Ðức Thánh cha giã từ đảo Cipro

và bắt đầu viếng thăm Hy Lạp

 

Ðức Thánh cha giã từ đảo Cipro và bắt đầu viếng thăm Hy Lạp.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Nicosia (RVA News 05-12-2021) - Thứ Bảy, ngày 04 tháng Mười Hai năm 2021 là ngày thứ ba trong chuyến tông du thứ 35 của Ðức Thánh cha Phanxicô.

Lúc 6 giờ 30 sáng, Ðức Thánh cha dâng thánh lễ riêng tại nguyện đường Tòa Sứ thần ở thủ đô Nicosia của Cộng hòa Cipro và lúc 8 giờ, ngài giã từ các nhân viên, các thân nhân và thân hữu của Tòa Sứ thần, trở lại phi trường Larcana cách đó 50 cây số về hướng đông nam. Tại đây, Tổng thống Hy Lạp Nicos Anastasiades đã có mặt để tiễn biệt Ðức Thánh cha. Sau cuộc hội kiến ngắn tại phòng khánh tiết phi trường, là nghi thức giã từ với cuộc duyệt qua hàng quân danh dự và chào từ biệt giữa hai phái đoàn.

Chiếc máy bay Airbus A320 thuộc hãng Aegean của Hy Lạp chở Ðức Thánh cha và đoàn tùy tùng đã cất cánh lúc quá 8 giờ 30, trực chỉ phi trường thủ đô Athènes của Hy Lạp, cách đó gần 900 cây số về hướng tây bắc, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến tông du thứ 35 của Ðức Thánh cha.

Vài nét về đất nước và Giáo hội tại Hy Lạp

Với diện tích gần 132,000 cây số vuông, trong đó có 2,000 hải đảo, Hy lạp chỉ rộng hơn một phần ba nước Việt Nam, với dân số là gần 10 triệu 900 ngàn người, trong đó 40% sinh sống tại vùng thủ đô Athènes.

Gần 86% dân Hy Lạp theo Chính thống giáo, cũng là quốc giáo tại đây, tuy rằng mức độ thực hành đạo của tín hữu Chính thống chỉ vào khoảng 5%. Chính thống giáo đã giữ vai trò rất quan trọng trong việc giải phóng đất nước khỏi sự đô hộ suốt bốn thế kỷ của Ðế quốc Ottoman Hồi giáo. Trước kia, Ðức Thượng phụ Chính thống ở Constantinople, Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là Thượng phụ Giáo chủ của Chính thống Hy Lạp, nhưng sau khi Hy Lạp dành được độc lập khỏi đế quốc Ottoman, thì Chính thống giáo tại đây cũng đòi quyền độc lập với Ðức Thượng phụ ở Constantinople, tức là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và trở thành một Giáo hội tự quản, tự trị, từ năm 1833 và đứng đầu là vị Tổng giám mục của giáo phận thủ đô Athènes.

Số tín hữu Công giáo công dân Hy Lạp là 133,000 người, tương đương với 1.22% dân số, trong đó gần một nửa là người Hy Lạp, phần còn lại là các tín hữu Công giáo đến từ nước ngoài, như những công nhân, trong đó 40% là người Ba Lan, 45,000 Philippines, 4,000 từ Irak và Syria. Năm 2018, người ta ước lượng con số Công giáo thực sự tại Hy Lạp là 400,000 người.

Xét về nghi lễ, hầu hết các tín hữu Công giáo tại Hy Lạp thuộc lễ nghi Latinh, nhưng cũng có khoảng 3,000 người thuộc lễ nghi đông phương Bizantine và vài trăm người thuộc lễ nghi Arméni. Giống như các nhóm tôn giáo thiểu số khác, các tín hữu Công giáo tại Hy Lạp còn phải chịu rất nhiều kỳ thị, trái ngược với các qui luật của Liên hiệp Âu châu mà Hy Lạp là thành viên, Giáo hội Công giáo không được qui chế pháp lý, tín hữu Công giáo không được trở thành sĩ quan, nhà ngoại giao hoặc đảm nhận các chức vụ quan trọng.

Giáo hội Công giáo tại đây có 11 giáo phận, 12 giám mục và 79 giáo xứ với tổng cộng 94 linh mục, trong số này có 58 linh mục giáo phận và 36 linh mục dòng, 84 nữ tu. Vấn đề lớn của Giáo hội tại đây là sự tản mát của các tín hữu khiến cho việc mục vụ trở nên khó khăn, không kể sự giảm sút ơn gọi trong những thập niên gần đây. Nhiều linh mục tại Hy Lạp là người nước ngoài.

Cũng nên nói thêm rằng số người vô thần tại Hy Lạp lên tới 10%.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page