Toàn văn cuộc phỏng vấn Ðức Phanxicô

trên chuyến bay từ Canada trở lại Ý

 

Toàn văn cuộc phỏng vấn Ðức Phanxicô trên chuyến bay từ Canada trở lại Ý.

Vũ Văn An

Vatican (VietCatholic News 31-Jul-2022) - Ðức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại Rome hôm thứ Bảy 30 tháng 7 năm 2022 sau chuyến tông du kéo dài một tuần đến Canada. Trong chuyến đi từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 7 năm 2022, Ðức Giáo Hoàng đã đến thăm Edmonton, Québec và Iqaluit theo điều được ngài gọi là "cuộc hành hương đền tội" để xin lỗi các cộng đồng bản địa của đất nước.

Dưới đây là bản dịch Việt ngữ từ bản tin ghi đầy đủ của CNA về cuộc họp báo của Ðức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay từ Iqaluit, Canada trở về Ý.

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Xin chào buổi tối và cảm ơn anh chị em đã đồng hành, cám ơn việc làm của anh chị em ở đây. Tôi biết anh chị em đã làm việc chăm chỉ, và cảm ơn anh chị em đã đồng hành. Cảm ơn anh chị em.

Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh: Tốt, câu hỏi đầu tiên tối nay là của Ka'nhehsíio Deer, một nhà báo Canada gốc Inuit.

Ka'nhehsíio Deer, Ðài CBC [bằng tiếng Anh]: Tên tôi là Ka'nhehsíio Deer. Tôi là một phóng viên của CBC bản địa. Với tư cách là hậu duệ của một nạn nhân sống sót của trường nội trú, tôi biết rằng những người sống sót và gia đình họ muốn thấy hành động cụ thể trong lời xin lỗi của ngài, bao gồm cả việc hủy bỏ "học thuyết khám phá". Cho rằng nó vẫn còn ăn sâu trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật ở Canada và Hoa Kỳ, nơi người dân bản địa tiếp tục bị tước đoạt và tước quyền, có phải ngài đã bỏ lỡ một cơ hội để đưa ra một tuyên bố trong chuyến đi của ngài đến Canada không?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Về phần cuối cùng, tôi không hiểu vấn đề.

Ka'nhehsíio Deer: Chỉ là người dân bản địa ngày nay vẫn đang bị tước đoạt và tước quyền, ngài biết đấy, giống như đất đai của họ đã bị lấy đi vì các sắc chỉ của Giáo hoàng này và khái niệm về học thuyết khám phá.

Khi tôi nói chuyện với những người bản địa, họ nói rất nhiều về việc khi người ta đến để thuộc địa hóa châu Mỹ, thì có học thuyết này - học thuyết khám phá là thứ đưa ra khái niệm cho rằng người bản địa của những vùng đất đó kém hơn người Công Giáo, và đó là cách Canada và Hoa Kỳ trở thành các quốc gia.

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Cảm ơn ông về câu hỏi. Tôi nghĩ đây là vấn đề của mọi chủ nghĩa thực dân, tất cả - ngay cả các cuộc thực dân hóa ý thức hệ ngày nay đều có chung một khuôn mẫu. Những người không đi vào con đường của họ đều có những con đường kém cỏi. Nhưng tôi muốn nói rõ hơn về điều này. Họ không những chỉ bị coi là kém cỏi. Một số nhà thần học hơi điên rồ tự hỏi liệu họ có linh hồn hay không.

Khi Ðức Gioan Phaolô II đến châu Phi, ngài đến bến cảng nơi các nô lệ được lên tàu, ngài đã ra dấu cho chúng ta hiểu về thảm kịch này, thảm kịch hình sự. Những người đó bị ném xuống tàu trong điều kiện tồi tệ, và sau đó họ trở thành nô lệ ở Mỹ. Ðúng là đã có những tiếng nói phản đối, như Bartolomé de las Casas chẳng hạn hay Peter Claver, nhưng họ chỉ là thiểu số.

Ý thức về sự bình đẳng của con người đến từ từ. Và tôi nói ý thức bởi vì trong vô thức, vẫn còn một điều gì đó. Luôn luôn chúng ta có - cho phép tôi nói thế - giống như một thái độ thực dân trong việc giản lược nền văn hóa của họ vào nền văn hóa của chúng ta. Ðó là một điều xảy ra với chúng ta trong lối sống đã phát triển của chúng ta; đôi khi chúng ta đánh mất những giá trị mà họ đang có.

