Công bố văn kiện Bangkok,

về chương trình hành động

của các Giáo hội Công giáo tại Á châu

 

Công bố văn kiện Bangkok, về chương trình hành động của các Giáo hội Công giáo tại Á châu.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Kalookan (RVA News 17-03-2023) - Hôm 15 tháng Ba năm 2023, Văn kiện Bangkok về chương trình hành động của các Giáo hội Công giáo tại Á châu đã được công bố.

Văn kiện đúc kết những suy tư được các đại biểu của các Hội đồng Giám mục tại Á châu, trình bày trong khóa họp hồi tháng Mười năm 2022 tại Bangkok, Thái Lan, trong tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng Mười năm 2023 và năm 2024, tại Roma về chủ đề: "Tiến tới một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng".

Văn kiện Bangkok được Ðức cha Pablo Virgilio David, Giám mục Giáo phận Kalookan, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines, công bố trực tuyến. Ðức cha đã hướng dẫn một Ủy ban thu hẹp làm việc trong những tháng qua kể kiện toàn dự thảo tổng quát đã được thông qua vào cuối khóa họp hồi tháng Mười năm 2022 của các Hội đồng Giám mục Á châu.

Văn kiện Bangkok gồm năm chương, được dàn ra theo năm động từ trong hành trình của các Ðạo sĩ trên đường đến Bethlehem thờ lạy Chúa Hài Ðồng: (1) "đồng hành" nói về đề tài hiệp hành, (2) "quan sát" trình bày những thách đố đang nảy sinh tại Á châu ngày nay. Chương (3) "phân định" nói về những câu trả lời cho những thách đố mục vụ, (4) "dâng lễ vật" trình bày tương quan giữa các Giáo hội tại Á châu với Giáo hội hoàn vũ, sau cùng là (5) "đi theo những con đường mới" về đường lối hiện diện mục vụ ngày nay tại Á châu.

Về những thách đố đang được đề ra cho các xã hội tại Á châu, Văn kiện Bangkok nói đến chín điều mới, đó là: (1) tình trạng những người di dân, tị nạn và các thổ dân bản xứ, thường bị trục xuất khỏi đất đai nguyên quán của họ; (2) tiếp đến là gia đình nền tảng của xã hội; (3) thứ ba là những vấn đề liên quan đến căn tính về giống: (4) thứ tư là vai trò gia tăng của phụ nữ trong các xã hội biến chuyển mau lẹ; (5) thứ năm: tương quan giữa những người trẻ và thế giới ngày nay; (6) thứ sáu: ảnh hưởng của các kỹ thuật số; (7) thứ bảy: nhu cầu cần có một nền kinh tế công bằng đứng trước những biến đổi do sự thành thị hóa và hoàn cầu hóa tạo ra, (8) khủng hoảng khí hậu đe dọa căn nhà chung, (9) đối thoại liên tôn.

Ðối với mỗi thách đố đó, Văn kiện kêu gọi các Giáo hội tại Á châu thi hành những hoạt động mục vụ: từ sự quan tâm đến gia đình, tới các vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các cộng đoàn Giáo hội, từ việc sử dụng có ý thức hơn đối với các kỹ thuật số đến việc thăng tiến những nhịp cầu đối thoại và hòa giải sau những vết thương xảy ra tại bao nhiêu miền ở Á châu.

Một dấn thân khác các Giáo hội Á châu được kêu gọi tiến hành là sự thích ứng các hành trình đào tạo giáo sĩ với bối cảnh và văn hóa Á châu.

Về những "Con đường mới" cần đi theo, các Giáo hội tại Á châu đề ra năm con đường cụ thể: trước tiên là trong việc loan báo Tin mừng, văn kiện cầu mong có bước tiến từ một mô thức với kiểu mẫu thịnh hành đến một lối tiếp kiến thực sự hội nhập văn hóa. Cả các Cộng đoàn cơ bản, rất thịnh hành tại Á châu, cũng được kêu gọi mở rộng "căn lều" của mình và trở thành những thực tại nhìn ra ngoài ranh giới của mình, để mở rộng tình huynh đệ giữa những người thuộc các tôn giáo khác. Trong đời sống Giáo hội, có đề nghị tăng cường chất lượng đối thoại theo thể thức đồng hành thực sự. Trong việc loan báo Tin mừng, cần tiến từ việc công bố trừu tượng tới việc kể chuyện về đức tin được hội nhập vào cuộc sống.

Sau cùng, như một lối sống và hoạt động tổng quát, Văn kiện kêu gọi hãy ra khỏi những con đường cũ, để biết đương đầu với những thách đố mới về mục vụ, theo gương các đại thừa sai, ví dụ cha Matteo Ricci ở Trung Quốc và Alessandro Valignano ở Ấn Ðộ, Macao và Trung Quốc hồi thế kỷ XVI đã hội nhập đức tin vào văn hóa Á châu.

Ðức Hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Giáo phận Mumbai, Ấn Ðộ, người đã phối hợp công việc của khóa họp các Hội đồng Giám mục Á châu, nhận định rằng: "Văn kiện Bangkok này là một bản văn chúng tôi gửi tới các Giáo hội tại Á châu để suy tư, cầu nguyện và chọn lựa những ưu tiên cho mình. Tôi nghĩ rằng, cũng như Văn kiện Aparecida ở Mỹ châu Latinh, Văn kiện Bangkok này sẽ là điểm tham chiếu cho các cộng đoàn chúng ta trong 5 năm, 10 năm tới đây. Ðó là một sự chỉ dẫn cần theo để là một Giáo hội cho Á châu và thế giới tốt đẹp hơn. Ðó là sứ mạng mà Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta".

(Asia News 15-3-2023)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page