Bài nói chuyện của Ðức Phanxicô

với giới trẻ Hung Gia Lợi

 

Bài nói chuyện của Ðức Phanxicô với giới trẻ Hung Gia Lợi.

Vu Van An

Budapest (VietCatholic News 30-04-2023) - Hồi 16 giờ 30 ngày 29 tháng 4 năm 2023, Ðức Phanxicô đã tới Vận động trường Papp László ở Budapest để gặp gỡ khoảng 12,000 bạn trẻ Hung Gia Lợi.

Trong bài nói chuyện với họ, ngài nhấn mạnh vai trò không thể thay thế được của tuổi trẻ trong lịch sử Giáo Hội và thế giới.

Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài phát biểu của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:

 

Disértessék a Jézus Krisztus! [Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô!]

Anh chị em thân mến, tôi muốn nói koszonom! [cảm ơn!] vì điệu nhảy, bài hát và chứng ngôn can đảm của anh chị em. Tôi cảm ơn mỗi anh chị em đã có mặt ở đây ngày hôm nay: Tôi rất vui được ở bên anh chị em! Cảm ơn.

Ðức Cha Ferenc đã nói với chúng ta rằng tuổi trẻ là thời gian cho những câu hỏi và câu trả lời quan trọng. Ðó là sự thật, và điều quan trọng là anh chị em phải có ai đó động viên và lắng nghe câu hỏi của anh chị em, không phải để đưa ra cho anh chị em những câu trả lời đơn giản, đóng gói sẵn, vô ích và không thể làm chúng ta hạnh phúc, mà giúp anh chị em dũng cảm đối diện với cuộc phiêu lưu của cuộc sống khi anh chị em tìm kiếm câu trả lời đúng. Ðó chính xác là những gì Chúa Giêsu đã làm. Bertalan, con đã nói rằng Chúa Giêsu không phải là nhân vật trong truyện hay siêu anh hùng trong truyện tranh, và điều đó đúng. Người là Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, Thiên Chúa hằng sống đến gần chúng ta. Chúa Giêsu là một người bạn, người bạn tốt nhất. Người là một người anh, người anh em tốt nhất, và Người rất giỏi trong việc đặt câu hỏi. Chúng ta đọc trong Tin Mừng rằng Người, Người Thầy, luôn đặt câu hỏi trước khi trả lời. Tôi nghĩ đến lúc Người đối diện với người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, người mà tất cả mọi người đều chỉ tay chỉ trích. Chúa Giêsu lên tiếng, và những người buộc tội cô rời đi. Người còn lại một mình với cô và Người nhẹ nhàng hỏi cô: "Này chị, họ đâu rồi? Không có ai lên án chị sao?" (Ga 8:10). Cô trả lời: "thưa Chúa, không ai cả" (c. 11). Ngay lúc nói, cô nhận ra rằng Chúa không muốn kết án cô, mà là tha thứ cho cô. Hãy ghi nhớ điều này: Thiên Chúa không muốn kết án, nhưng muốn tha thứ. Thiên Chúa luôn tha thứ. Ðừng quên điều đó! Chúa luôn tha thứ; Người luôn ở đó để nâng chúng ta lên bất cứ khi nào chúng ta gục ngã! Với Người ở bên cạnh, chúng ta đừng bao giờ sợ hãi tiến bước trong cuộc sống của mình. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến Maria Mađalêna - một người phụ nữ có quá khứ! - người vào buổi sáng Phục sinh là người đầu tiên nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh. Khi bà đang đứng khóc bên ngôi mộ trống, Chúa Giêsu đến và hỏi bà: "Này chị, sao chị khóc? Chị đang tìm ai? (Ga 20:15). Nghe câu hỏi này, Maria Mađalêna đã mở lòng ra, trút bỏ buồn sầu và bộc lộ những ước muốn sâu xa nhất trong lòng mình: "Chúa ở đâu?".

