Hãy trở nên chứng tá cho Chúa Giêsu

bằng đời sống phục vụ

 

Ðức Thánh cha: Hãy trở nên chứng tá cho Chúa Giêsu bằng đời sống phục vụ.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 21-03-2021) - Trưa Chúa nhật 21 tháng 3 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin dưới dạng trực tuyến từ thư viện tại dinh Tông tòa, vì từ một tuần nay miền Lazio và thành Roma lại bị giới nghiêm, dân chúng không được tự do đi lại, để tránh tình trạng lan lây Covid-19 tái bành trướng. Cuộc giới nghiêm này còn kéo dài đến thứ Ba sau Phục sinh, 6 tháng 4 năm 2021.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ V Mùa chay, thuật lại những người Hy Lạp muốn gặp Chúa Giêsu, từ đó Ðức Thánh cha nhắc đến sứ mạng của các tín hữu làm chứng về Chúa trong cuộc sống của mình.

Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng tôi muốn thấy Chúa Giêsu

"Trong Chúa nhật thứ V Mùa chay này, phụng vụ công bố Tin mừng, trong đó thánh Gioan thuật lại một biến cố xảy ra trong những ngày cuối đời của Chúa Kitô, ít lâu trước khi Chúa chịu khổ nạn (Xc Ga 12,20-33). Trong lúc Chúa Giêsu ở Jerusalem để mừng lễ Vượt qua, một số người Hy Lạp tò mò muốn biết việc Ngài sắp làm, nên họ ngỏ ý muốn được thấy Ngài. Khi đến gần tông đồ Philiphê, họ nói: "Chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu" (v.21). Philiphê nói với Anrê rồi cả hai cùng thuật lại cho Thầy. Trong yêu cầu của những người Hy Lạp ấy, chúng ta có thể nhận ra yêu cầu mà bao nhiêu người nam nữ, thuộc mọi nơi và mọi thời, nói với Giáo hội và cả mỗi người chúng ta: "Chúng tôi muốn thấy Chúa Giêsu".

Câu trả lời của Chúa Giêsu

Vậy Chúa Giêsu trả lời thế nào cho lời thỉnh cầu ấy? Chúa trả lời một cách làm ta suy nghĩ. Ngài nói thế này: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. [...] Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình; trái lại nếu chết đi thì sẽ sinh nhiều hoa trái" (vv.23-24). Những lời này dường như không trả lời cho câu hỏi được những người Hy Lạp ấy nêu lên. Trong thực tế, những lời này còn đi xa hơn nữa. Thực vậy, Chúa Giêsu tỏ cho thấy, đối với mỗi người muốn tìm Ngài, Ngài là hạt giống được giấu ẩn, sẵn sàng chết đi để mang lại nhiều hoa trái. Như thế, Chúa nói: nếu các người muốn biết tôi và hiểu tôi, thì hãy nhìn hạt lúa chết đi trong lòng đất, hãy nhìn thập giá.

Dấu hiệu Thánh giá

Ðức Thánh cha giải thích rằng: "Chúng ta nghĩ đến dấu hiệu Thánh giá, qua bao thế kỷ đã trở thành biểu tượng tuyệt hảo của các tín hữu Kitô. Cả những ai muốn "nhìn thấy Chúa Giêsu", dù họ đến từ những quốc gia và các nền văn hóa trong đó Kitô giáo ít được biết đến, họ thấy gì trước hết? Ðâu là dấu hiệu thông thường nhất mà họ gặp? Thưa đó là cây Thánh giá. Trong các nhà thờ, trong tư gia của các tín hữu Kitô, và cả Thánh giá họ đeo trên thân mình. Ðiều quan trọng là dấu hiệu ấy hợp với Tin mừng: Thánh giá chỉ có thể diễn tả tình yêu thương, phục vụ, hiến thân không chút dè dặt: chỉ như thế Thánh giá mới là "cây sự sống", sự sống dồi dào."

