Ðức Thánh cha họp báo trên máy bay

từ Kazakhstan trở về Roma

 

Ðức Thánh cha họp báo trên máy bay, từ Kazakhstan trở về Roma.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Roma (RVA News 16-09-2022) - Tại cuộc họp báo trên máy bay, trong hành trình từ Kazakhstan trở về Roma, chiều ngày 15 tháng Chín năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã bênh vực quyền tự vệ, nhưng cảnh giác chống lại những âm mưu nuôi chiến tranh và buôn bán võ khí. Ngài cũng tái bênh vực tiếp đón di dân, chống việc làm cho chết êm dịu, và đặc biệt kêu gọi kiên nhẫn trong đối thoại...

Cung cấp võ khí

Ðáp câu hỏi của một ký giả người Ðức về vấn đề cung cấp võ khí cho Ucraina, Ðức Thánh cha nói: "Ðây là một quyết định chính trị, có thể là hợp luân lý, nếu được thực hiện theo nhiều điều kiện luân lý. Nhưng việc cấp võ khí này cũng có thể là vô luân, nếu người ta làm với chủ ý tạo thêm chiến tranh, để bán võ khí, hay thải những võ khí không sử dụng nữa. Chính chủ ý là điều phần lớn xác định luân lý tính của hành động giúp võ khí. Tự vệ không những là điều hợp pháp, nhưng cũng là một sự biểu lộ lòng yêu mến tổ quốc. Ai không bảo vệ, thì không yêu mến."

Trong lãnh vực này, Ðức Thánh cha tái kêu gọi suy nghĩ hơn về ý niệm cuộc chiến tranh chính đáng. "Vì ngày nay, mọi người đều nói về hòa bình: từ 70 năm nay, Liên Hiệp Quốc nói về hòa bình, với bao nhiêu diễn văn, nhưng trong lúc này có bao nhiêu chiến tranh đang xảy ra. Chiến tranh Ucraina và Nga, nay có thêm chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia, vì Nga không còn là nước bảo đảm cho Armenia nữa. Rồi có chiến tranh tại Syria, mười năm chiến tranh, điều gì xảy ra tại đó để người ta không chặn chiến tranh? Ðâu là những lợi lộc chi phối những điều đó? Rồi có vùng Sừng bên Phi châu, miền Bắc Mozambique, hoặc ở Eritrea, một phần ở Ethiopia. Tiếp đến là Myanmar với dân tộc đau khổ mà tôi rất yêu mến, dân Rohingya đi lang thang mà không tìm được hòa bình. Chúng ta đang ở trong một thế chiến...".

Ðối thoại với Nga

Trả lời câu hỏi của một ký giả Ba Lan về vấn đề đối thoại với Nga, Ðức Thánh cha nhìn nhận rằng "thật là điều vẫn luôn khó hiểu về cuộc đối thoại với những nước đã bắt đầu chiến tranh. Tuy khó khăn, nhưng chúng ta không được loại bỏ đối thoại, chúng ta phải mở cho mọi người cơ hội đối thoại! Vì luôn luôn có thể xảy ra, là trong đối thoại, ta có thể thay đổi sự việc, và trình bày một quan điểm khác. Tôi không loại trừ việc đối thoại với bất cứ cường quốc nào, dù họ là nước bị chiến tranh, hay họ là nước gây hấn".

Tây phương sa đọa

Một ký giả người Pháp hỏi Ðức Thánh cha về sự sa đọa của Tây phương, như một vài vị lãnh đạo tôn giáo đã đề cập tới trong Hội nghị tại Nur Sultan vừa qua, đặc biệt là tranh luận hiện nay về vấn đề an tử (Eutanasia), kết liễu mạng sống người bệnh. Ðức Thánh cha nhìn nhận rằng "Ðúng là Tây phương nói chung hiện nay không ở mức độ gương mẫu cao nhất. Tây phương đã đi vào con đường sai lầm, tôi nghĩ tới bất công xã hội giữa chúng ta. Tôi nghĩ đến Ðịa Trung Hải ngày nay là nghĩa trang lớn nhất không những của Âu châu nhưng của nhân loại nữa. Tây phương đã đánh mất cái gì để rồi quên đón nhận dân chúng, giữa lúc Tây phương đang cần có thêm dân, trong tình trạng mùa đông dân số hiện nay: ở Tây Ban Nha cũng như tại Ý là những nước trống rỗng dân, chỉ có những người già...

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "tại đất nước tôi, Argentina, hiện có 49 triệu dân mà chỉ có một triệu dân bản địa, tất cả những người khác đều là gốc di dân: Tây Ban Nha, Ý, Ðức, người Slave, Ba Lan, Tiểu Á, Liban... máu các dân tộc khác nhau giao nhau và kinh nghiệm này giúp chúng tôi rất nhiều."

Và Ðức Thánh cha tái khẳng định Eutanasia, "giết người không phải là điều nhân đạo. Nếu bạn giết người với những lý do thì sau cùng bạn càng giết người hơn nữa. Chúng ta hãy dành việc giết cho các súc vật".

