Ðừng bao giờ quên căn cội của mình

và hãy nỗ lực kiến tạo những nhịp cầu hiệp nhất

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Ðừng bao giờ quên căn cội của mình và hãy nỗ lực kiến tạo những nhịp cầu hiệp nhất.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 03-05-2023) - Sáng thứ Tư, ngày 03 tháng Năm năm 2023, hơn 20,000 ngàn tín hữu hành hương từ nhiều nước đã đến tham dự cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô.

Như thói quen, lúc 8 giờ 50, Ðức Thánh cha tiến ra nơi tiếp kiến trên chiếc xe mui trần, có hơn 12 nhân viên an ninh Vatican và vệ binh Thụy Sĩ đi kèm để bảo vệ. Ngài dừng lại cho năm em bé lên ngồi chung xe với ngài, và tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Có nhiều nhóm cầm cờ quốc gia của họ. Thỉnh thoảng xe dừng lại và một nhân viên an ninh bế một em bé lên, trao cho Ðức Thánh cha để ngài chúc lành.

Lên tới bục cao ở thềm Ðền thờ, Ðức Thánh cha mở đầu buổi tiếp kiến với phần lắng nghe Lời Chúa: mọi người nghe một đoạn thư thứ I của thánh Phêrô tông đồ (1,3.4a.6-7):

"Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Ðức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại. Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhắm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Ðức Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi".

Bài giáo lý

Trong bài huấn dụ tiếp đó, Ðức Thánh cha tạm gác lại loạt bài giáo lý về "sự hăng say loan báo Tin mừng", để kể lại chuyến tông du thứ 41 ngài mới thực hiện tại Hungary, từ ngày 28 đến ngày 30 tháng Tư vừa qua.

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cách đây ba ngày, tôi đã trở về sau cuộc viếng thăm tại Hungary. Tôi muốn cám ơn tất cả những người đã chuẩn bị và đồng hành với cuộc viếng thăm này bằng kinh nguyện, và tôi tái bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền, Giáo hội địa phương và nhân dân Hungari, một dân tộc can đảm và giàu trí nhớ. Trong thời gian lưu lại Budapest, tôi đã có thể cảm nghiệm lòng quý mến của tất cả mọi người Hungary. Hôm nay, tôi muốn nói với anh chị em về cuộc viếng thăm này qua hai hình ảnh: những cội rễ và những cây cầu.

Hình ảnh cội rễ

Những cội rễ. Tôi đã đến như người lữ hành nơi một dân tộc - như thánh Gioan Phaolô II đã nói - đã được đánh dấu bằng "nhiều vị thánh và anh hùng, có những hàng ngũ dân chúng khiêm tốn và cần cù quây quần chung quanh" (Diễn văn nhân dịp buổi tiếp đón, Budapest 6-9-1996). Quả đúng như vậy: tôi đã thấy bao nhiêu những người dân đơn sơ và chăm chỉ, hãnh hiện bảo tồn mối liên hệ với căn cội của mình. Và trong số những cội rễ ấy, như những chứng từ đã nêu rõ trong những cuộc gặp gỡ với Giáo hội địa phương và người trẻ, trước tiên có các thánh: những vị thánh đã hiến mạng sống mình vì dân tộc, những thánh đã làm chứng về Tin mừng tình thương, các thánh đã là ánh sáng trong những thời điểm tối tăm; bao nhiêu vị thánh của quá khứ ngày nay đang nhắn nhủ hãy vượt thắng nguy cơ chủ bại và sự lo sợ về ngày mai, nhắc nhớ rằng Chúa Kitô là tương lai của chúng ta.