Ðáp ứng của nhiều người muốn thấy Chúa

"Ngày nay cũng có bao nhiêu người, thường không nói ra, nhưng một cách ngấm ngầm muốn thấy Chúa Giêsu, muốn gặp và biết Ngài. Từ đó chúng ta hiểu trách nhiệm lớn của các tín hữu Kitô chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta. Cả chúng ta cũng phải trả lời bằng chứng tá cuộc sống hiến thân trong việc phục vụ. Vấn đề ở đây là gieo vãi những hạt giống tình thương không phải bằng lời nói bay đi, nhưng bằng những gương lành cụ thể, đơn sơ và can đảm. Khi ấy, với ơn thánh, Chúa làm cho chúng ta mang lại hoa trái, cả khi thửa đất khô cằn vì sự thiếu thông cảm, khó khăn hoặc bách hại. Chính khi ấy, trong thử thách và trong cô đơn, trong khi hạt giống chết đi, đó chính là lúc sự sống nảy mầm, để sinh ra những hoa trái chín mùi với thời gian. Chính trong lúc gặp gỡ giữa sự chết sự sống mà chúng ta có thể cảm nghiệm niềm vui và sự phong phú đích thực của tình yêu."

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Xin Ðức Trinh Nữ Maria giúp chúng con theo Chúa Giêsu, bước đi mạnh mẽ và vui tươi trên con đường phục vụ, để tình yêu Chúa Kitô chiếu tỏa rạng ngời trong mọi thái độ của chúng con và ngày càng trở thành lối sống hằng ngày của chúng con".

Chào thăm và mời gọi

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Ðức Thánh cha đưa ra hai lời kêu gọi, liên quan đến các nạn nhân các tổ chức bất lương mafia, và tiếp đến là Ngày Thế giới về nước, cử hành vào thứ hai 22/3 này. Ðức Thánh cha nói:

Hôm nay tại Italia là ngày tưởng niệm và dấn thân nhớ đến các nạn nhân vô tội của của các tổ chức bất lương mafia. Mafia hiện diện tại nhiều nơi trên thế giới và họ lợi dụng đại dịch để làm giàu bằng sự tham nhũng. Thánh Gioan Phaolô II đã tố giác thứ văn hóa chết chóc của mafia, và Ðức Biển Ðức XVI đã lên án mafia như những con đường dẫn đến sự chết. Những cơ cấu tội lỗi này, những cơ cấu mafia, trái ngược với Tin mừng của Chúa Kitô, lẫn lộn đức tin với sự thờ ngẫu tượng. Hôm nay chúng ta tưởng niệm tất cả các nạn nhận và tái quyết tâm chống mafia.

Ðức Thánh cha nói đến điểm thứ hai: Ngày mai, 22 tháng 3, là Ngày Thế giới về nước. Ngày này mời gọi chúng ta hãy suy tư về giá trị của hồng ân tuyệt vời và không thể thay thế được, mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ðối với chúng ta, chị "nước" không phải là một hàng hóa: nó là biểu tượng đại đồng và là nguồn sự sống và sức khỏe. Quá nhiều anh chị em chỉ có ít nước, nhiều khi là nước bị ô nhiễm. Cần bảo đảm cho mọi người được nước uống trong lành và các dịch vụ vệ sinh. Tôi cám ơn, khuyến khích những người thuộc các ngành nghề khác nhau và các vị hữu trách làm việc cho mục tiêu quan trọng dường ấy và tôi nghĩ đến chương trình nước cho mọi người tại Argentina quê hương tôi, nghĩ tới những người đang làm việc để tiến hành chương trình ấy, để hiểu rõ tầm quan trọng của nước.

Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm mọi người đang tham dự buổi đọc kinh qua các phương tiện truyền thông, và ngài đặc biệt nhớ đến những người bệnh và người cô đơn.

Ðức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật tốt đẹp và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page