Thí dụ, các dân tộc bản địa có một giá trị lớn là giá trị của sự hòa hợp với sáng thế. Và ít nhất một số người tôi biết diễn đạt nó bằng cụm từ "sống tốt." Ðiều đó không có nghĩa là chi tiêu tốt hay sống một cuộc sống thoải mái, như những người phương Tây chúng ta hiểu. Sống tốt là trân trọng sự hòa hợp, và với tôi, đó là giá trị tuyệt vời của các dân tộc bản địa: sự hòa hợp. Chúng ta đã quen với việc giản lược mọi điều vào đầu óc. Và thay vào đó, nhân cách của các dân tộc nguyên thủy - nói chung - họ biết cách tự phát biểu bằng ba ngôn ngữ: đó là ngôn ngữ của cái đầu, ngôn ngữ của trái tim và ngôn ngữ của đôi tay. Nhưng tất cả ba ngôn ngữ với nhau. Và họ biết cách có được ngôn ngữ này với sáng thế. Thế rồi chúng ta có chủ nghĩa duy tiến bộ về phát triển nhanh chóng này, một chút cường điệu, một chút loạn thần kinh, - Tôi không chống phát triển, phát triển là điều tốt, nhưng chống sự lo lắng về sự phát triển, phát triển, phát triển hoài là điều không tốt... Hãy nhìn xem, một trong những điều mà nền văn minh thương mại siêu phát triển của chúng ta đã đánh mất là khả năng thi ca. Các dân tộc bản địa có khả năng thi ca đó. Tôi không lý tưởng hóa đâu.

Như vậy, học thuyết thực dân hóa này, thật sự là tồi tệ và không công bằng. Ngay cả ngày nay, điều y hệt cũng đang được sử dụng - có thể với găng tay bằng lụa - nhưng nó đang được sử dụng. Thí dụ, một số giám mục ở một số nước đã nói: "Nhưng đất nước chúng tôi, khi yêu cầu tín dụng từ một cơ quan quốc tế, họ đặt điều kiện cho chúng tôi, thậm chí cả các điều kiện lập pháp, thực dân. Khi cấp tín dụng, họ bắt ông thay đổi cách sống của mình. Một chút." Quay trở lại với quá trình thực dân hóa của chúng ta, như Mỹ chẳng hạn, việc thực dân hóa của Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, bốn nước... luôn luôn có mối nguy hiểm đó, thực sự là não trạng "chúng ta trỗi vượt, và những người bản địa này không đáng kể." Và điều này là điều nghiêm trọng. Ðó là lý do tại sao chúng ta phải làm việc đối với những gì ông nói. Phải quay trở lại và làm vệ sinh, có thể nói như thế, đối với điều đã được thực hiện sai lầm, vì biết rằng cả ngày nay, cùng một chủ nghĩa duy thực dân vẫn đang hiện hữu.

Thí dụ, ông hãy nghĩ về một trường hợp phổ biến, và tôi dám nói điều đó, hãy nghĩ đến trường hợp của người Rohingya ở Myanmar: họ không có quyền công dân, họ kém cỏi. Thậm chí ngày nay. [Bằng tiếng Anh] Cảm ơn ông rất nhiều.

Bruni: Câu hỏi thứ hai, thưa Ðức Thánh Cha, phát xuất từ một nhà báo Canada khác, Brittany Hobson.

Brittany Hobson, Báo chí Canada: Thưa Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, xin chào ngài buổi tối. Tên tôi là Brittany Hobson. Tôi là một phóng viên của báo chí Canada. Ngài thường nói đến việc phải nói rõ ràng, trung thực, thẳng thắn và dạn dĩ. Ngài biết rằng Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada đã mô tả hệ thống trường nội trú là "tội ác diệt chủng văn hóa". Ðiều này kể từ đó đã được sửa đổi chỉ còn "tội diệt chủng." Những người đã lắng nghe lời xin lỗi của ngài trong tuần qua đã bày tỏ sự thất vọng vì hạn từ diệt chủng đã không được sử dụng. Ngài có sử dụng những hạn từ đó và chấp nhận rằng các thành viên của Giáo hội đã tham gia vào cuộc diệt chủng không?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Ðiều đó đúng, tôi không sử dụng hạn từ này vì nó không xuất hiện với tôi, nhưng tôi đã mô tả tội ác diệt chủng và yêu cầu sự tha thứ, sự tha thứ cho công việc mang tính chất diệt chủng này. Thí dụ, tôi cũng lên án điều này: Lấy trẻ em đi và thay đổi văn hóa, thay đổi các não trạng, thay đổi truyền thống, thay đổi một chủng tộc, hãy nói, cả một nền văn hóa. Ðúng, đó là một hạn từ chuyên môn, diệt chủng, nhưng tôi đã không sử dụng nó vì nó không xuất hiện với tâm trí tôi, nhưng tôi đã mô tả nó. Ðúng; vâng, đó là tội ác diệt chủng. Vâng, tất cả anh chị em, hãy an tâm. Anh chị em có thể nói rằng tôi đã nói điều đó, vâng, rằng đó là tội ác diệt chủng. [Bằng tiếng Anh] Ðúng. Ðúng. Cảm ơn cô.

