Thánh lễ Ðức Thánh cha cử hành

cho các tín hữu Công giáo Cipro

 

Thánh lễ Ðức Thánh cha cử hành cho các tín hữu Công giáo Cipro.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Nicosia (RVA News 03-12-2021) - Sau cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo Chính thống Cipro, Ðức Thánh cha Phanxicô đến sân vận động GSP của Hội thể dục Cipro, cách đó chín cây số để cử hành thánh lễ đầu tiên trong chuyến tông du, vào lúc 10 giờ, giờ địa phương.

Ðây là sân vận động lớn nhất tại đảo Cipro, có khoảng 22,000 chỗ ngồi, được khánh thành cách đây 22 năm (1999), thay thế cho sân cũ có từ năm 1902 và chỉ chứa được 12,000 người.

Khi đến nơi, Ðức Thánh cha đã được Tổng thống Hy Lạp và phu nhân chào thăm, vì ông bà cũng đến tham dự thánh lễ cùng với 20,000 tín hữu khác. Họ thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau, trong đó đông nhất là các tín hữu Công giáo Latinh với nhiều người di dân sau này, đặc biệt là những người Philippines. Ngoài ra, có đông đảo các tín hữu Công giáo Maronite, gốc Liban. Người ta thấy nhiều tín hữu mang theo cờ quốc gia nguyên quán của họ.

Vì thế đầu thánh lễ, Ðức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa, của Giáo hội Công giáo Latinh Jerusalem đã thay mọi người chào mừng Ðức Thánh cha.

Ðồng tế giới Ðức Thánh cha, có khoảng 20 hồng y và giám mục các nước, cùng với hơn 50 linh mục.

Bài giảng thánh lễ của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng, Ðức Thánh cha đã quảng diễn bài Tin mừng theo thánh Matthêu đọc trong thánh lễ (Mt 9,27-31) về sự tích hai người mù tin tưởng và kêu cầu Chúa Giêsu và Ngài đã chữa lành cho họ, từ đó Ðức Thánh cha rút ra những bài học thực hành:

Trước tiên là thái độ của hai người mù đi theo sau Chúa Giêsu và họ tin tưởng kêu xin Chúa chữa lành (Xc. v.27). Ðức Thánh cha nói: "Tại sao hai người mù ấy tín thác nơi Chúa Giêsu? Thưa vì họ trực giác thấy rằng trong tăm tối của lịch sử, Ngài là ánh sáng soi chiếu những đêm đen của tâm hồn và thế giới, ánh sáng đánh bại bóng đêm và chiến thắng mọi mù lòa. Chúng ta biết cả chúng ta cũng mang trong tâm hồn những sự mù quáng. Cả chúng ta, như hai người mù, cũng đang bước đi, và thường ngụp lặn trong những tối tăm của cuộc sống. Ðiều đầu tiên cần làm là đến với Chúa Giêsu, như chính Ngài đã nói: "Hỡi những ai mệt mỏi và bị áp bức, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức cho các con" (Mt 11,28) ...

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Bao nhiêu lần chúng ta thích ở lại, khép kín trong chính mình, một mình với những tối tăm của chúng ta, than khóc vì chúng, chấp nhận để cho buồn sầu đồng hành. Chúa Giêsu là thầy thuốc: chỉ có Ngài, là ánh sáng chân thực soi sáng cho mỗi người (Xc. Ga 1,9), mới có thể ban cho chúng ta dồi dào ánh sáng, sự ấm cúng, tình thương. Chỉ có Ngài giải thoát con tim khỏi sự ác.

Ðiều thứ hai là cùng nhau mang các vết thương. Trong trình thuật Tin mừng ngày hôm nay, có hai người mù. Họ cùng nhau đi trên đường. Cùng nhau chia sẻ đau khổ vì hoàn cảnh của họ, cùng ước muốn một ánh sáng có thể thắp lên tia sáng trong đêm đen tâm hồn họ.

Ðức Thánh cha nhận xét rằng thật là điều ý nghĩa khi họ nói với Chúa Kitô: "xin thương xót chúng con". Họ dùng từ "chúng con" chứ không phải là "con". Họ không nghĩ mỗi người đến tình trạng mù lòa của mình, nhưng cùng nhau xin giúp đỡ. Ðây là một dấu chỉ hùng hồn về đời sống Kitô, là nét nổi bật về tinh thần Giáo hội: suy nghĩ, nói và hành động như một "cộng đồng", ra khỏi cá nhân chủ nghĩa và sự tự phụ, tự mãn làm cho con tim bị bệnh hoạn.

