Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Congo

 

Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Congo.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Kinshasa (RVA News 01-02-2023) - Sáng ngày 01 tháng Hai năm 2023, Ðức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trước sự tham dự của hơn một triệu tín hữu, tại phi trường Ndolo, vùng thủ đô của Congo Dân chủ.

Ðức Thánh cha kêu gọi nhân dân nước này xác tín và tích cực góp phần mang lại hòa bình cho đất nước.

Ðây là thánh lễ công cộng duy nhất Ðức Thánh cha cử hành trong ba ngày viếng thăm tại Cộng hòa Dân chủ Congo và là hoạt động đầu tiên trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm tại nước này. Ban chiều cùng ngày, lúc 4 giờ 30, tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh, Ðức Thánh cha gặp các nạn nhân bạo lực ở miền Ðông Congo, nghe chứng từ của một số người từ bốn nơi khác nhau. Tiếp đến, vào lúc 6 giờ 30 chiều, Ðức Thánh cha gặp gỡ đại diện của sáu tổ chức từ thiện.

Thánh lễ diễn ra tại Ndolo, phi trường phụ của thủ đô Kinshasa ở mạn bắc thành phố, được dùng cho các máy bay nhẹ, dưới 15 tấn, kể từ sau tai nạn máy bay Antonov An-32 của Nga hồi tháng Giêng năm 1996.

Lúc 8 giờ 40 sáng, Ðức Thánh cha từ Tòa Sứ thần đến phi trường Ndolo, cách đó tám cây số rưỡi, và dành hơn nửa giờ đồng hồ tiến qua các lối đi ở sân bay để chào thăm các tín hữu, được phân phối trong 34 khu vực. Họ đến từ các nơi ở Congo và cả các nước láng giềng để tham dự thánh lễ duy nhất của Ðức Thánh cha, 34 năm sau cuộc viếng thăm của một vị Giáo hoàng. Nhiều tín hữu đến đây hàng giờ trước thánh lễ. Họ ca hát tưng bừng, với những cử điệu theo tiếng hát và tiếng trống. Có cả những người ngủ hai đêm trước đó tại sân cỏ của phi trường để được chỗ tốt. Ðể dân chúng có thể đến dự lễ, chính quyền Congo đã tuyên bố ngày 01 tháng Hai năm 2023 là lễ nghỉ toàn quốc. Các trường học và công xưởng, văn phòng đóng cửa.

Trong số những người hiện diện, có ông bà Tổng thống và nhiều giới chức trong chính quyền Congo.

Phần thánh ca trong buổi lễ do một ca đoàn tổng hợp, gồm 700 ca viên đảm trách.

Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có hàng trăm hồng y và giám mục thuộc đoàn tùy tùng của Ðức Thánh cha, từ 48 giáo phận Congo và các nước láng giềng, cùng với hàng ngàn linh mục.

Ðức Hồng y Ambongo Besungu, Tổng giám mục Kinshasa đã đọc và cử hành các nghi lễ tại bàn thờ thay Ðức Thánh cha, khi ngài ngồi tại chỗ.

Thánh lễ cầu cho công lý và hòa bình, được cử hành theo sách lễ Roma cho các giáo phận Zaire, và bằng tiếng Pháp và tiếng lingala ở địa phương.

Bài giảng Ðức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Thánh cha đi từ giai thoại Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ và nói với họ: "Bình an cho các con!" (Ga 20,19), và nhận định rằng: "Chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của các môn đệ: hôm nay, họ hoàn toàn choáng váng vì biến cố thập giá. Họ cảm thấy bị thương tổn trong tâm hồn vì đã bỏ rơi Thầy và chạy trốn, thất vọng vì phần kết của biến cố ấy, lo sợ sẽ phải chịu chung số phận. Nơi các môn đệ có mặc cảm tội lỗi, thất vọng, buồn sầu, sợ hãi. Vậy mà Chúa công bố bình an, trong khi tâm hồn các môn đệ đầy những đổ nát. Chúa loan báo sự sống, trong khi họ cảm thấy cái chết trong tâm hồn".

Áp dụng vào tình cảnh của nhiều người dân Congo, Ðức Thánh cha nhắn nhủ: Anh chị em, với Chúa Giêsu, sự ác không bao giờ chiếm ưu thế, không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. "Thực vậy, Người là an bình của chúng ta" (Ep 2,14), và an bình của Chúa chiến thắng. Vì thế, chúng ta là những người thuộc về Chúa Giêsu. Chúng ta không thể để cho sầu muộn trổi vượt trong chúng ta. Chúng ta không thể để cho thái độ cam chịu và chiều theo định mệnh len lỏi vào chúng ta. Nếu quanh chúng ta người ta thở hít bầu không khí ấy, đó không thể là thái độ của chúng ta: trong một thế giới nản lòng thất vọng vì bạo lực và chiến tranh, các Kitô hữu hành động như Chúa Giêsu. Người như thể nhấn mạnh, khi lập lại với các môn đệ: Bình an cho các con! Và chúng ta được kêu gọi nhận lời ấy là của mình và nói tới thế giới lời loan báo bất ngờ và mang tính chất ngôn sứ này về hòa bình".

Từ tiền đề trên đây, Ðức Thánh cha đề ra ba nguồn mạch an bình mà Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta, đó là tha thứ, cộng đoàn và sứ mạng.