Bruni: Một câu hỏi khác phát xuất từ Valentina Alazraki; Ðức Thánh Cha biết rõ cô này, thuộc Televisa.

Valentina Alazraki, Televisa: Thưa Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, xin chào ngài buổi tối. Chúng tôi cho rằng chuyến thăm Canada lần này cũng là một thử nghiệm, một thử nghiệm sức khỏe của ngài, các hạn chế về thể chất như chính ngài nói sáng nay -. Vì vậy, chúng tôi muốn biết - sau tuần này - ngài có thể cho chúng tôi biết điều gì về chuyến đi trong tương lai của ngài. Liệu ngài có muốn tiếp tục đi du lịch như thế này, liệu sẽ có những chuyến đi mà ngài không thể thực hiện vì những hạn chế này, hoặc liệu ngài nghĩ rằng sau tuần này phẫu thuật đầu gối có thể giúp giải quyết tình hình để ngài có thể đi lại như trước đây không?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Xin cảm ơn. Tôi không biết. Tôi không nghĩ mình có thể di chuyển với tốc độ di chuyển như trước đây. Tôi nghĩ rằng ở độ tuổi của tôi và với giới hạn này, tôi phải cắt giảm một chút để có thể phục vụ Giáo hội, hoặc ngược lại, nghĩ đến khả năng bước sang một bên. Ðiều này không có gì là lạ. Ðây không phải là một thảm họa. Cô có thể thay đổi giáo hoàng. Cô có thể thay đổi, không có vấn đề gì cả. Nhưng tôi nghĩ mình phải giới hạn bản thân một chút với những nỗ lực này.

Không có kế hoạch phẫu thuật đầu gối đối với trường hợp của tôi. Các chuyên gia nói phải phẫu thuật, nhưng toàn bộ vấn đề là việc gây mê. Mười tháng trước, tôi đã trải qua hơn sáu giờ gây mê, hiện vẫn còn dấu vết. Cô không thể đùa được, cô không nên rắc rối với thuốc mê. Và đó là lý do tại sao cô nên nghĩ nó không hoàn toàn thuận tiện.... Nhưng tôi sẽ cố gắng tiếp tục đi những chuyến đi và gần gũi với mọi người, vì tôi nghĩ đó là cách phục vụ, sự gần gũi, nhưng hơn thế nữa thì tôi không dám nói. Hy vọng. Vẫn chưa có chuyến thăm nào đến Mexico [đã lên lịch], phải không?

Alazraki: Không, không. Còn ở Kazakhstan? Và nếu ngài đến Kazakhstan, há ngài lại không nên đến Ukraine, ngay cả khi ngài đến Kazakhstan sao?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Tôi đã nói rằng tôi muốn đến Ukraine. Bây giờ chúng ta chờ xem những gì tôi thấy khi trở về nhà. Hiện tại, tôi muốn đến Kazakhstan; đó là một chuyến đi yên tĩnh không có nhiều di chuyển, đó là một đại hội của các tôn giáo. Nhưng trước mắt, sự việc chỉ có thế.

Vì tôi cần phải đến Nam Sudan trước Congo, vì đây là chuyến đi với Ðức Tổng Giám Mục Canterbury và Giám mục của Giáo hội Scotland, cả ba người cùng đi như cả ba chúng tôi đã đi tĩnh tâm cách đây hai năm. Và sau đó là Congo, nhưng sẽ là năm sau vì mùa mưa - chúng ta sẽ chờ xem. Tôi có tất cả thiện chí, nhưng chúng ta hãy xem những gì đôi chân tôi cho biết.

Bruni: Câu hỏi tiếp theo, thưa Ðức Thánh Cha, là từ Caroline Pigozzi của Paris Match.