Chúng ta cũng có thể nhìn vào cuộc gặp gỡ đầu tiên của Chúa Giêsu với những người sẽ trở thành môn đệ của Người. Hai người trong số họ, được Gioan Tẩy Giả sai đến, bắt đầu đi theo Chúa Giêsu. Chúa quay sang họ và hỏi một câu duy nhất: "Các anh đang tìm gì vậy?" (Ga 1:38). Tôi cũng hỏi mỗi anh chị em một câu hỏi; hãy trả lời nó lặng lẽ trong trái tim của anh chị em. Câu hỏi của tôi là: "anh chị em tìm kiếm điều gì? Anh chị em đang tìm kiếm điều gì trong cuộc sống? Anh chị em đang tìm kiếm điều gì trong trái tim mình?" Thầm lặng, hãy để mỗi chúng ta tự trả lời trong chính mình. Tôi tìm kiếm điều gì? Chúa Giêsu không rao giảng cho họ, nhưng đồng hành với họ, và với mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đi sát bên ta. Người không muốn các môn đệ của Người giống như những đứa trẻ học trò chỉ lặp lại những bài học đã học, mà là những người trẻ tự do và đang tiến bước, những người bạn đồng hành của một Thiên Chúa biết lắng nghe nhu cầu của họ và quan tâm đến ước mơ của họ. Rồi, một thời gian sau, hai đệ tử trẻ tuổi của Người phạm sai lầm - các đệ tử của Người thường phạm sai lầm! - và họ xin Chúa Giêsu một điều sai lầm, tức là ngồi bên phải và bên trái của Người khi Người lên làm vua, vì họ muốn leo lên vị trí cao hơn. Ðiều đáng chú ý là Chúa Giêsu không quở trách họ vì sự táo bạo của họ. Người không nói: "Sao các con dám bạo? Ðừng mơ về những thứ như vậy nữa!" Không, Chúa Giêsu không tham vọng của họ tan vỡ, nhưng chỉ dạy họ cách đúng đắn để đạt được chúng. Người chấp nhận mong muốn trở nên vĩ đại của họ, điều đó tốt, nhưng Người nhấn mạnh một điều mà chúng ta cũng phải luôn nhớ: không phải bằng cách giẫm đạp lên người khác mà chúng ta trở nên vĩ đại, mà bằng cách cúi xuống giúp đỡ họ. Chúng ta không đạt được sự vĩ đại bằng sự hy sinh của người khác, nhưng bằng cách phục vụ họ (x. Mc 10:35-45). Như anh chị thấy đấy, anh chị em thân mến, Chúa Giêsu muốn chúng ta hoàn thành những điều vĩ đại. Người không muốn chúng ta lười biếng "ngồi coi truyền hình"; Người không muốn chúng ta im lặng và rụt rè; thay vào đó, Người muốn chúng ta sống động, tích cực, sẵn sàng đảm nhận và làm nên lịch sử. Người không bao giờ chê bai những kỳ vọng của chúng ta mà ngược lại, Người nâng cao những mong muốn của chúng ta. Chúa Giêsu đồng ý với một câu châm ngôn của anh chị em, mà tôi hy vọng rằng tôi sẽ phát âm chuẩn: Aki mer az nyer [Người dám làm, sẽ giành được giải thưởng].

Anh chị em cũng có thể hỏi: làm thế nào để chúng ta chiến thắng trong cuộc sống? Cũng như trong thể thao, có hai bước cơ bản. Ðầu tiên, nhắm mục tiêu cao, sau đó huấn luyện. Nhắm mục tiêu cao. Anh chị em có tài năng không? Tất nhiên anh chị em có, mọi người đều có! Ðừng gạt nó sang một bên, nghĩ rằng những điều tối thiểu nhất cũng đủ mang lại hạnh phúc: bằng cấp, công việc kiếm tiền, vui chơi# Không! Hãy sử dụng tốt các tài năng của anh chị em. Anh chị em có những đức tính tốt không? Hãy đầu tư vào nó, đừng sợ! Trong thâm tâm anh chị em có cảm thấy mình có khả năng giúp đỡ người khác không? Anh chị em có cảm thấy yêu mến Chúa, có một gia đình đông con, giúp đỡ những người túng thiếu là tốt biết bao không? Sau đó tiếp tục, đừng nghĩ rằng đây là những mong muốn không thể đạt được. Thay vào đó, hãy đầu tư vào những mục tiêu lớncủa cuộc sống! Như thế, đây là bước đầu tiên, để nhắm mục tiêu cao. Thứ hai là huấn luyện. Anh chị em huấn luyện ra sao? Qua việc đối thoại với Chúa Giêsu, Người là huấn luyện viên giỏi nhất. Người lắng nghe anh chị em, khuyến khích anh chị em, tin tưởng vào anh chị em. Anh chị em có biết điều đó không? Chúa Giêsu tin tưởng anh chị em và có thể phát huy những điều tốt nhất nơi anh chị em. Người liên tục mời anh chị em trở thành một thành viên trong nhóm, không bao giờ một mình mà cùng với những người khác: điều này rất quan trọng. Nếu anh chị em muốn trưởng thành và phát triển trong cuộc sống, hãy luôn là một thành viên trong nhóm, trong cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm của anh chị em với người khác. Chẳng hạn, tôi nghĩ về kinh nghiệm của Ngày Giới trẻ Thế giới, vì vậy tôi sẽ nhân cơ hội này mời các anh chị em tham dự ngày sắp tới, sẽ được tổ chức tại Bồ Ðào Nha, ở Lisbon, vào đầu tháng Tám. Ngày nay có một cơn cám dỗ lớn muốn hài lòng với một chiếc điện thoại di động và một vài người bạn. Thật đáng tiếc! Ngay cả khi nhiều người sẵn sàng chấp nhận điều đó, hoặc ngay cả khi anh chị em cũng chấp nhận, nó vẫn không tốt hay lành mạnh. Anh chị em không thể khép mình trong những nhóm nhỏ bạn bè, chỉ nói chuyện qua điện thoại di động. Làm như vậy - cho phép tôi nói lớn - là hơi ngu ngốc.

