Buổi cầu nguyện đại kết tại Nam Sudan

 

Buổi cầu nguyện đại kết tại Nam Sudan.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Juba (RVA News 05-02-2023) - Hoạt động cuối cùng của Ðức Thánh cha Phanxicô trong ngày 04 tháng Hai năm 2023 là buổi cầu nguyện đại kết, lúc 6 giờ chiều giờ địa phương, được diễn ra ngoài trời, trước sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu, với sự hiện diện của các giám mục Nam Sudan, đông đảo mục sư Anh giáo cùng Tin lành, cách riêng là sự có mặt của Tổng thống cũng như nhiều quan chức chính phủ Nam Sudan.

Buổi cầu nguyện diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa: sau lời chào phụng vụ của Ðức Thánh cha là lời chào mở đầu của vị Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Kitô Nam Sudan, một tổ chức quy tụ 7 Giáo hội.

Sau bài đọc Tin mừng, là huấn từ của Ðức Tổng giám mục Giáo chủ Anh giáo, và bài ngỏ của vị Thủ lãnh Tin lành Trưởng lão Ecosse. Rồi mọi người cùng đọc kinh Tin Kính, trước khi cầu nguyện theo các ý chỉ cầu cho quốc gia. Trong lúc xướng lên ý nguyện, mỗi độc viên rảy nước trên những cây được trồng trước đó, như một cử chỉ hiệp nhất.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng, trước tiên Ðức Thánh cha đề cao tầm quan trọng của sự cầu nguyện, vì những cố gắng dấn thân của các cộng đoàn Kitô trong nỗ lực thăng tiến con người, trong tình liên đới, và hòa bình sẽ vô ích nếu không có kinh nguyện. Chúng ta không thể thăng tiến hòa bình nếu trước đó không khẩn cầu Chúa Giêsu là vị Vua Hòa Bình (Is 9,6).

Cầu nguyện

Như ông Môsê khi dẫn Dân Do thái đến trước Biển Ðỏ, bị quân Ai Cập đuổi tới sau lưng, đã có thể nói với dân: "Anh chị em đừng sợ! Hãy vững mạnh và anh chị em sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa" (Xh 14,13). Sức mạnh đó đến từ sự lắng nghe Chúa (Xc cc.2-4), Ðấng đã hứa với ông là sẽ biểu dương vinh quang của Ngài. Sự kết hiệp, tín thác nơi chúa mà ông đã vun trồng trong kinh nguyện, chính là bí quyết nhờ đó ông Môsê có thể đồng hành với dân, từ tình trạng bị áp bức đến tự do.

"Cũng vậy đối với chúng ta, cầu nguyện mang lại sức mạnh để tiến bước, vượt thắng sợ hãi, nhìn thấy qua tăm tối ơn cứu độ mà Thiên Chúa chuẩn bị".

Ðức Thánh cha nói: "Anh chị em, chúng ta hãy nâng đỡ nhau trong điều này: trong các hệ phái Kitô khác nhau của chúng ta, chúng ta hãy cảm thấy mình liên kết, hiệp nhất với nhau như một gia đình duy nhất; chúng ta hãy cảm thấy mình được ủy thác cầu nguyện cho tất cả mọi người. Trong các xứ đạo, nhà thờ, các buổi thờ phượng và chúc tụng, chúng ta hãy chuyên cần và hòa hợp cầu nguyện (Cv 1,14) để Nam Sudan, như dân Chúa trong Kinh Thánh, đạt tới Ðất Hứa; được đất đai phì nhiêu và phong phú trong thanh thản và công bằng, đất đai mà họ có, để được an bình, hòa bình đã được hứa nhưng rất tiếc là chưa đến".

Hoạt động

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Chính vì hòa bình mà chúng ta được kêu gọi hoạt động. Vì Chúa Giêsu muốn chúng ta là những người xây dựng hòa bình (Mt 5,9), Chúa muốn Giáo hội của ngài không phải chỉ là một dấu chỉ và dụng cụ kết hiệp thân mật với Chúa, nhưng cũng là sự hiệp nhất toàn thể nhân loại (LG 1).

"Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hoạt động không biết mệt mỏi cho hòa bình mà Thánh Linh của Chúa Giêsu và Chúa Cha mời gọi chúng ta xây dựng; một nền hòa bình hội nhập những khác biệt, thăng tiến hiệp nhất trong sự đa nguyên. Ðó là hòa bình của Thánh Linh, hòa hợp những khác biệt, trong khi tinh thần thù địch với Thiên Chúa và con người đề cao những khác biệt để chia rẽ".

Tiến bước

Sau cùng, Ðức Thánh cha cổ võ và ca ngợi sự đồng hành giữa các tín hữu Kitô. Các cộng đoàn tại đây dấn thân mạnh trong việc thăng tiến hành trình hòa giải. Ngài đề cao chứng tá đức tin rạng ngời này. Ðức Thánh cha nói: "Thật là đẹp vì giữa bao nhiêu xung đột, việc thuộc về Kitô giáo không bao giờ phân hóa dân chúng, nhưng đã và còn là một nhân tố hiệp nhất. Gia sản đại kết của Nam Sudan là một kho tàng quý giá, một lời chúc tụng danh Chúa Giêsu, một cử chỉ yêu mến đối với Giáo hội Hiền Thê của Chúa, một tấm gương đại đồng cho hành trình hiệp nhất các tín hữu Kitô. Ðó là một gia sản cần giữ gìn trong cùng tinh thần ấy... Chủ nghĩa bộ tộc và phe phái nuôi dưỡng bạo lực tại đất nước này không được làm thương tổn mối quan hệ giữa các hệ phái Kitô tại đây, trái lại, chứng tá hiệp nhất của các Kitô hữu cần ảnh hưởng trên dân chúng".

Buổi cầu nguyện đại kết kết thúc với kinh Lạy Cha, lời nguyện và cả ba vị lãnh đạo Kitô cùng ban phép lành cho các tín hữu.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page