Caroline Pigozzi, Paris Match: Thưa Ðức Thánh Cha, con xin kính chào Ðức Thánh Cha buổi tối. Sáng nay, như mọi lần đến một đất nước, Ðức Thánh Cha đã gặp tại tòa tổng giám mục các thành viên địa phương của Dòng Tên, gia đình của Ðức Thánh Cha. Cách đây 9 năm, lúc trở về từ Ngày Giới trẻ Thế giới ở Brazil, con đã hỏi Ðức Thánh Cha vào ngày 28 tháng 7 năm 2013, liệu Ðức Thánh Cha có còn cảm thấy mình là một tu sĩ Dòng Tên không. Câu trả lời là có.

Vào ngày 4 tháng 12, Ðức Thánh Cha giải thích sau khi gặp các tu sĩ Dòng Tên Hy Lạp ở Athens, "Khi một người bắt đầu một quá trình, người ta phải để nó phát triển, để công việc phát triển và sau đó nghỉ hưu. Mọi tu sĩ Dòng Tên phải làm điều đó. Không có công việc nào thuộc về anh ta bởi vì nó thuộc về Chúa." Thưa Ðức Thánh Cha, một ngày nào đó câu nói này có thể áp dụng cho một vị giáo hoàng Dòng Tên không?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: có.

Pigozzi: Ðiều đó có nghĩa là Ðức Thánh Cha có thể nghỉ hưu như các tu sĩ Dòng Tên?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Ðúng, đúng. Ðó là một ơn gọi.

Pigozzi: Làm giáo hoàng hay làm tu sĩ Dòng Tên?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Hãy để Chúa nói. Người tu sĩ Dòng Tên cố gắng - họ cố gắng, không phải lúc nào họ cũng vậy, họ không thể - họ cố gắng làm theo ý muốn của Chúa. Giáo hoàng Dòng Tên cũng phải làm như vậy. Khi Chúa phán, nếu Chúa nói tiến lên, thì họ tiến lên. Nếu Chúa nói đi vào góc, cô đi vào góc. Chính Chúa phán dạy...

Pigozzi: Theo những gì Ðức Thánh Cha nói, có phải có nghĩa là Ðức Thánh Cha đang chờ chết?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Nhưng tất cả chúng ta đang chờ đợi cái chết mà...

Pigozzi: Nhưng ý con là: Ðức Thánh Cha sẽ không nghỉ hưu trước chứ?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Bất cứ điều gì Chúa nói. Chúa có thể bảo tôi từ chức. Chính Chúa là người ra lệnh.

Xin nói một điều về Thánh Inhaxiô, và đây là điều quan trọng. Khi ai đó mệt mỏi hoặc đau ốm, Thánh Inhaxiô sẽ miễn người đó khỏi cầu nguyện, nhưng ngài không bao giờ miễn họ khỏi kiểm tra lương tâm - hai lần một ngày, xem lại những gì đã xảy ra... Ðó không phải là chuyện có tội hay không có tội, không. Ðó là chuyện Thánh thần đã thúc đẩy tôi hôm nay ra sao. Ngài nói, ơn gọi của chúng ta là tìm kiếm những gì đã xảy ra ngày hôm nay. Nếu tôi - giả thuyết thế thôi - tôi thấy Chúa nói với tôi điều gì đó, tôi thực hiện một cuộc biện phân để xem xem Chúa đang nói gì và có thể Chúa muốn ném tôi vào một góc tường. Người chỉ huy.

Tôi nghĩ đây là lối sống tu trì của một tu sĩ Dòng Tên: luôn biện phân tâm linh để đưa ra quyết định, lựa chọn cách làm việc, cũng như biện phân các thỏa hiệp. Trong điều này, Thánh Inhaxiô rất có sắc thái bởi vì chính kinh nghiệm của ngài về sự biện phân thiêng liêng đã dẫn ngài đến sự hoán cải. Và Linh Thao thực sự là một trường học biện phân. Theo ơn gọi, một tu sĩ Dòng Tên phải là người có óc biện phân. Biện phân các hoàn cảnh, biện phân lương tâm, biện phân các quyết định cần phải đưa ra. Và vì điều đó, họ phải cởi mở với bất cứ điều gì Chúa yêu cầu ở họ. Ðây là loại linh đạo của chúng tôi.

