Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ

tại sân vận động Commonwealth ở Edmonton

 

Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ tại sân vận động Commonwealth ở Edmonton.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Edmonton (RVA News 27-07-2022) - Sáng ngày 26 tháng Bảy, lễ kính thánh Gioakim và Anna, Ðức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trọng thể đầu tiên, trong chuyến tông du tại Canada, trước sự tham dự của hơn 60,000 người tại thành phố Edmonton. Ngài kêu gọi các tín hữu đừng quên cội rễ của mình và dấn thân để lại những điều tốt đẹp cho thế hệ tương lai.

Lúc quá 9 giờ sáng, Ðức Thánh cha đến sân vận động Commonwealth ở Edmonton, chỉ cách Ðại chủng viện thánh Giuse gần năm cây số, để cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Khu vực thể thao này rộng 17 hécta, dành cho nhiều bộ môn, nhưng phần lớn được dùng để tiếp đón các trận đấu bóng đá và các biến cố thể thao khác và cũng như các buổi hòa nhạc quốc tế. Sân được khởi công kiến thiết hồi năm 1975 và hoàn thành ba năm sau đó. Ngày nay sân có thể đón tiếp gần 60,000 người.

Khi đến nơi, Ðức Thánh cha đã dành hơn 40 phút, đi xe Papamobile tiến qua các lối đi của thao trường chính, và cả sân vận động Clarke bên cạnh, để chào thăm các tín hữu trong bầu không khí tưng bừng. Hiện diện trong thánh lễ cũng có nhiều tín hữu Công giáo Việt Nam.

Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có hơn hai mươi hồng y và giám mục cùng với hàng trăm linh mục trong phẩm phục màu trắng.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng, Ðức Thánh cha nhấn mạnh ý tưởng: chúng ta đã đón nhận sự sống, tình thương, sự chăm sóc từ ông bà, cha mẹ, chúng ta hãy trở thành những người xây dựng cho xã hội hiện tại và tương lai.

Nhắc đến trường hợp Chúa Giêsu, người đã biết ông bà, Gioakim và Anna, đã cảm nghiệm sự gần gũi, dịu dàng và khôn ngoan của ông bà, Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng "Chúng ta cũng hãy nghĩ đến các ông bà ngoại của chúng ta" và suy tư về hai khía cạnh quan trọng:

"Thứ nhất: chúng ta là con của một lịch sử cần bảo tồn. Chúng ta không phải là những cá nhân đơn độc, cô lập, không phải là những hòn đảo. Không ai vào đời mà không liên hệ gì đến những người khác. Những căn cội, tình thương đã chờ đợi chúng ta và chúng ta nhận được khi đi vào thế giới. Chúng ta được lớn lên trong những môi trường gia đình để trở nên thành phần của một lịch sử duy nhất, đã đi trước và sinh ra chúng ta (...).

Ðức Thánh cha nói: "Ðể nhận thức thực sự chúng ta là ai và quí giá dường nào, chúng ta cần đón nhận nơi chúng ta những người từ đó chúng ta xuất phát, những người không chỉ nghĩ đến mình, nhưng đã thông truyền cho chúng ta kho tàng sự sống. Chúng ta hiện diện ở đây là nhờ cha mẹ, và cũng nhờ các ông bà đã làm cho chúng ta cảm nghiệm mình được chào đón trong thế giới. Chính họ đã yêu thương chúng ta không chút dè dặt, không chờ đợi điều gì nơi chúng ta: các vị đã cầm tay chúng ta khi chúng ta sợ hãi, trấn an chúng ta trong đêm tối, khích lệ chúng ta khi mà dưới ánh mặt trời, chúng ta phải đương đầu với những chọn lựa trong cuộc sống."

Ðức Thánh cha nhắc đến bao nhiêu điều chúng ta học hỏi và nhận được từ ông bà: "trong nhà ông bà, chúng ta được hô hấp hương thơm Tin mừng, sức mạnh của một niềm tin có hương vị gia đình. Nhờ ông bà, chúng ta đã khám phá niềm tin gia đình; đúng vậy, vì đức tin được thông truyền chủ yếu như thế, qua lòng quí mến, khích lệ, chăm sóc và gần gũi. Ðó chính là lịch sử mà chúng ta cần bảo tồn, lịch sử trong đó chúng ta là những người thừa kế. Chúng ta là những người con, vì chúng ta là những người cháu. Các ông bà đã in vào trong chúng ta con dấu đặc sắc về lối sống của họ, mang lại cho chúng ta phẩm giá, tin tưởng nơi bản thân và tha nhân. Ông bà đã thông truyền cho chúng ta, trong tâm khảm điều mà chúng ta không bao giờ có thể xóa bỏ, đồng thời giúp chúng ta trở thành những người duy nhất, đặc sắc và tự do. Như thế, chính từ các ông bà, chúng ta đã học biết rằng tình yêu không bao giờ là một sự cưỡng bách, không bao giờ tước đoạt tự do lương tâm của người khác. Thánh Gioakim và Anna đã yêu thương Mẹ Maria như thế và Mẹ Maria đã yêu thương Chúa Giêsu, với một tình thương không bao giờ bóp nghẹt và cầm hãm, nhưng đồng hành Người để đón nhận sứ mạng vì đó Người đến trong trần thế. Chúng ta hãy cố gắng học điều này trong tư cách là cá nhân cũng như Giáo hội: đừng bao giờ đàn áp lương tâm người khác, đừng bao giờ cầm hãm tự do của người đang đứng trước chúng ta, và nhất là không bao giờ thiếu tình thương và tôn trọng đối với những người đã đi trước chúng ta..."