Tự do tôn giáo và Trung Quốc

Một ký giả hỏi Ðức Thánh cha về vấn đề tự do tôn giáo và vấn đề Ðức Hồng y Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hong Kong, sắp sửa bị nhà nước tại đây thuộc Trung Quốc xét xử, ngài đáp lại rằng:

"Ðể hiểu Trung Quốc cần phải có một thế kỷ, nhưng chúng ta không sống một thế kỷ. Tâm thức Trung Hoa là một tâm thức phong phú và khi ta ốm đau thì có thể mất sự phong phú và có khả năng làm những điều sai lầm. Ðể hiểu chúng tôi đã chọn con đường đối thoại, cởi mở đối thoại. Có một ủy ban song phương Vatican-Trung Quốc đang hoạt động tốt, từ từ, vì nhịp độ từ phía Trung Quốc chậm, họ có một vĩnh cửu để tiến bước: đó là một dân tộc kiên nhẫn vô biên... Không dễ hiểu tâm thức người Hoa, nhưng cần phải luôn tôn trọng. Và tại Vatican này, có một ủy ban đối thoại tiến hành tốt, do Ðức Hồng y Parolin chủ trì và trong lúc này, Ðức Hồng y là người biết nhiều về Trung Quốc và vấn đề đối thoại với Trung Quốc. Về vấn đề Ðức Hồng y Trần Nhật Quân sẽ ra tòa trong những ngày này, Ðức Hồng y nói điều mà ngài nghe và ta thấy rằng có những giới hạn tại đó. Tôi tìm cách ủng hộ con đường đối thoại. Và trong đối thoại, người ta làm sáng tỏ bao nhiêu điều, không những về Giáo hội nhưng cả những lãnh vực khác. Ví dụ lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn, các chính quyền tỉnh tất cả khác nhau, có những nền văn hóa khác nhau trong Trung Quốc. Nhưng không được mất kiên nhẫn, trái lại cần tiến bước.

Tình hình Nicaragua

Trả lời câu hỏi về tình hình Nicaragua, Ðức Thánh cha cho biết là "có đối thoại với chính quyền nước này, điều này không có nghĩa là ủng hộ tất cả những gì chính phủ làm, hoặc phê bình mọi sự. Có đối thoại và có nhu cầu giải quyết các vấn đề... Tôi mong các nữ tu của Mẹ Têrêsa [bị trục xuất] được phép trở lại nước này. Ðó là những nữ tu tốt lành, những nhà cách mạng giỏi theo tinh thần Tin mừng. Các chị chẳng gây chiến với ai. Ðúng hơn tất cả đều cần các chị. Việc trục xuất các chị là điều không hiểu được. Nhưng chúng tôi hy vọng các chị sẽ trở lại.

Ðức Thánh cha cũng nhắc đến vụ Ðức Tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh bị chính phủ Nicaragua trục xuất hồi tháng Ba năm nay và mới đây ngài bổ nhiệm sang Phi châu, và nói: "Vị Sứ thần Tòa Thánh (tại Nicaragua) cũng là người tài khéo, và giờ đây được bổ nhiệm đi nơi khác. Ðây là điều thật khó hiểu và cũng khó chấp nhận".

Dự án viếng thăm

Về dự án tông du, Ðức Thánh cha nhận rằng đó là điều khó khăn vì bệnh đau đầu gối của ngài vẫn chưa khỏi, nhưng chuyến đi tới đây tôi sẽ thực hiện. Ngài ám chỉ đến chuyến viếng thăm tại Bahrein, dự kiến vào tháng Mười Một năm nay. Ðồng thời ngài nói thêm rằng "Hôm nọ tôi đã nói chuyện với Ðức Tổng giám mục Welby [Giáo chủ Anh giáo] và chúng tôi thấy có thể thực hiện chuyến đi Nam Sudan vào tháng Ba. Và nếu tôi đi Nam Sudan, thì tôi cũng sẽ đi Congo. Chúng tôi đang cố gắng. Chúng tôi sẽ đi cả ba người: vị thủ lãnh Giáo hội Ecosse, Ðức Tổng giám mục Welby và tôi. Hôm nọ, chúng tôi đã nói chuyện với nhau qua Zoom về vấn đề này.

Số tín hữu tại Tây phương giảm sút

Sau cùng, một ký giả người Ðức hỏi Ðức Thánh cha về tình trạng nhiều Giáo hội tại Âu châu, như ở Ðức, có sự giảm sút trầm trọng số tín hữu, nhiều người trẻ không có ý định đi dự lễ nữa.

Ðức Thánh cha nhìn nhận điều đó đúng một phần, nhưng một phần khác chỉ là tương đối. "Ðiều phải làm trước tiên là sống và hành động hợp với niềm tin của mình. Nếu bạn là giám mục hoặc linh mục mà không có thái độ nhất quán, thì người trẻ thấy ngay điều đó và rời bỏ! Khi một Giáo hội nghĩ nhiều đến tiền bạc, phát triển các kế hoạch mục vụ chứ không nghĩ đến việc săn sóc gần gũi tín hữu, thì không thu hút dân chúng. Cách đây hai năm, tôi đã viết lá thư gửi dân Chúa ở Ðức, và đã có những mục tử công bố và đích thân phổ biến thư ấy cho từng người. Khi mục tử gần dân, thì họ nói: dân chúng cần phải biết xem Ðức Giáo hoàng nghĩ gì. Tôi nghĩ các mục tử phải tiến bước, nhưng nếu họ mất mùi chiên và chiên mất mùi của mục tử thì không tiến triển được. Tôi nói chung, chứ không phải chỉ nói về trường hợp Ðức, nhiều lần người ta nghĩ đến cách thức đổi mới, làm cho việc mục vụ tân tiến hơn, nhưng điều đó phải luôn ở trong tay của một mục tử, chứ không phải trong tay các "chuyên gia về mục vụ". Họ đưa ra ý kiến ở đây và nói điều gì cần thực hiện tại đó... như vậy là không ổn. Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội với các mục tử, chứ không phải với những nhà lãnh đạo chính trị. Chúa đã lập Giáo hội với những người dốt, 12 tông đồ là những người dốt hơn những người khác, thế mà Giáo hội tiến triển vì đoàn chiên cảm thông với mục tử và mục tử cảm thông với đoàn chiên.

(Vatican News 15-9-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page