Pigozzi: Nhưng Ðức Thánh Cha cảm thấy mình giống một giáo hoàng hơn hay giống một tu sĩ Dòng Tên hơn?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Tôi chưa bao giờ thực hiện việc đo lường đó. Tôi cảm thấy mình là một người phục vụ Chúa với não trạng của một tu sĩ Dòng Tên. Không có linh đạo giáo hoàng; điều đó không hiện hữu. Mỗi giáo hoàng đưa ra linh đạo của riêng mình. Cô hãy nghĩ tới Ðức Gioan-Phaolô II với linh đạo đẹp đẽ về Ðức Mẹ mà ngài có. Ngài đã có nó trước đó và trong tư cách giáo hoàng. Cô hãy nghĩ tới rất nhiều vị giáo hoàng đã mang tới nền linh đạo của riêng các ngài. Chức giáo hoàng không phải là một linh đạo; đó là một công việc, một chức năng, một phục vụ, nhưng mỗi người mang tới cho nó một nền linh đạo của chính mình, với những ân sủng riêng, sự trung thành của chính mình và cả những tội lỗi của chính mình. Nhưng không có linh đạo giáo hoàng. Ðó là lý do tại sao không có sự so sánh giữa linh đạo Dòng Tên và linh đạo Giáo hoàng vì linh đạo sau không hiện hữu. Cô hiểu không? Cảm ơn cô!

Bruni: Một câu hỏi khác, thưa Ðức Thánh Cha, đến từ một nhà báo người Ðức, Severina Bartonischek, từ một hãng thông tấn Công Giáo ở Ðức.

Severina Bartonitschek, KNA: Thưa Ðức Thánh Cha, con xin kính chào Ðức Thánh Cha buổi tối, hôm qua Ðức Thánh Cha cũng đã nói về tình huynh đệ trong Giáo hội, về một cộng đồng biết cách lắng nghe và đối thoại, cổ vũ phẩm chất tốt đẹp của các mối liên hệ. Cách đây vài ngày, có một tuyên bố từ Tòa Thánh về "Con đường Ðồng nghị" của Ðức mà không có chữ ký. Ðức Thánh Cha có nghĩ rằng cách thông đạt này góp phần vào đối thoại, hay nó là một trở ngại cho đối thoại?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Trước hết, tuyên bố đó được đưa ra bởi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Thật là sai khi không [ký tên] bên dưới. Tôi nghĩ nó muốn viết: thông cáo từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nhưng tôi không chắc. Thật là một sai lầm khi không ký nó như một thông cáo của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Nhưng đó là sai lầm của văn phòng, không phải do ác ý.

Về "Con đường Ðồng nghị" [Ðức], tôi đã viết một lá thư, và tôi đã tự mình làm như vậy... một tháng cầu nguyện, suy tư, tham vấn... và tôi đã nói tất cả những gì tôi cần nói về "Con đường Ðồng nghị". Tôi sẽ không nói nhiều hơn thế. Ðó là huấn quyền của Giáo hoàng về "Con đường Ðồng nghị", lá thư mà tôi đã viết [ba] năm trước. Tôi đã qua mặt Giáo triều, bởi vì tôi đã không tham khảo, hay bất cứ điều gì... Tôi đã làm theo cách riêng của mình, ngay cả với tư cách mục tử cho một Giáo hội đang tìm kiếm một con đường, trong tư cách một người anh em, một người cha, trong tư cách là một tín đồ. Và đó là thông điệp của tôi. Tôi biết nó không dễ dàng, nhưng tất cả đều nằm trong lá thư đó.

Bruni: Câu hỏi tiếp theo là của Ignazio Ingrao thuộc đài Rai1.

Ignazio Ingrao, Rai1: Thưa Ðức Thánh Cha, Ý đang trải qua một thời kỳ khó khăn, một khó khăn cũng gây lo ngại trên toàn thế giới. Sẵn có cuộc khủng hoảng kinh tế, đại dịch, chiến tranh, và bây giờ chúng con thấy mình không có chính phủ. Ðức Thánh Cha là giáo chủ của Ý. Trong bức điện mà Ðức Thánh Cha viết cho Tổng thống [Sergio] Mattarella vào ngày sinh nhật của ông ấy, Ðức Thánh Cha đã nói về một đất nước được đánh dấu bởi không ít khó khăn và kêu gọi những lựa chọn quan yếu. Thưa Ðức Thánh Cha, Ðức Thánh Cha cảm nghiệm việc sụp đổ của Mario Draghi như thế nào?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Trước hết, tôi không muốn can dự vào chính trị của nước của Ý. Thứ hai, không ai có thể nói rằng Chủ tịch Draghi không phải là người có vị thế quốc tế cao, ông ấy là chủ tịch của Ngân hàng [Trung ương Châu Âu]. Ông ấy đã có một sự nghiệp tốt, phải nói như thế. Và sau đó tôi chỉ hỏi một câu hỏi với một nhân viên của mình: Ý đã có bao nhiêu chính phủ trong thế kỷ này? Người này nói với tôi: hai mươi. Ðó là câu trả lời của tôi.