Và Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Anh chị em thân mến, vậy chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta có phải là những người con, người cháu biết bảo tồn sự phong phú đã nhận lãnh hay không? Chúng ta có nhớ những giáo huấn tốt lành đã thừa hưởng hay không? Chúng ta có nói với những người già của chúng ta, dành thời gian để lắng nghe họ hay không? Và trong ngôi nhà gia đình chúng ta, ngày càng được trang bị hiện đại và đáp ứng nhu cầu, chúng ta có biết dành không gian xứng đáng để bảo tồn những kỷ niệm về tiền nhân, một nơi dành riêng, một thứ cung thánh của gia đình, qua những hình ảnh và đồ vật trân quí, giúp chúng ta nghĩ đến và và cầu nguyện cho những người đi trước chúng ta hay không? Chúng ta có giữ Kinh thánh và chuỗi Mân côi của tiền nhân chúng ta hay không? Cầu nguyện cho họ và kết hiệp với họ, dành thời gian để nhớ đến, bảo tồn gia sản: trong thời đại dễ quên ngày nay, điều quan trọng là vun trồng căn cội. Chính nhờ vậy mà cây lớn lên, và tương lai được xây dựng.

Sang đến khía cạnh thứ hai: Chúng ta có nghĩa vụ xây dựng lịch sử.

Ðức Thánh cha nói: Khi trưởng thành, chúng ta cũng được kêu gọi sinh sản, trở thành những người cha, người mẹ, ông bà... Chúng ta đã nhận lãnh bao nhiêu điều từ tay những người đi trước chúng ta: Vậy chúng ta muốn để lại điều gì làm gia sản cho những người đến sau chúng ta? Một đức tin sinh động hay là một đức tin hời hợt, một xã hội dựa trên lợi lộc cá nhân hay trên tình huynh đệ, một thế giới hòa bình hay chiến tranh, một thiên nhiên bị tàn phá hay một căn nhà hiếu khách?

Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "Anh chị em thân mến, những người đi trước đã thông truyền cho chúng ta một sự hăng say, một sức mạnh và một sự khao khát, một ngọn lửa mà nay đến lượt chúng ta có nhiệm vụ làm cho sáng lên; đây không phải là bảo tồn các tro cốt, nhưng là khơi lại ngọn lửa họ đã thắp lên. Các ông bà và những người già của chúng ta đã mong được thấy một thế giới công bằng hơn, huynh đệ, liên đới hơn. Họ đã chiến đấu để mang lại cho chúng ta một tương lai. Giờ đây chúng ta có nhiệm vụ không làm cho họ thất vọng. Ðược họ nâng đỡ, là những gốc rễ của chúng ta, chúng ta có nhiệm vụ sinh hoa trái. Chúng ta là những ngành cây phải sinh hoa và đặt những hạt giống mới vào lịch sử: đứng trước lịch sử ơn cứu độ mà tôi là thành phần và đứng trước người đã đi trước và yêu thương tôi, tôi làm gì? Tôi có một vai trò độc nhất và không thể thay thế được trong lịch sử: dấu vết nào tôi đang để lại đàng sau hành trình của tôi, cho người đi sau tôi? Bao nhiêu lần người ta đánh giá cuộc sống dựa trên căn bản tiền bạc kiếm được bao nhiêu, sự nghiệp, thành công và sự kính trọng nhận được từ người khác. Nhưng chúng không phải là những tiêu chuẩn sinh ra sự sống? Vấn đề là tôi có đang mang lại sự sống hay không? Có đặt vào trong lịch sử một tình yêu thương mới và được canh tân mà trước đây không có hay không? Tôi có đang loan báo Tin mừng tại nơi tôi đang sống hay không, có phục vụ nhưng không, như người đi trước đã làm cho tôi hay không? Tôi đang làm gì cho Giáo hội của tôi, cho thành phố và xã hội của tôi? Thật dễ phê bình chỉ trích, nhưng Chúa không muốn chúng ta chỉ là những người phê bình, không muốn chúng ta khép kín và thụt lùi, nhưng là những người xây dựng một lịch sử mới, tạo nên hy vọng, những người xây dựng tương lai, kiến tạo hòa bình."

Cuối thánh lễ, Ðức cha Richard William Smith, Tổng giám mục giáo phận Edmonton sở tại, đã đại diện mọi người cám ơn Ðức Thánh cha.

Thánh lễ kết thúc lúc quá 12 giờ trưa, Ðức Thánh cha trở lại Ðại chủng viện thánh Giuse, chỉ cách đó gần năm cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page