Có một yếu tố quan trọng của việc huấn luyện mà con, Krisztina, đã nhắc nhở chúng ta khi con nói rằng ngày nay, giữa tất cả chúng ta đang hối hả chạy quanh, với quá nhiều hối hả lăng xăng, có một điều gì đó thiết yếu mà những người trẻ tuổi và cả người lớn đang thiếu. Anh chị em nói, "Chúng con không dành thời gian cho sự im lặng giữa tiếng huyên náo này, bởi vì chúng con sợ cô đơn; kết quả là mỗi ngày chúng con đều cảm thấy mệt mỏi". Cảm ơn con đã nói với chúng ta điều này, Krisztina. Ðiều tôi muốn nói với anhchị em là thế này: đừng sợ bơi ngược dòng, dành chỗ cho một khoảnh khắc thinh lặng mỗi ngày, một khoảnh khắc để dừng lại và cầu nguyện. Ngày nay, chúng ta tràn ngập nhắn nhe nói rằng chúng ta phải nhanh, phải hữu hiệu và thực tế hoàn hảo, giống như những cỗ máy - mặc dù, các bạn thân mến, chúng ta không phải là những cỗ máy! Rồi, chúng ta thường thấy mình hết xăng và không biết phải làm gì. Chúng ta phải học cách dừng lại và đổ đầy bình, để sạc lại pin. Tuy nhiên, ở đây, tôi cũng muốn nói: hãy cẩn thận đừng đắm chìm trong tâm trạng ủ rũ hoặc nghiền ngẫm về những rắc rối của anh chị em. Ðừng lãng phí thời gian nghĩ xem ai đã làm điều này điều nọ với mình, đặt câu hỏi về động cơ của người khác. Ðiều đó cũng không tốt hay lành mạnh; trên thực tế, nó chuốc độc và tốt nhất nên tránh nó.

Im lặng là mảnh đất để chúng ta vun đắp những mối liên hệ tốt đẹp. Nó cho phép chúng ta phó thác cho Chúa Giêsu bất cứ điều gì chúng ta đang cảm thấy, mang đến cho Người khuôn mặt và tên tuổi, chia sẻ những khó khăn của chúng ta, nhớ đến bạn bè và cầu nguyện cho họ. Sự thinh lặng giúp chúng ta có cơ hội đọc một trang Tin Mừng có thể nói với tâm hồn chúng ta, để tôn thờ Thiên Chúa, để lấy lại bình an nội tâm. Sự im lặng cho phép chúng ta chọn một cuốn sách mà chúng ta không cần phải đọc, nhưng là cuốn sách có thể giúp chúng ta học cách đọc được trái tim con người. Im lặng cho phép chúng ta quan sát thiên nhiên, để chúng ta không chỉ tiếp xúc với các thiết bị và đồ dùng mà còn khám phá vẻ đẹp tự nhiên xung quanh chúng ta. Im lặng không phải để ngồi dán mắt vào điện thoại di động hoặc trên mạng xã hội. Không, xin làm ơn! Cuộc sống là thật chứ không phải ảo. Nó không diễn ra trên màn hình, mà là trên thế giới! Xin đừng "ảo hóa" cuộc sống! Tôi xin nhắc lại: đừng ảo hóa nó, vì cuộc sống là cụ thể. Hiểu chứ?