"Hai người mù, qua sự chia sẻ đau khổ và tình thân hữu huynh đệ của họ, dạy chúng ta nhiều điều. Mỗi người chúng ta, theo một nghĩa nào đó cũng là người mù vì tội lỗi, tội lỗi ngăn cản chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa như Cha và những người khác như anh chị em. Ðiều này tạo nên tội lỗi, bóp méo thực tại: tội lỗi làm chúng ta coi Thiên Chúa như ông chủ và coi những người khác là vấn đề. Ðó là công việc của kẻ cám dỗ, làm sai lệch thực tại và có xu hướng làm cho chúng ta nhìn thực tại dưới ánh sáng tiêu cực để làm cho chúng ta tuyệt vọng và cay đắng. Sự buồn sầu xấu xa là điều nguy hiểm và không đến từ Thiên Chúa, nó ẩn náu trong cô đơn. Vì thế ta không thể một mình đương đầu với tối tăm. Nếu chúng ta mang sự mù quáng nội tâm một mình thì chúng ta sẽ bị đè bẹp. Chúng ta cần ở cạnh nhau, chia sẻ các vết thương, cùng nhau hành trình.

Và Ðức Thánh cha nói: "Anh chị em thân mến, đứng trước mỗi đen tối bản thân và những thách đố chúng ta gặp phải trong Giáo hội và xã hội, chúng ta được kêu gọi canh tân tình huynh đệ. Nếu chúng ta chia rẽ với nhau, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến mình và phe nhóm của mình, nếu chúng ta không liên kết với nhau, không đối thoại, không đoàn kết cùng tiến bước thì chúng ta không thể chữa lành hoàn toàn những mù quáng.

Ðiều thứ ba được Ðức Thánh cha diễn giải là hân hoan loan báo Tin mừng. Sau khi được Chúa Giêsu chữa lành, hai nhân vật vô danh của Tin mừng, bắt đầu phổ biến tin này trong toàn vùng. Nơi họ chúng ta thấy cũng phản ánh chúng ta.

Và mặc dù Chúa Giêsu bảo họ đừng nói cho ai, họ làm ngược lại (Mt 9,30-31). Họ không có ý không vâng lời Chúa, nhưng chỉ vì họ không cầm giữ nổi sự phấn khởi vì đã được chữa lành, niềm vui vì những gì họ đã trải qua trong cuộc gặp gỡ với Chúa. Ðó là nét đặc sắc của Kitô hữu: niềm vui Tin mừng là điều không thể cầm hãm nổi, "làm đầy tâm hồn và toàn cuộc sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu", giải thoát khỏi nguy cơ một thứ đức tin duy nội tâm, nghiêm nghị và than vãn, để đưa vào năng động làm chứng tá.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em rất thân mến, thật là đẹp được thấy anh chị em đang vui sống sự loan báo giải thoát của Tin mừng. Tôi cám ơn anh chị em vì điều đó. Ðây không phải là chiêu dụ tín đồ, nhưng là làm chứng, không phải là thái độ duy luân lý phán đoán, nhưng là lòng thương xót đón nhận người khác, không phải là việc phụng tự bề ngoài nhưng là tình yêu được sống thực. Tôi khuyến khích anh chị em hãy tiến bước trên con đường đó."

Trong phần lời nguyện phổ quát, các ý nguyện được xướng lên bằng các thứ tiếng Ý, Hy lạp, Hy Lạp Cipro, Anh, Tagalog của Philippines và Arập.

Cuối thánh lễ, Ðức Tổng giám mục Selim Sfeir, Tổng giám mục Giáo phận Công giáo Maronite ở Cipro cám ơn Ðức Thánh cha bằng nhiều thứ tiếng, như nói thay cho những sắc dân khác nhau trong cộng đoàn tín hữu ở địa phương.

Về phần Ðức Thánh cha, ngài ngỏ lời cám ơn Tổng thống, chính quyền, giáo quyền và tất cả những người đã cộng tác vào việc tổ chức chuyến viếng thăm của ngài. Ngài cũng tặng cho hai cộng đoàn Công giáo địa phương hai chén lễ quý giá.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 45 phút, và Ðức Thánh cha trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page