Kinh nguyện

mở rộng cho chúng ta về Chúa Ba Ngôi

 

Ðức Thánh cha: Kinh nguyện mở rộng cho chúng ta về Chúa Ba Ngôi.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 04-03-2021) - Sáng thứ Tư, ngày 03 tháng 3 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung trực tuyến thứ sáu, tính từ đầu năm 2021, vẫn tại Thư viện trong dinh Giáo hoàng lúc 9 giờ 15 phút. Không có tín hữu nào tham dự trực diện, ngoài hai chức sắc liên hệ và tám linh mục thông dịch viên.

Tôn vinh Lời Chúa

Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn, trích từ đoạn 8 thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Roma (8,14-15.26-27), trong đó thánh nhân viết: "Anh chị em, tất cả những người được Thánh Linh hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Và Anh chị em đã không nhận một tinh thần nô lệ để lại rơi vào trong sự hãi, nhưng đã nhận Thánh Linh, Ðấng làm cho chúng ta trở thành dưỡng tử, nhờ đó chúng ta kêu lên "Abbà, Lạy Cha!"

"Thánh Linh đến giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta; thực vậy, chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng Thánh Linh chuyển cầu bằng những tiếng rên xiết khôn tả, và Thiên Chúa, Ðấng thấu suốt tâm can con người biết Thánh Linh muốn gì, vì Thánh Linh chuyển cầu cho dân thánh theo ý định của Thiên Chúa".

Bài huấn giáo

Trong phần giáo lý tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện và trình bày bài thứ 25 với chủ đề: "Kinh nguyện và Chúa Ba Ngôi", phần I.

Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chính Chúa dạy chúng ta cầu nguyện

Trong hành trình huấn giáo của chúng ta về cầu nguyện, hôm nay và tuần tới đây chúng ta muốn xem, nhờ Chúa Giêsu Kitô, kinh nguyện mở rộng cho chúng ta về Chúa Ba Ngôi, mở ra đại dương của Thiên Chúa Tình Yêu. Chính Chúa Giêsu đã mở cho chúng ta Trời Cao và đưa chúng ta vào trong tương quan với Thiên Chúa. Ðó là điều mà thánh Gioan tông đồ, khi kết thúc lời tựa sách Tin mừng của ngài đã quả quyết: "Thiên Chúa, Ðấng mà không hề có ai đã thấy: Con duy nhất của Ngài, là Thiên Chúa và ở trong lòng Chúa Cha, chính Người đã mạc khải cho chúng ta" (1,18). Thực vậy, chúng ta không biết có thể cầu nguyện như thế nào: những lời nói, những tâm tình và những ngôn ngữ nào thích hợp với Thiên Chúa. Trong lời thỉnh cầu của các môn đệ với Thầy, mà chúng ta thường nhắc đến trong các bài giáo lý này, có tất cả sự mò mẫm của con người, những toan tính được lập đi lập lại và thường bị thất bại khi ngỏ lời với Ðấng Tạo Hóa: "Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện" (Lc 11,1).

Có những kinh nguyện bất xứng

"Không phải kinh nguyện nào cũng như nhau, và không phải tất cả đều thích hợp: chính Kinh thánh làm chứng cho chúng ta về kết quả xấu của bao nhiêu kinh nguyện bị bác bỏ. Có lẽ Thiên Chúa nhiều khi không hài lòng với những lời cầu của chúng ta và chúng ta cũng chẳng nhận thấy điều đó. Thiên Chúa nhìn bàn tay của những người cầu nguyện: để làm cho các bàn tay ấy được tinh tuyền, không cần phải rửa chúng, nhưng đúng hơn cần xa tránh những hành động gian ác. Thánh Phanxicô đã tỏ ra quyết liệt khi khẳng định trong khi cầu nguyện: "Chẳng có người nào đáng kêu danh Chúa" (Bài ca của anh mặt trời).

Gương quan bách quân La Mã

Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Nhưng có lẽ sự nhìn nhận cảm động nhất về kinh nguyện nghèo nàn của chúng ta được bộc lộ trên môi của viên bách quân quan La Mã: một hôm, ông đã xin Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ của ông bị bệnh (xc. Mt 8,5-13). Ông cảm thấy mình rất bất xứng: ông không phải là người Do Thái, nhưng là sĩ quan của một quân đội xâm lăng, bị dân chúng ghét. Nhưng vì lo lắng cho người đầy tớ bị bệnh, ông đã thưa với Chúa: "Thưa Ngài, tôi không đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời thì đầy tớ của tôi sẽ được lành mạnh" (v.8). Ðó là câu mà cả chúng ta vẫn lập lại trong mỗi thánh lễ. Ðối thoại với Chúa là một ơn: chúng ta không xứng đáng, chúng ta không có đòi hỏi, chúng ta "khập khiễng" với mỗi lời nói và mỗi tư tưởng... Nhưng Chúa Giêsu là một cánh cửa mở ra.