Ingrao: Ðức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi nào đối với các lực lượng chính trị trước những cuộc bầu cử khó khăn này?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Trách nhiệm. Trách nhiệm dân sự.

Bruni: Cảm ơn Ðức Thánh Cha, thưa Ðức Thánh Cha. Cảm ơn ông, thưa ông Ignatius. Và câu hỏi tiếp theo là từ Claire Giangravé của Dịch vụ Tin tức Tôn giáo.

Claire Giangravé, Dịch vụ Tin tức Tôn giáo: Xin chào Ðức Thánh Cha buổi tối. Nhiều người Công Giáo, nhưng cũng có nhiều nhà thần học, tin chắc rằng việc phát triển học thuyết của Giáo hội liên quan đến các biện pháp ngừa thai là cần thiết. Thậm chí có vẻ như người tiền nhiệm của Ðức Thánh Cha, Ðức Gioan Phaolô I, nghĩ cần xem xét lại lệnh cấm hoàn toàn. Suy nghĩ của Ðức Thánh Cha về điều này là gì? Ðức Thánh Cha có sẵn sàng đánh giá lại vấn đề này không, hoặc có khả thể nào hai vợ chồng có thể xem xét các biện pháp ngừa thai không?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Tôi hiểu. Ðiều này rất đúng lúc. Nhưng nên biết rằng tín điều, luân lý, luôn ở trên con đường phát triển, nhưng phát triển cùng một hướng.

Xin dùng một điều đã rõ ràng, tôi nghĩ có lần tôi đã nói về nó ở đây rồi, muốn phát triển một vấn đề thuộc hoặc luân lý hoặc tín điều, có một quy tắc rất rõ ràng và soi sáng, mà tôi từng nói một lần khác. [Ðó] là quy tắc mà thánh Vincent thành Lérins đã đưa ra hồi thế kỷ thứ 10, ít nhiều, [ngài là một vị thánh] người Pháp. Ngài nói rằng một học lý chân chính muốn tiến lên, muốn phát triển, không được yên lặng, nó phát triển ut annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate (củng cố theo năm tháng, mở rộng theo thời gian, thăng hoa theo tuổi đời).

Nghĩa là, nó củng cố theo thời gian, nó mở rộng và củng cố, và trở nên vững chắc hơn, nhưng luôn luôn 'tiến triển.' Ðó là lý do tại sao nhiệm vụ của các nhà thần học là nghiên cứu, suy tư thần học. Anh chị em không thể làm thần học với chữ "không" đặt trước nó. Rồi huấn quyền sẽ là người nói không nếu nó đã đi quá xa, hãy quay trở lại... nhưng sự phát triển thần học phải cởi mở, bởi vì đó là điều mà các nhà thần học hướng tới, và huấn quyền phải giúp hiểu được các giới hạn.

Về vấn đề ngừa thai, tôi biết có một ấn phẩm về vấn đề này và các vấn đề hôn nhân khác. Ðây là các tài liệu của một đại hội và trong một đại hội có những giả thuyết, sau đó họ thảo luận với nhau và đưa ra những đề xuất. Chúng ta phải rõ ràng: những người tổ chức đại hội này đã làm nhiệm vụ của họ bởi vì họ cố gắng tiến lên trong giáo lý, nhưng theo nghĩa giáo hội, chứ không phải ra ngoài, như tôi đã nói với quy tắc đó của Thánh Vincent thành Lerins.... Và sau đó huấn quyền sẽ nói: vâng, nó tốt [hoặc] nó không tốt.

Nhưng rất nhiều điều đã thay đổi. Chẳng hạn, cô hãy nghĩ tới vũ khí nguyên tử: ngày nay, người ta chính thức tuyên bố rằng việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là vô luân. Cô hãy nghĩ tới án tử hình. Trước đây là án tử hình, vâng, nhưng... hôm nay tôi có thể nói rằng chúng ta đã gần tiến đến chỗ coi nó vô luân vì lương tâm luân lý đã phát triển tốt. Nói rõ hơn: khi tín điều và luân lý phát triển thì không sao, nhưng theo hướng của ba quy tắc của Thánh Vincent thành Lerins, tôi nghĩ điều này rất rõ ràng.

