Vài nét về đất nước và Giáo hội Bồ Ðào Nha,

nhân chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha

 

Vài nét về đất nước và Giáo hội Bồ Ðào Nha, nhân chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Lisboa (RVA News 03-08-2023) - Bồ Ðào Nha chỉ rộng gần 92,000 cây số vuông, tương đương với hơn một phần bốn lãnh thổ Việt Nam. Trong số 10 triệu 300 ngàn dân cư, có một phần ba sinh sống tại thủ đô Lisboa và vùng phụ cận.

Tỷ lệ Công giáo tại Bồ Ðào Nha hiện nay là gần 88.7% dân số toàn quốc. Cách đây gần 50 năm, tỷ số này là 96%.

Giáo hội Công giáo tại Bồ Ðào Nha hiện có 21 giáo phận, với 45 giám mục, gần 3,260 linh mục giáo phận và dòng, tức là giảm 140 vị so với con số cách đây sáu năm, khi Ðức Thánh cha đến thăm nước này lần đầu tiên. Giáo hội Công giáo Bồ Ðào Nha có 215 tu huynh và 3,860 nữ tu và 468 đại chủng sinh, tức là giảm 82 thầy so với cách đây bảy năm.

Trong lịch sử, cuộc cách mạng năm 1910 tại Bồ Ðào Nha đã đưa tới sự truất hữu các tài sản của Giáo hội và giải tán các dòng tu, đồng thời nhà nước cách mạng phát động chiến dịch bài giáo sĩ. Các ngày lễ của Giáo hội và việc giảng dạy môn tôn giáo tại các trường học bị hủy bỏ. Các giám mục bị trục xuất. Các cuộc hiện ra của Ðức Mẹ hồi năm 1917 tại Fatima đã củng cố lòng đạo đức và đời sống đạo của dân chúng.

Tiếp đến là thời ông Antonio de Oliveira Salazar, người thiết lập chế độ độc tài tại Bồ Ðào Nha, từ năm 1933. Ông công khai nhìn nhận Giáo hội. Sau Công đồng chung Vatican II, trong Giáo hội Bồ Ðào Nha có khuynh hướng chống lại chế độ độc tài và nhiều thành phần Giáo hội đã ủng hộ cuộc cách mạng năm 1974, đưa Bồ Ðào Nha dần dần trở thành một cộng hòa dân chủ.

Trong vài năm gần đây, giống như trường hợp nhiều nước Âu Mỹ khác, những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong quá khứ bị khui ra. Theo ủy ban điều tra độc lập, do Giáo hội ủy nhiệm, có hơn 4,800 vụ lạm dụng trong 60 năm trời, từ 1950 đến 2010. Kết quả này khiến Giáo hội tại đây bị rúng động và không thiếu giới báo chí quốc tế quan tâm đến tệ nạn này, nhân chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page