Như thế, thinh lặng là cánh cửa của cầu nguyện, và cầu nguyện là cánh cửa của tình yêu. Dóra, cha muốn cảm ơn con vì con đã nói với chúng ta một điều tuyệt vời, từ kinh nghiệm của chính con: rằng đức tin là một câu chuyện tình yêu, nơi mỗi ngày con đối đầu với những vấn đề của tuổi mới lớn, nhưng con biết rằng luôn có Ai đó ở bên cạnh con, Ai đó ở đó vì con, và Ðấng đó là Chúa Giêsu. Người không ngần ngại giúp con vượt qua mọi trở ngại trên con đường của con. Cầu nguyện giúp con trong việc này, bởi vì cầu nguyện là đối thoại với Chúa Giêsu, cũng như Thánh lễ là cuộc gặp gỡ với Người, và Xưng tội là cái ôm mà con nhận được từ Người. Ðiều này làm cha nhớ đến nhạc sĩ vĩ đại của các con Franz Liszt. Trong quá trình phục hồi cây đàn piano của ông, người ta đã tìm thấy một số hạt từ chuỗi tràng hạt của ông; tràng hạt đã bị đứt và những hạt đó đã rơi vào nhạc cụ. Ðiều này khiến chúng ta nhận ra rằng trước khi sáng tác hoặc biểu diễn, có lẽ ngay cả sau giây phút thích thú với cây đàn piano, ông thường cầu nguyện. Ông đã nói chuyện với Chúa và Ðức Mẹ về những gì ông yêu thích và ông đã mang nghệ thuật và tài năng của mình để cầu nguyện. Cầu nguyện không nhàm chán! Chúng ta là những người làm cho nó nhàm chán. Cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ với Chúa, một cuộc gặp gỡ đẹp đẽ. Vì vậy, khi các con cầu nguyện, đừng ngại trình bày với Chúa Giêsu mọi điều đang diễn ra trong cuộc đời các con: cảm xúc và nỗi sợ hãi, vấn đề và kỳ vọng, ký ức và hy vọng, mọi thứ, kể cả tội lỗi của các con. Chúa Giêsu hiểu tất cả. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại của cuộc sống; cầu nguyện là cuộc sống. Bertalan, hôm nay con đã không xấu hổ khi nói với mọi người về nỗi lo lắng đôi khi đeo bám con và về những cuộc đấu tranh của con với đức tin. Thật là một điều đẹp đẽ khi có được lòng can đảm và trung thực này. Thay vì phải hành động như thể con không bao giờ sợ hãi, con có thể tự do chia sẻ sự yếu đuối của mình với Chúa và với những người khác, mà không cần che giấu hay ngụy trang bất cứ điều gì, không cần đeo mặt nạ. Cảm ơn vì chứng từ của con, Bertalan. Cảm ơn! Trên mỗi trang, Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa không làm những điều vĩ đại với những người xuất chúng, nhưng với những người bình thường và yếu đuối như chính chúng ta. Những người chỉ biết trông cậy vào khả năng của mình, và luôn lo lắng để tỏ ra tốt đẹp trước mặt người khác, họ đã giữ Thiên Chúa xa cách lòng họ vì họ chỉ quan tâm đến bản thân mình. Chúa Giêsu, bằng những câu hỏi và bằng tình yêu của Người, cùng với Thánh Thần của Người, tác động sâu xa trong chúng ta để biến chúng ta thành những con người thực sự, đích thực. Và ngày nay chúng ta rất cần những con người thực sự và đích thực như vậy. Ðể tôi nói cho các bạn biết một điều: các bạn có biết mối nguy hiểm ngày nay là gì không? Là một người giả tạo. Xin đừng bao giờ là con người giả tạo, hãy luôn là con người thật và chân thật của các bạn! "Nhưng thưa Cha, con xấu hổ vì con người thật của con không tốt; cha biết đấy, thưa cha, con có một số điều ở bên trong..." Hãy nhìn về phía trước, với Chúa, hãy can đảm lên! Chúa muốn chúng ta theo cách chúng ta đang là, cách chúng ta bây giờ, và Người yêu chúng ta theo cách của chúng ta. Hãy can đảm và tiến về phía trước! Ðừng sợ sự nghèo nàn của các bạn.

Về vấn đề này, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có ấn tượng đối với những gì con nói, Tódor ạ, bắt đầu bằng tên của con, tên này tôn vinh Chân phước Theodore, một vị tuyên xưng đức tin vĩ đại, người đã truyền cảm hứng để chúng ta không sống nửa vời. Con muốn đưa ra một "lời cảnh tỉnh", nhắc nhở chúng ta rằng lòng nhiệt thành của chúng ta đối với sứ mệnh có thể bị giảm sút khi sống trong an ninh và thoải mái, trong khi không xa đây, chiến tranh và đau khổ là thực tại hàng ngày. Ðây là thách thức thực sự: kiểm soát cuộc sống của chúng ta để giúp thế giới của chúng ta sống trong hòa bình. Mỗi người chúng ta nên đặt ra câu hỏi khó chịu: Tôi đang làm gì cho người khác, cho xã hội, tôi đang làm gì cho Giáo hội hay cho kẻ thù của tôi? Tôi có chỉ nghĩ về bản thân mình không? Hay tôi tự đặt mình vào thế nguy hiểm vì người khác, mà không tính toán đến lợi ích của chính mình? Xin vui lòng để chúng ta suy niệm về khả năng quảng đại, khả năng yêu thương, yêu thương như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, đó là yêu thương và phục vụ tha nhân.