Một Giáo hội không phát triển tư tưởng của mình theo nghĩa Giáo hội là một Giáo hội đi lùi. Và đây là vấn đề của rất nhiều người tự cho mình là truyền thống ngày nay. Họ không phải là truyền thống, họ là những "indietrists" [những người chỉ biết nhìn về phía sau], họ mọc ngược không có gốc rễ - "Ðó là cách nó luôn được thực hiện", "Ðó là cách nó đã được thực hiện trong thế kỷ trước." Chủ nghĩa indietrism [nhìn về phía sau] là tội lỗi vì nó không tiến lên cùng với Giáo hội. Và thay vào đó, ai đó đã mô tả truyền thống như đức tin sống của người chết và thay vào đó, đối với những "người theo chủ nghĩa nhìn lại phía sau", những người tự gọi mình là "người theo chủ nghĩa duy truyền thống", đó là đức tin đã chết của người sống.

Truyền thống là cội rễ của nguồn cảm hứng để tiến lên trong Giáo hội, luôn luôn là những gốc rễ này, và "chủ nghĩa chỉ biết nhìn lại phía sau", nhìn về phía sau, luôn luôn khép kín. Cần phải hiểu rõ vai trò của truyền thống luôn rộng mở như cội rễ của cây. Cây mọc như vậy, phải không. Nhà soạn nhạc Gustav Mahler đã có một câu rất hay. Ông nói rằng truyền thống theo nghĩa này là sự bảo đảm cho tương lai, nó không phải là một món trưng bầy trong viện bảo tàng. Nếu cô quan niệm truyền thống như khép kín, thì đây không phải là truyền thống Kitô giáo. Luôn luôn là chất ở gốc đưa cô tiến về phía trước. Ðó là lý do tại sao những gì cô nói ở trên về suy nghĩ, về việc đem niềm tin và đạo đức tiến lên, trong khi đi theo hướng gốc rễ, hướng của chất ở gốc rễ rất phù hợp với ba quy tắc của thánh Vincent thành Lerins mà tôi đã đề cập.

Bruni: Có một câu hỏi khác từ Eva Fernandez của Cope.

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Cô ấy tốt.

Eva Fernandez, Cope: Thưa Ðức Thánh Cha, vào cuối tháng 8, chúng ta sẽ có một mật nghị. Gần đây, nhiều người hỏi xem Ðức Thánh Cha có nghĩ đến việc từ chức chưa. Ðức Thánh Cha đừng lo lắng, lần này, chúng con sẽ không hỏi câu hỏi đó. Nhưng chúng con rất tò mò: Thưa Ðức Thánh Cha, có bao giờ Ngài nghĩ rằng Ngài muốn người kế vị của mình có những đặc điểm gì không? Cảm ơn Ðức Thánh Cha.

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Ðây là công việc của Chúa Thánh Thần. Tôi sẽ không bao giờ dám nghĩ đến điều đó. Chúa Thánh Thần có thể làm điều này tốt hơn tôi và tốt hơn tất cả chúng ta vì Người soi dẫn các quyết định của giáo hoàng, luôn soi dẫn vì Người đang sống trong Giáo hội. Anh chị em không thể quan niệm về Giáo hội mà không có Chúa Thánh Thần. Người là Ðấng tạo ra sự khác biệt, Ðấng gây ồn ào - cô hãy nghĩ đến buổi sáng ngày Lễ Ngũ Tuần - và sau đó dẫn đến sự hòa hợp. Ðiều quan trọng là nói về sự hòa hợp hơn là sự hiệp nhất. Hiệp nhất, nhưng hài hòa, không phải là một điều cố định. Chúa Thánh Thần ban cho sự hòa hợp liên tục cứ thế diễn ra.

Tôi thích điều Thánh Basil nói về Chúa Thánh Thần: Ipse Armonia Est, ngài là chính sự hòa hợp. Người là sự hòa hợp vì trước tiên Người gây ồn ào với sự khác biệt của các đặc sủng. Chúng ta hãy để công việc này cho Chúa Thánh Thần.

