Ðức Thánh cha sẽ kêu gọi quan tâm đến di dân

trong chuyến viếng thăm Malta

 

Ðức Hồng y Parolin: Ðức Thánh cha sẽ kêu gọi quan tâm đến di dân trong chuyến viếng thăm Malta.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 01-04-2022) - Ðức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết trong chuyến đi Âu châu, viếng thăm Malta vào hai ngày mùng 02 và 03 tháng Tư năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô sẽ mời gọi toàn thể quan tâm đón tiếp những người di dân và tị nạn, những người trốn chạy chiến tranh, bách hại, bạo lực hoặc tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.

Ðức Hồng y Parolin tuyên bố như trên với đài Vatican, hôm 31 tháng Ba năm 2022, trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của Ðức Thánh cha.

Ðức Hồng y nhận định rằng "cuộc viếng thăm này được chờ đợi vì đã bị hoãn lại một lần do đại dịch Covid-19 và nay diễn ra trong bối cảnh chiến tranh đang gây lo âu rất nhiều cho Ðức Thánh cha. Vì thế, ngài thực hiện cuộc viếng thăm với một tâm trạng đau lòng, như ngài đã bày tỏ nhiều lần trong những tuần qua vì những gì đang xảy ra tại Ucraina và nhiều lần kêu gọi ngưng chiến, đồng thời tiếp tục đối thoại, vì tuy đã có thương thuyết nhưng dường như chưa đạt được kết quả nào cụ thể".

Ðức Hồng y Parolin cảm tạ Chúa vì có một cuộc "chạy đua" thực sự đối với những người tị nạn từ Ucraina: "Thực là một điều đáng ngưỡng mộ những gì mà các nước Âu châu đang làm cho họ. Tôi hy vọng kinh nghiệm bi thảm này có thể giúp tăng trưởng, gia tăng sự nhạy cảm đối với một cuộc di dân khác, đến từ phía nam, và tôi thấy rằng về vấn đề này, không có giải pháp nào khác ngoài sự cộng tác và chia sẻ trách nhiệm về những "gánh nặng" giữa các nước Âu châu, nhất là giữa những nước mà người di dân trôi dạt tới, hoặc nước chuyển tiếp và những nước nơi họ muốn định cư... Ðức Thánh cha đã nhiều lần nhấn mạnh ưu tiên là cứu vớt những người ở biển và điều này có thể thực hiện bằng cách gia tăng những lộ trình di cư hợp pháp."

Ðầu tư vào các nước xuất cư

"Ngoài ra, cần giải quyết vấn đề tận nguồn, vì không ai muốn bỏ quê hương của mình, nhưng họ bị bó buộc vì những tình trạng xung đột, bất an hoặc kém phát triển. Vì thế cần đầu tư vào các nước nguyên quán về mặt kinh tế, ổn định chính trị, quản trị tốt, tôn trọng các quyền con người. Cần thi hành bốn động từ mà Ðức Thánh cha chỉ dẫn, đó là đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Không nước nào có thể một mình lãnh nhận trách nhiệm. Cần có một sự dấn thân chung, chia sẻ giữa xã hội nhân sự và cả các nhóm tôn giáo và Giáo hội Công giáo nói riêng".

Ðức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng nhận xét "một điều thật ý nghĩa, là trong năm thứ mười của triều đại Giáo hoàng có cuộc viếng thăm tại đảo Malta, vì đảo này gắn liền với hình ảnh thánh Phaolô, nhà truyền giáo tuyệt hảo, và điều này tương ứng với điều được Ðức Thánh cha Phanxicô nhấn mạnh, đó là mời gọi Giáo hội trở thành thừa sai, mang Tin mừng đến cho mọi người trong mọi hoàn cảnh".

Vấn đề của Giáo hội tại Malta

Về Giáo hội tại Malta, Ðức Hồng y Parolin nhận định rằng Giáo hội tại nước này cũng đang đứng trước nhiều vấn đề giống như các Giáo hội tại những nước Tây phương: một đàng, có truyền thống tôn giáo lâu dài về sự gần gũi dân chúng và các nhu cầu của họ, nhưng đàng khác, việc thực hành đạo giảm sút cùng với những giá trị Kitô vốn là nền tảng của xã hội. Ðức Hồng y nói: "Tôi thiết nghĩ câu trả lời mà Ðức Thánh cha nhiều lần đề nghị là trở thành môn đệ - thừa sai; từ môn đệ chỉ căn tính, một căn tính Kitô vững mạnh nảy sinh từ tương quan bản thân với Chúa Giêsu Kitô, và đồng thời là môn đệ thừa sai. Sự cởi mở này phải được biểu lộ trước tiên qua cuộc đối thoại với thế giới ngày nay. Ðây là một cuộc đối thoại có tính chất đón tiếp và đồng thời phê bình đối với những khía cạnh kém tích cực trong các thực tại và xã hội chúng ta".

(Vatican News 31-3-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page