Những tiếng nói của các nữ giáo dân

trong Hội nghị cấp Lục địa Châu Á

về một Giáo Hội Hiệp Hành

 

Những tiếng nói của các nữ giáo dân trong Hội nghị cấp Lục địa Châu Á về một Giáo Hội Hiệp Hành.

Mary Trần Vy chuyển dịch Việt ngữ


Nhiều phụ nữ cũng đã được chọn để làm đại biểu đại diện cho quốc gia của họ.


Bangkok (VTW 26-02-2023) - Có mười hai phụ nữ đang tham gia Hội nghị cấp Ðại lục Á Châu tại Bangkok để chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 16. Ngoài các vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục là thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), mỗi Hội đồng Giám mục còn có thêm hai đại biểu để tham dự Hội nghị cấp Á Châu lần này. Trong các đại biểu của Hội nghị, nhiều phụ nữ cũng đã được chọn để làm đại biểu đại diện cho quốc gia của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn Video với Vatican News, các phụ nữ này cũng đã bày tỏ những chia sẻ cụ thể là những tầng lớp mà những người này đang đại diện, và tiếng nói của họ cũng luôn được mọi người trong Hội nghị chú ý lắng nghe.

Rita Roseline Costa đại diện cho Bangladesh. Thông điệp của cô ấy đại diện cho nhiều phụ nữ khác sống ở Bangladesh. "Tôi muốn nói rằng trong tiến trình Thượng hội đồng, chúng tôi luôn sát cánh cùng các bạn. Và tiếng nói của chúng ta nên được lắng nghe. Hãy xem xét tiếng nói của chúng tôi và chúng tôi không bị loại trừ." Rita kết luận: "Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt trên thế giới."

Joy Candelario đại diện cho Philippines. Cô ấy cũng mang đến cho Hội nghị những tiếng nói của nhiều phụ nữ khác đang làm việc  truyền giáo: "Tôi đại diện cho những giáo dân đang tích cực tham gia vào việc truyền giáo." Cô nói tiếp: "Tất cả những tiếng nói mà chúng tôi đã nghe trong quá trình đồng nghị từ các giáo xứ, giáo phận và nhiều khu vực khác ở Philippines - rất nhiều tiếng nói gây lo lắng, làm chúng tôi xúc động, những tiếng nói bị tổn thương theo nhiều cách và cũng có nhiều tiếng nói chưa được lắng nghe đầy đủ trong Giáo Hội." Niềm hy vọng của cô Joy là một ngày nào đó tất cả những người này có thể tham gia, rằng "họ sẽ có một không gian thuộc về họ và họ cũng sẽ cùng đồng hành chung với chúng tôi vì họ cũng là Giáo hội."

Anna Amandus đại diện cho Malaysia/Singapore/Brunei.  Cô mang đến cho Hội nghị "tiếng nói của những cặp vợ chồng đã kết hôn hơn 5 năm nhưng vẫn chưa có con. Cô Anna hy vọng rằng các cặp vợ chồng đang trải qua những khó khăn này cũng có thể nhận được những "thành quả của thông điệp" từ Hội nghị lần này. Cô ấy cũng hy vọng rằng những cặp vợ chồng này "sẽ không bỏ cuộc," rằng họ sẽ tiếp tục "có niềm tin vào Chúa cho dù bất kể điều gì sẽ xảy ra." Anna kết luận, "chúng tôi tin rằng mọi sự xảy ra, luôn có những lý do của nó."

Rosalia Cho-Cho-Tin rất vui mừng khi được đại diện cho Myanmar. Cô Rosalia nói: "Ðây là một khoảnh khắc ân sủng đối với chúng tôi." Cô ấy biết rằng cô ấy không tham dự Hội nghị chỉ vì bản thân mình. "Người dân của tôi, đất nước của chúng tôi và Giáo hội đang ở bên tôi. Tôi ở đây không chỉ vì tôi mà vì đất nước của tôi. Tôi luôn cầu nguyện cho hòa bình và công lý cho đất nước của tôi."

Teresa Wu đại diện cho Ðài Loan. Cô vinh dự "được mang tiếng nói và kỳ vọng của họ tới Hội nghị cấp Lục Ðịa lần này." Cô nói tiếp: "Ở đây, chúng tôi mang tiếng nói của mình, những tiếng nói chúng tôi đã lắng nghe. Hy vọng, trong dịp này, tôi cũng sẽ mang theo những tiếng nói của Hội nghị khi quay trở về."

Akemi Tsuji đại diện cho Nhật Bản. Cô đã mang đến với Hội nghị sự cần thiết của "sự hiểu biết và đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo giữa các nhóm dân tộc ở Nhật Bản." Cô Akemi nói tiếp: "Ðây là một điều quan trọng ở châu Á."

Estela Padilla, đến từ Philippines, là thành viên của Nhóm Phân biện và Ghi chép lại các hành trình của Hội nghị. Cô cũng là thành viên của ban thư ký Liên Hội Ðồng Giám mục Á Châu (FABC). Cô Estela nói: "Tôi cảm thấy tiếng nói của người dân bản địa đang bị thiếu. "Sáu mươi phần trăm người dân bản địa trên thế giới sống ở châu Á. Chúng tôi đang nói về họ nhưng họ đã không nói. Những người khác đang nói cho họ. Người dân bản địa, đặc biệt là phụ nữ, là những người mang những nét văn hóa bản địa mà chúng ta có. Là những người mẹ, họ truyền lại văn hóa của mình cho con cái. Họ là những người mang các nền văn hóa bản địa, nơi tìm thấy sự khôn ngoan nhất. Ngoài ra, hầu hết những người cứu chữa những người bản địa là phụ nữ. Sẽ thật tuyệt nếu được nghe tiếng nói của họ."

(Bản dịch Việt ngữ từ bài tường thuật của Sr. Bernadette Reis, FSP - Bangkok)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page