Về chủ đề từ chức của tôi, tôi muốn cảm ơn một bài báo hay mà một anh chị em đã viết về tất cả các dấu hiệu có thể dẫn đến việc từ chức và tất cả các dấu hiệu đang xuất hiện. Và đó là một tác phẩm báo chí hay của một nhà báo, người cuối cùng đưa ra ý kiến. Nhưng cũng nên xem những dấu hiệu đó, không chỉ các tuyên bố, ngôn ngữ ngầm đó, và các dấu hiệu khác. Nghĩa là có thể đọc các tín hiệu hoặc ít nhất là nỗ lực để giải thích rằng nó có thể là điều này mà cũng có thể là điều kia. Ðây là công việc tốt và tôi cảm ơn anh chị em rất nhiều.

Bruni: Bây giờ có lẽ một câu hỏi cuối cùng từ Phoebe Nathanson của ABC.

Phoebe Nathanson, ABC: Tôi biết ngài đã có rất nhiều câu hỏi như thế này, nhưng tôi muốn hỏi: Tại thời điểm này, với những khó khăn về sức khỏe và mọi điều, ngài có nghĩ rằng đã đến lúc phải nghỉ hưu không? Ngài đã gặp vấn đề gì khiến ngài phải suy nghĩ về điều này? Có khoảnh khắc khó khăn nào khiến ngài nghĩ về điều này không?

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Cánh cửa đã mở. Ðó là một trong những lựa chọn bình thường, nhưng cho đến hôm nay tôi vẫn chưa gõ cửa... Tôi không cảm thấy muốn nghĩ về khả thể đó. Nhưng có lẽ điều đó không có nghĩa là ngày mốt tôi sẽ bắt đầu suy nghĩ. Nhưng hiện tại thì thành thật mà nói tôi vẫn chưa.

Ðúng là chuyến đi này có một chút thử nghiệm; anh chị em không thể thực hiện các chuyến đi trong điều kiện này. Có lẽ anh chị em phải thay đổi phong cách của mình một chút, bớt đi, trả hết nợ những chuyến đi còn vướng bận, sắp xếp lại. Nhưng Chúa sẽ nói. Cửa mở, đó là sự thật.

Trước khi lui gót, tôi muốn nói về một điều rất quan trọng đối với tôi. Chuyến đi Canada liên quan rất nhiều đến hình tượng Thánh Anna, và tôi đã nói một số điều về phụ nữ, nhưng đặc biệt là về người già, về các bà mẹ về các bà nội ngoại, và tôi nhấn mạnh một điều rõ ràng: đức tin nên được truyền đi bằng tiếng địa phương, phương ngữ, và, tôi đã nói rõ ràng, phương ngữ của các bà. Chúng ta đã nhận được niềm tin trong hình thức phương ngữ nữ tính đó. Và điều đó rất quan trọng. Vai trò của người bà, trong việc truyền dạy đức tin và phát triển đức tin.

Chính mẹ hoặc bà là người dạy ta cách cầu nguyện, chính mẹ hoặc bà là người giải thích những điều đầu tiên về đức tin mà đứa trẻ chưa hiểu. Tôi có thể nói rằng sự truyền tải đức tin theo phương ngữ này là nữ tính. Ai đó có thể nói với tôi: nhưng về mặt thần học, Ðức Thánh Cha giải thích nó như thế nào?

Tôi sẽ nói: Người truyền tải đức tin là Giáo hội, và Giáo hội là phụ nữ. Giáo hội là nàng dâu. Giáo hội không phải là nam giới. Giáo hội là phụ nữ, và chúng ta phải đi vào tư tưởng này về Giáo hội như là phụ nữ, Giáo hội là mẹ, điều này quan trọng hơn bất cứ thứ tưởng tượng thừa tác viên nam tử hán nào [macho] hoặc bất cứ quyền lực nam tử hán nào. Giáo hội là mater [mẹ], tình mẫu tử của Giáo hội là hình bóng của Mẹ Chúa.

Theo nghĩa này, điều quan trọng là phải nhấn mạnh tầm quan trọng của phương ngữ mẹ đẻ này. Tôi phát hiện ra điều này bằng cách đọc, thí dụ, cuộc tử đạo của anh em nhà Maccabê: hai ba lần nó nói rằng người mẹ đã phó linh hồn bằng tiếng mẹ đẻ. Ðức tin phải được truyền đi bằng phương ngữ và tiếng địa phương đó được nói bởi phụ nữ, và đó là niềm vui lớn của Giáo hội vì Giáo hội là phụ nữ. Giáo hội là một nàng dâu, và điều này tôi muốn nói rõ ràng khi nghĩ về Thánh Anna. Cảm ơn vì sự kiên nhẫn của anh chị em. Cảm ơn anh chị em đã lắng nghe, chúc anh chị em một chuyến đi vui vẻ.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page