Nhưng những cội rễ Kitô vững chắc của nhân dân Hungary đã bị thử thách. Niềm tin của họ, như chúng ta đã nghe từ Lời Chúa, đã bị thử lửa. Thực vậy, trong cuộc bách hại vô thần hồi thế kỷ XX, các tín hữu Kitô đã bị đánh tàn bạo, với các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân bị giết hoặc bị cầm tù. Nhưng trong khi người ta toan tính đốn ngã cây đức tin, các cội rễ vẫn còn nguyên vẹn: Giáo hội hầm trú vẫn kiên vững, với bao nhiêu giáo sĩ được chịu chức bí mật, làm chứng cho Tin mừng, khi làm việc trong các công xưởng, trong khi các ông bà nội ngoại loan báo Tin mừng trong âm thầm. Tại Hungary, cuộc đàn áp của cộng sản đã theo sau cuộc đàn áp của Ðức quốc xã, với cuộc lưu đày bao nhiêu người Do thái. Nhưng trong cuộc diệt chủng tàn khốc ấy, bao nhiêu người đã nổi bật về sự kháng chiến và khả năng bảo vệ các nạn nhân. Họ có thể làm như thế vì những căn cội sống chung thật kiên vững. Vì thế, những mối liên hệ đức tin và dân tộc đã giúp phục hồi tự do.

Và cả ngày nay, như đã thấy trong các cuộc gặp gỡ với giới trẻ và giới văn hóa, tự do cũng bị đe dọa. Ðe dọa như thế nào? Thưa, đặc biệt là với những găng tay trắng, do chủ nghĩa duy tiêu thụ làm mê hoặc, qua đó người ta hài lòng vì một chút an sinh vật chất, mà quên đi quá khứ, trôi nổi lềnh bềnh trong một hiện tại theo khuôn khổ cá nhân. Nhưng một khi điều duy nhất đáng kể là chỉ nghĩ đến mình và làm điều mình thích, thì những căn cội sẽ bị chết nghẹt. Ðó là một vấn đề liên hệ tới toàn Âu châu, nơi mà sự tận tụy giúp người khác, cảm thức cộng đồng và vẻ đẹp của sự cùng nhau mơ ước và kiến tạo gia đình đông con đang bị khủng hoảng.

Vậy chúng ta hãy suy tư về tầm quan trọng của việc gìn giữ căn cội, vì chỉ khi nào có gốc rễ sâu, thì những cành mới tăng trưởng hướng lên cao và sinh nhiều hoa trái. Chúng ta hãy tự hỏi: đâu là những gốc rễ quan trọng nhất của đời tôi? Tôi có nhớ và chăm sóc nó không?

Hình ảnh những cây cầu

Sau những căn cội, bây giờ đến hình ảnh thứ hai: là những cây cầu. Từ 150 năm khi ba thành phố họp lại, Budapest vẫn nổi tiếng vì những cây cầu bắc ngang và liên kết các phần của thành phố với nhau. Ðiều đặc biệt được nhắc đến trong các cuộc gặp gỡ với chính quyền là tầm quan trọng của sự kiến tạo những cây cầu hòa bình giữa các dân tộc khác nhau. Ðặc biệt đó là ơn gọi của Âu châu, trong tư cách là "cầu hòa bình", đại lục này vốn được bao gồm những khác biệt và đón nhận những ai đến gõ cửa nước mình. Theo nghĩa này, thật là đẹp khi chiếc cầu nhân đạo được kiến tạo cho bao nhiêu người tị nạn từ Ucraina láng giềng, mà tôi đã được gặp, và ngưỡng mộ cả hệ thống bác ái rộng lớn của Giáo hội Hungary.

Ðất nước Hungary này dấn thân nhiều trong việc kiến tạo "những cây cầu ngày mai": đất nước rất quan tâm săn sóc môi trường và một tương lai bền vững, và làm việc để kiến tạo những cây cầu giữa các thế hệ, trong đó có những người già và người trẻ, thách đố ngày nay không thể từ bỏ đối với mọi người. Ngoài ra có những cây cầu mà Giáo hội, như thấy trong cuộc gặp gỡ, được kêu gọi hướng về con người ngày nay, vì việc loan báo Chúa Kitô không thể chỉ là lập lại quá khứ, nhưng luôn cần được canh tân, cập nhật, đến giúp những người nam nữ thời nay tái khám phá Chúa Giêsu. Và sau cùng, tôi nhớ đến với lòng biết ơn vì thánh lễ trọng thể hôm Chúa nhật, ngày 30 tháng Tư, với sự tham dự đông đảo của các tín hữu. Tôi nghĩ đến vẻ đẹp của sự kiến tạo những cây cầu giữa các tín hữu; tại đó có sự hiện diện của các Kitô hữu thuộc các nghi lễ và quốc gia khác nhau, các hệ phái Kitô khác nhau, cùng nhau hoạt động cho đất nước Hungary tốt đẹp hơn. Kiến tạo những cây cầu. Chúng ta hãy tự hỏi: trong gia đình tôi, giáo xứ và cộng đoàn của tôi, đất nước, tôi có phải là người kiến tạo những nhịp cầu, sự hòa hợp và hiệp nhất hay không?

