Nhận định của Ðức Hồng y Quốc vụ khanh

về chuyến viếng thăm

của Ðức Thánh cha tại Mông Cổ

 

Nhận định của Ðức Hồng y Quốc vụ khanh về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha tại Mông Cổ.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Roma (RVA News 01-09-2023) - Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Pietro Parolin, nhận định rằng cuộc viếng thăm của Ðức Thánh cha tại Mông Cổ là để củng cố trong đức tin "cộng đoàn nhỏ bé nhưng sinh động này", đồng thời cũng để tăng cường mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Mông Cổ. Cả phía Ðức Thánh cha lẫn Mông Cổ đều mong đợi cuộc viếng thăm. Sự hăng say phấn khởi của các tín hữu Công giáo tại đây thật là tỏ tường, và chắc chắn sự hiện diện của Ðức Thánh cha là một sự khẳng định cũng như khích lệ cộng đoàn Công giáo Mông Cổ trong hành trình đời sống Kitô, trong niềm tin, cậy, mến, cũng như để củng cố những thành tựu của Giáo hội tại đây.

Thực vậy, trong cuộc phỏng vấn dành cho Ðài Vatican, hôm trước ngày lên đường với Ðức Thánh cha, - Ðức Hồng y Parolin nói - "Nếu chúng ta nghĩ lại cuộc sống của Giáo hội tại Mông Cổ, chúng ta không thể không ngưỡng mộ và cảm động: sau những thế kỷ vắng bóng, đến đầu thập niên 1990, khi nước này chuyển biến ôn hòa, tiến sang chế độ dân chủ, Giáo hội Công giáo kể như bắt đầu từ con số không. Các thừa sai đầu tiên đến đây như những người tiên phong. Họ học ngôn ngữ, cử hành thánh lễ trong các tư gia; họ nhận thấy rằng con đường hoạt động tại đây phải là con đường bác ái và coi dân tộc địa phương như dân tộc của mình. Vì thế chỉ sau vài thập niên, nay có một cộng đoàn Công giáo theo đúng nghĩa của danh từ, nghĩa là một cộng đoàn "đại đồng", gồm các phần tử địa phương, và có cả những thành phần đến từ các nước khác nhau, trong khiêm tốn và hiền dịu, với cảm thức mình là phần tử của Giáo hội địa phương, họ mong muốn trở thành những hạt giống của tình huynh đệ".

Ðức Hồng y Parolin cũng xác nhận rằng Ðức Thánh cha đến Mông Cổ như một người anh em của tất cả mọi người: "Như ngài đã nhiều lần nhắc nhở, con đường liên tôn, con đường đối thoại đại kết không phải là những chọn lựa tùy tiện, hoặc tùy theo hoàn cảnh thích hợp, nhưng là những con đường, từ Công đồng đến nay, Giáo hội Công giáo vẫn theo đuổi, không phải với thái độ trộn lẫn các tôn giáo, tôn giáo hòa đồng. Theo quan điểm đó, cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo các tôn giáo khác, luôn nhắm kiến tạo hòa bình và tình huynh đệ và chúng ta biết ngày nay rất cần những cố gắng xây dựng hòa bình và tình huynh đệ. Ngoài ra, cuộc viếng thăm này của Ðức Thánh cha cũng đánh dấu một cuộc gặp gỡ quan trọng với Phật giáo, là tôn giáo vẫn hãnh diện vì sự hiện diện và một lịch sử đầy ý nghĩa".

Ðức Hồng y Parolin không quên nhắc tới quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Mông Cổ, quan hệ chính thức này bắt đầu từ năm 1992 và tiếp tục tiến triển với những bức tiến đáng kể, được thực hiện trong những lãnh vực quan tâm chung, như cuộc viếng thăm hồi tháng Sáu năm nay của Ðức Tổng giám mục Ngoại trưởng Paul Gallagher tại Mông Cổ. "Cuộc tông du này của Ðức Hồng y càng củng cố thêm những quan hệ ấy, nhắm thăng tiến công ích, tự do tôn giáo, hòa bình, sự phát triển nhân bản toàn diện, việc giáo dục, những trao đổi văn hóa và cũng để đương đầu với những thách đố chung liên quan đến miền này cũng như cộng đồng quốc tế".

Sau cùng, nhận định về sự kiện Mông Cổ là nước láng giềng của Trung Quốc, Ðức Hồng y Parolin nhận xét rằng: "Tất cả mọi người đều biết mối quan tâm của Ðức Thánh cha đối với Trung Quốc: trong tâm hồn ngài vốn có một ước muốn mà ngài nhiều lần bày tỏ đó là viếng thăm quốc gia cao thượng này, cũng như viếng thăm cộng đồng Công giáo tại đây để khích lệ tiến bước trong đức tin và hiệp nhất, gặp gỡ chính quyền Trung Quốc, mà Tòa Thánh đã thiết lập một cuộc đối thoại trong sự tín nhiệm, mặc dù có những khó khăn và chướng ngại trên đường. Tòa Thánh tin rằng đó là con đường phải theo, hơn là con đường đụng độ ý thức hệ, để có thể đạt tới những thành quả tốt đẹp cho tất cả mọi người".

(Vatican News 30-8-2023)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page