Khác với các thần minh, Thiên Chúa yêu thương con người

"Tại sao con người phải được Thiên Chúa yêu thương? Không có những lý do hiển nhiên, cũng chẳng có sự tương ứng... Hơn nữa, trong phần lớn các huyền thoại không có hề có trường hợp nào một thần minh bận tâm tới những chuyện nhân trần; đúng hơn, những việc con người thường gây phiền toái và nhàm chán, hoàn toàn có thể làm ngơ không biết tới. Ðối với cả triết gia Aristote, Thiên Chúa chỉ có thể nghĩ tới Ngài. Cùng lắm chúng ta là những phàm nhân tìm cách làm cho thần minh bớt giận và làm đẹp lòng các thần. Từ đó có nghĩa vụ "tôn giáo" với những cuộc rước tế tự và sùng mộ cần phải dâng cúng để liên tục được ơn huệ của một vị thần câm nín và dửng dưng.

Mạc khải của Chúa Giêsu

"Một Thiên Chúa yêu thương con người, chúng ta không bao giờ có can đảm tin điều đó, nếu chúng ta không biết Chúa Giêsu. Ðó là một điều trái ngược mà chúng ta thấy ghi khắc trong dụ ngôn người cha thương xót, hoặc trong dụ ngôn người mục tử đi tìm con chiên lạc (xc. Lc 15). Những trình thuật thuộc loại đó chúng ta không thể tưởng nghĩ ra, và càng không hiểu chúng được nếu chúng ta không gặp Chúa Giêsu. Có Thiên Chúa nào sẵn sàng chết cho con người? Thiên Chúa nào luôn yêu thương và kiên nhẫn, không đòi được đáp trả tình yêu? Thiên Chúa nào chấp nhận những thiếu xót vô ơn của một người con đòi gia tài trước và ra đi phung phí mọi sự? (xc. Lc 15,12-13)

Tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa

Vì thế, qua cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu kể cho chúng ta Thiên Chúa là Cha đến mức độ nào. "Tam Pater nomo" Không ai là Cha như Chúa. Chúng ta khó lòng tưởng tượng và rất xa tình yêu mà Chúa Ba Ngôi chí thánh cưu mang, và tình thương sâu đậm giường nào giữa Cha, Con và Thánh Thần với nhau. Những ảnh đạo đông phương giúp chúng ta trực giác phần nào mầu nhiệm ấy là nguồn gốc và là niềm vui của toàn thể vũ trụ.

"Nhất là chúng ta khó tin được rằng tình yêu ấy của Chúa được mở rộng, tỏa xuống bờ nhân trần của chúng ta: chúng là là đối tượng của một tình yêu khôn sánh trên trái đất. Sách Giáo Lý giải thích rằng: "Nhân tính thánh thiêng của Chúa Giêsu là con đường qua đó Chúa Thánh Linh dạy chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Cha chúng ta". Ðó là ơn đức tin của chúng ta. Quả thực chúng ta không thể hy vọng một ơn gọi cao cả hơn: nhân tính của Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng cuộc sống của Chúa Ba Ngôi.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Ðức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.

Với các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng Mùa chay là cơ hội thuận tiện để gia tăng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, ăn chay và thực thi bác ái và để sống sâu xa hơn mầu nhiệm tình yêu thương xót của Chúa Cha, được mạc khải trong Chúa Con và được ban trong Chúa Thánh Linh. Anh chị em hãy đón nhận cơ hội này như một thời điểm ân phúc đặc biệt.

Bằng tiếng Ý, sau khi lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực và tái lập dân chủ tại Myanmar cũng như xin các tín hữu cầu nguyện cho cuộc viếng thăm sắp tới của ngài tại Irak, Ðức Thánh cha nói: "Tôi cầu mong rằng Mùa chay dẫn mỗi người trong anh chị em tiến đến một cuộc sống thân mật hơn với Chúa Kitô và chăm chỉ noi gương Chúa hơn."

"Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Anh chị em hãy biết khám phá trong mầu nhiệm Thiên Chúa, Ðấng hiến mình để cứu độ tất cả mọi người, sức mạnh để đương đầu với những lúc khó khăn."

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page