện của Phủ doãn Tông tòa này, qua đời đột ngột sáng ngày 26 tháng Năm năm nay, vì bệnh tim, lúc mới 55 tuổi].

Và Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Các linh mục, tu sĩ nam nữ và các nhân viên mục vụ yêu quý, trong 31 năm qua, anh chị em đã khởi xướng nhiều sáng kiến bác ái, dành phần lớn năng lực của mình và phản ánh tôn nhan thương xót của Chúa Kitô người Samaritano nhân lành. Ðiều ấy như một danh thiếp của anh chị em, làm cho anh chi được được tôn trọng và quí mến vì bao nhiêu thiện ích mang lại cho nhiều người trong các lĩnh vực: từ lĩnh vực từ thiện đến giáo dục, qua việc săn sóc sức khỏe và thăng tiến văn hóa. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục con đường phong phú và có nhiều lợi ích này cho dân tộc Mông Cổ yêu quý."

Vun trồng đời sống nội tâm

"Ðồng thời tôi cũng mời gọi anh chị em hãy nếm hưởng và nhìn lên Chúa, luôn trở lại cái nhìn nguyên thủy từ đó mọi sự nảy sinh... Thực vậy, nếu không có cái nhìn đó thì năng lực dần dần suy tàn và sự dấn thân mục vụ có nguy cơ trở thành việc phục vụ vô bổ, một sự nối tiếp các hoạt động vì phải làm, và rốt cuộc không thông truyền gì cả ngoài sự mệt mỏi và không mãn nguyện. Trái lại, nếu luôn tiếp xúc với nhan Chúa Kitô, tìm kiếm trong Kinh Thánh và chiêm ngưỡng Chúa trong thinh lặng thờ lạy trước nhà tạm Mình Thánh Chúa, nhận ra Chúa nơi khuôn mặt của những người được phục vụ và cảm thấy được niềm vui nội tâm dẫn đưa, kể cả trong những khó khăn, ta vẫn để được niềm vui trong tâm hồn. Chúng ta cần điều đó, chứ không cần những người miệt mài với công việc và đãng trí, tiến hành những dự án, với nguy cơ nhiều khi tỏ ra cay đắng vì một cuộc sống không dễ dàng. Cần trở về với nguồn mạch, với khuôn mặt của Chúa Giêsu, sự hiện diện của Chúa để nếm hưởng: chính Chúa là kho tàng của chúng ta (Xc Mt 13,44), là hạt trai quý giá đáng bán mọi sự để mua được (Xc Mt 13,45). Các anh chị em ở Mông Cổ, vốn có một cảm thức mạnh về thánh thiêng, và lịch sử sâu rộng về tôn giáo, họ đang chờ đợi nơi anh chị em chứng tá này và họ biết nhận ra sự chân thực của chứng tá ấy."

Tăng cường hiệp thông và đoàn kết

Sau cùng, Ðức Thánh cha còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiệp thông và hiệp nhất, "ý thức rằng chính Chúa Giêsu hiện diện trong Ðức Giám mục để bảo đảm tình hiệp thông trong Nhiệm Thể của Chúa. Nói khác đi, sự hiệp nhất trong Giáo hội không phải là vấn đề trật tự và tôn trọng, và cũng chẳng phải là một chiến lược tốt, để họp thành đội, thành nhóm; đó là vấn đề đức tin và tình yêu đối với Chúa, là trung thành với Chúa. Vì thế, tất cả các thành phần Giáo hội gắn bó chung quanh Ðức giám mục, đại diện của Chúa Kitô sinh động giữa Dân Ngài, bằng cách xây dựng tình hiệp thông, vốn là một lời loan báo và giúp rất nhiều cho sự hội nhập đức tin vào văn hóa."

Sau bài huấn dụ của Ðức Thánh cha, cộng đoàn đọc kinh Kính mừng trước khi Ðức Thánh cha ban phép lành cho mọi người. Ngài cũng làm phép tượng Ðức Mẹ Thiên Chúa, chào thăm các đoàn các giám mục đến từ các nước, trong đó có sáu giám mục Việt Nam, rồi cùng các vị đứng quanh bàn thờ chụp hình lưu niệm. Ngài cũng chào từng vị thừa sai nam nữ. Trước khi lên xe, Ðức Thánh cha còn dừng lại trong một phòng của nhà thờ chính tòa để chào thăm một số tín hữu. Sau cùng, ngài tiến ra cửa bên hông của thánh đường để chụp hình lưu niệm biến cố hiếm có này.

Khoảng 5 giờ 30 chiều, giờ địa phương, Ðức Thánh cha giã từ nhà thờ chính tòa để trở về Tòa Phủ doãn.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page