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: Sau cùng, tôi muốn nhắc nhớ rằng vào đầu tháng Năm, người Hungary rất sùng kính Mẹ Thiên Chúa. Quốc gia này đã được thánh hiến cho Mẹ do Vua đầu tiên là thánh Stephano. Họ tôn kính và kêu cầu Ðức Mẹ mà không nêu danh của Mẹ, chỉ gọi Mẹ bằng tước hiệu Nữ Vương. Chúng ta hãy phó thác cho Nữ Vương Hungary, đất nước yêu quý này, Nữ Vương hòa bình, Nữ Vương trời cao, Ðấng chúng ta chúc tụng trong Mùa Phục sinh này. Chúng ta hãy phó thác tâm hồn cho Mẹ để chúng ta được ăn rễ sâu trong tình yêu Chúa.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Ðức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài.

Khi chào bằng tiếng Pháp, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến đoàn hành hương toàn quốc Ðức Mẹ Sức Khỏe, nhiều đoàn học sinh các trường, các giáo xứ đến từ Pháp, nhất là các chủng sinh các chủng viện Xuân Bích. Ngài nhắn nhủ rằng: "Trong một thế giới duy vật, chúng ta hãy cầu xin Chúa giữ gìn chúng ta được bám rễ sâu trong Chúa Kitô, Ðấng dạy chúng ta hãy không ngừng tận hiến cho anh chị em mình và trở nên những cây cầu giữa con người, để xây dựng một thế giới huynh đệ hơn và tôn trọng thiên nhiên".

Khi chào bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha nhắc đến các nhóm đến từ Tchad, Nigeria, Uganda, New Zealand, Ấn Ðộ, Indonesia, Philippines, Canada và Mỹ.

Khi chào bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha đặc biệt chào Ban giám đốc và các chủng sinh thuộc Ðại chủng viện Giáo phận Tarnow đến hành hương dưới sự hướng dẫn của Ðức giám mục bản quyền. Ngài nói thêm rằng: "Hôm nay là lễ Ðức Mẹ Nữ Vương Ba Lan. Tôi nhớ lại cuộc tông du của tôi và những cuộc gặp gỡ không thể quên được với những người Hungary mà anh chị em có những quan hệ chặt chẽ đến độ họ là những anh chị em họ. Thật là điều ý nghĩa vì cả hai nước đều tôn xưng Mẹ Maria là Nữ Vương của mình. Anh chị em hãy khẩn cầu sự chuyển cầu của Ðức Mẹ cho đất nước anh chị em và toàn Âu châu, cầu xin ơn bền đỗ trong đức tin, hiệp nhất và cộng tác hài hòa, nhưng nhất là xin ơn hòa bình, đặc biệt tại đất nước Ucraina láng giềng của anh chị em.

Khi chào bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tham dự viên cuộc hội thảo do Ðại học Thánh Giá tổ chức, Huynh đoàn Chân phước Angolo da Furci và nhiều giáo xứ, các tu sĩ nam nữ hiện diện.

Sau cùng, Ðức Thánh cha nói: "Như thường lệ, tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao tuổi cũng như các đôi tân hôn. Trong tháng Năm mới bắt đầu, tôi mời gọi anh chị em hãy canh tân lòng sùng kính Ðức Mẹ. Tôi khuyến khích anh chị em hãy đào sâu sự hiểu biết về Mẹ Maria, đi vào cuộc sống thân mật con thảo với Mẹ, đón nhận Mẹ như mẫu gương tinh thần và mẫu gương về lòng trung thành với Chúa Kitô".

"Tôi cũng phó thác cho Ðức Mẹ là Mẹ an ủi và là Nữ Vương Hòa bình, dân tộc Ucraina đau thương. Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em".

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page