Trước tiên là tha thứ: Trước khi ban cho các tông đồ quyền tha thứ, Chúa tha thứ cho họ, không phải bằng lời nói, nhưng bằng một cử chỉ: Ngài tỏ cho họ đôi bàn tay và cạnh sườn (v.20), nghĩa là tỏ cho họ những vết thương, vì sự tha thứ nảy sinh từ các vết thương. Nảy sinh khi những vết thương đã chịu không để lại những vết sẹo oán thù, nhưng trở thành nơi, trong đó có chỗ cho những người khác và đón nhận những yếu đuối của họ. Khi ấy, những yếu đuối trở thành cơ may và tha thứ trở thành con đường hòa bình... Chúa không dùng nhiều lời, nhưng Ngài mở rộng con tim bị thương, để nói với chúng ta rằng Ngài luôn bị thương tích tình yêu vì chúng ta.

Và Ðức Thánh cha nhấn mạnh rằng: "Khi tội lỗi và sầu muộn đè nén chúng ta, khi sự việc không ổn, chúng ta biết phải nhìn về đâu: nhìn các vết thương của Chúa Giêsu, Ðấng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta bằng tình thương bị thương tích và vô biên.... Cùng nhau, ngày hôm nay, chúng ta tin rằng với Chúa Giêsu, luôn có thể được tha thứ và bắt đầu lại". "Thật là tốt dường nào khi chúng ta thanh tẩy tâm hồn mình khỏi sự giận dữ, căm hận và phật lòng! Ước gì hôm nay là thời điểm thuận thiện cho bản, tại đất nước này, xưng mình là Kitô hữu, nhưng lại phạm những bạo lực; Chúa nói với bạn: "Hãy buông khí giới, và đón nhận lòng thương xót"

Sang đến nguồn mạch thứ hai của hòa bình, đó là "cộng đoàn". Chúa Giêsu Phục sinh không ngỏ lời riêng với cá nhân các môn đệ, nhưng Ngài gặp họ chung với nhau và giao phó hòa bình cho cộng đoàn đầu tiên. Không có Kitô giáo nếu không có cộng đoàn, cũng như không có hòa bình nếu không có tình huynh đệ".

Về cộng đoàn, Ðức Thánh cha cảnh giác các tín hữu trước "nguy cơ tuy ở trong cộng đoàn nhưng mỗi người chỉ lo chuyện riêng tư, tìm kiếm trong xã hội và cả trong Giáo hội quyền bính, công danh sự nghiệp, và những tham vọng, theo đuổi cái tôi thay vì tìm Thiên Chúa chân thực và rốt cuộc sẽ như những môn đệ khép kín trong nhà, trống rỗng hy vọng và đầy sợ hãi. Anh chị em, nguy hiểm của chúng ta là chạy theo tinh thần thế gian thay vì tinh thần của Chúa Kitô".

Ðối ngược với con đường trên đây, Ðức Thánh cha nhắc nhớ điều Chúa dạy qua lời ngôn sứ Isaia: "Ta ở với những người bị áp bức và sỉ nhục, để nâng tinh thần của những người khiêm tốn và hồi sinh con tim của những người bị đè nén" (Is 57,15). Con đường cần theo là chia sẻ với những người nghèo: đó chính là thuộc giải độc tốt nhất chống lại cám dỗ chia rẽ và trần tục hóa. Có can đảm nhìn những người nghèo và lắng nghe họ, vì họ là những phần tử của cộng đoàn chúng ta, chứ không phải là những người xa lạ cần xóa bỏ khỏi cái nhìn và lương tâm. Mở rộng con tim cho tha nhân, thay vì khép kín vào những vấn đề của mình và những phù phiếm của mình".

Nguồn mạch thứ ba của an bình là sứ mạng. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20,21). Chúa Cha phái Chúa Con đến để phục vụ và hiến mạng sống cho nhân loại (Xc Mc 10,45), biểu lộ lòng thương xót của Người cho mỗi người (Lc 15), tìm kiếm những người ở xa (Xc Mt 9,13). Tóm lại là Chúa Cha sai Chúa Con đến với mọi người, không phải chỉ những người công chính, nhưng tất cả mọi người".

Và Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "Anh chị em, chúng ta được kêu gọi trở thành những thừa sai hòa bình, và điều này mang lại hòa bình cho chúng ta. Ðây là một chọn lựa: dành chỗ cho mọi người trong tâm hồn, tin rằng những khác biệt chủng tộc, địa phương, xã hội và tôn giáo đến sau và không phải là những chướng ngại, tha nhân là anh chị em, là phần tử của cùng cộng đoàn nhân loại và cùng là gia đình của Thiên Chúa. Mỗi người đều là đối tượng hòa bình mà Chúa Giêsu mang đến cho trần thế. Ðó là tin rằng các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi cộng tác với tất cả mọi người, phá vỡ cái vòng bạo lực, phá bỏ những âm mưu hận thù".

Cuối thánh lễ, Ðức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng giám mục giáo phận Kinshasa sở tại, đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn Ðức Thánh cha, đồng thời trình bày tình trạng giáo phận địa phương, cũng như tình trạng đau khổ dân chúng tại Congo. Ðức Hồng y cũng nhận xét rằng cuộc viếng thăm của Ðức Thánh cha diễn ra trong năm chuẩn bị bầu cử tại Congo. Sứ điệp của ngài là một hướng dẫn cho người dân nước này, để họ bầu cử đúng đắn.

Ðức Thánh cha đã tặng cho giáo phận một chén lễ quý giá. Và Ðức Hồng y tặng cho Ðức Thánh cha bức tranh có hình Ðức Thánh cha và hình đất nước Congo.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 20 và Ðức Thánh cha trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page