Các bạn thân mến, có một điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Ðó là một trang Tin Mừng tóm tắt tất cả những gì chúng ta đã nói. Cách đây một năm rưỡi, tôi đã đến đây dự Ðại hội Thánh Thể. Trong chương sáu của Tin Mừng Gioan, có một đoạn Thánh Thể tuyệt đẹp với một người trẻ ở trung tâm. Anh là một phần của đám đông đang lắng nghe Chúa Giêsu, và anh đã lên kế hoạch trước: anh mang theo bữa ăn trưa của mình. Chúa Giêsu chạnh lòng thương đám đông hơn năm ngàn người, và muốn cho họ ăn; vì vậy, một lần nữa theo cách điển hình của mình, Người đặt câu hỏi cho các môn đồ để khiến họ hành động. Người hỏi một người trong số họ làm sao có thể cho đám đông ăn, và nhận được câu trả lời của một "nhân viên kế toán": "Sáu tháng lương cũng không đủ mua bánh cho mỗi người một ít" (Ga 6:7). Như thể muốn nói: về mặt toán học, đó là điều bất khả. Trong khi đó, một môn đệ khác nhìn thấy người thanh niên và đưa ra một nhận xét bi quan không kém: "Ở đây có một cậu bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng chúng là gì với số quá nhiều người như thế này?" (câu 9). Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, năm chiếc bánh và hai con cá đó là đủ, đủ để thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ðối với chúng ta cũng vậy: những điều nhỏ nhặt chúng ta có, ngay cả tội lỗi của chúng ta, cũng đủ cho Chúa Giêsu. Và chúng ta nên làm gì? Ðặt chúng vào tay Chúa Giêsu: thế là đủ.

Tuy nhiên, có một chi tiết mà Tin Mừng không cho chúng ta biết, mà để chúng ta tự tưởng tượng. Làm thế nào các môn đệ thuyết phục được người thanh niên dâng tất cả những gì mình có? Họ có thể đã yêu cầu anh hiến bữa trưa của mình, và anh có thể đã nhìn quanh, thấy hàng ngàn người, và có lẽ đã trả lời như họ đã trả lời, bằng cách nói: "Không đủ đâu; Tại sao các ông lại hỏi tôi mà không tự mình giải quyết việc này, trong tư cách môn đệ của Chúa Giêsu? Tôi là ai?" Có lẽ họ cũng nói với anh rằng chính Chúa Giêsu là người đang yêu cầuDù sao, chàng trai trẻ làm một điều phi thường: anh ta tín thác. Người thanh niên đó, người mang theo bữa trưa của mình, đã tín thác; anh cho đi tất cả, không giữ lại gì. Anh đã đến đó để nhận từ Chúa Giêsu, và bây giờ anh ta thấy mình dâng hiến cho Chúa Giêsu. Tuy nhiên, đó là cách phép lạ đã xảy ra. Nó bắt đầu bằng việc chia sẻ: Việc hóa bánh và cá ra nhiều của Chúa Giêsu bắt đầu với một người trẻ tuổi đã chia sẻ với Người, vì lợi ích của những người khác. Trong tay Chúa Giêsu, ít ỏi mà anh sở hữu trở nên nhiều. Ðức tin là như vậy: nó bắt đầu bằng việc cho đi một cách tự do, với sự nhiệt tình và quảng đại, vượt qua nỗi sợ hãi của chúng ta và tiến bước! Các bạn thân mến, mỗi người các bạn đều quý giá đối với Chúa Giêsu và cả với tôi nữa! Hãy nhớ rằng không ai có thể thay thế vị trí của các bạn trong lịch sử thế giới và Giáo hội: không ai có thể thay thế vị trí của các bạn, không ai có thể làm điều mà chỉ các bạn mới có thể làm được. Vì vậy, chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau để tin rằng chúng ta được yêu thương và quý giá, rằng chúng ta được tạo ra cho những điều vĩ đại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều này và khuyến khích nhau trong điều này! Tôi cũng yêu cầu các bạn giúp tôi bằng những lời cầu nguyện của các bạn. Koszonom! [Cảm ơn!]

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page