Mẹ Maria gần gũi

những người kết thúc cuộc đời trong cô đơn vì đại dịch

 

Ðức Thánh cha: Mẹ Maria gần gũi những người kết thúc cuộc đời trong cô đơn vì đại dịch.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 24-03-2021) - Sáng thứ Tư, 24 tháng 3 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung trực tuyến thứ chín, tính từ đầu năm 2021, vẫn tại thư viện trong dinh Giáo hoàng, vào lúc 9 giờ 15 phút và không có tín hữu nào hiện diện ngoài hai chức sắc thuộc Phủ Giáo hoàng và tám linh mục thông dịch viên.

Ðại dịch vẫn còn lan mạnh tại Italia, trong đó có miền Lazio và thành Roma, đang ở trong tình trạng màu đỏ và bị giới nghiêm.

Tôn vinh Lời Chúa

Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn, trích từ sách Tông đồ Công vụ, đoạn thứ 1 (1,12-14) kể lại: "Bấy giờ họ trở về Jerusalem từ núi Cây Dầu, gần thành Jerusalem, theo đoạn đường được phép đi trong ngày Sabat. Vào thành, họ lên phòng trên, nơi họ thường hội họp: có Phêrô và Gioan, Giacôbê và Anrê, Philiphê và Tôma, Bartolomeo và Matheo, Giacôbe con ông Alfeo. Simon thuộc nhóm Zelote, và Giuda con của Giacôbê. Tất cả đều kiên trì và hòa hợp trong kinh nguyện, cùng với vài phụ nữ và Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và các anh em của Ngài".

Bài huấn giáo

Trong phần giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện và trình bày bài thứ 27 với đề tài: "Cầu nguyện trong sự hiệp thông với Mẹ Maria."

Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian

"Hôm nay, bài giáo lý nói về kinh nguyện trong sự hiệp thông với Mẹ Maria, và diễn ra đúng vào ngày áp lễ trọng Truyền tin cho Ðức Mẹ. Chúng ta biết rằng con đường tốt nhất của kinh nguyện Kitô chính là nhân tính của Chúa Giêsu. Thực vậy, lòng tín thác, đặc điểm của kinh nguyện Kitô, sẽ không có ý nghĩa nếu Ngôi Lời Thiên Chúa không nhập thể làm người, ban cho chúng ta tương quan con thảo của Ngài với Chúa Cha trong Thánh Linh.

"Chúa Kitô là Ðấng Trung Gian, là chiếc cầu chúng ta đi qua đó để hướng về Chúa Cha (Xc Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo. 2647). Chúa là Ðấng Cứu Chuộc duy nhất: không có những vị Ðồnng Cứu chuộc với Chúa Kitô. Mỗi kinh nguyện chúng ta dâng lên cùng Thiên Chúa là nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, và được diễn ra nhờ sự chuyển cầu của Ngài. Chúa Thánh Linh kéo dài sự trung gian của Chúa Kitô tới mọi thời và mọi nơi: không có danh nào khác qua đó chúng ta có thể được cứu rỗi (Xc Cv 4,12).

Vai trò ưu tiên của Mẹ Maria

Từ sự trung gian duy nhất của Chúa Kitô, những tham chiếu khác có được ý nghĩa và giá trị, những tham chiếu mà Kitô hữu tìm thấy cho kinh nguyện và lòng sùng mộ của mình, trước tiên sự tham chiếu về Ðức Trinh Nữ Maria.

Vì thế, Ðức Mẹ chiếm một chỗ đứng ưu tiên trong cuộc sống, và cả trong kinh nguyện của tín hữu Kitô, vì Người là Mẹ của Chúa Giêsu. Các Giáo hội Ðông phương thường mô tả Ðức Mẹ là "Odigitria", Ðấng chỉ đường, nghĩa là là chỉ cho thấy Chúa Con là Ðức Giêsu Kitô. Trong các ảnh đạo của Kitô giáo, sự hiện diện của Ðức Mẹ ở mọi nơi, nhiều khi được làm nổi bật rất nhiều, nhưng luôn luôn ở trong tương quan với Chúa Kitô và tùy thuộc vào Chúa. Ðôi tay, đôi mắt và thái độ của Mẹ là "một cuốn sách giáo lý" sống động và luôn đánh dấu trục chính, trung tâm là Chúa Giêsu. Mẹ Maria hoàn toàn hướng về Chúa Con (Xc Sách Giáo Lý 2674).

Ðó là vai trò mà Mẹ Maria nắm giữ suốt cuộc đời trần thế của Mẹ và bảo tồn mãi mãi: là nữ tỳ khiêm hạ của Chúa. Một lúc đó nào, trong các sách Tin mừng, dường như Mẹ hầu như biến mất; nhưng Mẹ trở lại trong những lúc trọng yếu, như tại Cana, khi Chúa Con làm phép lạ đầu tiên (Xc Ga 2,1-12) nhờ sự ân thầm can thiệp của Mẹ, rồi trên đồi Golgota, dưới chân thập giá.

Ðức Maria, Mẹ của nhân loại

Chúa Giêsu đã nới rộng tình mẫu tử của Mẹ Maria cho toàn thể Giáo hội, khi Ngài phó thác môn đệ yêu quí cho Mẹ, ít lâu trước khi từ trần trên thập giá. Từ lúc ấy, chúng ta được đặt dưới áo choàng của Mẹ, như ta thấy trong một số bích họa hoặc các bức tranh thời Trung Cổ.

Và thế là chúng ta đã bắt đầu khẩn cầu Mẹ với một số kiểu nói trực tiếp thưa với Mẹ, ở trong các sách Tin mừng: "Ðấng đầy ơn phúc", "Người được chúc phúc nơi mọi người nữ" (Xc SGL 2672s). Trong kinh Kính mừng, có đề cập đến tước hiệu "Theotokos", Mẹ Thiên Chúa, được Công đồng chung Ephêsô khẳng định, Và tương tự như đã xảy ra trong kinh Lạy Chúa, sau lời chúc tụng, chúng ta thêm lời cầu khẩn: chúng ta cầu xin Mẹ cầu cho chúng ta, là những kẻ tội lỗi, xin Mẹ chuyển cầu bằng sự dịu dàng, "bây giờ và trong giờ lâm tử" của chúng ta. Giờ đây, trong những tình cảnh cụ thể của cuộc sống và trong lúc sau hết, xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong lúc tiến vào cuộc sống đời đời.

Mẹ Maria luôn gần gũi chúng ta

Mẹ Maria luôn ở bên giường các con cái Mẹ giã từ trần thế này. Nếu có ai cảm thấy lẻ loi và bị bỏ rơi, Mẹ ở cạnh đó, như Mẹ đã ở cạnh Chúa Con khi mọi người đã bỏ rơi Chúa.

Mẹ Maria đã và đang hiện diện trong những ngày đại dịch, gần những người rất tiếc đã kết thúc hành trình trần thế của họ trong tình cảnh cô lập, không được sự an ủi nhờ sự gần gũi của những người thân yêu. Mẹ Maria luôn ở đó, với sự dịu dàng hiền mẫu.

Công hiệu dâng lên Mẹ Maria

Các kinh nguyện dâng lên Mẹ không bao giờ uổng công vô ích. Mẹ là phụ nữ đã thưa "xin vâng", đã mau lẹ đón nhận lời mời của Thiên Chúa, Mẹ cũng đáp lại những lời khẩn xin của chúng ta, lắng nghe tiếng nói của chúng ta, cả những tiếng còn ở trong tâm hồn chúng ta không có sức để bộc lộ ra ngoài, nhưng Thiên Chúa biết rõ hơn cả chúng ta. Giống như và hơn mọi người mẹ nhân lành, Mẹ Maria bảo vệ chúng ta khỏi những nguy hiểm, lo lắng cho chúng ta, cả khi chúng ta bận tâm đến những vấn đề của mình và mất cảm thức về hành trình, và gây nguy hiểm, không những cho sức khỏe nhưng cả phần rỗi của chúng ta nữa. Mẹ Maria ở đó, cầu nguyện cho chúng ta, cầu cho người không cầu nguyện. Vì Mẹ là Mẹ chúng ta.

Chào thăm và nhắn nhủ

Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc lại rằng: "Hôm qua (tức là ngày 23/3) là Ngày toàn quốc vệ sự sống, do Quốc hội Ba Lan ấn định vào năm 2004. Nay, trong ngày lễ Truyền tin, Giáo hội tại Ba Lan cử hành ngày Sự Thánh thiêng của cuộc sống. Nhờ lời chuyển cầu của Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa, anh chị em hãy cầu nguyện để trên toàn thế giới có một sự nhạy cảm được đổi mới trong các lương tâm con người, trong các gia đình, trong Giáo hội và xã hội về giá trị sự sống con người trong mọi giai đoạn và mọi hoàn cảnh.

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha chào thăm và nói: "Tôi khuyến khích anh chị em hãy luôn sốt sắng và quảng đại trong đời sống Kitô của anh chị em, nhất là trong chứng tá bác ái đối với những người rốt cùng.

"Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Ngày mai chúng ta mừng lễ Truyền Tin cho Ðức Mẹ, qua đó chúng ta nhớ đến Ðức Trinh Nữ đã đón nhận kế hoạch của Ðấng Tối Cao qua lời thưa xin vâng. Cả anh chị em cũng hãy luôn sẵn sàng và ngoan ngoãn đối với Thánh Ý Chúa. Hãy yêu mến và cầu khẩn Ðức Mẹ Maria rất thánh, xin Mẹ soi sáng và củng cố cuộc sống của anh chị em.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Chúa và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page